World Cup 2018: Chủ nhà Nga vẫn ngổn ngang nỗi lo

Cac Bai Khac

No sub-categories

World Cup 2018: Chủ nhà Nga vẫn ngổn ngang nỗi lo

Bốn năm sau Thế vận hội mùa đông Sotchi, một lần nữa nước Nga đang chuẩn bị đón một trong những sự kiện thể thao lớn nhất thế giới trong năm nay: Vòng chung kết Cúp bóng đá thế giới 2018, được tổ chức từ ngày 14/06 đến 15/07. Lần đầu tiên ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh được tổ chức tại một quốc gia Đông Âu, sự kiện thể thao lớn này sẽ được hàng tỷ người trên khắp thé giới theo dõi.

Nước chủ nhà đã có 7 năm chuẩn bị  với chi phí tốn kém lên tới nhiều tỷ đô la cùng nhiều thách thức lớn về mặt hậu cần tổ chức khi chỉ còn hơn 6 tháng khai hội. Đến lúc này, câu hỏi lớn đặt ra cho nước chủ nhà và FIFA lúc này là nước Nga có sẵn sàng về tiến độ thời gian ?

Về mặt chính thức, chính quyền Nga và Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới đều tỏ ra lạc quan. Mặc dù vậy, cho đến tháng cuối năm 2017, mới chỉ có 5 trong tổng số 12 sân vận động dự trù cho giải đấu lớn được đưa vào vận hành.. Vẫn còn ít nhất một sân vận động (sân Samara) sẽ chỉ được bàn giao vào tháng Tư tới. Các nhà tổ chức Nga phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các sân vận động hơn nữa từ nay đến ngày khai mạc.

Tuy nhiên trong lễ bốc thăm chia bảng đấu hôm 01/12/2017 tại điện Kremlin, ông Gianni Infantino, chủ tịch FIFA đã lạc quan tuyên bố rằng : « Về mặt chuẩn bị, tôi cho là tất cả đã sẵn sàng. Những cái gì chưa sẵn sàng thì sẽ sớm được hoàn thành…. Mục tiêu của chúng tôi tất nhiên là tổ chức một kỳ Cúp thế giới đẹp nhất. Theo những gì tôi chứng kiến đến giờ, tôi tin là Nga 2018 sẽ là kỳ Cúp thế giới tốt nhất từ trước tới nay ».

Đằng sau niềm lạc quan của nhà quản lý giải đấu, vẫn còn bộn bề những lo toan của nước chủ nhà. Để tổ chức ngày hội bóng đá của cả hành tinh này, nước Nga đã bỏ ra trên chục tỷ đô la (11,6 tỷ). Đây là một khoản ngân sách không hề nhỏ, trong khi mà nền kinh tế Nga vẫn còn đang chới với bấp bênh, gặp rất nhiều khó khăn bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Khoản đầu tư khổng lồ vào một sự kiện mang lợi ích chính trị nhiều hơn là kinh tế như thế này không có gì bảo đảm sẽ hoàn vốn. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng được xây dựng riêng phục vụ sự kiện này đòi hỏi chi phí lớn nhưng có nguy cơ bị bỏ hoang phí sau này.

Nhiều công trình sân vận động được xây các thành phố mà đến giờ ở đó vẫn không có một đội bóng tham gia giải vô địch quốc gia. Người ta lo ngại sau Cúp thế giới, những sân vận động đã được xây cất tốn kém phục vụ sự kiện rồi sẽ không biết được sử dụng vào việc gì.

Bóng đen bê bối doping

Một thách thức khác với chính quyền Nga là vụ bê bối doping kéo dài dai dẳng với thể thao Nga suốt thời gian dài vừa qua vẫn tiếp tục phủ bóng đen lên ngày hội lớn bóng đá thế giới.

Bằng chứng rõ nhất là cuộc họp báo chung của chủ tịch FIFA Gianni Infantino và phó thủ tướng Nga phụ trách thể thao Nga Vitaly Mutko hôm 01/12/2017 nhân lễ bốc thăm chia bảng cho vòng chung kết Cúp thế giới. Trong khi lãnh đạo Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới và chính phủ Nga chỉ muốn trả lời các câu hỏi tập trung vào thể thao hay bóng đá, thì các nhà báo lại chỉ chăm chú đặt hàng loạt câu hỏi liên quan đến các cáo buộc sử dụng doping trong thể thao Nga đã bị Ủy Ban Olympic Quốc Tế trừng phạt nặng nề.

Ông Vitaly Mutko, nhân vật trung tâm của vụ bê bối doping Nga, hôm 27/12 vừa qua đã phải tuyên bố rút khỏi (tạm thời) cương vị chủ tịch Liên Đoàn Bóng Đá Nga và chủ tịch ủy ban tổ chức Cúp thế giới 2018 để tránh chuyện lùm xùm cũ ảnh hưởng đến sự kiện lớn.

Vitaly Mutko được mệnh danh là « ông Thể thao » ở Nga từ nhiều thập kỷ qua. Ông đã bị Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế loại suốt đời khỏi các hoạt động liên quan đến Olympic do các cáo buộc trách nhiệm trong vụ bê bối doping của Nga.

Cũng cần phải nhắc lại là thể thao Nga đang bị dính án phạt nặng nề của quốc tế về chuyện doping. Đầu năm 2018 này, các vận động viên Nga sẽ chỉ được tham dự Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 dưới màu cờ trung lập. Cũng vì bê bối sử dụng doping đó mà thể thao Nga đã bị tước 1/3 số huy chương ở kỳ Thế vận hội Sotchi 2014. Chủ đề doping chắc hẳn vẫn còn ám ảnh ngày hội bóng đá tại Nga.

Về phần mình, FIFA khẳng định tin tưởng hoàn toàn vào chính quyền Nga cũng như các cầu thủ Nga. Chủ tịch FIFA trong cuộc họp báo trên đã tuyên bố : « Nếu có vấn đề nghiêm trọng sử dụng doping trong bóng đá, chúng ta sẽ biết, cho dù đó là ở Nga hay trong bất kỳ nước nào khác ».

Với nước Nga, FIFA có thể yên tâm về vấn đề doping ít nhất trong lĩnh vực bóng đá. Bởi không giống như các môn thể thao mùa đông, dù là nước chủ nhà nhưng bóng đá Nga không có nhiều tham vọng thành tích ở Cúp thế giới lần này.

Ở Sotchi 2014, chính quyền của tổng thống Putin muốn bằng mọi giá Nga phải dẫn đầu bảng xếp hạng huy chương. Còn ở Cúp thế giới 2018, mục tiêu đề ra cho đội tuyển Nga chỉ là vào vòng 1/8 và nếu có thể thì đến tứ kết.

Tham vọng nhỏ đó tương xứng với trình độ chuyên môn còn khiêm tốn của đội tuyển bóng đá Nga nhìn chung cũng như đến thời điểm này. Thành tích cao nhất của bóng đá Nga mới chỉ là vào đến bán kết giải Euro 2008. Tại vòng chung kết Cúp thế giới tới đây, đội tuyển Nga là một trong những đội bóng yếu nhất giải, hiện đứng thứ 65 trong bảng xếp hạng của FIFA. Người hâm mộ Nga thừa nhận mặc dù có lợi thế chơi trên sân nhà, nhưng các cầu thủ của họ đi được tới tứ kết đã là một chiến công.

An ninh, mối lo thường trực

Một thách thức nữa cho nước Nga là bảo đảm an ninh cho ngày hội trước các mối lo không dứt về nạn côn đồ trong bóng đá và đặc biệt là đe dọa khủng bố.

Chính quyền Nga đã ban hành nhiều đạo luật cho phép cấm nhập cảnh vào Nga đối với các hooligan, lập danh sách đen một số nhóm côn đồ bóng đá để sàng lọc các cổ động viên ngoại quốc đến Nga.. Thế nhưng, các nhà tổ chức Nga cũng phải đau đầu lo nạn Hooligan ngay ở trong nước mình. Các côn đồ bóng đá Nga vốn nổi tiếng với những hành vi kỳ thị chủng tộc và hung hãn. Mọi người vẫn còn chưa quên các vụ ẩu đả trên bến cảng Marseille của Pháp trong Euro 2016 giữa hooligan Nga và Anh .

Chủ tịch Gianni Infantino đã cảnh báo FIFA sẽ « cực kỳ kiên quyết » xử lý các hành vi kỳ thị chủng tộc. Lần đâu tiên tại Cúp thế giới, trọng tài có quyền cho ngừng hoặc hủy trận đấu vì các sự cố liên quan đến vấn đề kỳ thị chủng tộc.

Còn nỗi lo khủng bố, một mối đe dọa đã trở nên thường trực, chính quyền Nga đã chuẩn bị những biện pháp nghiêm ngặt nhất để phát hiện sớm các âm mưu. Các thành phố đón tiếp trận đấu đang được tăng cường lắp đặt hệ thống camera giám sát. Đội chó nghiệp vụ sẽ được triển khai trên từng chuyến tàu, xe bus trong thời gian diễn ra Cúp thế giới.

Còn hơn 6 tháng nữa ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh sẽ khai cuộc tại Matxcơva, nước chủ nhà đang phải lao vào cuộc chạy đua với thời gian để đón tiếp một sự kiện thể thao được hàng tỷ người trên trái đất theo dõi. Nhưng đây cũng là cơ hội tốt nhất để nước Nga có thể xóa đi những dị nghị khi được trao quyền đăng cai Cúp thế giới và mang lại một hình ảnh mới cho bức tranh thể thao Nga đang u mám vì bóng đen của bê bối doping. – RFI