WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế quốc tế vì dịch Ebola

Cac Bai Khac

No sub-categories

WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế quốc tế vì dịch Ebola

Tổ chức Y tế Thế giới hôm nay tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế quốc tế vì dịch Ebola ở Tây Phi, một ngày sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ khởi động trung tâm hoạt động khẩn cấp ở mức cao nhất để ứng phó với vụ bộc phát của dịch bệnh nguy hiểm này.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, bà Margaret Chan, hôm nay tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế quốc tế vì dịch Ebola ở các nước Tây Phi:

“Sáng nay tôi tuyên bố vụ bộc phát dịch Ebola hiện nay là một tình huống khẩn cấp về y tế công cộng trên tầm mức quốc tế. Mọi thành viên trong ủy ban đều tán thành quyết định này. Ủy ban yêu cầu tôi thừa nhận tính chất nghiêm trọng và bất thường của vụ bộc phát và khả năng lây lan thêm nữa trên phạm vi quốc tế và nhấn mạnh tới việc cần có một sự phối hợp quốc tế mạnh mẽ hơn để ứng phó.”

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới nói rằng tuyên bố đó không có nghĩa là tất cả mọi nước hoặc nhiều nước sẽ có những ca bệnh Ebola. Bà nói rằng sự đề cao cảnh giác đối với sự lây lan của Ebola là một việc quan trọng, đặc biệt là ở 3 nước Guinea, Liberia và Sierra Leone, nơi đã có hơn 900 người chết vì Ebola kể từ tháng 3.

Trong khi đó, Bác sĩ Thomas Frieden, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cho biết tại một cuộc điều trần ở quốc hội Mỹ ngày hôm qua là CDC sắp sửa phái 50 chuyên gia dịch bệnh tới Tây Phi. Việc này diễn ra sau khi CDC khởi động trung tâm hoạt động khẩn cấp ở mức cao nhất để ứng phó với vụ bộc phát Ebola:

“Tôi tin là nếu chúng tôi làm những việc có hiệu quả thì chúng tôi có thể chận đứng vụ bộc phát này. Nhưng việc này đòi hỏi thời gian và không phải là dễ dàng. Nó đòi hỏi sự chú ý tỉ mỉ tới các chi tiết, bởi vì nếu chúng ta để sót một tàn lửa nhỏ thì sự việc cũng giống như một vụ cháy rừng: nó sẽ bùng ra trở lại. Một bệnh nhân không được cách ly, một bệnh nhân không được chẩn đoán, một nhân viên chăm sóc sức khỏe không được bảo vệ, một sự tiếp xúc không được truy tung. Mỗi một sự thiếu sót như thế đều có thể tạo ra một chuỗi lây nhiễm mới và một vụ bộc phát mới.”

Tại Liberia, quân đội đang hạn chế việc du hành tới những vùng bị ảnh hưởng nặng nhất kể từ khi chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp hồi đầu tuần này.

Ông Mahamed Jabateh, một cư dân ở vùng Klay Junction, nằm trong số những người cho rằng những biện pháp hạn chế đó là thái quá.

“Những người sống ở bên này họ phải dựa vào việc những người trong gia đình đi qua bên kia để mang thức ăn cho con cái của họ. Có rất nhiều người ở bên này mà không có cách nào để tới được với con cái của họ.”

Một cư dân khác ở Klay Junction, bà Norwa Freeman, cũng tỏ ý than phiền.

“Bây giờ chúng tôi không thể lấy nước ở phía bên kia hàng rào. Từ tối hôm qua tới giờ chúng tôi không có nước để uống, không có nước để tắm rửa.

Giới hữu trách tin rằng sự bất tiện do các biện pháp hạn chế du hành gây ra có lẽ sẽ giúp cho một số người không bị phơi nhiễm với vi rút Ebola.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết Ebola giờ đây đã giết chết hơn 930 người ở Tây Phi, hầu hết là ở 3 nước Liberia, Sierra Leone và Guinea.

Tòa Bạch Ốc ngày hôm qua loan báo việc thành lập một nhóm công tác đặc biệt về Ebola để đề ra một chính sách về việc có thể dùng loại thuốc thử nghiệm để chữa trị các bệnh nhân Ebola ở Tây Phi.

Loại thuốc chưa được chính phủ Mỹ cho phép thử nghiệm trên người hoặc sử dụng cho người này dường như đã mang lại kết quả tốt sau khi được dùng để chữa cho hai người Mỹ được đưa về nước sau khi nhiễm Ebola ở Tây Phi. – VOA