-Tất cả lý thuyết về Cần Lao Nhân Vị của ông Ngô Đình Nhu đăng trong tờ báo này qua bài nói chuyện của ông Ngô Đình Nhu tại trường Võ bị Quốc gia VN ở Đà Lạt mà Đỗ La Lam đã tóm lược toàn bộ, với sự góp ý của đích thân chủ nhiệm kiêm chủ bút Ngô Đình Nhu.
Bài nói chuyện về lý thuyết Cần Lao Nhân Vị của ông Nhu tại trường Võ bị Quốc Gia Đà Lạt sau này, được các lý thuyết gia của Đảng Cần Lao Nhân Vị dùng làm cái khung để xây dựng chính cương Đảng Cần Lao Nhân Vị mà ông Nhu có ý muốn để ông chú của Vương Tân là cụ Tạ Chương Phùng làm Tổng bí thư, nhưng ông chú của Vương Tân đã từ chối. Tôi nói, thì ông cứ đọc đi và cho ý kiến. Ông bảo:
– Gặp ông Nhu thì gặp nhưng mình nói trước không bàn chuyện chính trường.
-Mình sẽ gặp lại ông Nhu và sau đó thống nhất ngày gặp nhé.
Tôi hỏi ông Nguyễn Phan Châu rằng:
-Tôi sẽ đi xe Mô bi lét như ông vô dinh Độc Lập được không?
-Được chứ, nhưng phải vô cổng Nguyễn Du.
Ngay khi Nguyễn Phan Châu -Tạ Chí Diệp ra về, Vương Tân đã mở tờ tạp chí Xã Hội ra đọc và ngạc nhiên vô cùng khi thấy ông Ngô Đình Nhu được mời thuyết trình trước sinh viên sĩ quan Đà Lạt, khi trường này mới từ Đập Đá Huế chuyển về Đà Lạt. Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt là trường đào tạo sĩ quan hiện dịch cho Quân Đội Quốc Gia VN. Sinh viên tốt nghiệp trường này khi ra đơn vị chiến đấu được mang quân hàm thiếu úy. Trường này là nơi được coi như cái nôi của Quân Đội Quốc Gia VN của Quốc Trưởng Bảo Đại mà ông Ngô Đình Nhu lúc đó chỉ là một chính khách không nổi tiếng gì lắm; nhưng nhờ có sự giới thiệu của ông Trần Quốc Bửu, chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Công VN giới thiệu ông Ngô Đình Nhu là một trong những sáng lập viên của Tổng Liên Đoàn Lao Công VN mà ông Nhu được mời đăng đàn nói về một vấn đề quan trọng. Đó là vấn đề địa vị của con người trong xã hội xung đột giai cấp vì quyền lợi kinh tế.
Bài nói của ông Nhu đã đặt ra một vấn đề coi như vấn đề sinh tử của thời đại. Đó là vấn đề chủ nghĩa cộng sản và đường lối đấu tranh giai cấp của Mác Lê Nin trước thế giới loài người.
Ông Nhu đã đưa ra một học thuyết mà ông gọi là học thuyết Cần Lao Nhân Vị. Học thuyết ấy lấy con người làm trung tâm để giải quyết mọi vấn đề. Theo ông Nhu khi đã đặt con người làm trung tâm để giải quyết vấn đề xã hội thì không còn vấn đề gọi là đấu tranh nữa. Vì đấu tranh là thuộc tính của loài vật. Còn thuộc tính của loài người là hòa hợp cùng tồn tại. Con người có hai đời sống vật chất và tâm linh. Cả hai đời sống này đều quan trọng như nhau. Để thăng tiến con người trong xã hội loài người ngày nay, tốt nhất là thăng tiến cần lao đồng tiến xã hội, với mục tiêu lao động và tư bản cùng có lợi như cương lĩnh của Tổng Liên Đoàn Lao Công đã đề ra, chứ khôngphải đấu tranh giai cấp.
Bài nói của ông Nhu tương đối hay, vấn đề ông Nhu đặt ra đúng là vấn đề cốt lõi của thời đại làm Vương Tân phải suy nghĩ. Đúng lúc đó giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu đạp chiếc xe đạp đòn giông lại tòa soạn báo Việt Chính nói nhỏ với Vương Tân:
– “Đi hạ cờ Tây ở đường rầy xe lửa với tớ nhé”.
Giáo sư Lâu là một trí thức lớn. Ông đậu tới 5 bằng cử nhân tại đại học Sorbonne [Paris]. Khi dậy học ở Huế giáo sư Lâu là người được nhà cách mạng Phan Bội Châu coi là nhân vật có thể nói chuyện được; và nhà báo Huỳnh Thúc Kháng coi như chỗ trong nhà. Ông thích bông phèng và hay nói lái, như cờ Tây là nói lái hai chữ Cầy tơ [thịt chó]. Hay “mộc tồn” chữ Nho có nghĩa là Cây còn, nói lái hai chữ Cây còn là con cầy.
-Tại đường rầy xe lửa khúc gần đường Trần Quí Cáp có món “mộc tồn” hấp và món chả chìa hết ý đấy, đi với tớ nhé.
-Xin tuân lệnh, đại huynh.
Vương Tân xách xe mô bí lét vàng tới cái quán thịt chó nằm bên đường rầy xe lửa, ngửi thấy mùi chả chó nướng thơm lừng.
Gíao sư Lâu dựng xe đạp trước quán và lấy cái túi có chai rượu đế Gò Công ra rồi gọi chủ quán cho thịt chó hấp, thêm món chả chìa rồi nói:
-Chén những món này phải anh đế Gò Công mới hợp khẩu vị. Rượu nếp chính cống không thứ nào sánh nổi với thứ này đâu. Whisky, Cognac còn thua xa.
Rượu ngà ngà rồi Vương Tân hỏi giáo sư Lâu về nhân vật Ngô Đình Nhu, giáo sư Lâu cười rồi nói:
-Ông Nhu thua bọn mình món uống rượu. Tuy nhiên ông hút hít thì lại hơn bọn mình. Nhu lớn tuổi hơn mình nhưng lại học cùng lớp với mình ở Sorbonne và École National des Chartes. Ngay cái luận văn tốt nghiệp trường này năm 1938 viết về Phong tục và trang phục người An nam ở Bắc kỳ ông Nhu cũng tham khảo ý kiến mình nhiều.
– Đại huynh có thể cho đệ biết về cái thuyết Cần Lao Nhân Vị của ông Nhu?
– Chén đi, thuyết Cần Lao Nhân vị là của hai triết gia Emmanuel Mounier và Jacques Maritain. Ông Nhu chỉ xào nấu chế biến lại cho hợp với VN. Đằng ấy đừng quên là ông Nhu đối rất tốt với mình, nhưng mình không quen ra luồn vào cúi, nên chẳng nhận một chức vụ gì ông Nhu ban tặng; mình chỉ nhận làm anh chuyên viên ở bộ Thông Tin và dạy học. Trong cái nghề dạy học thì mình trên chân nhiều tên như Trương Công Cừu chẳng hạn. Nó láo với mình thì mình phải trả đũa. Chuyện đến tai ông Nhu. Ông ấy không nói gì.
Sau bữa uống rượu ăn thịt chó với giáo sư Lâu buổi chiều Vương Tân lại thăm bà chị kết nghĩa tên Kim, con gái cụ án sát Nguyễn Trần Mô nhà ở bên kia cầu Thị Nghè phía chợ, gặp luật sư Lê Quang Luật đang ăn cơm ở đó. Luật sư mời Vương Tân lai rai vài ly. Nhân dịp này, Vương Tân có hỏi luật sư Luật, người từng là cố vấn chánh trị của Đức Cha Lê Hữu Từ, nhân vật sáng lập ra khu tự trị Phát Diệm về chuyện cha Từ đã cưu mang ông Ngô Đình Nhu ở Phát Diệm, và tổ chức cho ông Nhu từ khu tự trị Phát Diệm vào Thanh Hóa rồi đi sang Lào thoát vào Saigon ra sao. Luật sư Luật xác nhận có chuyện Đức cha Từ cưu mang ông Nhu trong khi Việt Minh đang tìm cách bắt ông Nhu. Còn chuyện đưa ông Nhu từ Phát Diệm vàoThanh Hóa rồi sang Lào thì chính luật sư Luật nhờ một người thân của ông, là ông Hoàng Bá Vinh làm. Sau đó Trần KimTuyến và Nguyễn văn Châu đã hộ tống ông Nhu từ Thanh Hóa sang Lào rồi đưa vào Saigon.
-Tại sao luật sư đang làm bộ trưởng bộ Thông Tin của chính phủ Ngô Đình Diệm lại đi làm Đại biểu Chánh Phủ tại Bắc Việt?
-Mình đi ra Bắc là muốn tổ chức cuộc di cư cho đồng bào Bắc Việt. Mình coi chuyện này quan trọng hơn việc làm bộ trưởng bộ Thông Tin.
-Luật sư có lường trước việc ra Bắc là sẽ bị “chơi” không?
-Mình đã biết ông Nhu là người mê Machiavelli, nên đã uống rượu nhiều và nhờ vậy mình thoát khỏi gia đình họ Ngô. Cậu nên nhớ đệ tử Machiavelli ghê gớm lắm. Cái ông tác giả cuốn Quân vương [The Prince] này là ông trùm “bá đạo” ai mà “lậm”nó thì luôn bất chấp thủ đoạn để đạt mục đích. Lý Đông A đã phân tích cho mình nghe khá kỹ về cuốn Quân Vương [The Prince] mà ông ấy đọc qua bản tiếng Anh và tiếng Ý.
-Theo luật sư chủ nghĩa nhân vị và học thuyết nhân chủ của lãnh tụ Lý Đông A khác nhau như thế nào?
-Học thuyết Nhân chủ nằm trong chủ nghĩa Duy Dân của Lý Đông A là một triết thuyết đưa con người vào vị trí trung tâm của vũ trụ. Con người làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ cuộc đời của họ về cả hai phương diện vật chất và tâm linh. Nó hoàn toàn khác với chủ nghĩa nhân vị của Mounier và Maritain do ông Nhu xào nấu và triển khai thành thuyết Cần Lao Nhân Vị.
Sáng hôm sau Nguyễn Phan Châu-Tạ Chí Diệp trở lại tòa soạn tuần báo Việt Chính tìm Vương Tân báo tin 10 giờ ông Nhu sẽ gặp Vương Tân tại tòa nhà cánh phải Dinh Độc Lập nằm phía đường Nguyễn Du. Ông Nhu có ý cho xe đón, nhưng Nguyễn Phan Châu – Tạ Chí Diệp nói Vương Tân muốn đi xe mô bi lét vô dinh Độc Lập. Ông Nhu cười và nói ông chiều ý Vương Tân.
Nguyễn Phan Châu – Tạ Chí Diệp dẫn Vương Tân vào dinh Độc Lập qua cửa đường Nguyễn Du. Sau khi để xe vào nhà xe của Dinh Độc Lập, Vương Tân và Nguyễn Phan Châu – Tạ Chí Diệp được mời lên một chiếc xe Peugeot 204 do nhân viên sở nội dịch Dinh Độc Lập lái đưa tới tòa nhà quét vôi mầu trắng bên hông dinh Độc Lập phía đường Nguyễn Du.
Ông Nhu tiếp Vương Tân và Nguyễn Phan Châu Tạ – Chí Diệp tại phòng khách đơn sơ nơi làm việc.
Ông Nhu nói với Vương Tân ông đã đọc kỹ bài viết Vượt Mác của VươngTân, thấy được lắm. Tuy nhiên ông muốn hỏi Vương Tân có đọc Lý Đông A chưa?
Vương Tân trả lời ông Nhu là không những đã đọc toàn bộ trước tác của Lý Đông A, mà còn được nghe và nói chuyện với Lý Đông A nhiều lần. Tuy nhiên theo chỗ Vương Tân biết, thì luật sư Nguyễn Hữu Thống tức nhà văn Nhuệ Hồng đương làm việc với ông Nhu cũng khá thông thạo nhân vật Lý Đông A; nhưng người thông thạo nhất phải là luật sư Nghiêm Xuân Hồng. Tác giả Lý Đông A lập thuyết và trước tác là cho thế kỷ 21 chứ không cho hôm nay cho bây giờ. Những gì Lý Đông A làm giống như Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc làm với Đạo Cao Đài vậy. Đó là những thứ cho tương lai Đạo Cao Đài với danh xưng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, tôn giáo của thiên niên kỷ thứ ba sau khi Thiên Chúa giáng sinh.
Ông Nhu tỏ ý tán thành những gì Vương Tân nói và cho biết sắp tới ông sẽ cho triệu tập Đại Hội Văn Hóa Toàn Quốc. Ông muốn Vương Tân tham gia ban vận động triệu tập Đại Hội Văn Hóa Toàn Quốc, Vương Tân vui vẻ nhận lời. Do đó với tư cách phó ban văn học của Ban vận động triệu tập Đại hội văn hóa toàn quốc, Vương Tân có họp với ông Nhu thêm vài lần nữa, và đã thấy lối làm việc của ông Nhu là luôn chỉ thị, ít chịu nghe ý kiến của người đối thoại, nên tự ý xa lánh.
Sau này nghe tin Nguyễn Phan Châu – Tạ Chí Diệp bị thủ tiêu trên sông Nhà Bè bởi công an của chế độ Ngô đình Diệm cùng với các ông Nguyễn Bảo Toàn, Vũ Tam Anh, nên năm 1972 một bữa dân biểu Ngô Trọng Hiếu một người khá tin cẩn của chế độ Ngô Đình Diệm, từng làm bộ trưởng Công Dân Vụ trong chính phủ Ngô Đình Diệm, và thần tượng ông Ngô Đình Nhu lại thăm Vương Tân tại tòa soạn nhật báo Hòa Bình ở đường Phạm Ngũ Lão quận 2, với tư cách một bạn văn [ông Hiếu từng dịch sách chung với nhà văn Nguyễn Hiến Lê]. Vương Tân có hỏi ông Hiếu rằng tại sao các ông Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Diệm lại cho lệnh thủ tiêu những người như Tạ chí Diệp [Nguyễn Phan Châu], Nguyễn Bảo Toàn, Vũ Tam Anh là những người thân thiết với chế độ tuy rằng bất đồng chánh kiến?
Ông Hiếu nói rằng vụ này xẩy ra là vì trình độ tiếng Pháp của ông lính khố đỏ mang hàm đại tá giám đốc cảnh sát, và trung ương tình báo Nguyễn văn Y, khi ông ta trình hồ sơ ba nhân vật trên với Tổng Thống thì Tổng Ngô Đình Diệm không xem, và nói thõng mỗi một chữ “annulé” nghĩa là hủy bỏ, tức hủy bỏ cái hồ sơ này, không ngờ đại tá Y nghe chữ “hủy bỏ” liền nghĩ tới chuyện thủ tiêu nên về ra lệnh cho thuộc cấp đem ba nhân vật Tạ Chí Diệp [Nguyễn Phan Châu], Nguyễn Bảo Toàn,Vũ Tam Anh ra sông Nhà Bè thủ tiêu!
Sau vụ này, một bữa Tổng thống Ngô Đình Diệm hỏi đại tá Y đã thả ba nhân vật mà ông ra lệnh hủy hồ sơ chưa? Tổng thống kinh ngạc khi nghe đại tá Y báo cáo… và đã cách chức Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia và giám đốc trung ương tình báo của đại tá Y. Theo dân biểu Hiếu thì vụ ba nhân vật Nguyễn Phan Châu -Tạ Chí Diệp, Nguyễn Bảo Toàn bị cảnh sát chế độ thủ tiêu, dù ngoài ý muốn của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nhưng cũng là một vết nhơ của chế độ. Tuy nhiên chuyện này không liên hệ gì với ông Ngô Đình Nhu.
Vương Tân