Vụ xử Thăng – Thanh: Tổng Trọng vươn xa tới đâu?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Vụ xử Thăng – Thanh: Tổng Trọng vươn xa tới đâu?
10/01/2018

Ông Đinh La Thăng được dẫn giải tới tòa hôm 8/1.

Cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng không dừng lại ở vụ ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, giữa lúc cựu ủy viên Bộ Chính trị từng làm bí thư thành ủy TP HCM khai rằng một quyết định gây tranh cãi hiện nay từng được cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “chấp thuận”, theo các nhà quan sát.
Liên quan tới cáo buộc gây thiệt hại hơn trăm tỷ đồng khi cho Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí PVC (công ty con của Tập đoàn dầu khí, PVN) làm tổng thầu thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 dù không đủ năng lực, ông Thăng hôm 9/1 khai rằng đó là “chủ trương đúng”, được thủ tướng [Nguyễn Tấn Dũng] “chấp thuận” từ năm 2009 và “theo chủ trương của Bộ Chính trị”.
Ông Dũng chưa lên tiếng trước lời khai của ông Thăng tại tòa. VOA Việt Ngữ không thể liên lạc để phỏng vấn cựu thủ tướng.
Ông Nguyễn Tấn Dũng và Tổng bí thư Trọng tại Đại hội Đảng 12 năm 2016.

Ông Nguyễn Tấn Dũng và Tổng bí thư Trọng tại Đại hội Đảng 12 năm 2016.

Viết trên Facebook cá nhân, luật sư Trần Vũ Hải đặt câu hỏi liệu ông Thăng có “bị oan” hay không.
Trong khi đó, giáo sư Carl Thayer nói rằng vụ bắt giữ và xử cựu ủy viên Bộ Chính trị đầy quyền lực khiến ông “bất ngờ” vì nó “chưa từng có tiền lệ”.
“Nó cho thấy lãnh đạo đảng coi việc quản lý yếu kém khi còn đương nhiệm là một tội nặng”, ông nói.
Ngoài ra, nhà nghiên cứu về chính trường Việt Nam cho rằng Tổng bí thư Trọng “nghiêm túc xử lý tình trạng tham nhũng lan tràn” và “sẽ nhắm vào những ai trực tiếp liên quan và những người không điều hành tốt”.
Phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, ông Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và “Tham ô tài sản” sẽ tiếp diễn cho tới cuối tháng này.
Bà Petra Isabel Schlagenhauf, luật sư người Đức của ông Thanh, cho rằng thân chủ của mình chỉ là “tốt thí” và rằng “đấu đá nội bộ gây ra tình trạng hiện nay” của cựu quan chức tỉnh Hậu Giang này.
Ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Nguyễn Phú Trọng trước khi dự Đại hội Đảng năm 2016.

Ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Nguyễn Phú Trọng trước khi dự Đại hội Đảng năm 2016.

Lâu nay, các hãng tin có văn phòng ở Hà Nội như Reuters dẫn lời các nhà quan sát và phân tích cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam “nhắm vào những người thân cận với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”, người mà theo Reuters đã “thất bại trong cuộc tranh giành quyền lực năm 2016” với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Khi được hỏi về “động cơ chính trị” trong cuộc chiến chống vấn nạn gây bức xúc dư luận ở Việt Nam, giáo sư Thayer nói: “Rõ ràng là trong thời kỳ 10 năm khi ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng, có tình trạng tham nhũng lớn, làm thất thoát tài chính nghiêm trọng cho nhà nước và ảnh hưởng tới danh tiếng của Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài ra, cũng rõ ràng rằng tham nhũng gây thiệt hại hàng triệu đôla cũng đủ là lý do để xử lý những người liên quan trực tiếp. Tôi cho rằng các lý do về pháp lý và kinh tế là động cơ chính”.
Ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh tại tòa hôm 8/1.

Ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh tại tòa hôm 8/1.

Ông nhận định tiếp rằng “sự sụp đổ của ông Thăng có thể là dấu hiệu cho thấy rằng liên minh “loại trừ ông Dũng” do Tổng bí thư Trọng đứng đầu quyết tâm chặt đứt sự chống đối của những người còn sót lại từ thời ông Dũng đối với chương trình nghị sự chính trị của mình”.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà quan sát chính trường Việt Nam, và đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, từng nói với VOA Việt Ngữ rằng vụ ông Thăng “là một động thái cho thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đội ngũ của ông đang củng cố quyền lực bằng cách kiềm chế hay loại bỏ những nhân vật được cho là gần gũi với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”.
Về ý kiến cho rằng Việt Nam đang áp dụng các bài học từ chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Trung Quốc, ông Thayer nói: “Tôi sẽ ngạc nhiên nếu các lãnh đạo Việt Nam không học hỏi chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình và xác định các bài học”.
Nhà nghiên cứu từ Australia này nhận định thêm: “Sự khác biệt lớn nhất giữa Trung Quốc và Việt Nam liên quan tới chiến dịch chống tham nhũng đó là ông Tập Cận Bình đã thâu tóm quyền lực chưa từng có trên cương vị tổng bí thư và chủ tịch nước. Còn Việt Nam theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo dưới trướng tổng bí thư”.
 Đường dẫn trực tiếp