Vụ Trịnh Xuân Thanh: Người Việt yêu cầu chính phủ Đức bảo vệ

Cac Bai Khac

No sub-categories

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Người Việt yêu cầu chính phủ Đức bảo vệ
20-9-2017
ĐSQ VN ở Đức. Nguồn: AP
Cộng đồng người Việt ở Đức nói họ cần được các cơ quan nhà nước Đức bảo vệ và yêu cầu chính quyền liên bang ngăn cản những vụ bắt cóc tương tự như vụ Trịnh Xuân Thanh, mà ngoại trưởng Đức miêu tả là giống như trong phim thời chiến tranh lạnh.
Trong một bức thư gửi đến Ngoại trưởng Sigmar Gabriel, một diễn đàn của người Việt ở Đức có tên gọi “Việt Nam 21” nói “cộng đồng người Việt tại Đức hiện nay cảm thấy bất an vì các hoạt động của tình báo Việt Nam” và kêu gọi chính phủ liên bang có các biện pháp để bảo vệ họ.
Theo bức thư thì nỗi lo sợ đặc biệt tăng cao từ khi ông Hồ Ngọc Thắng, một nhân viên của Văn Phòng Liên Bang Đức về Di trú và Người Tị Nạn, bị cáo buộc là hoạt động tuyên truyền cho chính quyền Hà Nội, ông bị nghi là lợi dụng công việc với chính phủ Đức để do thám hay theo dõi đồng hương.
“Cộng đồng Việt Nam tại Đức cảm thấy rất bất ổn, thấy bị theo dõi qua hoạt động của các điệp viện tình báo Việt Nam,” Tiến sĩ Dương Hồng Ân, điều hợp viên của Diễn đàn Việt Nam 21, nói với VOA. “Và nhất là khi mới đây một người Việt Nam làm việc tại một cơ quan liên bang của Đức – người đó cũng có thể đã theo dõi vì họ có thể biết nhiều về cá nhân người Việt ở Đức.”
Ông Thắng, 64 tuổi, bị sở di trú và tị nạn trực thuộc Bộ nội vụ liên bang Đức buộc phải thôi việc vào đầu tháng 9, vì những status của ông trên Facebook cá nhân về mối quan hệ Việt-Đức trong khi nhiều tờ báo Đức nêu lên những ngờ vực về vai trò của ông Thắng trong vụ Trịnh Xuân Thanh.
Trong cộng đồng hơn 130.000 người Việt ở Đức, những người có tư tưởng chỉ trích chế độ cầm quyền ở Việt Nam, “bất kể là người xuất khẩu lao động trước đây, cựu thuyền nhân, doanh nhân hay sinh viên, đều cảm thấy lo sợ bị bắt cóc hoặc bị hăm dọa,” theo Diễn đàn Việt Nam 21 – một tổ chức kêu gọi một nền dân chủ pháp trị ở Việt Nam. Tổ chức này nói trong bức thư gửi đến ngoại trưởng Đức hôm 30/8 rằng “hơn bao giờ hết người Việt tại Cộng hòa Liên bang Đức, và cả người Đức gốc Việt, rất cần sự bảo vệ của các cơ quan nhà nước Đức.”
Tiến sĩ Ân, người đã sống ở Đức hơn 30 năm, cho VOA biết ngoại trưởng Gabriel chưa phản hồi về bức thư nhưng trước đây diễn đàn đã nhận được những phản hồi từ Bộ Ngoại giao Đức, yêu cầu sự quan tâm của chính phủ Đức đối với vấn đề nhân quyền ở Việt Nam và những vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc với Việt Nam trên biển Đông.
“Đây là một vấn đề tế nhị nên tôi nghĩ nhân viên của Bộ Ngoại giao cũng phải suy nghĩ trước khi trả lời.”
Vụ Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc hôm 23/7 ở Berlin, theo cáo buộc của chính phủ Đức, đã làm cho mối quan hệ song phương giữa 2 nước trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Đức yêu cầu Việt Nam cho phép cựu lãnh đạo ngành dầu khí quay trở lại Đức, trong khi Việt Nam nhất quyết cho rằng ông Thanh đã tình nguyện về đầu thú. Ông sẽ bị xét xử về cáo buộc “làm thất thoát tài sản nhà nước” lên tới gần 3.300 tỷ đồng.
Với hình ảnh chiếc xe dùng để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh còn nhiều vết máu sau khi cảnh sát điều tra Đức trả lại cho chủ nhân, khiến người Việt lo sợ hơn bao giờ hết, theo nhà báo Lê Trung Khoa từ Berlin.
“Với cáo buộc rõ ràng của phía Đức rằng đại sứ quán Việt Nam tham gia và tổ chức việc này thì đương nhiên người ta lo ngại,” nhà báo Khoa nói với VOA. “Vì một cơ quan đại diện cho họ lại làm việc đó nên họ rất lo ngại. Quả thực bà con rất lo ngại nhất là những người có tiếng nói phản biện, khác với quan điểm của Đảng Cộng sản trong nước.”
Ông Khoa cho biết bản thân ông nghi ngờ mình đang bị mạng lưới mật vụ Việt Nam theo dõi sau khi đăng nhiều bài viết về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Cũng theo nhà báo này, cộng đồng người Việt trở nên “dè dặt” trong việc tham gia và ủng hộ các hoạt động tại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại.
“Bây giờ nếu mà tham gia họ lại bị dính dáng vào nơi mà phía Đức coi là chỗ có hoạt động bất hợp pháp. Đương nhiên là những người làm ăn kinh doanh bên này họ không muốn tham gia vào vị họ không muốn bị dây dưa vào chuyện như vậy, đặc biệt là vấn đề điều tra của cảnh sát Đức.”
Viện công tố Liên bang Đức khẳng định Trịnh Xuân Thanh được đưa vào trụ sở sứ quán Việt Nam tại Berlin trước khi bị đưa về Việt Nam, và một nhân viên tòa đại sứ Việt Nam đã bị trục xuất khỏi Đức vì vụ việc này.
Theo Bộ Ngoại giao Đức thì Việt Nam đã tiếp xúc với phía Đức để đàm phán và giải quyết mối căng thẳng sau vụ bắt cóc. Nhưng hiện tại cảnh sát Đức vẫn tiếp tục điều tra vụ bắt cóc mà Đức gọi là một hành động “vi phạm nghiêm trọng luật lệ Đức” giữa lúc quốc hội Đức đang bận rộn chuẩn bị cho cuộc bầu cử ngày 24 tháng này.
Theo nhà báo Khoa, dù thế nào đi nữa thì chính phủ Đức cũng sẽ không để cho công dân nước họ bị đe dọa hay bắt cóc.