Vũ nhôm và “thần tượng” Nguyễn Bá Thanh
21-9-2017
Diễn biến mới nhất tại Đà Nẵng đúng như chúng tôi kỳ vọng nhưng nằm ngoài dự đoán của nhiều người: Sau khi Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng thông báo kết luận về những sai phạm của Bí thư và Chủ tịch thành phố, cùng một lúc Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo thanh tra toàn diện các dự án trên bán đảo Sơn Trà và Bộ Công an vào cuộc điều tra 9 dự án và việc mua bán chuyển nhượng tài sản công tại 31 địa chỉ ở Đà Nẵng.
Việc triển khai “song kiếm hợp bích” để tấn công vào thành trì “lợi ích nhóm” gần như bất khả xâm phạm trong hàng chục năm ở Đà Nẵng, chứng tỏ “cái lò” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang đốt lên không phải để cho vui. Nó cũng chứng tỏ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình không phải là những nhà lãnh đạo bị các nhóm lợi ích nơi này che mắt hay chi phối. Những người khác trong Chính phủ tôi không biết, chỉ biết là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam e ngại các nhóm lợi ích này đến mức khi đích thân đi thị sát bán đảo Sơn Trà ông vẫn không dám nhìn vào những sai phạm. Mà chẳng trách gì ông Vũ Đức Đam, trong suốt hai mươi năm qua hầu hết các bộ, ngành liên quan ở Trung ương không thể không biết những sai phạm về đất đai ở Đà Nẵng nhưng đều làm ngơ không đả động đến.
Từ thông báo những sai phạm của Bí thư Thành ủy đương nhiệm, người ta có thể lần ra một nhân vật liên quan đến cái xe cho tặng Thành ủy Đà Nẵng và 2 căn nhà mà gia đình Bí thư Thành ủy sử dụng. Nhân vật đó là ông Phan Văn Anh Vũ, tục gọi là Vũ nhôm.
Có người nói với tôi tất cả 9 dự án và 31 địa chỉ công sản mà cơ quan an ninh điều tra đang kiểm tra đều liên quan đến Vũ nhôm. Tôi chưa có thời gian xác minh, tôi chỉ biết chắc một số trong các dự án trong đó là của ông này, trong đó có một công trình rất lớn là dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (cấp phép năm 2008, giai đoạn 1: 181 ha). Một dự án ngang nhiên lấp biển trong Vịnh Đà Nẵng và có nhiều sai phạm nhưng không thấy các báo “lớn” đề cập, chỉ có tờ báo “nhỏ” như tạp chí Giao thông là quyết liệt, cùng với một số báo “vừa vừa” khác như Dân Việt, Người Lao động…
Không hiểu vì lý do gì mà toàn bộ hoạt động của ông Vũ đều dành cho các phương tiện truyền thông “lề trái”, đưa tin thật giả lẫn lộn, rất khó xác minh. Ông này gần như được “miễn nhiễm” với thông tin “lề phải”. Người ta đồn rằng Vũ nhôm có tài hô mưa gọi gió, biết trước ai bị kỷ luật ai được lên chức và ai có thể bị bắt, có lẽ vì vậy mà ít có ai dám dây vào. Người ta cũng đồn rằng một trong những công ty của Vũ nhôm là doanh nghiệp “bình phong” của ngành công an, rằng ông này được phong quân hàm sĩ quan công an cấp tá, có lẽ vì vậy mà giới truyền thông chính thống càng phải tránh xa để phòng thân.
Những lời đồn đó thực hư như thế nào tôi không biết, nếu có thì cũng không biết ông này mang hàm thiếu tá, trung tá hay thượng tá. Tôi chỉ nghe một vị trong Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tiền nhiệm nói rằng một vị lãnh đạo trong Thành ủy thời đó đã nhìn thấy một cái thẻ thiếu tá công an mang tên ông Vũ. Nhưng ngay cả cái thẻ đó là thật hay là giả tôi cũng không dám nói bừa, chỉ có cơ quan điều tra mới có căn cứ để trả lời, nếu như cơ quan này điều tra đến ông Vũ nhôm.
Nay thì câu chuyện về xe cộ và nhà cửa hé lộ một mối quan hệ giữa ông Vũ nhôm với Bí thư Thành ủy đương nhiệm và cơ quan Thành ủy Đà Nẵng. Đây cũng là một đầu mối phăng ra một nhóm lợi ích lũng đoạn cơ quan Thành ủy từ rất lâu trước khi ông Nguyễn Xuân Anh làm bí thư. Mọi thứ chắc chắn sẽ được sáng tỏ sau khi kết thúc điều tra các dự án liên quan đến ông Vũ nhôm và thanh tra toàn diện các dự án trên bán đảo Sơn Trà.
Bài viết này này chỉ muốn đề cập đến 3 vấn đề thời sự:
1- Hầu hết, nếu không muốn nói là toàn bộ các dự án được cấp phép phá nát Sơn Trà và toàn bộ 9 dự án và 31 công sản liên quan gần xa với ông Vũ nhôm đang được điều tra đều diễn ra trong thời ông Nguyễn Bá Thanh làm Chủ tịch và Bí thư Đà Nẵng. Từ những dự án này có thể phăng ra các nhóm lợi ích. Ông Nguyễn Bá Thanh đã qua đời, nhưng các đồng sự trực tiếp tham gia vào việc cấp phép các dự án và việc mua bán tài sản công dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Bá Thanh đương nhiên phải chịu trách nhiệm.
2- Ông Nguyễn Bá Thanh từng là một “thần tượng” trên truyền thông được nhiều người ngưỡng mộ. Tôi không nghĩ là một bộ phận dân chúng đã sai khi ngưỡng mộ ông. Dân chúng và những người ngoài cuộc đã nhìn thấy sự thay da đổi thịt ấn tượng của thành phố Đà Nẵng, ấn tượng này gắn liền với tên tuổi Nguyễn Bá Thanh. Nhiều người dân đã không thể thấy được bản chất bộ mặt khang trang của thành phố Đà Nẵng. Sự khang trang đó chủ yếu là kết quả của thành tựu kinh tế chung của thành phố, đó là điều không thể phủ nhận. Chủ trương “đổi đất lấy hạ tầng” không có gì sai, chính chủ trương này đã thúc đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của thành phố, nhưng cũng chính các nhóm lợi ích đã lũng đoạn việc thực hiện chủ trương này để thu lợi nhuận khủng, gây thiệt hại cho tài sản của nhà nước và nhân dân. Bên cạnh đó, các thủ thuật lách luật, thậm chí bất chấp luật pháp để đưa đất đai, công sản vào một vòng quay tù mù, một phần phục vụ cho lợi ích chung, một phần phục vụ cho các nhóm lợi ích, phần nào nhiều hơn phần nào thì những kết luận thanh tra điều tra sẽ làm sáng tỏ. Kinh tế Đà Nẵng có tăng trưởng trong thời kỳ ông Nguyễn Bá Thanh không, tôi nghĩ là có, nhưng nguồn lực của thành phố, và cả một số nguồn lực của đất nước nữa, đã bị dịch chuyển về phía các nhóm lợi ích. Nhiều người bảo, ông Nguyễn Bá Thanh ‘ăn được làm được”, nói như vậy là lăng mạ nhà nước pháp quyền.
3- Hiện nay cơ quan an ninh đang tiến hành điều tra các dự án, tới đây Thanh tra Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan sẽ tổng kiểm tra toàn diện các dự án Sơn Trà. Tôi nghĩ các nhóm lợi ích buộc phải co vòi, khó mà khống chế, chi phối được những người làm công vụ trong bối cảnh hiện nay. Chỉ xin cảnh báo một điều : nếu để cho những đầu mối bị diệt khẩu hay chạy thoát như trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, thì vấn đề của Đà Nẵng khó mà xử lý đến nơi đến chốn được.