Vụ máy bay SU30 rơi: Vài điều suy nghĩ về việc “đặc cách”

Cac Bai Khac

No sub-categories

Vụ máy bay SU30 rơi: Vài điều suy nghĩ về việc “đặc cách”

24/06/2016 – Lã Yên – Tác giả gửi tới Dân Luận

Năm ngoái tôi có hai người bạn mất vì bệnh, một làm công an, hàm tá, một làm giáo viên dạy học, cả hai mới ngoài bốn mươi tuổi và điều để lại cho đời vợ trẻ, con thơ, mẹ già. Gia đình người bạn làm công an con cái được nhà nước trợ cấp nuôi dưỡng đến khi 18 tuổi, các chi phí trị bệnh tuy tốn kém nhưng được nhà nước đài thọ, ngoài ra còn có một khoản tiền hưởng theo chế độ nên cuộc sống gia đình không gặp khó khăn. Trong khi đó gia đình người bạn giáo viên thì hoàn toàn ngược lại. Người vợ trẻ ngoài nuôi hai đứa con nhỏ còn phải lo món nợ vay trị bệnh cho chồng trước đó.

Nói về câu chuyện này, để cho chúng ta thấy rằng, những người làm trong lực lượng vũ trang có chế độ đãi ngộ rất cao, xứng đáng với tính chất công việc của họ chứ đừng lầm tưởng rằng họ phải sống nghèo khổ như báo chí viết. Cái thời một gạch hai sao không bằng một sào tăng sản đã qua, giờ đây muốn có một công việc trong lực lượng này không dễ, nói thẳng ra chạy tiền mới vào được.

Cho nên khi báo nhà nước viết về gia cảnh phi công Trần Quang Khải, nào là lương thấp, nhà cấp 4, ước mơ xây bố mẹ căn nhà, vợ chưa có việc làm ổn định, hành trang anh để lại…. tôi không tin đó là sự thật vì tôi quá rỏ những người phục vụ trong lực lượng vũ trang, hàm tá trở lên không ai nghèo, khổ cả. Nếu không tin mọi người tự tìm hiểu sẽ biết. Cho nên đây chỉ chiêu trò lợi dụng cảm xúc để báo chí định hướng dư luận, những kẻ viết bài thừa hiểu chuyện nhưng vẫn cố nhỏ giọt nước mắt dối trá. Chính vì vậy nên khi đọc những dòng chia sẽ cảm xúc của ca sĩ Cao Thái Sơn tôi không bất ngờ: “Cái Tết vừa rồi cũng là cái tết cuối cùng anh em mình và cả gia đình ăn lẩu uống rượu vang đỏ trên nhà anh ở quận 4 đó, anh còn khoe mua thêm căn nhà nữa” (http://vietq.vn 18/06/2016). Nhà ai ở quận 4 (Sài Gòn)? mua thêm có nghĩa là trước đó đã có nhà?.

Còn việc chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và ban ngành liên quan tuyển dụng đặc cách vợ phi công Trần Quang Khải vào ngành giáo dục, cụ thể dạy ở trường Dương Văn An. Rõ ràng đây là việc làm cảm tính, không phân biệt chuyện công tư, và quan trọng là không dựa vào điều luật nào cả. Việc này ban đầu tưởng hay nhưng hóa dỡ, nó sẽ khiến nhiều người không phục, không công bằng, nó giống như một sự ban ơn, sẽ tạo một tiền lệ không tốt. Một câu hỏi được đặt ra là, vậy người thân của những phi công hi sinh trên chiếc Casa có được đặc cách gì đó không? Rồi những người lính khác hi sinh trong khi làm nhiệm vụ sẽ thế nào? Hay như những ngư dân “cột mốc sống bảo vệ chủ quyền” bị bắn chết trên biển ai tiếc thương họ? ai vinh danh họ? ai trợ giúp gia đình họ?.

Cô giáo Trần Thị Mỹ Hà – Tổ trưởng tổ văn trường THPT Trần Nhân Tông, quận Hau Bà Trưng (Hà Nội) đang trở thành nạn nhân của báo chí nhà nước khi đưa ra quan điểm: “Giống cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học, Ku Tây không thích điều này”. Lợi dụng tâm lý cảm xúc số đông, báo chí nhà nước lại tiếp tục định hướng dư luận, mở ra cuộc đấu tố giống như trường hợp nhà báo Mai Phan Lợi. Không lẽ việc thích hay không thích một ai, một chính sách, một quyết định cũng bị xem là có tội?

Cách đây hơn một năm, hai chiếc máy bay Su22 bị rơi ở Bình Thuận trong lúc huấn luyện, hai phi công thiệt mạng, nhưng đâu thấy báo chí viết nhiều như thế này, cũng không ai viết về gia cảnh của hai phi công, cũng không ai làm thơ, cũng không có đặc cách, hay tặng nhà, nhận con nuôi. Hai phi công trở về quê mẹ trên hai túi xách không phủ cờ.

Đối với đất nước sự cống hiến nào không vinh quang, câu chuyện của vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Nụ (Đông Anh – Hà Nội), người từng được mệnh danh là cô gái vàng của thể thao Việt Nam. Một tuổi trẻ cống hiến, mang vinh quang về cho đất nước. Nhưng cuộc sống hiện tại của cô ra sao. Sẽ không ai cầm được nước mắt khi biết về cuộc sống hiện tại của cô, bị chấn thương, không có tiền mổ, tại nơi làm việc bị phân biệt đối sử, với mọi người nơi cô làm việc, cô nhưng không tồn tại. Ngậm ngùi, chua chát cô phải thốt lên rằng: “Tôi đã có một tuổi trẻ không nên có, phải không?” (Thanhnien. vn 8/3/2016)

Đồng ý rằng, mọi sự hi sinh vì đất nước điều đáng trân trọng, tổ quốc sẽ ghi công. Nhà nước cũng đã có những chính sách đối với sự hi sinh đó. Một nhà nước pháp quyền thì công tư phải phân minh, vậy nên không cần thiết phải ưu tiên, hay đặc cách này nọ. Từ trước tới nay việc cộng điểm cho gia đình có công với cách mạng khi thi đại học, ưu tin con em trong ngành khi xin việc, dựa vào ký lịch để xét đề bạt… đã gây biết bao hệ lụy cho xã hội. Có lẽ đã đến lúc nên bỏ những quy định này.

Lã Yên