Vụ Đồng Tâm: ‘Có thể quyết định đình chỉ vụ án?’
BBC
14 tháng 6 2017
Một luật sư hiện diện tại cuộc ký cam kết giữa Chủ tịch Hà Nội và người dân xã Đồng Tâm, Hà Nội trong vụ 38 người ‘thi hành công vụ’ bị dân nhốt giữ nói với BBC ông hy vọng trong vòng vài tháng tới, nhà chức trách sẽ có quyết định ‘đình chỉ vụ án’ mặc dù đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan vụ bắt giữ vào cuối tháng Tư.
Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm 14/6/2017, Luật sư Trần Vũ Hải nói:
“Chưa thể dự báo được gì cả, nhưng tôi hy vọng sau một thời gian ngắn, có thể hai tháng chẳng hạn, hoặc ba tháng, thì họ sẽ đưa ra một quyết định đình chỉ vụ án.”
Khi được hỏi một quyết định đình chỉ như vậy có thể được dựa trên những căn cứ nào, Luật sư Hải nói:
“Tôi nghĩ cũng có rất nhiều căn cứ, chúng tôi sẽ thảo luận, những người có liên quan và công bố lúc nào sẽ là chuyện mà chúng tôi sẽ có ý kiến.
“Nhưng tôi tin rằng những người thông minh họ đều biết hết thế nào là căn cứ để có thể đình chỉ.”
Trước câu hỏi liệu quyết định khởi tố vụ án mới đưa ra ở Đồng Tâm có phải là một quyết định chính trị hay không, Luật sư Hải nói tiếp:
“Điều đó, tôi không phải là những cán bộ liên quan đến quyết định khởi tố này, nên tôi không được phép bình luận.”
‘Bất ngờ, bất lợi’
Ông Hải cũng đưa ra bình luận về ‘khả năng bản án xấu nhất’ nếu có khởi tố bị can đối với người dân trong vụ việc, ông nói:
“Tôi sẽ không nghĩ đến chuyện đó, mặc dù chúng tôi dự trù nhưng sẽ không nghĩ đến chuyện đó.
“Và tôi tin rằng hậu quả của việc đó sẽ là bất ngờ và thậm chí là bất lợi cho những người mà cho rằng là phải xới lên vụ việc này.
“Tôi cho rằng vụ Đồng Tâm lẽ ra cần khép lại ở việc quan trọng nhất là việc thanh tra về đất đai xem nguyên nhân đúng hay sai.
“Còn những việc liên quan khác, thì có đủ các căn cứ để sau khi xem xét xác minh, không cần khởi tố vụ án hình sự, hoặc nếu có khởi tố vụ án hình sự rồi thì đình chỉ vụ án,” Luật sư Trần Vũ Hải nói với BBC hôm thứ Tư.
Vụ việc ở Đồng Tâm trở lại trung tâm quan tâm của dư luận ở Việt Nam sau khi hôm 13/6, Cơ quan cảnh sát điều tra, thuộc Công an Hà Nội công bố khởi tố vụ án.
Trên trang Facebook cá nhân của mình, nhà báo, blogger Huy Đức cho rằng khởi tố Đồng Tâm là nguy hiểm, ông viết:
Ngay từ đầu, tôi đã nhấn mạnh, Đồng Tâm không đơn thuần là một vụ án hình sự. Bởi, nếu chỉ nhìn nhận nó dưới góc độ hình sự thì vụ án đã phải được khởi tố ngay trong ngày xảy ra (đương nhiên, cùng lúc phải khởi tố việc vi phạm thủ tục tố tụng khi bắt cụ Kình và những người dân Đồng Tâm khác).
“Đồng Tâm là một sự kiện chính trị. Đã là chính trị thì nó không chỉ là chính trị an dân mà còn là chính trị nội bộ. Chắc chắn, cho dù “cam kết” của tướng Chung được đưa ra từ cấp nào thì nó vẫn để lại rất nhiều bất đồng; bất đồng ở cấp TP và cả TW nữa.
“Những người chủ trương cứng rắn không những đã bất chấp những tổn thất chính trị cho chế độ mà quyết định khởi tố chắc chắn mang lại mà còn đã hiểu hình sự rất máy móc. Chưa cần tiếp cận vụ việc theo nền tảng tư duy công lý, Bộ Luật Hình sự VN cũng có một nguyên tắc rất quan trọng, “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”Khoản 4, Điều 8, Bộ luật Hình sự.
“Tất nhiên, khi đánh giá về “tính chất nguy hiểm cho xã hội” trong vụ Đồng Tâm chắc chắn sẽ có bất đồng. Có người sẽ lo không khởi tố có thể nảy sinh tiền lệ xấu; tôi thì cho rằng, khởi tố vụ Đồng Tâm sẽ “gây nguy hiểm cho xã hội” hơn, bởi từ đây nếu xuất hiện một Đồng Tâm thứ hai Chính quyền sẽ không còn cơ may giải quyết xung đột bằng đàm phán nữa,” blogger Huy Đức viết.
Nguy hiểm cho ai?
Bình luận về ý kiến trên của nhà báo Huy Đức, cũng trên Facebook, Tiến sỹ Nguyễn Quang A viết:
“Không phải nguy hiểm cho xã hội mà là nguy hiểm cho chế độ cộng sản…’
Và ông viết tiếp:
“Khởi tố vụ án bắt người ở Đồng Tâm gây xôn xao dư luận. Lẽ ra phải khởi tố những kẻ đã lệnh đưa cảnh sát cơ cộng và các cán bộ tuyên huấn (cảnh sát tư tưởng) đến đàn áp dân Đồng Tâm, nhưng đó là chuyện của dân và tương lai.
“Một luật sư bảo tôi lúc nước sôi lửa bỏng khi đó rằng họ sẽ không khởi tố bà con đâu, vì sẽ lộ bí mật quốc gia động trời.
“Nay họ đã nuốt lời hứa, chắc họ chả coi cái bí mật động trời ấy của họ là gì.
“Thế thì nói toẹt ra cho dân biết: tất cả 38 người, cảnh sát và quan tuyên huấn, đều bị các phụ nữ bắt. Khởi tố bị can thì hơi ôi cho lực lượng an ninh toàn con trai khỏe, trẻ, có nghiệp vụ bị các chị, các cô bắt dễ dàng, quả không xấu mặt truyền thống Bà Trưng, Bà Triệu.”
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng bình luận với báo chí Việt Nam về việc Công an Hà Nội quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra dấu hiệu bắt giữ người trái pháp luật ở xã Đồng Tâm.
Ông Lưu Bình Nhưỡng là người chứng kiến cuộc đối thoại của ông Nguyễn Đức Chung với người dân thôn Hoành, Đồng Tâm ngày 21/4, cũng là người ký vào bản cam kết của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
“Nguyên tắc là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu có sự kiện pháp lý xảy ra thì Nhà nước đứng ra xem xét, căn cứ vào mức độ tính chất để có quyết định hợp lý. Điều quan trọng, theo tôi là phải xem xét tất cả mọi việc có lý có tình, công bằng. Công dân hay cơ quan Nhà nước cũng đều bình đẳng trước pháp luật. Không được thiên vị để dư luận nghĩ rằng điều đó không hợp lý.”
“Tôi có rất nhiều cảm xúc xung quanh câu chuyện này. Đầu tiên là tôi nghĩ sẽ không có chuyện khởi tố mà chỉ có việc đưa ra xem xét vấn đề. Tuy nhiên khi khởi tố thì tôi thấy cứ để các cơ quan Nhà nước họ tiến hành.
Điều hy vọng nhất của tôi, với tư cách một đại biểu Quốc hội, một người có chút hiểu biết về pháp luật, tôi cho rằng việc xem xét trên bình diện pháp luật các vấn đề là cần thiết, và cần phải có sự công bằng để bảo đảm quyền, trách nhiệm của tất cả các tổ chức, cá nhân.”
BBC sẽ có chương trình Bàn tròn thứ Năm trực tuyến tuần này về vụ khởi tố bắt người thi hành công vụ ở Đồng Tâm, chương trình được phát từ 19h00 giờ Việt Nam ngày 15/6/2017 trên Facebook của chúng tôi, mời quý vị đón theo dõi.