Vụ ‘đất Thành Ủy’: Thế Thiên hành… ‘đạo’

Cac Bai Khac

No sub-categories

Vụ ‘đất Thành Ủy’: Thế Thiên hành… ‘đạo’

Chỉ trong vòng bốn ngày, từ 16 tháng 4 đến 20 tháng 4, Công ty Quốc Cường Gia Lai mất 730 tỉ trên thị trường chứng khoán. Tuy giá cổ phiếu của công ty này giảm liên tục nhưng không ai màng (1).

Không chỉ có gia đình bà Nguyễn Thị Như Loan (nắm giữ 57% cổ phiếu của Công ty Quốc Cường Gia Lai) gánh hậu quả vừa kể. Chắc chắn là những nơi, những người đang chia nhau 43% cổ phiếu của doanh nghiệp này cũng méo mặt.

Giá cổ phiếu của Công ty Quốc Cường Gia Lai rơi tự do sau khi Thành ủy TP.HCM ra lệnh cho Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 34,2 héc ta ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho Công ty Quốc Cường Gia Lai (2).

Lý do Thành ủy TP.HCM chỉ đạo như vừa kể vì báo giới phát giác Công ty Quốc Cường Gia Lai chỉ phải trả 419 tỉ đồng để được “quyền sử dụng” 34,2 héc ta mà giá trị được cho là tới 2.400 tỉ đồng. Trong thương vụ này, Công ty Quốc Cường Gia Lai lời chừng… 2.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên trong kinh doanh, “khôn nhờ, dại chịu”, hà cớ gì Thành ủy TP.HCM phải can thiệp? Câu trả lời là phát giác của báo giới đẩy Thành ủy TP.HCM rơi vào thế “con dại, cái mang”: Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận là doanh nghiệp của Thành ủy TP.HCM và 34,2 héc ta đất mà doanh nghiệp này ã chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai không phải là tài sản do họ tạo lập. Thửa đất đó là… công thổ!

Song có một điểm cần phải lưu ý là bất kể thế nào thì cũng phải xếp chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM vào nhóm hành động táo tợn đến mức càn rỡ. Về bản chất, Thành ủy TP.HCM chỉ là đại diện cho một tổ chức chính trị (Đảng CSVN) ở Sài Gòn, thành ra không những không thể mà còn không được phép can dự vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, xâm hại quyền tự do kinh doanh.

***

Tự do kinh doanh vốn là một trong những quyền hiến định (Điều 3 Hiến pháp 2013: Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm) và sau đó tiếp tục được minh đinh trong nhiều bộ luật như: Luật Dân sự (Điều 50: Quyền tự do kinh doanh của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền lựa chọn hình thức, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, lập doanh nghiệp, tự do giao kết hợp đồng, thuê lao động và các quyền khác phù hợp với quy định của pháp luật), Luật Doanh nghiệp (Điều 5: Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của các loại hình doanh nghiệp, bảo đảm sự bình đẳng của các doanh nghiệp trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế, thừa nhận tính sinh lợi hợp pháp của hoạt động kinh doanh. Nhà nước công nhân và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp. Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp không bị quốc hữu hóa, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính)…

Chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM chẳng khác gì công nhiên khẳng định, tự do kinh doanh thật ra chỉ là một thứ “đầu dê”, trong khi hệ thống công quyền Việt Nam chỉ bán… “thịt chó” – loại “thịt chó” chỉ có ở Việt Nam và được đặt tên là “pháp chế xã hội chủ nghĩa”.

“Pháp chế xã hội chủ nghĩa” cho phép hệ thống công quyền Việt Nam tùy nghi biến công sản, công thổ thành tài sản của những cái gọi là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp của các tổ chức chính trị – xã hội, của quân đội, công an, muốn “mua mắc” cũng được mà “bán rẻ” cũng chẳng sao. Khi cần, hệ thống công quyền Việt Nam sẽ can thiệp để hủy bất kỳ thương vụ nào mà hệ thống này muốn.

Thương vụ Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận chuyển nhượng quyền sử dụng 34,2 công thổ cho Công ty Quốc Cường Gia Lai là một điển hình của bán rẻ.

Thương vụ Mobifone bỏ ra gần 9.000 tỉ đồng mua 95% cổ phần của An Viên Group (AVG), khiến công quỹ tổn thất hơn 7.000 tỉ đồng là một điển hình khác của mua mắc.

Dù cả hai thương vụ đều thuộc loại “thuận mua, vừa bán”, đều từng được khẳng định “đúng qui định pháp luật” nhưng cuối cùng đều gặp trục trặc vì có sự can thiệp thô bạo của Đảng CSVN.

Thương vụ giữa Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận chuyển nhượng quyền sử dụng 34,2 công thổ cho Công ty Quốc Cường Gia Lai gãy đổ vì Thành ủy TP.HCM can thiệp. Thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG được các bên “tự nguyện hủy bỏ” vì đó là lệnh từ Thường trực Ban Bí thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN (BCH TƯ Đảng CSVN) (3).

***

Ai cũng hiểu tại sao các thương vụ liên quan đến công sản, công thổ lại có chuyện “mua mắc, bán rẻ”.

Cũng vì vậy, dẫu AVG (bên bán) tự nguyện hủy bỏ hợp đồng được cho là mang lại cho AVG khoản lãi hơn 7.000 tỉ đồng, thậm chí ngoài vốn, AVG còn tự ngụyện hoàn trả cả lãi/số tiền mà Mobifone (bên mua) đã thanh toán nhưng không ai ghi nhận, ca ngợi “thiện chí” của AVG cả.

Cũng vì vậy, dẫu bà Nguyễn Thị Như Loan tuyên bố, bà đã tìm hiểu kỹ trước khi mua 34,2 héc ta đất, đã trả tiền đúng giá thị trường và chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM rõ ràng là gây thiệt hại cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, bà Loan vẫn không có ý định nhờ Tòa án giải quyết nhưng chẳng có ai ngạc nhiên cả (4).

AVG hay Công ty Quốc Cường Gia Lai không trông vào luật pháp, không cậy vào hệ thống Tòa án và cả hai đều nhấn mạnh họ có “thiện chí” với lực lượng thế thiên hành… “đạo” – loại “đạo” không phải đạo lý, đạo giáo.

Lực lượng thế Thiên đó nắm trong tay toàn bộ công sản, công thổ và không ai biết chính xác là bao nhiêu. Chỉ thỉnh thoảng, khi hữu sự, chẳng hạn như năm ngoái, lúc dư luận sôi sùng sục vì không thể mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất do vướng sân golf, người ta mới biết, tính đến năm 2015, riêng Bộ Quốc phòng nắm trong tay khoảng 250.000 héc ta đất. Đáng chú ý là từ năm 2000 đến năm 2010, đất giao cho Bộ Quốc phòng tăng thêm 106.000 héc ta nhưng từ 2010 đến 2015, diện tích đất do Bộ Quốc phòng nắm giữ giảm xuống 43.000 héc ta nhưng lực lượng thế Thiên chẳng thèm giải thích tại sao (?) (5)

Tuy công sản, công thổ thuộc quyền sở hữu toàn dân nhưng không người dân nào có quyền hỏi, có quyền kiểm tra xem việc sử dụng số công sản, công thổ ấy ra sao.

Quốc pháp, gia quy không bằng giữ “đạo” với lực lượng thế Thiên. Ứng xử cho phải “đạo” thì không thiếu cơ hội.

Tin mới nhất cho biết, ngoài 34,2 héc ta đất ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận còn bán cho Công ty Quốc Cường Gia Lai khoảng hai héc ta đất ở phường Tân Phong, quận 7. Thành ủy TP.HCM có bao nhiêu công sản, công thổ và đã bán bao nhiêu, bán như thế nào? Tổ chức Đảng của các địa phương khác chắc cũng như thế! Đặc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối có thể có nhiều hạn chế nhưng có những điểm “hay”, duy trì, không chia sẻ là đúng rồi!

Trân Văn

Chú thích

(1) https://news.zing.vn/quoc-cuong-gia-lai-mat-them-220-ty-dong-sau-lum-xum-dat-phuoc-kien-post835927.html

(2) http://www.nguoitieudung.com.vn/vu-ban-324971-m2-dat-cong-san-gia-re-mat-lo-nhieu-sai-pham-thanh-uy-tphcm-hop-khan-chi-dao-huy-hop-dong-d66857.html

(3) https://tuoitre.vn/thuong-vu-mobifone-mua-avg-tra-het-cho-nhau-20180403105923185.htm

(4) https://news.zing.vn/ba-nguyen-thi-nhu-loan-toi-mua-dat-phuoc-kien-dung-gia-thi-truong-post836097.html

(5) https://tuoitre.vn/dat-quoc-phong-ranh-gioi-nao-1343881.htm

(6) http://bizlive.vn/doanh-nghiep/dau-tu-va-xay-dung-tan-thuan-da-ban-2-du-an-khung-cho-quoc-cuong-gia-lai-gia-bao-nhieu-3445397.html