Vụ án ở Long An: ‘công vụ’ và ‘công bằng’
Image Facebook Huy Phan – Ngoài phiên tòa ở Long An xử Nguyễn Mai Trung Tuấn
Luật sư Ngô Ngọc Trai – Gửi cho BBCVietnamese.com – 9 tháng 3 2016
Mới đây em thiếu niên Nguyễn Mai Trung Tuấn 15 tuổi ở Long An bị xử phạt 2 năm 6 tháng tù về tội cố ý gây thương tích trong một vụ việc chống người thi hành công vụ.
Xung quanh vụ án này nhiều bất cập được nêu ra, có ý kiến cho rằng tại sao lại xử tù một em thiếu niên nhỏ tuổi mà không cho em về tiếp tục đến trường?
Một số luật sư nghi ngờ kết quả giám định thương tích ở mức 35% của bị hại Trưởng công an xã, vì theo Điều 12 Bộ luật hình sự em Tuấn nhỏ tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý.
Và theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự, nếu thương tích của bị hại dưới 31% thì không xử lý em Tuấn, đằng này thương tích bị hại là 35%. Một số người nghi ngờ kết quả giám định đã được nâng lên để đủ mức xử lý hình sự em Tuấn.
Là một luật sư, qua vụ án được công luận quan tâm này, tôi thấy cần chỉ ra những bất hợp lý trong việc giải quyết các vụ án lâu nay.
Công vụ là gì?
Lâu nay nhiều người bị xử lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ, nhưng pháp luật lại chưa xác lập một nội dung rõ ràng về công vụ.
Mặc dù vậy có thể hiểu công vụ là việc làm của cán bộ công chức thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ quyền hạn được pháp luật quy định, có hai điều kiện tiên quyết đó là người thực hiện phải là cán bộ công chức nhà nước và việc làm phải đúng chức năng nhiệm vụ theo pháp luật.
Vậy nếu việc làm của cán bộ công chức không đúng quy định pháp luật, ví như sai về thẩm quyền, sai về cơ sở căn cứ pháp lý, sai về trình tự thủ tục, thì đó không phải công vụ.
Và đương nhiên người dân không có nghĩa vụ phải chấp hành hợp tác với một việc làm sai.
Nhưng lâu nay trong các vụ chống người thi hành công vụ, cơ quan giải quyết thường ít quan tâm xem hành vi công vụ có sai phạm gì không, mà họ chỉ nhìn vào hành vi chống đối để xử lý.
Trong khi luật đã quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng nhóm cán bộ công chức nhằm xác định rõ ràng tránh làm sai, ảnh hưởng đến lợi ích nhà nước, lợi ích người dân.
Và luật cũng quy định về thể thức, trình tự, thủ tục nhằm buộc các hoạt động công vụ phải đúng đắn, tránh mờ ám khuất tất, làm bừa làm bậy.
Đó cũng là trang bị cho người dân cơ chế hiểu biết để kiểm soát phòng ngừa, biết được đúng sai để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Như vậy, đúng ra một hành vi dù được thực hiện bởi cán bộ công chức nhưng không đúng quy định pháp luật thì phải không được coi là công vụ.
Bởi không có pháp luật nào, không có nhà nước nào chấp nhận một việc làm sai pháp luật là công vụ nhân danh nhà nước. Kết quả của việc làm đó sẽ không có lợi cho nhà nước, không có lợi cho người dân, đó là hành vi xâm hại, đó không phải công vụ.
Và trước một hành vi xâm hại người dân có quyền phòng vệ chính đáng.
Đúng cũng xử lý
Thực tế lâu nay nhiều trường hợp phản đối công vụ, có cơ sở chính đáng vẫn bị xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ.
Nhiều hành vi công vụ bị chống đối thực chất chứa đựng những vi phạm khiến người dân bất bình, đặc biệt trong lĩnh vực cưỡng chế thu hồi đất. Nhưng pháp luật lại vô lý khi buộc người dân phải chấp nhận trước rồi khiếu nại sau.
Cụ thể luật khiếu nại quy định người khiếu nại có nghĩa vụ chấp hành quyết định hành chính mà mình khiếu nại trong thời gian khiếu nại. Điều này rất dễ dẫn đến việc buộc người dân phải chấp nhận một việc làm sai.
Khi đó tổn hại gây ra sẽ làm mất đi tính đúng đắn nghiêm chính của hoạt động thực thi pháp luật.
Ví như nhiều trường hợp người dân phản đối cưỡng chế thu hồi đất do đang có khiếu nại về kiểm đếm tài sản trên đất hoặc đo đạc sai diện tích.
Vậy khi buộc người dân phải chấp nhận quyết định thu hồi trước, khiếu nại sau, nếu việc giải tỏa mặt bằng san lấp thi công làm mất đi cơ sở giải quyết khiếu nại thì sao?
Thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp người dân khiếu nại đúng, cơ quan thu đồi đất đã đo đạc sai diện tích hoặc kiểm đếm sai tài sản.
Công bằng cho dân
Việc buộc người dân thi hành quyết định hành chính trước khiếu nại sau, sẽ dẫn đến buộc người dân phải chấp nhận một việc làm sai. Đây là ngang trái khiến cho việc giải quyết các sự vụ không được thấu tình đạt lý.
Hiểu biết của người dân sẽ chẳng còn ý nghĩa, kiến thức pháp luật sẽ chẳng còn tác dụng khi phát hiện ra việc làm sai mà vẫn phải chấp nhận.
Đó là bất công dẫn đến những vụ chống người thi hành công vụ thường hay xảy ra trong thu hồi đất.
Để tránh chống đối cần thay đổi pháp luật theo hướng chỉ cưỡng chế giải tỏa mặt bằng sau khi có bản án hành chính của tòa án phân định rõ ràng về pháp lý và quyền lợi rồi mới thực hiện.
Vì một khi những băn khoăn của người dân chưa được giải quyết rõ ràng thì người ta sẽ có xu hướng chống đối việc cưỡng chế.
Cưỡng chế thu hồi đất cũng là loại công vụ hay sai về cơ sở pháp lý và trình tự thủ tục. Trong khi việc xử lý lâu nay các cơ quan thường xem nhẹ sai phạm về trình tự thủ tục, coi đó là hoạt động có thể bổ sung hoàn thiện sau hoặc sửa chữa cho phù hợp.
Đây là quan điểm không công bằng, vì thủ tục cũng là luật định. Vi phạm thủ tục cũng là vi phạm pháp luật, vậy tại sao cán bộ lại được vi phạm mà người dân thì lại phải yêu cầu tuân thủ pháp luật?
Đây cũng là nhận thức sai lầm khiến cho công tác giải quyết các vụ án nhiều năm qua đã không giúp ích gì cho việc ngăn giảm các vụ chống đối.
Vì thực tế những vi phạm về thủ tục như việc niêm yết, việc gửi quyết định, việc thông báo trước, chính là những chiêu trò xấu mà cán bộ làm với người dân, bộc lộ đạo đức công vụ yếu kém, cẩu thả coi thường pháp luật, chính là nguyên nhân dẫn đến bất bình chống đối.
Cho nên để giảm tránh chống người thi hành công vụ, cần nghiêm khắc coi vi phạm về trình tự thủ tục cũng như vi phạm về thẩm quyền, đều là làm sai pháp luật, cần bị hủy bỏ không được coi là công vụ.
Còn nhiều bất cập
Để công bằng cho người dân, trong quá trình giải quyết các vụ chống người thi hành công vụ cần làm rõ xem hành vi công vụ có vi phạm gì không?
Nếu phát hiện ra vi phạm về thẩm quyền, cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, thì đó phải được coi không phải công vụ và không xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Hành vi chống đối cần được xem là phòng vệ chính đáng.
Trường hợp người dân gây ra thương tích thì có thể bị xem xét xử lý do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Trong vụ án của em thiếu niên Nguyễn Mai Trung Tuấn ở Long An, không thấy các cơ quan tư pháp làm rõ xem việc cưỡng chế có vi phạm gì không. Vụ án theo đó còn nhiều nghi vấn, nhiều khúc mắc chưa được làm rõ.
Nhìn rộng ra nền tư pháp Việt Nam còn nhiều bất cập, đằng sau mỗi vụ án nổi cộm ẩn dấu những bất cập pháp luật cần được xử lý. Bởi vậy cải cách tư pháp dù là chủ trương đúng nhưng còn rất nhiều việc phải làm.
Song dường như Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương vẫn chưa sẵn sàng nắm bắt vấn đề để tháo gỡ. Bằng chứng là vẫn có những vụ án rất chậm được xử lý trong khi đương sự phải cay đắng chịu đựng ví như vụ Hàn Đức Long ở Bắc Giang.
Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương cần lắng nghe tiếng nói phản ánh của giới luật sư, những người hàng ngày đối diện với những bất cập pháp luật.
Có thế những vướng mắc mới được chỉ ra tháo gỡ, nền tư pháp Việt Nam mới có khả năng được trở lên công minh tiến bộ.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của luật sư Ngô Ngọc Trai từ VP Luật Công Chính, Hà Nội.