Vụ tấn công làm thay đổi Tân Cương
Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp an ninh sau một loạt các vụ tấn công mà giới chức quy trách nhiệm cho những người Uighur cực đoan
Carrie Gracie – Phóng viên BBC tại Trung Cộng – 12:26 GMT – thứ Tư, 16 tháng 7, 2014
Trung Quốc đang có cuộc trấn áp an ninh to lớn sau một loạt các vụ tấn công bạo lực mà nước này quy trách nhiệm cho người Hồi giáo thuộc sắc tộc Uighur thiểu số ở miền tây bắc tỉnh Tân Cương.
Trong những tuần gần đây, hàng trăm nghi phạm đã bị bắt giữ và các buổi xét xử công khai đã được phát trên truyền hình nhà nước.
Một trong những vụ khét tiếng nhất là vụ ba người đàn ông và một phụ nữ đang chờ xét xử về vụ tấn công ở ga Côn Minh khiến 29 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương.
Một trong các nạn nhân là Shi Kexiang, người bị một kẻ lạ mặt mặc đồ đen cầm kiếm chém vào cổ. Bà bị hôn mê từ đó tới nay.
Suốt bốn tháng qua, Shi Xuefa túc trực bên giường bệnh viện, cầu xin Kexiang hãy nghe thấy tiếng mình. Các bác sỹ rất tử tế, chính phủ trả mọi hóa đơn y tế, nhưng Xuefa không biết rồi đây chị mình có tỉnh lại nữa không.
Với một gia đình nông dân bị khó khăn do hạn hán, chỉ có mặt ở sân ga đêm đó bởi vừa trở về sau khi đi làm công nhân xây dựng xa nhà, thì thảm họa này đã làm tiêu tan đi kể cả những hy vọng nhỏ nhoi nhất.
Shi Xuefa nói ông đang mang hành lý lên phòng chờ thì xảy ra vụ tấn công ở tầng dưới nhà ga Côn Minh
Bà Shi Kexiang đã nằm hôn mê từ bốn tháng nay, sau khi bị kẻ lạ mặt chém vào cổ ở nhà ga Côn Minh
Tốc độ, mức man rợ và sự bừa bãi của vụ tấn công tại nhà ga tỉnh khiến cả Trung Quốc rung chuyển. Cảnh sát nói những người ly khai Uighur muốn tiến hành thánh chiến.
Và vấn đề Tân Cương của Trung Quốc, vốn thường bị coi là khó khăn mang tính địa phương, bỗng nhiên khiến người ta cảm thấy như mối đe dọa cho mọi người ở mọi nơi.
Một số người trên truyền thông thậm chí còn gọi đây là vụ 11/9 của Trung Quốc cho tới khi họ bị cơ quan kiểm duyệt nhà nước yêu cầu hạ giọng, do lo ngại mức độ tường thuật sẽ dẫn tới các cuộc bạo loạn chống lại người Hồi giáo tại nước này.
‘Dạy cho họ một bài học’
Tại nhà ga Côn Minh, biện pháp an ninh như ở sân bay đang được áp dụng, và lực lượng chống khủng bố được vũ trang đầy đủ, mặc đồ rằn ri sẫm màu thực tập các kỹ năng.
Shi Xuefa trở lại nơi diễn ra vụ tấn công và mô tả những gì đã diễn ra.
“Tôi khi đó đang mang một ít hành lý lên phòng chờ, còn chị Kexiang đứng ở tầng dưới trông chỗ đồ còn lại,” ông nói.
“Tôi nghe tiếng hét và khi chạy xuống dưới, tôi thấy những ai chạy được đều bỏ chạy cả. Nhưng có những xác người nằm trên nền nhà và tôi thấy chị mình nằm giữa vũng máu.”
Trong vòng 15 phút, Xuefa cố lấy những ngón tay mình để cầm máu từ vết thương ở cổ Kexiang. Cuối cùng, khi các lực lượng khẩn cấp tới nơi, họ kinh hoàng đưa những người bị thương và tử vong lên xe buýt, cùng chạy về bệnh viện.
Xuefa không mang ác cảm với những người Uighur tuân thủ pháp luật về những gì đã xảy ra, nhưng ông tin rằng những kẻ máu lạnh giết người vô tội cần phải đối diện với án tử hình.
“Trong số những người Uighur, có nhiều người tốt hơn là kẻ xấu. Nhưng với những kẻ xấu, chính phủ cần phải thẳng tay trấn áp để dạy cho họ một bài học,” ông nói.
Vụ tấn công ở nhà ga Côn Minh khiến 29 người chết và hơn 100 người bị thương
Phân định được người xấu trong lúc không gây thù nghịch với người tốt là một thách thức cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Bắc Kinh nói gốc rễ của vấn đề nằm ở ngoài Trung Quốc, rằng dân quân Hồi giáo đang lan ra từ Trung Á thông qua truyền thông xã hội nhằm đầu độc trái tim của thanh niên Uighur tại Tân Cương.
Câu trả lời của Bắc Kinh là: tăng thêm biện pháp an ninh. Gồm các biện pháp huấn luyện chống khủng bố, có cảnh sát có vũ trang trên đường phố và ra án nặng cho những ai trao đổi tài liệu cực đoan trên mạng.
Nhưng các nhóm nhân quyền và những người Uighur lưu vong nói những chính sách đó đang khiến cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn và gốc rễ của tình trạng bạo lực là người Uighur đang ngày càng bị lấn át ở ngay trên đất của mình.
Họ cũng cảnh báo rằng các nỗ lực nhằm xóa bỏ hoặc kiểm soát việc ăn kiêng, việc để râu và các hình thức thể hiện tôn giáo, văn hóa khác đang khiến cho người Uighur càng trở nên thù nghịch hơn.
Raffaelo Pantucci, nhà nghiên cứu về an ninh Tân Cương, nói Trung Quốc không phải là nước đầu tiên đối diện với một số những thách thức này.
“Vào lúc này, Trung Quốc đang có cuộc tranh luận về tính hòa đồng và tính đa dạng văn hóa,” ông Pantucci nói. “Chúng tôi thấy điều đó đã xảy ra ở châu Âu từ vài năm trước, và tôi không nghĩ nó được giải quyết triệt để ở châu Âu.”
“Trên hết, đây là quốc gia độc đảng và có ý chí rõ ràng trong việc muốn cơ cấu xã hội như thế nào. Làm thế nào để quý vị, trong một quốc gia có 1,4 tỷ dân, lại tạo điều kiện cho một cộng đồng thiểu số 10 triệu người?”
Người Hồi giáo ở Tân Cương bị cấm ăn kiêng trong tháng Ramadan
Tạo điều kiện không phải là chuyện dễ. Các buổi cầu nguyện thứ Sáu từng là dịp để tất cả người Hồi giáo tại Côn Minh tụ tập tại nhà thờ Hồi giáo.
Trước vụ sát hại ở nhà ga, những buổi lễ đó có hàng trăm người Uighur tham dự. Nay, con số chỉ chừng vài ba chục người. Và khi ra về, cảnh sát chặn từng người lại kiểm tra giấy tờ.
Tin tức ảm đạm hàng ngày từ Tân Cương càng khiến họ bị cách ly, và nay cư dân Uighur ở Côn Minh hiếm khi dám ra ngoài công khai.
Tại nhà hàng Hồi giáo Tianshan, công việc làm ăn đi xuống một cách tệ hại.
Vào buổi tối tôi đến, thì tôi hầu như là thực khách duy nhất. Người địa phương tránh xa, còn các nhóm du khách từng đến từ Tân Cương nay không thể ra khỏi tỉnh.
Cảnh sát thường xuyên tới nhà hàng, hỏi han và kiểm tra giấy cư trú. Người Uighur chưa từng dễ dàng trong việc tìm công ăn việc làm hay thuê nhà trọ tại các thành phố đông người Hán ở Trung Quốc, nhưng nay, Mamati, chủ nhà hàng nói đó là điều gần như không thể.
“Trên tàu hỏa hoặc xe buýt, mọi người tránh xa chúng tôi. Họ sợ chúng tôi. Nhưng chúng tôi cũng sợ họ,” ông nói.
“Chúng tôi không thể ra ngoài một mình được nữa. Chúng tôi chỉ có thể đi theo nhóm và ngay cả khi đó, mọi người nguyền rủa chúng tôi, bảo chúng tôi về nhà đi, hoặc trở về Tân Cương đi. Nhưng tôi là người Trung Quốc và tôi không phải là người xấu.”
Mamati và nhân viên của ông là người Uighur, nhưng cũng là các công dân Trung Quốc. Họ nói họ không quan tâm tới Hồi giáo cực đoan hay việc đòi ly khai.
Nhưng tình trạng bạo lực tại Tân Cương vẫn tiếp diễn và việc trấn áp bằng biện pháp an ninh tăng cao. Cuộc sống của người Uighur trên khắp Trung Quốc đang trở nên khó khăn hơn và ai cũng có thể bị coi là nghi phạm khủng bố.