VOA: Trại Sinh Hoạt “Ngọn Đuốc Sinh Tồn”: Bang giao Việt-Mỹ và Phán Quyết Toà Án Trọng Tài Quốc Tế trong vụ Philippines kiện TC – Phỏng vấn Ts Lê Minh Nguyên

Cac Bai Khac

No sub-categories

VOA: Trại Sinh Hoạt “Ngọn Đuốc Sinh Tồn”: Bang giao Việt-Mỹ và Phán Quyết Toà Án Trọng Tài Quốc Tế trong vụ Philippines kiện TC –  Phỏng vấn Ts Lê Minh Nguyên

Ngọc Hân, Đài VOA Washington DC

Tiến sĩ Lê Minh Nguyên là một trong những khuôn mặt quen thuộc trong cộng đồng Người Mỹ gốc Việt, với quá trình vận động tranh đấu lâu dài cho tiến trình dân chủ pháp quyền tại Việt Nam. Nhân chuyến thăm viếng Australia trong tháng 7/2016 để tham dự Trại “Ngọn Đuốc Sinh Tồn” chúng tôi đã phỏng vấn Ông Lê Minh Nguyên về bang giao Việt-Mỹ và ảnh hưởng của Phán Quyết Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế PCA trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.

“Ngọn Đuốc Sinh Tồn” là tên gọi của Trại Sinh Hoạt dành cho giới trẻ Úc Châu vừa được tổ chức tại Sydney, thủ phủ Tiểu Bang New South Wales. Trại này được phối hợp bởi Đại Gia Đình Nguyễn Ngọc Huy gồm có Liên Minh Dân Chủ Việt Nam, Đảng Tân Đại Việt và các thân hữu của Cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Theo lời Ông Đỗ Quang Khải, Trưởng Ban Tổ Chức, Trại “Ngọn Đuốc Sinh Tồn” còn nhận được sự hỗ trợ của Cộng Đồng Người Việt Tự Do NSW và Hội Phụ Nữ Việt Nam Tự do tại NSW. Trong phần khai mạc, Kỹ sư Đỗ Quang Khải nói rằng mục đích của Trại là tạo sự tiếp nối giữa các thế hệ trong tinh thần bảo tồn văn hóa và duy trì hoài bão theo đuổi đóng góp cho một nước Việt Nam tự do dân chủ pháp trị.

Thể hiện sự tiếp nối giữa các thế hệ là thành phần Ban Tổ Chức gồm giới trẻ và những thành viên cộng đồng người Việt đã sinh hoạt nhiều năm như Bà Đặng Kim Ngọc, nguyên Chủ tịch Hội Phụ Nữ và đại diện của Đảng Tân Đại Việt tại Úc. Cũng trong tinh thần ấy, các diễn giả đều là những thành phần chức nghiệp sinh đẻ tại Australia hoặc đã đến Australia ở lớp tuổi vị thành niên, như Luật sư Tania Huỳnh Tú Phương và Luật sư Nguyễn Văn Thân tại Sydney, hoặc Luật sư Trần Kiều Ngọc từ Adelaide, Tiểu Bang Nam Úc.

  

 

Ts Lê Minh Nguyên trả lời phỏng vấn của Ngọc Hân (VOA) tại Sydney

Sau đây là cuộc phỏng vấn của chúng tôi với Ts Lê Minh Nguyên

Ngọc Hân: Ngọc Hân xin kính chào Ts Lê Minh Nguyên. Thưa Ông – Ông đến Sydney từ Hoa Kỳ để tham dự Trại Ngọn Đuốc Sinh Tồn. Cảm tưởng của Ông về Trại này là như thế nào?

Ts Lê Mimh Nguyên: Kính chào Chị Ngọc Hân. Thưa Chị tôi đến đây để tham dự Trại Ngọn Đuốc Sinh Tồn – từ tên Trại là sự sinh tồn của dân tộc mà sự sinh tồn của dân tộc phải là sự tiếp nối của thế hệ này qua thế hệ khác. Tôi đến đây tham dự với hi vọng có đóng góp một bước nhỏ trong vấn đề tiếp nối xây dựng của dân tộc, nhất là thế hệ trẻ ở bên Úc nầy, để cho họ thấy rằng dân tộc của chúng ta, một dân tộc thông minh dũng cảm, nhưng đã chịu quá nhiều sự bất hạnh. Và ở trong tay người trẻ, vận mệnh dân tộc sẽ được quyết định là đất nước sẽ ra khỏi sự bất hạnh hay không. Hiện giờ như chúng ta thấy, dân tộc Việt Nam tại Việt Nam có quá nhiều vấn nạn từ môi trường, cá chết cho đến vấn đề đe dọa của Trung Quốc ở Sườn Tây cũng như ở Biển Đông, hay là vấn đề thực phẩm… rất nhiều vấn đề cho dân tộc ta mà chỉ có thể tuổi trẻ và những thế hệ tiếp nối mới có thể giải quyết được, chớ một thế hệ thì rất là khó, thưa Chị.

Ngọc Hân: Ts Lê Minh Nguyên là Phó Chủ tịch của Đảng Tân Đại Việt ở Hoa Kỳ. Như vậy đường hướng hoạt động của Đảng hiện nay ra sao và có những vận động gì với chính phủ Hoa Kỳ trong vấn đề Việt Nam?

Ts Lê Minh Nguyên: Thưa Chị – Đảng Tân Đại Việt được thành lập trong năm 1964 [tại Sài Gòn]. Nó xuất phát từ Đại Việt Quốc Dân Đảng do Đảng trưởng Trương Tử Anh thành lập từ năm 1938 với chủ trương một chế độ dân chủ, xây dựng chế độ dân chủ pháp trị cho Việt Nam. Trước năm 1975 Đảng cố gắng làm việc trong chiều hướng đó và cũng [tiến triển] tốt đẹp. Nhưng chúng ta thấy đến năm 1975 thì Miền Nam bị sụp đổ thành ra giấc mơ của Giáo sư Nguyễn Văn Bông, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy vẫn còn dang dỡ. Cố gắng của Đảng Tân Đại Việt là đóng góp vào sự xây dựng một hạ tầng cơ sở về chánh trị, về dân chủ pháp trị cho Việt Nam. Từ hạ tầng cơ sở đó là hoạt động của các đảng phái hay chính khách trong một khuôn khổ tốt đẹp – thí dụ như ở Nước Úc nầy, hay là Nhựt Bổn hoặc Nước Anh, khi có hạ tầng cơ sở đó thì sự thay đổi lãnh đạo, thay đổi thủ tướng có thể (xảy ra) nhanh chóng, nhưng đất nước vẫn phát triển và ổn định, thưa Chị.

Ngọc Hân: Thưa Anh Lê Minh Nguyên – Anh nghĩ thế nào về chuyến đi Việt Nam của Tổng thống Obama hồi tháng 5/2016 và sau chuyến viếng thăm nầy, thì chính sách và bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt nam như thế nào?

Ts Lê Minh Nguyên: Thưa Chị – Về chuyến đi của Ông Obama đến Việt Nam, tôi có thể đối chiếu với lần gặp gỡ Ông Tổng thống G W Bush, khi Ông mời 4 anh em tranh đấu vào Tòa Bạch Ốc, vào Phòng Bầu Dục (the Oval Office) trước khi Ông Nguyễn Minh Triết [Chủ tịch nước Việt Nam lúc bấy giờ] sang năm 2007. Tức là lúc ấy, Ông (Tổng thống) Bush cũng nói về nền dân chủ của Việt Nam – nếu người Việt Nam đứng lên làm, thì chính quyền Hoa Kỳ sẽ ủng hộ, còn Hoa Kỳ làm dùm cho, thì Hoa Kỳ không làm. Về chuyến đi của Ông Obama, thì tôi thấy rõ là Ông dùng chính quyền cộng sản Việt Nam để giao tiếp trong vấn đề an ninh Biển Đông hay là vấn đề khi Đảng Cộng Sản họ cần Hoa Kỳ. Nhưng cái nhìn của tôi chính yếu là Ông Obama tiếp xúc với dân chúng, nhất là giới trẻ trong nước từ Hà Nội cũng như Sài Gòn để Ông empower – tạo quyền lực – thêm cho người dân để thay đổi đất nước. Như Chị thấy, Ông Obama tại Sài Gòn, Ông nói rằng vận mạng của người dân Việt Nam là do chính trong tay của giới trẻ. Do đó, qua chuyến đi của Ông Obama, tôi nghĩ rằng –  thứ nhứt, Hoa Kỳ cần Việt Nam như một vị trí địa-chiến-lược trong vấn đề xoay trục về Á Châu nhưng Ông cũng muốn là Việt Nam có dân chủ và việc có dân chủ là phải do người Việt Nam đứng ra gánh vác. Tôi nghĩ đó là một dấu hiệu cho thấy rằng chúng ta cần phải tranh đấu tích cực hơn nữa để thay đổi. Và nếu chúng ta làm được chuyện đó thì chính quyền Hoa Kỳ cũng như là chính quyền Úc hay các quốc gia dân chủ khác sẽ ủng hộ.

Ngọc Hân: Về vấn đề tranh chấp Biển Đông – thưa Anh Lê Minh Nguyên – Anh nghĩ thế nào về phán quyết ngày 12.07.2016 của Toà Án Trọng Tài Thường Trực Quốc tế PCA tại The Hague trong vụ Philippines kiện Trung Quốc?

Ts Lê Minh Nguyên: Thưa Chị – Tòa Trọng Tài Quốc Tế có phán quyết cho Phi Luật Tân thắng kiện, nhưng đó không phải chỉ là một thắng kiện của Phi Luật Tân mà là của những quốc gia trong vùng cũng như là của cả thế giới vì phán quyết này sẽ tạo ra tiền lệ tốt để trong tương lai có thể áp dụng cho những nơi khác – phán quyết tạo ra một án lệ. Nhưng dĩ nhiên, trong cái nhìn của tôi, những nước yếu thì họ cần công lý, họ cần luật pháp bảo vệ – còn những nước mạnh thì theo qui luật của sức mạnh, họ có khuynh hướng là không tôn trọng luật pháp do kẻ khác làm ra, cũng như họ không chấp nhận phán quyết của ai đó, của tòa án Liên Hiệp Quốc hay là họ cũng chẳng cần xin lỗi ai… Hiện giờ, Trung Quốc đang có thái độ như vậy và thái độ ấy, như Chị thấy, Hoa Kỳ cũng đã có từ lâu. Do đó, về thực trạng tại Biển Đông, sẽ không có thay đổi gì lớn nhưng rõ ràng là nó tạo ra một vùng tranh chấp nhỏ hơn – tức là phán quyết định nghĩa rõ hơn về vùng tranh chấp và trong tương lai, những quốc gia khác có thể dùng để kiện Trung Quốc, thí dụ như Việt Nam – nhưng tôi không lạc quan lắm về chế độ cộng sản Việt Nam kiện Trung Quốc, vì gần như là họ mở miệng mắc quai. Họ cứ hứa nhưng trong vấn đề Hoàng Sa, họ không dám đi kiện vì Công Hàm Phạm Văn Đồng – còn những yếu tố khác chưa nói ra, như Chị còn nhớ là Hồng Lỗi [người phát ngôn Bộ Ngoại Giao tại Bắc Kinh] có nói là Việt Nam là “khi vầy khi khác về vấn đề Hoàng Sa” tức là Việt Nam cảm thấy có một “weak case” tức là thế yếu trong vấn đề kiện Trung Quốc ở Hoàng Sa. Về Trường Sa thì tôi nghĩ là tình trạng tốt hơn là Hoàng sa. Tôi nghĩ là nếu / khi chính quyền cộng sản Việt Nam không đem lại hi vọng gì nhiều – nhưng một chính quyền không cộng sản có thể kiện Trung Quốc dựa vào phán quyết của Tòa Trọng Tài

Ngọc Hân: Xin cảm ơn Ts Lê Minh Nguyên.

Ts Lê Minh Nguyên: Kính chào Chị Ngọc Hân và kính chào quí thính giả Đài VOA Hoa Kỳ

***

Cũng xin nhắc lại là vào ngày 12.07.2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế tại The Hague, thủ đô Hòa Lan, gọi tắt là PCA đã phổ biến Phán Quyết dài 497 trang với kết luận rõ rệt là Đường Lưỡi Bò 9 đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông hoàn toàn không có cơ-sở pháp lý. Bắc Kinh đã xác quyết chủ quyền Đường Lưỡi Bò 9 đoạn với lập luận “quyền lịch sử” (“historic rights”), nhưng Tòa PCA quyết định rằng “quyền lịch sử” của Bắc Kinh, nếu có, đã bị triệt tiêu bởi Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc và Philippines đều là thành viên kết ước. Quyết định/Award của Tòa PCA không thể kháng cáo vì có tính sau cùng (final) và ràng buộc (binding). Tuy nhiên, Tòa PCA không có phương tiện cưỡng hành và Bắc Kinh đã lên tiếng từ chối thẩm quyền của PCA cũng như đã bác bỏ phán quyết của PCA.

* Ngọc Hân tường trình Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA từ Sydney Australia.

(Nguồn: Chương trình VOA lúc10 giờ tối Thứ Hai 25.07.2016)