Võ sĩ Lê Cung – Bài học không thuộc của Người Việt Tỵ Nạn CS – Thạch Đạt Lang
Cách đây 3 ngày, tôi nhận được một email với chủ đề Saving Private Ryan. Nghĩ là một email nói về chuyện phim này, tôi định xóa đi, nhưng lại chợt tò mò muốn xem người viết nói gì về cuốn phim.
Định xóa đi vì tôi đã coi cuốn phim nhiều lần, hiện vẫn còn giữ trong sưu tập những phim hay của mình. Tò mò vì phim này được trình chiếu từ năm 1998, nay tự nhiên có người đem ra nói chuyện, ắt phải có lý do.
Khi di chuyển con chuột xuống dưới, mới biết mục đích email không nói về cuốn phim Saving Private Ryan mà nói về một bài báo.
Tác giả của bài quả thật có lược sơ qua chuyện phim, nhưng mục đích chính là kết nối với một đề tài khác: – Hãy xứng đáng với sự hy sinh của những anh hùng, tử sĩ.
Bài báo nói về Lê Cung, một võ sĩ kick-boxing khá nổi tiếng trọng cộng đồng NVHN, trở về VN tham gia huấn luyện võ thuật và đóng phim tại VN.
Chuyện cũng chẳng có gì (mà ầm ĩ) nếu Lê Cung là một võ sĩ vô danh, hoặc trước đây mỗi lần thi đấu không mặc quần có lá cờ vàng ba sọc đỏ ở bên hông, cầm lá cờ chạy vòng quanh sân khấu trước khi đấu, sau khi chiến thắng…
Do người Việt tỵ nạn CS rất tôn trọng và nhạy cảm với lá cờ vàng cho dù chế độ VNCH không còn, tôi tự hỏi, nếu không là Lê Cung mà một người khác mặc quần đùi có hình cờ vàng ba sọc đỏ, dạo phố Bolsa có bị chửi bới, hành hung hoặc hăm dọa gì không? Vì mỗi khi nhìn cái quần trunk mà Lê Cung mặc trên võ đài, tôi không thể không liên tưởng đến cái chậu rửa chân của cô hoạ sĩ Trần Thủy Châu vẽ hình lá cờ vàng của VNCH bị người Việt biểu tình chống đối.
Tác giả bài viết, bút hiệu Người Lính Già Oregon, chắc phải thất vọng „ bức xúc „ lắm khi thấy Lê Cung trở về VN huấn luyện võ thuật, tham gia đóng phim nên mới viết bài lên tiếng tiếc nuối cho hành động của Lê Cung.
Đọc hết bài báo do người bạn chuyển qua email, tôi thông cảm nỗi buồn của Người Lính Già Oregon, đồng thời cũng thật sự thất vọng không kém về ông nói riêng, cộng đồng NVHN nói chung mà mình là một thành viên.
Gần 40 năm rồi, người Việt hải ngoại đã có biết bao nhiêu bài học cay đắng, chua xót, ê chề mà vẫn không thuộc, vẫn cứ vấp phải lỗi lầm, những lỗi lầm lập đi lập lại y ( chang ) như trước.
Tại sao vậy?
Trong bài viết của Người Lính Già, chúng ta nhận ra ngay sự suy nghĩ khô cứng của tác giả. Văn phong có vẻ hằn học, khinh bỉ khi nói về các ca sĩ hải ngoại về hát trong nước, đặc biệtcâu có tính cách nhục mạnhư sau:
– Cam tâm phản bội đồng hương tỵ nạn chống Cộng đã nuôi dưỡng bọn họ từ ngày mới định cư, lập nghiệp, đứa nào cũng xác xơ như cái mền rách.
Ở Mỹ chẳng ai nuôi ai, sao lại dùng chữ như thế? Đi hát cũng là một nghề nghiệp, ca sĩ cũng phải tập dượt, phải trình diễn, tốn tiền cho quần áo, son phấn… Sao lại cho rằng mua vé vào coi, mua DVD, CD nhạc là nuôi dưỡng họ?
Ai thích thì mua vé vào coi, không thích thì thôi. Tiền vé vào cửa đâu có phải tiền thuế, bắt buộc phải đóng mà dùng chữ nuôi dưỡng. Đọc thấy thật khôi hài.
Còn mới qua Mỹ thì ai chẳng nghèo, xác xơ…như cái mền rách, ngoại trừ những người đi năm 1975, mang theo được tài sản?
Còn thế nào là phản bội? Người ca sĩ như Khánh Ly, nhạc sĩ như Phạm Duy. võ sĩ như Lê Cung… có ký một hợp đồng hay có lời cam kết phục vụ, làm việc cho người Việt hải ngoại một thời gian là 5 năm, 10 năm hoặc trọn đời không? Nếu có, mà họ không giữ đúng những điều khoản đã cam kết thì mới là phản bội.
Những người nói trên có sự tự do chọn lựa của họ, cũng như khán giả toàn quyền muốn coi họ trình diễn, thi đấu thì coi, không ai bắt buộc ai. Họ không phản bội ai ngoài lương tâm, nhân cách, đạo đức, sự tự trọng của chính bản thân.
Nhưng nếu như trước đây, Người Lính Già Oregon và nhiều người khác trong cộng đồng NVTN không ca ngợi, vỗ tay, hoan nghênh, đánh bóng quá trớn cho những lời nói, hành động của những người như Phạm Duy, Khánh Ly, Lê Cung…, chắc chắn đã không ai phải tiếc nuối, ân hận gì về chuyện quay ngoắt 180° của họ.
Thái độ vồ vập, hấp tấp vơ vào cái hào quang của một vài cá nhân nổi bật…rồi thổi phồng lên coi như là thành quả của cộng đồng người Việt hải ngoại đã trở thành những bài học chua cay, ê chề. Những bài họctừ Thúy Nga Paris thập niên 90 với DVD Paris By Night 40, chủ đề Mẹ, đến Phạm Duy, Khánh Ly rồi nay là Lê Cung sẽ còn tiếp tục mãi mãi nếu Người Lính Già Oregon và những người như ông không suy nghĩ khác đi.
Các cộng đồng Ấn, Hoa, Đại Hàn, Ý, Phi… đều có những cá nhân xuất sắc với những thành quả rực rỡ trong nhiều lãnh vực chứ không riêng gì cộng đồng VN, không biết họ có làm ầm ĩ, rùm beng những thành quả các cá nhân như người Việt hay không?
Tại sao chúng ta không coi những thành công của những người như chuẩn tướng Lê Xuân Việt, Philipp Rösler, Dương Nguyệt Ánh… là bình thường bởi vì họ mang giòng máu Việt nhưng không còn là người Việt nữa? Trên thực tế, sự thành công rạng rỡ của họ chỉ đem lại danh dự cho đất nước mà họ đang mang thông hành, việc làm của họ chỉ nhằm phục vụ cho đất nước họ đang giữ căn cước.
Vậy thì cớ gì mà cứ vơ vào để làm ồn ào lên những chuyện bình thường?
Nếu có một người ngoại quốc nào đó hỏi tôi, nước Việt Nam hiện nay có ai đáng để cho bạn hãnh diện? Câu trả lời của tôi sẽ là:
– Rất nhiều! Tôi có thể kể cho bạn nghe!
Đó là Đỗ Thị Minh Hạnh, Tạ Phong Tần, Nguyễn Phương Uyên, Bùi Thị Minh Hằng, Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Trịnh Kim Tiến, Huỳnh Thục Vy…,tôi không thể kể ra hết được vì nhất thời không nhớ hết vì danh sách rất dài.
Họ là những người phụ nữ VN đang ở trong nước, trẻ có, trung niên có, nhưng hầu hết chân yếu, tay mềm, không một tấc sắt trong tay nhưng kiên quyết chống cự lại bạo quyền cộng sản với đầy đủ nhân lực, vũ khí, phương tiện trấn áp, chỉ để đòi hỏi cho người dân được tự do, dân chủ, được biểu lộ tình yêu nước của mình.
Đó cũng là Nguyễn Hữu Cầu người tù chính trị trên 32 năm, hoặc Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Tiến Trung, Phạm Minh Hoàng…những người đã hi sinh đời sống êm đẹp, hạnh phúc, sung sướng của mình cho dân tộc, đất nước, cho lẽ phải, sự công bằng xã hội.
Mỗi lần nhận được những tin tức không hay về những người vừa kể trên lòng tôi lại đau nhói, buồn bã chen lẫn tức giận.Khi nghe được những tin tốt đẹp về họ thì lòng tôi vui mừng, nhẹ nhõm chứ không dửng dưng như khi nghe, biết tin tức về Phạm Duy, Khánh Ly, Lê Cung…
Những người như Phạm Duy, Khánh Ly, Lê Cung… chỉ là những con người thiếu tự trọng, nhân cách, là kẻ cơ hội trong đời sống. Họ chỉ hơn chúng ta ở một chút tài thiên phú hoặc do tập luyện mà có. Tài năng đó chỉ để kiếm tiền bạc, danh vọng cho chính bản thân, gia đình họ chứ chẳng cho ai. Họ sẵn sàng đem bán tài năng của họ với giá cao nhất, bất kể là ai, người hay quỷ. Hết!
Vậy thì có gì đáng để vinh danh, ca ngợi hay buồn bã, tiếc nuối khi tài năng đó được đem bán cho quỷ khi được giá?
Và đến bao giờ thì NVHN mới thuộc được bài học:“ – Chớ nên:
Thấy người sang bắt quàng làm họ,
Sẽ có ngày chúng gõ bể đầu
Vinh quang chẳng được bao lâu
Ê chề, cay đắng, ôm sầu mà rên
Viết đến đây tôi nhận thêm được một email với những hình ảnh Lê Cung bị đánh tơi tả, mặt mày sưng húp trong trận đấu với Micheal Bisping ngày 23/08/2014 tại Macau. Trận này Lê Cung bị thua TKO ( Technical Knock Out ).
Không những chỉ có hình ảnh Lê Cung bị bầm dập, email còn nói đến sự phản thầy của Lê Cung đối với sư phụ Phạm Huy Khuê. Không rõ Lê Cung đã phản thầy như thế nào?
Nếu Lê Cung chưa về VN tham gia dậy võ, đóng phim với cộng sản, email trên chắc chắn sẽ được gửi tới với những lời lẽ chia buồn, an ủi, khích lệ… cho lần thi đấu tới, phần nói về sự phản thầy cũng sẽ không có.
Cũng có thể những hình ảnh trong email sẽ không xuất hiện hay rất ít người biết về trận đấu bị đánh TKO của Lê Cung.
Thôi thì:
Yêu nhau cau bẩy bổ ba
Ghét nhau cau bẩy xẻ ra làm mười
Lê Cung nếu có đọc được những giòng chữ này, chẳng nên trách ai mà hãy tự trách mình.
Thạch Đạt Lang