VN-TQ ‘xử lý đúng đắn vấn đề tế nhị’?

Cac Bai Khac

No sub-categories

VN-TQ ‘xử lý đúng đắn vấn đề tế nhị’?

Thủ tướng Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển hiện nay

 

Theo BBC

Cập nhật: 05:24 GMT – thứ năm, 19 tháng 6, 2014

Tân Hoa Xã nói Việt Nam và Trung Quốc đã ‘đồng ý xử lý đúng đắn các vấn đề tế nhị song phương’ nhằm tránh làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai nước, sau chuyến thăm của Uỷ viên Quốc vụ Dương Khiết Trì tới Hà Nội.

Hãng tin nhà nước Trung Quốc hôm nay dẫn lời ông Dương nói trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh ngày 18/6 rằng:

“Chính phủ và Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn đề cao tầm quan trọng của mối quan hệ Viêt-Trung trong tầm nhìn chiến lược dài hạn, và sẵn sàng hợp tác với chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam để cùng xây dựng một mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện lành mạnh và ổn định”.

Ông Dương đã kêu gọi Việt Nam ‘ngưng quấy nhiễu’ hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của Trung Quốc, Tân Hoa Xã cho hay.

Nhà ngoại giao cao cấp của Trung Quốc cũng nói hai bên cần ‘tránh quốc tế hoá’ và ‘không làm phức tạp thêm vấn đề hàng hải hiện nay’.

Tân Hoa Xã không trích đăng các câu ông Phạm Bình Minh khẳng định chủ quyền của Việt Nam với các quần đảo và vùng biển tranh chấp.

Các câu nói này đã được đăng tải trên trang web thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Trái lại, Tân Hoa Xã chỉ trích đăng lời ông Dương Khiết Trì nói tại cuộc hội đàm với ông Phạm Bình Minh rằng phía Trung Quốc nói ‘không hề có tranh chấp ở Tây Sa’ tức quần đảo Hoàng Sa.

Trang tin Trung Quốc còn nói ông Minh đã ‘giải thích quan điểm của Việt Nam’ với phía Trung Quốc.

‘Xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền’

“Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng

Trước đó, trong cuộc gặp ngày 18/6, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nói với ông Dương Khiết Trì rằng Bắc Kinh đã ‘xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền’ của Việt Nam khi đưa giàn khoan vào vùng biển như hiện nay.

Trang web của Chính phủ Việt Nam cũng dẫn lời ông Dũng nói trong cuộc gặp tại Hà Nội rằng hành động của Trung Quốc đã “vi phạm những thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm luật pháp quốc tế” cũng như “gây bất bình và làm tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam, tác động tiêu cực đến quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai nước”.

Ông Dũng cũng “yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam” theo trang web chính phủ Việt Nam.

Vị thủ tướng cũng được dẫn lời nói “Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Ngoài cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc cũng gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trang web của Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn lời ông Trọng “nhấn mạnh tính nghiêm trọng và tác động rất tiêu cực của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển của Việt Nam từ đầu tháng 5 đến nay đối với nhân dân Việt Nam, cục diện quan hệ Việt-Trung và tình hình khu vực..”

Ông Trọng cũng “khẳng định lập trường về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi.”

Ông Dương là quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc tới thăm Việt Nam kể từ khi Bắc Kinh đưa giàn khoan vào vùng biển mà Việt Nam nói là thuộc về Việt Nam.

Ông Dương Khiết Trì cũng gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

 

‘Không đột phá’

Báo chí Trung Quốc nói một số trao đổi cấp thấp hơn đã bị hoãn trong khi không có cuộc gặp gỡ cao cấp nào khác được lên lịch giữa hai bên.

Các học giả Trung Quốc cũng được dẫn lời nói Việt Nam nên “tận dụng” cơ hội mà chuyến thăm của ông Dương tạo ra để giải quyết vụ việc.

Tuy nhiên quan chức giấu tên của Việt Nam được hãng tin AP dẫn lời nói hai bên không đạt được đột phá.

Hà Nội nói kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế là một trong những giải pháp họ có thể cân nhắc nhưng chưa rõ liệu có diễn ra vụ kiện như vậy không.

Bắc Kinh luôn muốn giải quyết các tranh chấp qua đối thoại song phương.

Báo chí Việt Nam có vẻ thận trọng khi đưa tin về chuyến thăm. Điều này trái ngược với cách đưa tin mạnh mẽ hơn của một số tờ báo Trung Quốc