Đồng lõa hay vội vàng khi CSVN trao trả nghi phạm cho Trung Cộng?
Theo BBC
Việt Nam ‘quá vội vàng’ khi trao trả Trung Quốc các nghi can, nghi phạm trong vụ nhóm người từ Trung Quốc cướp súng và bắn chết, làm bị thương các sỹ quan biên phòng VN ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh, tỉnh Quảng Ninh hôm thứ Sáu, theo ý kiến nhà quan sát từ trong nước.
Việc nhà chức trách Việt Nam bàn giao 11 người đến từ Trung Quốc, trong đó có 4 phụ nữ, 2 trẻ em, cùng 5 thi thể, ngay sau vụ bạo lực ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh, làm 7 người thiệt mạng, trong đó có 2 sỹ quan biên phòng Việt Nam, mà không thông qua điều tra, xét xử, có thể đã bỏ qua một trong các nguyên tắc về ‘độc lập chủ quyền quốc gia’, ‘tôn trọng nhân quyền’ và ‘nhân đạo’, theo luật sư Trần Quốc Thuận.
Trao đổi với BBC hôm 19/4 từ Sài Gòn, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội nói: “Trao trả một cách gấp gáp như thế, tôi nghĩ cũng là một vấn đề phải suy nghĩ, bởi vì phải coi những người đó lý do tại sao họ sang Việt Nam, lý do là gì, bởi vì trong Hiến pháp của Việt Nam cũng nói rằng những người tị nạn chính trị vì lý do này khác, đôi khi cũng có thể xem xét,
“Chứ không phải là tất cả những người nước ngoài chạy vào Việt Nam thì mình (Việt Nam) bắt và mình trao trả liền.
“Nếu có một hiệp định trao trả về tội phạm thì khác, còn không biết ở đây có phải là tội phạm không, mà tôi thấy là trao trả một cách vội vàng,” ông Thuận nói.
Hôm thứ Bảy, cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã nói Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận tin tức trên truyền thông nói có vụ việc nổ súng xảy ra “ở khu vực biên giới Trung Quốc-Việt Nam” và cho hay “Trung Quốc đang kiểm tra tính xác thực của các nguồn tin.
Trong khi đó, báo chí chính thức ở Việt Nam đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quanh Thanh đã gửi vòng hoa đến Lễ truy điệu các sỹ quan biên phòng bị thiệt mạng.
Trước đó, nhiều báo Việt Nam chính quyền Việt Nam đã bàn giao nghi phạm cho Trung Quốc ngay trong buổi chiều cùng ngày xảy ra vụ bạo lực, do nhóm người được cho là Duy Ngô Nhĩ (Uighur) theo đạo Hồi, từ Tân Cương di chuyển tới Việt Nam.
“Năm thi thể và 11 người nhập cảnh trái phép, gây ra vụ nổ súng tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh, đã được cơ quan chức năng Việt Nam bàn giao cho Trung Quốc chiều 18/4,” tờ VnExpress cho biết.
“Việc bàn giao 5 thi thể và 11 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đã được cơ quan chức năng Việt Nam và Trung Quốc hoàn tất trong chiều 18/4” tờ này trích thuật lời ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh nói.
“Trung Quốc đã tiếp nhận toàn bộ số người này,” tờ báo điện tử thuật lời thông báo của ông Hậu.
Tuy nhiên, theo luật sư Trần Quốc Thuận, việc làm này cho thấy chính quyền Việt Nam đã làm sai về trình tự tư pháp, luật pháp, ông nói:
“Câu chuyện đó làm không đúng quy trình, không đúng thủ tục về hoạt động tư pháp, khi đã gây án thì phải có kết luận của cơ quan điều tra cơ bản, chứ không thể chuyển giao một cách vội vàng,
“Chuyển giao vội vàng có hai khả năng, khả năng thứ nhất là chuyển giao để cho bên kia người ta sẽ trừng trị, người ta có thể dùng biện pháp rất là ác độc, còn có thể có khả năng thứ hai là họ tha bổng, họ bao che,
“Thì đâu phải vào một đất nước khác, gây án, rồi họ lãnh về, rồi cuối cùng không có xử gì hết, thì đâu có được.”
“Cho nên pháp luật hình sự Việt Nam điều chỉnh tất cả hành vi phạm tội trên đất nước này, đều phải xử, xét theo Bộ luật Hình sự, thì đó là quy định của Bộ luật Hình sự rồi, cho nên ở Việt Nam, nếu mà làm như vậy, thì đó là một việc làm không phù hợp với quy định của pháp luật của Việt Nam và cũng là thông lệ quốc tế.”
Theo luật sư Thuận, việc trao trả còn đặt nhà cầm quyền Việt Nam vào một nguy cơ khác tùy thuộc vào việc sau khi bị bàn giao cho Trung Quốc, nhóm người từ Trung Quốc, trong đó có 4 phụ nữ và hai thiếu nhi nhỏ tuổi, có bị chính quyền Trung Quốc vi phạm nhân quyền hay không.
Luật sư nêu quan điểm: “Nếu ở Trung Quốc họ đối xử với những người đó như thế nào mà vi phạm nhân quyền, thì Việt Nam có thể cũng là đồng lõa, cái đó là đương nhiên rồi, chứ còn không thể chối cãi chuyện đó được. Cái đó nhìn thấy rõ rồi, và phải coi xem phía Trung Quốc họ đối xử thế nào.”
Theo cựu quan chức Văn phòng Quốc hội, việc trao trả nhóm nghi phạm cho Trung Quốc cũng làm dư luận đặt ra câu hỏi về việc liệu chính quyền Việt Nam có tự tôn trọng ‘độc lập, chủ quyền’ của mình hay không, khi những nghi phạm tấn công, giết người Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam không bị điều tra, xét xử ở Việt Nam, mà được quyền rời thẳng khỏi quốc gia này.
Luật sư Thuận nói: “Riêng việc gây án giết chết những bộ đội Việt Nam biên phòng, những sỹ quan, những chiến sỹ, một vụ án đặc biệt nghiêm trọng như thế mà không khởi tố, không điều tra, không gì hết mà chuyển (giao) liền thì cái đó là không bình thường,
“Mà cái đó người ta xem lại chủ quyền quốc gia, độc lập chủ quyền quốc gia nó như thế nào, bởi vì người ta xâm phạm, không biết những người đó từ đâu, nhưng họ từ biên giới họ qua, nhưng nguồn gốc họ ở đâu đến, ai biết được, gây án phải điều tra, không điều tra, không xác định, không khởi tố, không gì hết, mà trong vài tiếng đồng hồ chuyển giao… kể cả xác, rồi thế nọ thế kia,
“Tôi cho đó là một sự thỏa thuận, mà nếu có một sự thỏa thuận, thì nó chưa được tôn trọng chủ quyền quốc gia một cách tuyệt đối được.”
Hôm thứ Bảy, một thành viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam bình luận với BBC về khả năng có một ‘thỏa thuận ngầm’ giữa Trung Quốc và Việt Nam trong việc ‘ngăn chặn, bàn giao, dẫn độ, trao đổi’ những người bất đồng chính kiến khi họ chạy trốn từ một quốc gia này và tìm cách cư trú chính trị quốc gia kia và ngược lại.
Từ Hà Nội, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng nói: “Tôi nghĩ chuyện này là cái mà ai cũng có thể hiểu, bởi vì quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc nó không chỉ thể hiện ở trên các hiệp định đã ký kết mà nó còn phụ thuộc vào sự gắn chặt ở những vấn đề chính trị còn lớn hơn rất nhiều,
“Cho nên sinh mạng người dân, con người cũng không quan trọng đâu và cái quan trọng là thái độ của những người cầm quyền nó như thế nào thôi.”
Trước câu hỏi liệu chính quyền Việt Nam trao trả các ‘nghi can, nghi phạm’ vụ nổ súng ở Quảng Ninh cho Trung Quốc, vì muốn những người Việt Nam ‘chạy trốn’ sang Trung Quốc dù để ‘tị nạn chính trị’ hoặc vì bất kỳ lý do nào khác cũng sẽ được hoàn trả nhanh cho Việt Nam để xử lý hay không, blogger Lân Thắng nói:
“Tôi nghĩ đây là một vấn đề rất phức tạp và nhiều năm nay, tôi biết có rất nhiều trường hợp người Việt Nam tìm cách cư trú chính trị ở nước ngoài để tránh sự trừng phạt vì những vấn đề họ hoạt động liên quan đến nhân quyền, đến dân chủ, đến những hiệp hội lao động, bảo vệ quyền lợi người lao động…,
“Vấn đề ở đây không phải chỉ là chuyện người tị nạn, mà vấn đề ở đây là làm sao phải tạo ra một sự chuyển biến về nhận thức trong xã hội để người dân, chính người ở trong nước, họ có những sự tham gia đấu tranh bảo vệ những giá trị như nhân quyền, quyền con người, đấy mới là điều quan trọng để thay đổi tình hình ở Việt Nam.”
Hôm 19/4, trên trang Facebook cá nhân của mình, blogger Osin, tức nhà báo Huy Đức, nêu quan điểm cho rằng vụ bạo lực gây chết người hôm thứ Sáu lẽ ra có thể đã được ngăn chặn, giảm thiểu hậu quả nếu được xử lý khác đi.
Ông Huy Đức viết:
“Sẽ không có 7 người chết (trong đó có 2 bộ đội biên phòng Việt Nam) và nhiều người khác bị thương nếu những người (có thể là) Duy Ngô Nhĩ “vượt biên trái phép” đó được giữ lại điều tra và trước khi trao trả, chính quyền hai bên đàm phán các điều kiện đảm bảo an toàn cho họ.
“Đành rằng, vẫn biết Hà Nội và Bắc Kinh là hai nhà nước có thể “chia sẻ” với nhau cách đối xử với những người bất đồng với chính quyền. Đành rằng, tiêu diệt một nhóm người có vũ trang thì không ai trách cứ được mình.
“Nhưng, nếu 16 người vượt biên (có 4 phụ nữ và 2 trẻ em) này không bị đối xử quá lạnh lùng thì người Việt đã không phải đổ máu và bàn tay người Việt đã không phải dính máu người Duy Ngô Nhĩ.”
Hôm thứ Bảy, trước câu hỏi ai đứng sau quyết định của Việt Nam trao trả, gần như ngay lập tức, những nghi can, nghi phạm được cho là đến từ Tân Cương trong vụ nổ súng chống biên phòng, hải quan Việt Nam cho phía Trung Quốc, luật sư Trần Quốc Thuận nói:
“Tôi không biết người đó, bởi vì họ không đưa tin người đó, nhưng người đó phải là một người có quyền lắm ở Việt Nam, họ ra lệnh phải bàn giao ngay,
“Bây giờ có đường dây nóng nên họ gọi qua, gọi lại rồi bảo bàn giao ngay, thì có thể nó có một thỏa thuận nào đó,
“Nhưng những thỏa thuận đó trong bàn giao như thế nào, nhưng riêng việc này là tôi xin nói là xem lại đảm bảo chủ quyền, độc lập của đất nước hay không”.