CSVN lập lữ đoàn ‘bảo vệ Phú Quốc’

Cac Bai Khac

No sub-categories

CSVN lập lữ đoàn ‘bảo vệ Phú Quốc’

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tại lễ công bố quyết  định thành lập Lữ đoàn 950

Theo BBC Cập nhật: 09:30 GMT – thứ  sáu, 5 tháng 9, 2014

Bộ tư lệnh Quân khu 9 vừa thành lập một lữ đoàn đóng trên huyện đảo Phú Quốc với nhiệm vụ phòng thủ đảo và vùng biển phía tây nam Việt Nam, truyền thông tại Việt Nam cho biết.Trước đó, quyết định thành lập Lữ đoàn 950 đã được Bộ trưởng Quốc phòng Phùng  Quang Thanh ký hồi 15/3, với mục tiêu “xây dựng quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm  vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, báo Quân đội Nhân dân đưa tin ngày  4/9. Báo này cũng dẫn lời Lữ đoàn trưởng Nguyễn Trung Kiên nói tại lễ công bố  quyết định thành lập đơn vị này hôm 4/9 rằng Lữ đoàn 950 sẽ “làm tốt nhiệm vụ  giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội … bảo vệ vững chắc biển đảo  tây nam của Tổ quốc”. Bên cạnh đó, lữ đoàn còn có trách nhiệm “bảo vệ du khách và các đơn vị kinh  tế đến du lịch, làm ăn tại Phú Quốc; tham gia cứu hộ, cứu nạn, phòng chữa cháy  rừng”. Báo Thanh Niên ngày 4/9 cho biết Lữ đoàn 950 này được thành lập “trên cơ sở  điều chuyển nguyên trạng Tiểu đoàn xe tăng 357, Đại đội pháo binh 85, Đại đội  công binh công trình (Tiểu đoàn công binh 356, thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân) và các đơn vị trực thuộc Ban Chỉ huy quân sự huyện đảo Phú Quốc”. ‘Cần thiết nhưng chưa cấp thiết’

“Đối với kẻ thù hiện nay thì [Phú Quốc] cũng chưa cấp  thiết như đối với miền Trung và phía Bắc” – Thiếu tướng Nguyễn Trọng  Vĩnh

Trả lời BBC ngày 5/9, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên là chính ủy Quân  khu 4, nói việc thành lập đơn vị bảo vệ đảo Phú Quốc là cần thiết, nhưng cũng đề  cập đến nhu cầu bảo vệ các khu vực tranh chấp trên biển hiện nay. “Đảo Phú Quốc là đảo tiền tiêu ở phía Tây Nam, có nhiều giá trị phòng vệ từ  xa của Việt Nam,” ông nói. “Tuy nhiên, đối với kẻ thù hiện nay thì cũng chưa cấp thiết như đối với miền  Trung và phía Bắc”. Ông Vĩnh cho rằng cần có nhiều việc phải làm hơn hiện nay để bảo vệ vùng biển  gần quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Còn nhiều việc phải làm để bảo vệ biển đảo, cũng như bảo vệ quốc phòng  chung, chứ không phải riêng việc thành lập một lữ đoàn”, ông nói thêm. Đặc khu kinh tế Phú Quốc là một trong ba đặc khu kinh tế ở ba miền  Bắc-Trung-Nam đang được chính phủ Việt Nam xây dựng. Bên cạnh Phú Quốc, Việt Nam còn có hai đặc khu kinh tế khác là Vân Đồn (Quảng  Ninh) và Bắc Vân Phong (Khánh Hòa). Theo thông tin được đưa ra tại cuộc họp UBND tỉnh Kiên Giang hồi tháng Chín  năm ngoái do Báo điện tử Chính phủ dẫn lại, điểm nổi bật của đặc khu kinh tế Phú  Quốc là “thiết lập mô hình tổ chức chính quyền năng động, tự chủ, tự chịu trách  nhiệm.” Đặc khu này cũng sẽ được “áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù trong  xây dựng, đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế, du lịch, giáo dục”. Hồi đầu năm 2014, sau khi được luân chuyển vào vị trí Phó Bí thư  Tỉnh ủy và được bầu vào chức Phó Chủ tịch tỉnh Kiên Giang, ông  Nguyễn Thanh Nghị, con trai đầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã được  phân công chỉ đạo đầu tư phát triển Phú Quốc. Lúc đó ông được giao chuẩn bị đề án “Đặc khu Hành chính Kinh tế Phú Quốc”,  với tham vọng biến hòn đảo này thành một trong ba đặc khu kinh tế lớn  nhất của Việt Nam. Tuy nhiên chỉ ba tháng sau đó, ông Nghị đã rút khỏi vị trí thành viên  Tổ công tác về phát triển Phú Quốc mặc dù từng tham gia Tổ công tác nghiên cứu  cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc với tư cách thành viên từ khi tổ  này được thành lập tháng 9 năm 2012 theo quyết định của Thủ tướng  Nguyễn Tấn Dũng.