VN đứng đâu trong ‘Một vành đai, Một con đường’ của TQ?
BBC
11 tháng 5 2017
Ngay sau khi Hội nghị Trung ương 5, khóa 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam kết thúc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có chuyến thăm Trung Quốc trong thời gian từ 11 đến 15/5/2017.
Ông Trần Đại Quang sẽ dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Một vành đai, Một con đường”, tổ chức tại Bắc Kinh.
BBC đặt câu hỏi với Tiến sỹ Nguyễn Hữu Quyết từ Đại học Vinh, một chuyên gia chuyên theo dõi tình hình chính trị khu vực, về sáng kiến này.
Tiến sỹ Nguyễn Hữu Quyết: Đằng sau sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” là sự thể hiện ‘sức mạnh mềm’ của Trung Quốc chứ không đơn thuần chỉ là sáng kiến liên kết và hội nhập. Sáng kiến này nhằm tạo ‘Một trục, Hai cánh’, kết nối Con đường Tơ lụa trên biển và Con đường Tơ lụa trên đất liền.
Đây là một sáng kiến rất hay trong xu thế hội nhập và liên kết khu vực cũng như quốc tế, nhưng cũng là cách để thể hiện sức mạnh mềm của Trung Quốc, trong đó có sức mạnh về kinh tế và kết nối để các nước khác trên thế giới xoay trục về phía Trung Quốc, tạo lưu thông kết nối hàng hóa, dịch vụ, thương mại,
Sâu hơn nữa, nó thể hiện tiềm ẩn chính sách của Trung Quốc trong việc bành trướng sức mạnh mềm chứ nó không đơn thuần mang ý nghĩa tích cực.
BBC:Khi Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra sáng kiến này vào năm 2013, người ta cho rằng sẽ có hàng chục quốc gia trên thế giới liên quan hoặc được Trung Quốc mời tham gia chung. Trên thực tế, đến thời điểm này, đã có bao nhiêu nước tỏ ý quan tâm và sẵn sàng tham gia?
TS Nguyễn Hữu Quyết: Các nước ở Trung Á và Tây Á, tức là các nước trong khuôn khổ Shangri-la, hầu như đều đồng thuận ủng hộ sáng kiến này. Ở châu Âu thì có một số nước, trong đó có cả một số thành viên của EU.
Tuy nhiên, các đồng minh chiến lược của Mỹ hầu như đều đang bỏ ngỏ vì áp lực từ chính sách tái cân bằng chiến lược của Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Trung Quốc đã thành lập được Ngân hàng Đầu tư Phát triển Hạ tầng Cơ sở châu Á, với sự tham gia của hơn 20 quốc gia. Các nước này về cơ bản đều đồng thuận với Trung Quốc về dự án ‘Một vành đai Một con đường’, cùng muốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng trên tuyến đường ‘Giấc mộng Trung Hoa’ đó.
BBC: Trung Quốc nay muốn mở một tuyến đường trên biển và một tuyến đường trên bộ nhằm làm sống lại quá khứ Con đường Tơ lụa trước kia. Việt Nam nằm sát bên Trung Quốc, có chung đường biên giới cả trên bộ lẫn trên biển, lại có những bất đồng, tranh chấp trên biển nữa. Vậy vai trò của Việt Nam trong sáng kiến này là gì? Việt Nam có thể được coi là một mắt xích quan trọng, hay có giá trị chiến lược gì trong sáng kiến này của Trung Quốc không?
TS Nguyễn Hữu Quyết: Tuyến đường này sẽ đi qua Jakarta, Kuala Lumpur, quay về Hà Nội rồi nối với các khu vực của Trung Quốc, với điểm đến cuối cùng là cảng Thượng Hải.
Vành đai rộng lớn được tạo ra, nối từ châu Á sang châu Âu. Nhưng xét về địa chính trị, địa kinh tế cũng như địa chiến lược thì Việt Nam không nằm trong toan tính của Trung Quốc để giữ vị thế quan trọng.
Khi kết hợp chiến lược thâu tóm toàn bộ tuyến đường cả trên đất liền lẫn trên biển với chiến lược thôn tính Biển Đông thì Bắc Kinh có lợi thế rất lớn. Bởi sáng kiến này còn kết nối với chiến lược ‘Một Trục Hai Cánh’ của Trung Quốc.
“Một Trục” là hành lang kinh tế Nam Ninh thuộc Quảng Tây, nối đến Singapore. Hiện họ đang xây dựng cơ sở hạ tầng và đường cao tốc cùng tuyến đường sắt cao tốc.
Còn ‘Hai Cánh’ thì gồm ‘cánh trái’ và ‘cánh phải’.
‘Cánh trái’ là hợp tác tiểu vùng sông Me-kong mở rộng, với cơ sở hạ tầng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, đầu tư, với các nước tham gia gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myamar, Thái Lan cùng tỉnh Quảng Tây, Vân Nam của Trung Quốc, đã bắt đầu từ 2004.
‘Cánh phải’ là hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, với các nước tham gia là Lào, Campuchia, Thái Lan, hầu như là 10 nước trong khối ASEAN, cùng các tỉnh của Trugn Quốc Quảng Tây, Vân Nam, Hải Nam, Quảng Đông và Hong Kong.
Việt Nam tham gia sáng kiến này sẽ chỉ hưởng lợi trong khía cạnh hội nhập và kết nối, nhưng sẽ phải chịu nhiều bất lợi khác.
BBC: Ông nói rằng nếu tham gia, Việt Nam sẽ được lợi về kết nối và hội nhập, nhưng lại bị những chuyện tổn hại khác, nhất là trong vấn đề Biển Đông?
TS Nguyễn Hữu Quyết: Đúng vậy. Chính xác là các thiệt hại sẽ lớn hơn những điều có lợi.
BBC: Vậy thì Việt Nam có cơ hội đứng ngoài mà không tham gia sáng kiến ‘Một vành đai, Một con đường‘ không?
Tiến sỹ Nguyễn Hữu Quyết: Chiến lược ‘Một Trục Hai Cánh’ đã được ASEAN đón chào rất nồng nhiệt. Việt Nam, với tư cách là một nước thành viên có vị thế trong ASEAN, không thể đứng ngoài được, không thể không ủng hộ được. Mà ‘Một vành đai Một con đường’ thì rộng hơn là ‘Một Trục Hai Cánh’, một là quy mô quốc tế, một là ở tầm khu vực, giữa Trung Quốc với khối ASEAN.
Chưa kể trong xu thế kết nối và hội nhập, Việt Nam không thể đứng ngoài. Nhìn vào tương lai của tuyến đường biển chiến lược, các nước rất được lợi từ sáng kiến này, qua việc giúp trung chuyển hàng hóa, tự do dịch vụ, thương mại, nguồn lực v.v… Cho nên về tầm nhìn chiến lược thì Việt Nam buộc phải tham gia.
Việt Nam ở trong thế bất lợi nhưng không thể đứng ngoài cuộc chơi được.
BBC: Nếu buộc phải tham gia vì quyền lợi cũng như áp lực từ khối ASEAN thì Việt Nam nên đàm phán với Trung Quốc trong tư thế là một thành viên của ASEAN hay với tư cách riêng của mình, một quốc gia độc lập?
Tiến sỹ Nguyễn Hữu Quyết: Cả hai. Về mặt đa phương, Việt Nam sẽ nói theo quan điểm của ASEAN đối với chiến lược ‘Một Trục Hai Cánh’. Chiến lược này có lợi hơn cho Việt Nam nhưng nó lại nằm trong chiến lược tổng thể của Trung Quốc ‘Một vành đai Một con đường’. Rất khó để đánh giá được vấn đề này.
Cho nên tôi nghĩ là Việt Nam sẽ dựa trên lập trường của cả hai, cả ASEAN và của riêng Việt Nam. Nhưng nhiều khả năng là Việt Nam ủng hộ mạnh hơn quan điểm của ASEAN. Trong quan hệ song phương thì vẫn còn những vấn đề phức tạp, không minh bạch thông tin được, nhất là trong những chủ đề liên quan tới Biển Đông.
BBC:Nếu Việt Nam không thể đứng ngoài sáng kiến ‘Một vành đai Một con đường‘, thì vấn đề chi phí của việc tham gia này sẽ thế nào? Khi dự án triển khai trong phần lãnh thổ của Việt Nam, ngân khoản thực hiện sẽ lấy từ đâu?
Tiến sỹ Nguyễn Hữu Quyết: Theo tôi hiểu thì nguồn đầu tư cho dự án Một vành đai Một con đường’, với mục tiêu chủ yếu để phát triển cơ sở hạ tầng, thì phần lớn sẽ từ nguồn quỹ của Ngân hàng Phát triển và Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á mà TQ có vốn đầu tư lớn nhất và cũng là nước có sáng kiến thành lập.
Ngoài ra còn có các nguồn đầu tư từ bên ngoài nữa, và nguồn từ các nước ASEAN nữa. Đó là ba nguồn chính.