Vladimir Putin giúp Donald Trump thắng cử? – Trọng Đạt
Mặt trận miền Tây yên tĩnh
Mới ngày nào những cuộc biểu tình rầm rộ trên toàn nước Mỹ cũng như nhiều nơi trên thế giới để chống Tổng thống Trump đắc cử y như thiên binh vạn mã từ trên trời đổ xuống. Từ đó đến nay tình hình chính trị Hoa kỳ biến động mạnh liên tục giống như cuộc nội chiến, đất nước vô cùng xáo trộn. TT Trump bị chống đối mạnh vì nhiều nguyên nhân, trước hết do trâu buộc ghét trâu ăn, những người bị mất quyền lợi, giới tài phiệt bị thiệt hại do chính sách mậu dịch, cũng một phần vì Donald Trump hay phát ngôn bừa bãi, cãi nhau, chửi lộn với giới truyền thông khiến cho nhiều người ghét.
Cựu Giám đốc FBI Comey bị TT Trump cho nghỉ việc ngày 9-5-2017 đã gây xúc động và tạo nhiều tranh cãi, vận động sôi nổi đến nghẹt thở. Comey phản pháo nói Tổng thống làm nhục ông, cất chức ông vì muốn ông trung thành mà không được, TT Trump cũng muốn ông bỏ qua cuộc điều tra cựu cố vấn Flynn có liên hệ với Nga.
Nhưng một tháng sau, khi Comey ra trước Thượng viện điều trần ngày 8-6 về nguyên do Tổng thống sa thải ông thì mọi người đều thất vọng. Cả nước Mỹ trông chờ những bí ẩn đằng sau cuộc nói chuyện giữa Tổng thống và cựu Giám đốc FBI chẳng thấy chứng cớ gì để khả dĩ có thể buộc TT Trump tội cản trở công lý (obstruction of justice). Ông Comey đã từng làm nhiều người thất vọng, vào cuối tháng 10-2016, mười một ngày trước kỳ bầu cử Tổng thống 8-11, đang không ông la toáng lên đã khám phá ra hàng trăm ngàn email khả nghi trong máy điện toán của trợ lý bà Clinton đã được chuyển cho chồng cũ, chỉ vài ngày sau ông nói đã đọc rồi và chẳng thấy gì quan trọng cả!
Các bản tin nói ông Comey bị sa thải gây xúc động, đa số người Mỹ không đồng ý với quyết định của TT Trump. Trên thực tế người ta chưa thấy ai khen tài đức của Comey câu nào, họ bênh vực Comey chẳng qua vì thương hại, tội nghiệp khi nhìn bộ mặt thiểu não của ông. Phía Cộng hòa nhiều người đồng ý với TT Trump, có người nói đúng lý ra phải cách chức Comey ngay sau ngày Cộng hòa vào tòa Bạch Ốc.
Thật ra Comey không nên và không cần làm lớn chuyện, ông Tổng thống cho một Giám đốc nghỉ việc chẳng phải là chuyện gì to tát cho lắm, vả lại ông còn trẻ, tương lai sự nghiệp còn dài, có gì đâu mà phải làm ầm ĩ.
Ngày 17-5, trước áp lực của Dân chủ, Bộ Tư pháp đã mời ông Robert Mueller, cựu Giám đốc FBI (2001-2013) làm Công tô viên độc lập lãnh trách nhiệm điều tra việc ban vận động tranh cử của ông Trump có liên hệ với Nga hay không, cuộc điều tra tiếp tục tiến hành.
Hai nhân vật cao cấp của Dân Chủ là bà Pelosi, Trưởng khối thiểu số Hạ viện và cựu ứng cử viên TT Sanders chống lại cuộc vận động đàn hặc TT Trump của đảng. Sanders không tin tưởng vào chiến dịch (1), bà Pelosi cho là chiến dịch này không dựa trên cơ sở nào vững chắc mà chỉ nghe theo tin đồn (2). Nay Dân chủ hoàn toàn không có chính sách nào mà chỉ chuyên đánh phá chính phủ đối lập.
Cuộc vận động bỗng trở nên nhạt nhẽo khi có kết quả cuộc bầu cử đặc biệt cuối cùng ngày 20-6 tại tiểu bang Georgia nơi mà Dân Chủ thất bại với tỷ lệ 52-48. Bốn dân biểu Cộng Hòa từ nhiệm để tham gia chính phủ nên đã có bốn cuộc bầu cử bổ túc (Special Congressional and State Elections) tại các tiểu bang Kansas, Montana, South Carolina, Georgia. Dân chủ thua trắng tay tại cả bốn địa bàn, xin sơ lược như sau (3)
Kansas, April 11 (thay thế Mike Pompeo làm CIA director): Ron Este (CH) thắng James Thompson (DC) tỷ lệ 52.5 trên 45.7
Monata, May 25 (thay thế Ryan Zinke, làm Bộ trưởng Nội vụ): Greg GianForte thắng Rob Quist tỷ lệ 50 trên 44. Ryan Zinke bị kết án thoi vào mặt một ký giả trước hôm bầu cử nhưng vẫn được cử tri ủng hộ.
South Carolina, June 20 (thay Mick Mulvaney làm Director of the Office of Management and Budget). Ralph Norman (CH) thắng Archie Parnell (DC) tỷ lệ 51.1 trên 47.9
Georgia, June 20 (thay thế Tom Price, làm Bộ trưởng y tế). Bà Handel (CH) thắng Jon Ossoff (DC) tỷ lệ 51.8 trên 48.2
Cuộc tranh cử tại Georgia vừa qua được coi là tốn kém nhất trong lịch sử bầu cử dân biểu Mỹ từ xưa đến nay, Dân chủ tung tiền như nước quyết thắng trận này, cố gắng gỡ được tỷ lệ 3-1. Theo tin New York Times cả hai bên đã chi tổng cộng 55 triệu, cả hai quyên góp tổng cộng 28 triệu, Dân chủ quyên được 23 triệu, Cộng hòa được 4 triệu rưỡi. Một số bản tin tiếng Việt nói mỗi bên bỏ ra 50 triệu!
Trận thử lửa tại Georgia mang ý nghĩa quan trọng mà truyền thông chăm chú theo dõi. Trước ngày bầu cử, Dân chủ tin tưởng đây là thử thách đánh giá TT Trump sau khi bị đối lập nỗ lực làm mất uy tín, nhưng ngày 20-6 cử tri đã có câu trả lời: Donald Trump và Cộng hòa vẫn giữ vững vị trí.
TT Trump lên Tweeter huênh hoang khoe chiến thắng, Dân chủ mỉa mai nói Handel thắng tỷ lệ thấp tại cuộc bầu cử Georgia, chỉ có 4% trong khi Tom Price trước đây (11-2016) thắng với tỷ lệ 20% (4) Trận đấu đã khiến Dân chủ cụt hứng, nó cho thấy đám đông thầm lặng đã thể hiện quan điểm trong phòng phiếu mà không ồn ào biểu tình, chống phá ngoài đường phố.
Đảng Con Lừa hết hy vọng vào cuộc bầu cử mà họ cho là để đo lường kết quả chiến dịch đánh phá uy tín TT Trump, cuối cùng người dân, cử tri đã Say No với mọi nỗ lực vận động của đối lập. Giới lãnh đạo Dân chủ nay đã hiểu ý người dân, họ bị mất tinh thần và tỏ ra e dè cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2018 (5). Họ bắt đầu bi quan nhận thấy càng đánh phá lại càng mất phiếu của cử tri và sẽ phải nghĩ tới chuyện thay đổi phương thức đấu tranh, tuy trễ nhưng vẫn còn hơn không.
Nhiều đảng viên cực đoan yêu cầu bà Pelosi từ chức vì đã để thua cả bốn trận liên tục trong hai tháng trời với tỷ lệ 4-0 mặc dù cố gỡ lại 3-1 mà không được. Thực ra không phải tại Pelosi mà tại đường lối chung của đảng đã không thu phục được nhân tâm, từ tháng 11-2016 tới nay họ đã không đánh thắng được trận nào, càng đánh càng thua. Các bản tin thăm dò từ nhiều tháng nay cho thấy tỷ lệ ủng hộ TT Trump xuống thấp kỷ lục, nhưng lạ thay Con Lừa vẫn bại trận liên tiếp, chẳng đạt được thắng lợi nào.
Chiến dịch vận động quậy phá tự nhiên không còn ý nghĩa, đánh phá nay đã trở thành nhàm chán không còn ăn khách, trật tự đã dần dần được vãn hồi, phong ba bão táp đã qua, bây giờ là cảnh trời yên bể lặng.
Có tật giật mình
Từ mấy tháng trước, có bản tin nói Dân chủ đang tìm đầu mối về việc ban vận động tranh cử của TT Trump đã liên hệ với Nga để thay đổi có lợi cho Cộng hòa. Họ nói là vụ này còn lớn hơn Watergate thời Nixon, gần đây VOA cũng nói với luận điệu tương tự: Watergate còn thua xa vụ này. Dân chủ phát động chiến dịch bền bỉ, nhất là từ khi TT Trump sa thải Comey ngày 9 tháng 5 vừa qua.
Trong mục Quan điểm của đài TV tiếng Việt hải ngoại, một luật sư trẻ VN cho rằng có thể chính ông Trump đã làm cho tình hình thêm căng thẳng. Nếu ông giữ yên lặng thì vấn đề đã bị chìm dần nhưng hay tuyên bố phản đối này nọ, hoặc cách chức ông Comey nên càng tạo ra nghi ngờ. Cố vấn của TT Trump khuyên ông đừng cách chức Công tố viên độc lập Mueller vì có thể nó sẽ làm tình hình phức tạp hơn, người ta sẽ nghĩ ông có tật giật mình.
Tin tặc Nga có xâm nhập các máy điện toán nhiều nơi tại Mỹ trong kỳ tranh cử tháng 11-2016 vừa qua song đã được các địa phương báo cáo là không gây ảnh hưởng gì tới kết quả bầu cử. Từ nhiều tháng nay phía Dân chủ chỉ dựa vào tin đồn TT Nga Putin đã lệnh cho thuộc hạ gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Mỹ bằng tin tặc để làm thay đổi kết quả giúp Donald Trump thắng cử. Họ nói chưa bao giờ thấy nhiều khói như thế, never seen so much smoke, không có lửa làm sao có khói?
Trên thực tế rất ít người Mỹ tin rằng Nga có thể gây ảnh hưởng tới bầu cử Mỹ, ông Luật sư trẻ nêu trên cũng nhận định chẳng có ai, chẳng nước nào gây ảnh hưởng được cuộc bầu cử tại Mỹ, nhưng Mỹ đã can thiệp vào bầu cử các nước khác trên thế giới thì có!! Cũng đúng thôi, Hoa Kỳ là siêu cường, ai có thể gây ảnh hưởng được?
Nay về dân số Mỹ gấp hơn hai lần Nga (310 triệu / 145 triệu), Tổng sản lượng kinh tế Mỹ gấp 15 lần TSL Nga (18,600 tỷ / 1,200 tỷ), Ngân sách Quốc phòng Mỹ gấp 10 lần NSQP Nga (580 tỷ / 60 tỷ) (6). Nay về quân sự, Nga đứng thứ nhì trên thế giới sau Mỹ nhờ kho vũ khí cũ từ thời chiến tranh lạnh để lại. Về máy bay quân sự Mỹ gấp gần 4 lần Nga (Mỹ 13,444 chiếc, Nga 3,547), Mỹ có 10 Hàng không mẫu hạm lớn (100 ngàn tấn) và 9 HKMH loại nhỏ, Nga chỉ có độc nhất một HKMH loại trung bình (60 ngàn tấn) (7)
Như vậy trừ diện tích, Nga chỉ là một nước nhỏ so với Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Ở một vị thế rất khiêm tốn, Nga có thể gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tại siêu cường duy nhất trên hành tinh này hay không?
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8-11-2016 không liên quan nhiều đến ông Trump hay bà Clinton, mà là tranh cử giữa hai chính đảng và NGƯỜI DÂN ĐÃ CHỌN CÔNG HÒA MÀ KHÔNG CHỌN DÂN CHỦ. Mọi người đều biết Cộng hòa đã giành được cả Hành pháp, Lập pháp và nắm luôn ưu thế địa phương, họ giữ 34 ghế Thống đốc tiểu bang, Dân chủ chỉ còn 15 ghế, không những thế Cộng hòa còn thắng hàng ngàn chức nhỏ cấp tiểu bang, tỉnh thành (8).
Sở dĩ như vậy vì người dân đã quá chán đường lối của Dân chủ trong 8 năm qua (2008-2016) cũng như 8 năm trước (2008) họ đã quá chán Cộng hòa. Cử tri nay loại bỏ hẳn Dân chủ ra khỏi guồng máy chính trị để Cộng hòa dễ làm việc hơn.
Chuyện này người dân đều biết, phía Dân chủ cũng thừa biết vậy nhưng họ giả vờ không biết để lái sang chuyện Nga đã dùng tin tặc giúp Donald Trump thắng cử.
Bất phân thắng bại
Cuộc chiến Cộng hòa-Dân chủ bắt đầu gay cấn khoảng 4, 5 thập niên trở lại đây, năm 1974 Dân chủ đàn hặc TT Cộng hòa Nixon qua vụ Watergate. Mười lăm năm sau, 1989 Cộng hòa vận động đàn hặc TT Dân chủ Bill Clinton qua các vụ án tình dục để trả thù cho Nixon. Thời các TT Bush và Obama từ 2000 tới 2016 tình hình tương đối lắng dịu và bây giờ 2017 dường như Dân chủ đánh phá đối lập ồn ào nhất từ xưa đế nay y hệt như một cuộc Tổng tấn công. Chưa bao giờ cuộc chiến đảng phái Mỹ lại trở lên sôi động như vậy
So sánh lực lượng hai bên ngày nay ta thấy.
Cộng Hòa nắm Hành Pháp, Quốc hội, giữ đa số Thống đốc các tiểu bang
Dân chủ yếu thế nhưng họ nắm được 80% truyền thông dòng chính báo, đài, TV….Họ nhiều tiền hơn Cộng hòa, được các nhà tư bản trợ giúp, họ có khả năng tung tiền như nước thuê quảng cáo, vận động quần chúng.
Bà Pelosi và Thượng nghị sĩ Sanders, hai đảng viên Dân chủ cao niên đã e dè trước chiến dịch đánh phá mạnh của đảng Con Lừa, họ thể hiện tinh thần ôn hòa. Những đảng viên khác tích cực hơn, họ đòi bà Pelosi từ chức vì đã để thua cả 4 tiểu bang trong cuộc bầu cử bổ túc vừa qua.
Đây là cuộc chiến bất phân thắng bại (unwinnable war) vì đảng Con Lừa giữ Hành pháp hai nhiệm kỳ rồi lại đến phiên đảng Con Voi và cứ như thế mãi từ 6, 7 chục năm qua. Thập niên 60, 70 trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, Dân chủ rất mạnh vì họ luôn chiếm ưu thế tại Quốc hội lại nắm giữ đa số truyền thông nên đã kéo được TT Nixon xuống năm 1974. Nhưng thời thế đổi thay, Cộng hòa chiếm đa số Quốc hội thời các TT Bill Clinton, Bush và Obama. Dân chủ đâu còn thời oanh liệt ngày xưa, tuy được đa số truyền thông nhiệt tình ủng hộ nhưng nay cũng đã suy yếu mất uy tín rõ rệt như vụ CNN tung tin thất thiệt mới đây. Ngoài ra nay người dân cũng theo dõi truyền thông xã hội.
Chiến dịch của Dân chủ đã thất bại qua thử thách vừa rồi. Khi cử tri bầu một Tổng thống lãnh đạo đất nước, họ muốn trắc nghiệm ông ta một thời gian ít nhất là hai hoặc bốn năm, không thể lôi cố một Tổng thống xuống khi vị này mới chân ướt chân ráo bước vào tòa Bạch ốc.
Dân chủ sốt ruột, đốt giai đoạn quá sớm, mà thực ra phải chờ thời ít nhất là hai năm. Quá khứ cho thấy năm 2008 Cộng hòa tan như xác pháo, mất cả Hành pháp lẫn điện Capitol vào tay Dân chủ nhưng họ yên lặng ngồi chờ và rồi hai năm sau cơ hội cũng tới. Tháng 1-2009 khi ông Obama vào tòa Bạch ốc tỷ lệ thất nghiệp là 7.8, tháng tư năm sau 2010 tỷ lệ lên 9.9, tới tháng 11 cùng năm vẫn còn 9.8 (9). Thất nghiệp khắp nơi khiến người dân bất mãn biểu tình rầm rộ, trong cuộc bầu cử giửa nhiệm kỳ năm 2010 họ bầu cho Cộng hòa thêm 63 ghế Hạ viện thành đa số (242 ghế) và thêm 6 ghế Thượng viện.
Giới chức sắc Con Lừa nay đã bi quan e ngại cái viễn tượng giành thắng lợi năm 2018 còn xa vời u ám lắm. Nay chứng khoán lên cao, việc làm ngày một nhiều hơn, an ninh nội địa và biên giới vững vàng… Con Lừa khó có thể dùng bôi nhọ, đánh phá để đảo ngược tình thế. Giờ là lúc nghỉ ngơi chờ thời và dưỡng quân hơn là phung phí sức lực vào các chiến dịch xa rời quần chúng không mấy kết quả. Kinh nghiệm cho thấy đánh phá tỷ lệ nghịch với lá phiếu của cử tri, quậy thì dễ nhưng thu phục được nhân tâm là điều khó. Nay quậy phá đã trở nên quá nhàm chán, nó gây bất lợi cho đối lập rất nhiều mà họ không ngờ tới.
Cuộc bầu cử Tổng thống 8-11-2016 đã trôi qua được hơn nửa năm, được Đại cử tri đoàn xác nhận, Quốc hội ban hành, đối thủ Clinton đã chúc mừng Cộng hòa thắng cử thì chẳng còn lý do gì để điều tra, bàn thảo tính hợp pháp của TT Donald Trump. Mọi chiến dịch vận động điều tra tin tặc Nga chỉ là sự chống lại Hiến pháp.
Năm 2008 người dân đã quá chán đảng Con Voi vì chiến tranh Iraq sa lầy và kinh tế thoái trào cuối năm ấy nên đã chọn đảng Con Lừa lên thay. Tám năm sau 2016 họ lại chán Con Lừa vì kinh tế trì trệ, nợ công quá cao, ngoại giao mềm yếu nên lại bầu cho Con Voi. Tranh cử đảng phái lên voi xuống chó là chuyện thường, chẳng có gì mới lạ. Con Lừa không thể làm gì khác hơn là nằm chờ thời bẩy năm rưỡi nữa để hy vọng cử tri lại chán Con Voi rồi ta lại phất cờ vào tòa Bạch ốc.
Gần đây chuyện xì căng đan ông Trump con có liên hệ với một nữ luật sư Nga liên quan tới cuộc tranh cử TT 2016 hiện đang được truyền thông đề cập. Dân chủ cũng chỉ lợi dụng chuyện này một cách giới hạn và dè dặt vì sự thảm bại trong cuộc bầu cử đăc biệt vừa qua cho thấy càng quậy phá chừng nào thì càng mất phiếu chừng nấy, họ bắt đầu biết sợ.
Nay tình hình an ninh nước Mỹ đang bị đe dọa từ bán đảo Triều Tiên, người ta lo sợ có chiến tranh trong khi đảng phái vẫn kèn cựa nhau.
Người dân muốn đối lập góp phần xây dựng hơn là đánh phá bới lông tìm vết để làm suy yếu vị thế siêu cường của nước Mỹ.
(1) RFI 19-5-2017: Truất phế Tổng thống Mỹ: ảo tưởng hay thực tế qua ba câu hỏi (Trọng Nghĩa) Thượng nghị sĩ Bernie Sanders thì cho biết : « …Con đường hiện nay có thể dẫn đến khả năng đó, nhưng cũng có thể là không ». Đối với đảng Dân Chủ, điều cần thiết là làm sao cho tiến trình truất phế không bị xem như là một mưu toan « hủy bỏ kết quả bầu cử bằng cách khác”
(2) Thế Giới Mới 18-5-2017: TT Trump, Quốc Hội, FBI và chuyện gì đang xảy ra? (Nguyễn Văn Khanh)
Tối 16-5-2017 bà Pelosi nói rất rõ
“tôi không tán thành chuyện đó. Chúng ta có bằng chứng nào để buộc tội Tổng Thống? Chúng ta có biết Tổng Thống đã vi phạm điều luật nào hay chưa? Nếu không biết (mà vẫn nhất định đòi phải bãi nhiệm Tổng Thống), thì đúng là chúng ta chỉ nghe đồn đãi rồi kết tội người khác”.
(3) The Nerw York Times: 2017 Election Calendar and Results: Special Congressional and State Elections: by Jasmine C. Lee (internet)
BallotPedia.Org
(4) The Washington post: Team Trump crows as Republicans win in Georgia, South Carolina.
“Well, the Special Elections are over and those that want to MAKE AMERICA GREAT AGAIN are 5 and 0! All the Fake News, all the money spent = 0,”.
(5) Wikipedia: United States midterm election. Bầu lại 435 Dân biểu (mid term) và 33 hoặc 34 Thượng nghị sĩ (full term) và 34 Thống đốc (4 năm)
(6) Theo Globalfirepower.com ngân sách quốc phòng Nga 46 tỷ, theo Wikipedia là 66 tỷ
(7) Globalfirepower.com
(8) Theo ý kiến của nhà báo Đại Dương phía Dân chủ đã mất khoảng 1,000 ghế tại các địa phương, tôi có tham khảo phía Mỹ thì không thấy, có lẽ đây chỉ là những chức vụ nhỏ không quan trọng nên họ không nói tới
(9) http://research.stlouisfed.org/fred2/data/UNRATE.txt