‘Virus Corona mới’ đáng được gọi là “Virus Vũ Hán”
Trung Quốc đáng được nhắc đến với cái tên virus mà họ đã làm phát tán ra thế giới. Sự bùng phát của virus corona là đại dịch đầu tiên của thập kỷ mới, và như vậy, thật đáng ngạc nhiên khi có một cuộc tranh luận gay gắt về cách gọi tên nó mà không xúc phạm đến công bằng xã hội.
Ông Paul Gosar, dân biểu Cộng hòa tại Arizona, đã bị mất đi thiện cảm mà ông có được trong một số khu vực nhất định, khi ông gọi nó là “virus Vũ Hán,” một cái tên hoàn toàn phù hợp nhưng lại bị coi là kỳ cục và không thể chấp nhận được.
Các dân biểu cánh tả tố cáo Gosar. Họ cáo buộc ông đã gọi virus SARS-CoV-2 bằng một cái tên không phù hợp lắm. Theo họ, Vũ Hán ở Trung Quốc, một quốc gia không thuộc phương Tây và người da vàng sống ở đó; vì vậy, gọi virus bằng tên của thành phố đó là phân biệt đối xử. Dân biểu Ted Lieu (D., Calif.) đã giận dữ phản đối cách gọi tên “virus Vũ Hán” của nhà lập pháp Cộng hòa này, cói đó là “một ví dụ về sự thiển cận cho phép nó lây lan ở Hoa Kỳ. Virus này không bị giới hạn bởi quốc gia hay chủng tộc.”
Rõ ràng, là một người da trắng sống ở Hoa Kỳ, Gosar hoàn toàn nhận thức được điều này; Nếu không, ông đã không tự cách ly mình trước khả năng bị nhiễm bệnh và có thể truyền virus cho người khác.
Loại virus này lần đầu tiên được biết đến ở Vũ Hán, các trường hợp ban đầu tập trung quanh một khu chợ động vật hoang dã và thành phố đang bị phong tỏa vẫn là tâm điểm của dịch bệnh Trung Quốc kể từ đó. Tính đến giữa tháng hai, khu vực Vũ Hán chiếm 86 phần trăm của tất cả các trường hợp ở Trung Quốc. Do đó tất nhiên, loại virus này có liên quan đến Vũ Hán, và đã thường được gọi là virus Vũ Hán trên báo chí (ít nhất là trước khi Tổ chức Y tế Thế giới đặt tên chính thức cho virus và căn bệnh này).
Đặt tên cho một loại virus gắn với địa danh sau khi phát hiện ra ổ dịch đầu tiên là điều bình thường. Virus West Nile xuất hiện ở quận West Nile, miền Bắc Uganda vào những năm 1930. Nó tương tự như virus viêm não St. Louis, bùng phát vào khoảng St. Louis, Mo., vào năm 1933 và virus viêm não Nhật Bản, gây ra dịch ở Nhật Bản bắt đầu từ những năm 1870. Coxsackie ở bang New York, Marburg ở Đức và Hendra ở Úc đều có virus được đặt theo tên của chúng. MERS, gây ra bởi một loại virus được xác định lần đầu tiên vào năm 2012, là viết tắt của Hội chứng hô hấp Trung Đông, hoặc thậm chí còn khó nghe hơn – cúm lạc đà.
Không ai cảm thấy có gì khó chịu trong bất kỳ điều này, nhưng chúng ta sống trong một thời kỳ nhạy cảm hơn, và vô lý hơn.
WHO đã ban hành hướng dẫn vài năm trước cảnh báo về việc đặt tên bệnh theo vị trí địa lý hoặc động vật (cúm lợn, cúm gia cầm, thủy đậu) hoặc các tổ chức thành viên hoặc nghề nghiệp (bệnh Legionnaires). Liên quan đến đợt bùng phát mới nhất, WHO đã cảnh báo rằng “những từ và ngôn ngữ nhất định có thể có ý nghĩa tiêu cực đối với con người và gây ra thái độ kỳ thị.”
Không còn nghi ngờ gì nữa, một loại virus hoành hành bắt đầu ở Trung Quốc, hiện đã phong tỏa toàn bộ nước Ý và gây ra sự gián đoạn và nỗi sợ hãi trên khắp thế giới có thể tạo ra các thái độ kỳ thị đối với Trung Quốc. Mặc dù vậy, điều này sẽ xảy ra bất kể virus được đặt tên là gì.
Các quan chức Trung Quốc muốn ngăn chặn việc sử dụng tên virus Vũ Hán, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo hoàn toàn hài lòng khi đề cập đến cái tên đó.
Sự tranh chấp quốc tế như vậy về tên của một loại virus hoặc bệnh không phải là mới. Bệnh giang mai là bệnh Neapolitan, bệnh Pháp hoặc bệnh Ba Lan, tùy thuộc vào người đặt tên cho nó. Cúm năm 1918 được biết đến với tên là cúm Tây Ban Nha, mặc dù người Tây Ban Nha gọi nó là cúm Pháp. Thực sự thì không có lý do chính đáng để đặt tên cúm Tây Ban Nha.
Nhưng trường hợp của Trung Quốc thì khác. Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng đàn áp các cảnh báo về virus corona mới, tạo cho nó cơ hội vàng để trở thành một đại dịch quốc gia và sau đó là một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Do đó, Trung Quốc đáng được gắn với cái tên virus mà họ đã làm nhiều điều tệ hại giúp phát tán nó ra thế giới, bất kể Bộ ngoại giao hay giới cảnh sát nhạy cảm của họ nói gì.
Theo National Review
Hương Thảo dịch và biên tập