Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: “Dân chủ đến sớm hay muộn phụ thuộc vào sức chịu đựng đàn áp…”
1/08/2017
Vietnam – Cali Today News – Chỉ trong vòng mấy tháng nữa đầu năm 2017, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã dùng các Điều luật như; Điều 79 “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” và Điều 88 “Tuyên truyền chống nhà nước” được quy định trong Bộ luật hình sự CSVN để bắt bỏ tù hàng loạt nhà đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền Việt Nam. Dư luận quan tâm đặt câu liệu việc bắt bỏ tù thế này có liên quan gì đến tình hình chính trị- xã hội ở Việt Nam hiện tại hay không? Phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và phải chọn hướng đi nào cho thích hợp?…
Dù bị độc tài đàn áp lớn đến đâu cũng không thắng được quy luật
Vụ bắt bỏ tù gần đây nhất là vào ngày 30/07/2017 vừa qua, có đến 04 nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền Việt Nam bị cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền CSVN” theo Điều 79 Bộ luật hình sự là các ông: Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức và Nguyễn Bắc Triển.
Cali Today liên lạc với bà Thanh, vợ của nhà hoạt động Trương Minh Đức, sinh năm 1960, trú tại số 23/45/1A Mai Hắc Đế, phường 15, quận 8, Sài Gòn) chứng kiến cảnh Công an, An ninh Sài Gòn bắt ông Đức vào hôm 30/07/2017 cho biết, tình hình hiện tại ông Đức đã bị giải ra Bộ Công an B14 ở ngoài Hà Nội.
“Ngày hôm qua (31/07/2017) tôi đi vào Bộ Công an ở B34 thì họ thông báo với tôi họ đã chuyển ảnh (ông Đức) ra ngoài Bộ Công an ở B14 Hà Nội rồi.”
Tường thuật lại diễn biến lúc ông Đức bị bắt, bà Thanh nói:
“Khoảng 9 giờ (ngày 30/07), hai vợ chồng ra khỏi nhà tính đi mua thuốc vì anh Đức đang bệnh mà đã hết thuốc rồi. Hai vợ chồng chạy từ nhà ra, chạy xe qua chổ Quận 5, lúc đang chạy giữ đường có nguyên một đám xe gần cả chục chiếc họ bao vây, chắn ngang đường chặn lại. Đằng sau có chiếc xe du lịch họ kéo anh Đức lên xe và tôi thì bị hai người kẹp đưa về B34.”
“Họ đưa anh Đức một phòng phía trong, rất đông Công an làm việc với anh ấy còn tôi ngồi ở ngoài. Khoảng 15- 20 phút sau họ gọi tôi vào trong ấy và gọi anh Đức đứng lên, họ đọc lệnh bắt. Giấy tờ họ đã ký vào ngày 27/07, tức là ký trước đó 03 ngày. Họ đọc lệnh bắt anh Đức vào Điều 79.”
Đối diện với Công an, An ninh ở B34, ông Đức khẳng định mình tay không tấc sắt, làm những công việc ôn hòa thì làm sao lật đổ chính quyền? Chỉ có những phe nhóm lợi ích trong hàng ngũ cộng sản mới đủ khả năng tranh giành, lật đổ nhau.
“Họ bắt ảnh ký rất nhiều giấy tờ và cứ mỗi tờ đưa ra ảnh viết là tôi không đồng tình với Điều 79 là lật đổ chính quyền, tờ giấy nào ảnh cũng ghi như vậy rồi ảnh ký tại vì họ khống chế bắt ảnh ký mà”- Lời bà Thanh.
“Tôi thì tôi nghĩ như thế này, chồng tôi đấu tranh cho Nhân quyền cho sự thật mà họ quy chồng tôi vào Điều 79 là quá nặng, quá vô lý bởi vì chồng tôi làm những công việc này là bình thường để bảo vệ quyền Con người cho tất cả mọi người như muốn biển sạch, muốn mọi điều tốt đẹp chứ không có làm gì sai trái”
Trước đó cũng trong nữa đầu năm 2017, nhà cầm quyền CSVN đã bắt bỏ tù những nhà hoạt động khác như: Nguyễn Văn Hóa, Trần Thị Nga, Bùi Hiếu Võ, Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển, Phan Kim Khánh, Trần Hoàng Phúc với cáo buộc theo “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 và nhà hoạt động: Lê Đình Lượng với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 Bộ luật hình sự.
Dư luận quan tâm đã có những nhận định việc nhà cầm quyền CSVN bắt bớ hàng loạt người đấu tranh như vậy cho thấy phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam đang tiến lên một tầm mới cùng với đó, tình hình chính trị -xã hội ở Việt Nam ngày càng dồn dập những biến động ảnh hưởng lớn đến quyền lực lãnh đạo độc tài của nhà cầm quyền CSVN. Bối cảnh quốc tế tranh chấp Biển Đông và Nhân quyền đang làm bài toán thách thức nhà cầm quyền CSVN phải có những thay đổi tiến bộ để phù hợp với xu thế thời đại, đồng thời cũng đang là chướng ngại ép uy tín của nhà cầm quyền CSVN xuống mức thấp nhất.
Theo nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, một nhà bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền CSVN hiện đang sinh sống tại Hải Phòng chia sẻ với Cali Today rằng, việc đàn áp, bắt bỏ tù những người hoạt động dân chủ là các hành vi thường xuyên của nhà cầm quyền CSVN nhằm duy trì chế độ toàn trị. Tuy nhiên, cường độ các hành vi đàn áp này nặng nhẹ khác nhau theo từng thời kỳ liên quan đến tình hình quốc tế, khu vực và quốc nội.
“Giữa và đầu năm 2017 đến nay, nhà cầm quyền Cộng sản tiến hành một cuộc đàn áp tương đối rộng và dữ dội. Đã có gần 30 người hoạt động trong các tổ chức xã hội dân sự từ Nam chí Bắc đã bị bắt cho đến thời điểm này (tháng 07/2017) và thường bị quy vào tội danh tuyên truyền chống nhà nước (Điều 88) và hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân (Điều79)”
Theo nhà văn Nghĩa Xuân Nghĩa, có một số nguyên nhân chính dẫn đến việc bắt bỏ tù như khủng bố hiện tại; Thứ nhất là do sức ép của các quốc gia ủng hộ dân chủ hóa toàn cầu lên chính quyền CSVN thời gian vừa qua giảm sút. Đặc biệt là từ Hoa Kỳ, ông Nghĩa chia sẻ quan điểm cá nhân:
“Với những thay đổi trong tư duy: vì nước Mỹ, nước Mỹ trên hết của tân tổng thống Trump, đối ngoại của Hoa Kỳ đã không còn giữ lại hình tượng “Cây gậy và củ cà rốt” như các cựu tổng thống trước đó. Các tuyên bố và hành vị ngoại giao của “nước Mỹ Mới’ không còn coi trọng dân chủ, nhân quyền đã giải tỏa các sức ép đáng kể lên nhà cầm quyền CS. Hiệp định thương mại TPP bị bỏ. Trông chờ về tăng trưởng kinh tế của nhà cầm quyền nhờ vào TPP và các ưu đãi của nó cho nước nghèo cũng mất…Không còn “cây gậy và củ cà rốt” ở Hoa kỳ thì chính quyền Cộng sản thẳng tay với phong trào dân chủ trong nước là quy tắc cai trị của họ. Nói thế không có nghĩa là các quốc gia dân chủ khác không gây sức ép lên chính quyền Việt Nam về dân chủ, nhân quyền. Tuy nhiên họ chỉ có các hình thức kêu gọi, tuyên bố, lên án mà không đi kèm với quan hệ kinh tế, ngoại giao… Không ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao, quyền lợi kinh tế thì chính quyền cộng sản không thay đổi chính sách đối với dân trong nước.”
Và nguyên nhân thứ 2 mà nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa nêu là nhà cầm quyền CSVN trước tác động của nhà cầm quyền Cộng sản Trung Hoa:
“Cộng sản Trung Hoa rất khó chấp nhận nhà nước Việt Nam, là nhà nước liền kề có chính quyền dân chủ trái với chính quyền độc tài của họ, hơn nữa nhà nước đó thực hiện chính sách bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải quốc gia và sẵn sàng kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế giúp đỡ. Song song thì nhà cầm quyền CSVN đã quá lệ thuộc vào cộng sản Trung Hoa từ kinh tế đến chính trị. Phân tích chính sách ngoại giao đu dây của nhà cầm quyền Việt Nam đối với Hoa Kỳ và Trung Cộng tôi có nhận xét rằng: Dù có vài thời điểm nhà cầm quyền CSVN biểu hiện những động thái phản ứng với chính sách bành trướng của nhà cầm quyền Trung Cộng và hiển thị vài nhúc nhích về phía Hoa kỳ; nhưng đó chỉ là thủ đoạn tạm thời nhằm xoa dịu dư luận bất bình của người dân. Chính sách nhất quán, trước sau của họ vẫn là coi Trung Cộng là đồng minh truyền thống chống lại cuộc vận động dân chủ hóa của nhân dân Việt Nam. Để giữ vững quyền cai trị độc đảng của họ, nhà cầm quyền CSVN luôn gia tăng xu hướng đàn áp dân chủ trong nước.”
Một bối cảnh chính trị-xã hội Việt Nam đang đầy biến động, thách thức mới dĩ nhiên có, song hành đó phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam buộc phải bước sang trang mới, phải làm sao để đấu tranh phù hợp xu thế, biết kết hợp nội ngoại lực lẫn bảo toàn lực lượng.
Dưới góc độ quan sát của một nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền lâu năm ở Việt Nam, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa cho rằng dân chủ hóa là xu hướng tất yếu của tất cả mọi quốc gia, dân tộc. Việt Nam ta không nằm ngoài cuộc vận động dân chủ chung toàn cầu. Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa nói:
“Dù các đợt đàn áp của nhà cầm quyền độc tài lên lực lượng dân chủ lớn đến đâu cũng không thắng được quy luật. Tất nhiên các đợt đàn áp đã và sẽ tác động tiêu cực đến phong trào dân chủ, vì vậy Dân chủ đến sớm hay muộn phụ thuộc vào sức chịu đựng đàn áp, có nghĩa là tinh thần đấu tranh, phương cách đấu tranh của đội ngũ hoạt động dân chủ.”
“Lực lượng dân chủ phải nhận ra tâm niệm rằng, lực lượng dân chủ trong nước có vai trò quan trọng nhất. Sự giúp đỡ từ bên ngoài chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Nhận thức đúng đắn này sẽ giúp các nhà hoạt động dân chủ nhân quyền xác quyết được vai trò, từ đó nâng cao lên được tinh thần đấu tranh, đồng thời quy nạp thêm lực lượng và tìm ra được phương cách đấu tranh hiệu quả nhất, giảm thiểu được thời gian đi từ Độc tài đến Dân chủ tốt nhất.”- Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa kết lời./.
THIÊN HÀ