Viết từ Kharkiv – Vài giờ trước cuộc bỏ phiếu ở Crimea
Tuyên truyền cực hữu của phía Nga |
Hoàng Hoàng – Theo blog Hiệu Minh
Bài viết này do một bạn đọc có nick Hoàng Hoàng ở Kharkiv gửi Hiệu Minh Blog.
Vậy là chỉ còn vài giờ nữa, người dân Ukraine tại bán đảo Crimea sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý quyết định về việc liệu Crimea có tách ra khỏi Ukraine để gia nhập với Liên bang Nga.
Họ bầu cử quyết định xem mình có trở thành công dân của một nước hay không, khi mà binh lính của nước đó cầm súng đứng cách điểm bỏ phiếu chỉ vài trăm m. Kết quả bó phiếu có lẽ không còn quan trọng.
Sau khi sự vụ của máy bay MH370 tạm lắng, vài ngày sắp tới, có lẽ truyền thông trong và ngoài nước sẽ tập trung phân tích, nhận định và đưa ra vô số giải thích về những diễn biến mới nhất của Ukraine. Tuy hiện giờ, sự việc vẫn còn đang nóng bỏng, và có vẻ sẽ còn lâu mới có thể lắng dịu, người viết bài này vẫn muốn đưa ra một vài nhận định của mình. Bài viết này không có tham vọng tập trung phân tích hay giải thích những gì xảy ra ở Ukraine, mà chỉ muốn rút ra những bài học từ sự việc ở Ukraine mà Việt Nam có thể học hỏi được mà thôi.
Điểm giống và điểm khác giữa Ukraine và Việt Nam
Trước tiên, để hiểu được rằng những bài học từ Ukraine có thể áp dụng được với Việt Nam, chúng ta cần hiểu được những nét tương đồng giữa Ukraine và Việt Nam.
Thứ nhất, hai quốc gia đều có một chính quyền tham nhũng. Theo báo cáo về chỉ số tham nhũng của World Transparency năm 2013, Việt Nam đứng hạng 160 thế giới, còn Ukraine đứng thứ 144. Tuy rằng ở Ukraine, sau khi Liên Xô sụp đổ, chế độ XHCN đã không còn nữa, nhưng những tàn dư của nó vẫn còn tồn tại lâu dài, kéo theo là tệ tham nhũng trầm trọng. Ở Việt Nam, tuy về danh nghĩa, vẫn là một quốc gia XHCN, nhưng thật khó để chối bỏ rằng người dân VN đang phải sống trong một chế độ tư bản hoang dã, với tham nhũng nặng nề, chênh lệch giàu nghèo và bất công xã hội ngày càng gia tăng. Chênh lệch giàu nghèo và bất công xã hội cũng là những điểm tương đồng giữa Ukraine và Việt Nam.
Thứ hai, hai quốc gia cùng phải sống bên cạnh những ông hàng xóm to xác và có lệ thuộc nặng nề vào những quốc gia hàng xóm đó, cả về kinh tế lẫn chính trị. Ở trường hợp của Ukraine thì là Nga, ở Việt Nam thì là Trung Quốc. Sống cạnh những người hàng xóm này, cả hai dân tộc tương đồng nhau ở cùng một điểm, đó là từng nhiều lần bị xâm lăng, đô hộ bởi những quốc gia hàng xóm này. Nếu như lịch sử Việt Nam ghi dấu những chiến thắng hiển hách trước kẻ thù xâm lược phương Bắc, thì những trang sử của nhân dân Ukraine cũng là những trang chiến tích chống lại nước Nga. Dù là phương Tây hay phương Đông, người dân vẫn chỉ luôn luôn mong muốn tự do và độc lập mà thôi.
Điểm tương đồng thứ ba là cả Ukraine lẫn Việt Nam đều giàu có về tài nguyên. Ukraine là quốc gia lớn thứ hai ở châu Âu về diện tích (sau Nga), với những cánh đồng đất đen, trồng ra lúa mạch nhiều thứ ba thế giới. Tài nguyên khí đốt, than đá của Ukraine cũng cực kì lớn. Quan trọng nhất với Ukraine là tài nguyên con người, với lực lượng lao động trẻ đông đảo và tài năng. Và cũng tương tự như Việt Nam, lực lượng lao động trẻ tài năng này cũng đang phải chịu đựng tình trạng chảy máu chất xám nghiêm trọng, bởi những người tài thường không chịu sống trong chế độ phi dân chủ và tham nhũng.
Người dân đi bỏ phiếu. Ảnh: BBC |
Bên cạnh nhiều điểm tương đồng, Ukraine và Việt Nam vẫn có nhiều điểm khác biệt. Trong đó, điểm khác nhau cơ bản nhất có thể thấy được giữa Ukraine và Việt Nam chính là môi trường xung quanh, nằm ngay cạnh khối EU với trình độ dân chủ và kinh tế phát triển hơn, nên ít hay nhiều, Ukraine vẫn nhận được nhiều ảnh hưởng từ EU, và vì vậy, người dân Ukraine tiến bộ hơn, luôn sẵn sàng đứng dậy, đấu tranh chống lại chế độ tham nhũng và độc tài của chính phủ, như những gì đã từng xảy ra trong cách mạng cam năm 2004.
Về phần người Việt Nam, có lẽ tư duy “thần dân” của thời đại phong kiến còn quá nặng nề, nên dù bao nhiêu thế hệ lãnh đạo của ĐCS với vô số sai lầm, thất bại, người dân vẫn “hiền lành” mà lặng lẽ chịu đựng vậy.
Những bài học quý giá từ Ukraine cho Việt Nam
Sau khi phân tích những điểm tương đồng chính giữa Ukraine và Việt Nam, chúng ta có thể đi vào phân tích những bài học mà Ukraine gửi đến Việt Nam
Bài học đầu tiên và quan trọng nhất, có lẽ lại là bài học bị truyền thông Việt Nam đánh lờ đi nhiều nhất, và cũng dễ bị chìm lấp trong những sự kiện liên quan đến việc Nga xâm chiếm bản đảo Crimea nhất. Đó chính là bài học về ước vọng dân chủ của nhân dân.
Liên quan đến cuộc cách mạng tại Kiev, sẽ là một thiếu sót rất lớn nếu không nói đến Victor Yanukovich. Là một tổng thống chỉ biết tiếng Nga tại Ukraine, ông bị người dân căm ghét và phẫn nộ đã nhiều năm. Nhưng với sự hậu thuẫn của người Nga và những tỉnh phía Đông, ông vẫn ung dung ngồi trên ngai vàng của chế độ độc tài của mình. Sự giàu sang và xa hoa của ông ta thì chắc chỉ những ông vua phong kiến trong những lâu đài ở Âu châu Trung cổ mới có thể sánh kịp mà thôi.
Từ cung điện của đại tá Gaddafi, của Saddam Hussen, tới tòa biệt thự với du thuyền của Yanukovich, có thể khẳng định chắc chắn rằng, những nhà độc tài của những chế độ toàn trị sẽ chỉ chăm chăm lo cho lợi ích của bản thân mình và khi không phải chịu sự giám sát người dân, thật khó để ngăn cản họ “chấm mút” nhiều chút từ ngân quỹ quốc gia để lo cho lợi ích của họ. Chính lòng tham của những tên bạo chúa này đã gián tiếp đẩy người dân vào tình trạng nợ nần nghèo khổ, mặc cho tài nguyên thiên nhiên có nhiều tới chừng nào. Cũng vì quyền lợi và sự xa hoa quá độ đó, mà những nhà độc tài sẽ không bao giờ chịu rời bỏ ngai vàng của mình.
Sau quá nhiều năm sống dưới một chế độ tham nhũng trầm trọng, kém phát triển và bất công quá lớn, người dân Ukraine đã đứng lên, biểu tình chống lại chính phủ của Victor Yanukovich. Và dù cho Yanukovich có sử dụng tới quân độ, tới cảnh sát, tới mật vụ bao nhiêu, cũng không giúp ông ta tránh khỏi bị người dân lật đổ. Đây chính là bài học về ước vọng được làm chủ của người dân. Lịch sử sẽ chỉ luôn hướng tới một chế độ dân chủ, nơi người dân thực sự được tự do nói lên ước muốn và nguyện vọng của mình mà thôi. Nếu một chế độ độc tài toàn trị, phi dân chủ, đi ngược lại lợi ích người dân, thì không sớm thì muộn, sức dân như sức nước, cũng sẽ nhận chìm chế độ đó mà thôi. Trước những gì xảy ra ở Kiev, các nhà lãnh đạo thiên tài của Đảng ta ở Hà Nội có lẽ cũng khó mà ngồi yên.
Về Yanukovich, lúc người dân biểu tình, ông ta sử dụng tới cảnh sát, tới mật vụ, thậm chí đe dọa sử dụng quân đội để đàn áp người dân nhưng rồi vẫn thất bại. Sau khi phải tháo chạy khỏi Kiev, 2 lần tìm cách lên máy bay chạy trốn sang Nga nhưng bị nhân viên hàng không ngăn cản, thì khi sang được tới Nga rồi, việc đầu tiên mà Yanukovich làm là viết thư xin Putin gửi quân Nga sang Ukraine để giúp ông ta khôi phục lại uy quyền. Hành động này có lẽ chỉ có thể so sánh với ông vua Lê Chiêu Thống của triều Lê mà thôi. Qua hành động này, ta càng hiểu rõ thêm rằng, những nhà độc tài sẽ không bao giờ chịu rời bỏ quyền lực của mình. Và vì vậy, ngồi yên mong chờ những ông bạo chúa “thức tỉnh và tự thay đổi” chắc chắn chỉ là một giấc mơ mà thôi.
Trong những ngày cuối của chế độ của mình, Yanukovich đã phải cách chức một tư lệnh quân đội Ukraine vì ông này từ chối sử dụng quân đội để giúp Yanukovich đàn áp người biểu tình. Người kế nhiệm cũng tự từ chức trước yêu cầu của vị tổng thống độc tài. Đến ngày nhân dân Việt Nam đứng lên, liệu những vị tướng của Quân đội NHÂN DÂN Việt Nam có làm được điều như những người đồng cấp Ukraine hay không?
Bài học quý thứ hai mà Ukraine gửi đến cho Việt Nam chinh là bài học về dã tâm xâm lấn của những người hàng xóm. Người Nga chưa bao giờ tôn trọng quyền độc lập và tự chủ của Ukraine, thậm chí đến cái tên Ukraine cũng chỉ có nghĩa là “vùng đất đệm, vùng tiếp giáp” (giữa Nga và phương Tây) mà thôi, trong mắt của họ, Ukraine mãi mãi chỉ như một tỉnh, một phần của họ mà thôi. Chính vì vậy mà khi tổng thống Yanukovich (có lẽ người Nga coi như “Tiết Độ Sứ Nga tại Ukraine”) phải đối mặt với biểu tình, chống đối từ Maidan, việc đầu tiên mà họ làm là bơm tiền cho các thế lực thân Nga ở Ukraine để biểu tình ủng hộ Yanukovich, đối nghịch lại với Maidan, để rồi đến khi vị tổng thống bỏ trốn này chạy sang Nga, người Nga lại điều quân vào Ukraine, mặc cho cộng đồng quốc tế lên án và phản ứng dữ dội.
Putin từng là một cựu điệp viên KGB, với nhiều âm mưu và thủ đoạn ranh mãnh trong chính trị, luôn bình tĩnh xử lý mọi tình huống ở chính trường Nga nhiều biến động, vậy mà vẫn bị lòng tham xâm chiếm Ukraine làm mờ mắt, để đưa quân vào Ukraine, rồi hiện giờ lâm vào bế tắc. Chỉ một điều đó thôi là đã đủ hiểu dã tâm xâm chiếm của những nước lớn là ghê gớm như thế nào, đủ sức làm mờ mắt những người lãnh đạo tài năng.
Trông người mà ngó đến ta, suốt bao nhiêu năm dựng nước rồi giữ nước, kẻ thù phương Bắc chưa bao giờ thôi dòm ngó nước ta, tuy nước ta đã độc lập, tự chủ, từ Lý, Trần Lê hùng cứ một phương, đối chọi lại với Hán, Đường, Tống, Nguyên, nhưng chưa triều đại nào mà các Hoàng đế Phương Bắc không cho rằng đất An Nam (Giao Chỉ) là của họ, và chỉ cần một cơ hội nhỏ nào, là người phương Bắc lại đưa quân ngay vào nước ta, mà những gì xảy ra dưới triều nhà Hồ là bằng chứng rõ ràng nhất.
Dưới triều đại Cộng Sản, Trung Quốc cũng đã ngang nhiên mang quân sang xâm chiếm Việt Nam và bị đánh bại trên đất liền, chúng cũng đã chiếm giữ Hoàng Sa, một phần Trường Sa của nước ta, mặc cho những bằng chứng lịch sử không thể chối cãi.
Hiện giờ, ở trên biển, dã tâm của kẻ thù đang dâng cao hơn bao giờ hết, còn trên đất liền, chúng thuê đất hàng trăm năm, mang những binh đoàn cả ngàn người sang trú ngụ, sinh con đẻ cái, sống sẵn trên đất Việt Nam, để rồi khi một khi chiến tranh xảy ra, những tên lính trá hình này sẽ cầm súng, thậm chí là bịt mặt, không đeo quân hiệu (như cách mà người Nga đang làm tại Ukraine) để xâm chiếm nước ta.
Sau những nỗ lực của nhà cầm quyền ở Hà Nội trong việc xóa bỏ lịch sử về những cuộc chiến xâm lược của người Trung Quốc, việc người Nga mang quân vào xâm chiếm Crimea của Ukraine chính là bài học rõ ràng nhất để người dân Việt Nam thức tỉnh, và thêm cảnh giác trước những âm mưu thôn tính của người láng giềng mười sáu chữ vàng của mình.
Bài học quý thứ ba (và chắc chắn chưa phải là cuối cùng) chính là cách đối mặt với kẻ thù xâm lược trong thời đại thông tin.
Người già cũng đi. Ảnh: BBC |
Quan trọng nhất chính là cách người Ukraine kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để chống lại người Nga. Đứng trước kẻ thù mạnh hơn mình cả về quân sự lẫn kinh tế, lại lệ thuộc nặng nề vào chính kẻ thù đó, người dân Ukraine hiểu rõ rằng họ không thể đối diện với kẻ thù đơn độc được.
Chính vì vậy, mà khi nhưng tên lính bịt mặt, không mang quân hiệu (mà cả thế giới biết chắc là lính Nga) xuất hiện, Ukraine đã kêu gọi ngay sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, thậm chí là sử dụng tới bản ghi nhớ năm 1994 để đòi hỏi người Anh và Mỹ phải nhảy vào giúp đỡ.
Trong những lúc căng thẳng nhất tại Crimea, truyền thông và cộng đồng quốc tế luôn dõi theo từng sự kiện. Trước những khiêu khích của binh lính Nga, những người lính Ukraine vẫn bình tĩnh, đứng vững trước kẻ thù chứ không hề run sợ.
Đây chính là vũ khí đang sợ nhất mà Ukraine sử dụng trước người Nga. Khi xuất hiện trên truyền thông quốc tế, liệu cộng đồng quốc tế sẽ ủng hộ những tên lính bịt mặt, không dám xưng tên, không mang quân hiệu, ngang nhiên lao vào xâm chiếm đất đai người khác, hay họ sẽ ủng hộ những người lính, tay không tấc sắt, đứng trước họng súng của kè thù vẫn không run sợ, mà đều bước, cùng nhau tiến lên dưới lá cờ mà họ thề bảo vệ, miệng hát vang quốc ca.
Liệu cộng đồng quốc tế sẽ ủng hộ một tên đô đốc đào tẩu trong đêm, sáng hôm sau trở lại trước những sĩ quan từng là dưới quyền của mình để giở giọng chiêu hàng, thậm chí là sử dụng tiền lương để chiêu dụ (“Chúng tôi sẽ làm mọi việc có thể để đảm bảo tiền lương cho các bạn”), hay người ta sẽ ủng hộ cho những sĩ quan hải quân, dù căn cứ đang bị bao vây, đứng trước tên đô đốc đào tẩu đang chiêu hàng, vẫn hiên ngang hát vang quốc ca, để rồi hắn phải xấu hổ mà bỏ về?
Trước kẻ thù Trung Quốc, có lẽ bài học này là phù hợp nhất để Việt Nam sử dụng. Đừng sa vào cái bẫy “chỉ đối thoại song phương” mà người Tàu giăng ra khi đàm phán về biển Đông. Ngược lại, chúng ta phải sáng suốt, kêu gọi sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế. Thời đại ngày nay, mạng lưới thông tin rộng khắp, thông tin từ khắp nơi trên thế giới chỉ cách xa mỗi cá nhân có vài cái nhấp chuột. Đây chính là cầu nối hiệu quả nhất để chúng ta tận dụng tiếng nói quốc tế.
Nếu như Việt Nam khôn khéo, sử dụng truyền thông và cộng đồng quốc tế thì mới có thể nhân được sự ủng hộ để chống lại Trung Quốc được. Nếu cứ như hiện tại, lãnh đạo bịt mắt bịt tai trước dã tâm của kẻ thù, đàn áp người yêu nước, không dám kêu gọi quốc tế hỗ trợ mặc cho những hành động ngang ngược của chúng trên biển Đông, thì liệu chúng ta có thể chiến thắng được hay không?
Trên đây là những ý kiến nhỏ mà người viết bài này mong muốn chia sẻ về những bài học quý giá mà Ukraine đã gửi đến Việt Nam. Đó là bài học về tự do dân chủ, về dã tâm của kẻ thù, và về cách chiến đấu chống lại chúng trong thời đại thông tin. Thế giới sẽ còn tiếp tục đổi thay, quốc gia được dựng lên rồi sụp đổ, cách mạng lập nên chính quyền mới để rồi quyền lực lại tha hóa chính quyền, biên giới có thể thay đổi, lá cờ cắm trên nóc những tòa nhà quyền lực có thể đổi màu, nhưng những bài học quý giá này sẽ còn mãi mang giá trị của mình.
Hoàng Hoàng, gửi từ Kharkiv.