CSVN xem xét các giải pháp khác về Hoàng Sa
Nam Nguyên, phóng viên RFA – Theo RFA 2014-07-19
Bước chuyển của Hà Nội?
Sau khi giàn khoan Hải Dương 981 được Trung Quốc rút khỏi vùng biển Việt Nam, Hà Nội ướm lời hợp tác cùng Trung Quốc khai thác dầu khí trên Biển Đông, kể cả vùng biển Hoàng Sa. Đây là sự tranh đấu ngoại giao hay một bước chuyển của Hà Nội?
Đài Tiếng Nói Nước Nga ngày 17/7 trích lời Đại sứ Lê Hoài Trung, trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc tuyên bố rằng, Việt Nam sẵn sàng xem xét những khả năng hợp tác với Trung Quốc trong hoạt động thăm dò dầu mỏ trên Biển Đông, nhưng với điều kiện những hoạt động này không vi phạm chủ quyền các quốc gia trong khu vực.
TS Trần Trường Thủy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội cho rằng không có chuyện Việt Nam nhượng bộ điều gì qua tuyên bố này. Ông nói:
Hợp tác với Trung Quốc trên cơ sở Trung Quốc phải tôn trọng quyền chủ quyền của Việt Nam và các nước khác. Cũng có thể hiểu là giống như kêu gọi Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam thôi. -TS Trần Trường Thủy
“Nếu chú ý tới vế thứ hai, Trung Quốc phải tôn trọng xác lập chủ quyền và quyền chủ quyền của tất cả các nước xung quanh thì có nghĩa hợp tác với Trung Quốc trên cơ sở Trung Quốc phải tôn trọng quyền chủ quyền của Việt Nam và các nước khác. Cũng có thể hiểu là giống như kêu gọi Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam thôi.”
Trong câu chuyện với chúng tôi, Thạc sĩ Hoàng Việt chuyên ngành luật quốc tế, thành viên Quỹ nghiên cứu Biển Đông hiện làm việc ở Sài Gòn đưa ra nhận định, Biển Đông không thuộc riêng về một quốc gia nào cả, nhiều quốc gia cùng có lợi ích và theo qui định của Công ước Luật biển thì mỗi quốc gia có vùng biển, có quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển đó. Đề xuất của ông Lê Hoài Trung, theo cách hiểu của thạc sĩ Hoàng Việt thì có hàm ý trước hết là khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc cũng như là các quốc gia khác. Tuy nhiên sự hợp tác này nó cũng phải tôn trọng quyền chủ quyền tài phán cũng như là qui định của luật pháp quốc tế. Thạc sĩ Hoàng Việt tiếp lời:
“Nếu trong những vùng thực sự tranh chấp, nếu bên nào cũng giữ vững quan điểm của mình thì mãi mãi không bao giờ giải quyết được cả. Ở những vùng thực sự tranh chấp các bên có thể thực hiện cùng nhau khai thác, hợp tác cùng phát triển. Tôi nghĩ điều đó là bình thường.”
Vẫn theo Thạc sĩ Hoàng Việt, Việt Nam đề xuất như thế cho thấy thái độ mềm dẻo của mình, nhưng điều kiện của Việt Nam là chủ quyền không được xâm phạm tới. Chắc rằng Trung Quốc chẳng xuống thang vì tham vọng của họ rất lớn, họ áp đặt chủ quyền đường lưỡi bò chiếm đến 80% Biển Đông.
Vẫn theo Đài Tiếng Nói Nước Nga, Đại sứ Lê Hoài Trung cũng nhấn mạnh rằng, đối với quần đảo Hoàng Sa, Hà Nội “sẵn sàng xem xét những khả năng khác nhau” nhưng không thể làm như vậy với các “lãnh thổ có chủ quyền khác”.
Có thể hiểu vấn đề này như thế nào, Thạc sĩ Hoàng Việt trình bày ý kiến cá nhân:
“Tôi hiểu theo hai cách, ‘khả năng khác’ thứ nhất là hai bên tìm cách giải quyết tranh chấp tại một bên thứ ba, tòa án chẳng hạn. Hoặc là phía Việt Nam để ngỏ còn cho đến nay chưa thấy Trung Quốc đáp ứng gì. Vấn đề thứ hai, thực chất mà nói hai bên đều khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền của mình không có gì để tranh cãi. Đấy là các nhà chính khách nói như thế, nhưng thực chất rõ ràng Hoàng Sa đang nằm trên vùng tranh chấp. Phải chăng Việt Nam muốn hợp tác cùng phát triển với Trung Quốc trên vùng Hoàng Sa. Tôi nghĩ rằng điều này cũng có thể chấp nhận được bởi vì trong những vùng tranh chấp căng thẳng không có lối ra, biện pháp này có vẻ hữu hiệu hơn cả. Bởi vì việc hợp tác để phát triển nó không phương hại đến chủ quyền.”
Một bước đi hòa hoãn?
Mục tiêu của Việt Nam là làm thế nào tác động lên các tính toán để Trung Quốc thấy cái giá phải trả đắt hơn trong ngắn hạn và trong dài hạn. -TS Trần Trường Thủy
Giàn khoan Trung Quốc đã được di dời ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa Việt Nam sớm hơn dự định khoảng 1 tháng. Việt Nam sẽ tiếp tục đối sách của mình như thế nào, các học giả không loại trừ hết mũa bão Trung Quốc lại đưa các giàn khoan xâm phạm vùng biển Việt Nam. Theo TS Trần Trường Thủy, mục tiêu của Việt Nam là bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích ven biển phù hợp với luật pháp quốc tế đồng thời giữ được môi trường hòa bình cũng như quan hệ không xung đột với các nước xung quanh đặc biệt đối với Trung Quốc. TS Trần Trường Thủy tiếp lời:
“Để đạt được cả hai mục tiêu ấy Việt Nam phải thực thi rất nhiều biện pháp, trong ấy cả biện pháp dựa vào thực lực của mình; tăng cường cảnh sát biển, hải quân, kiểm ngư. Hai là dựa vào luật pháp quốc tế, dựa vào sức mạnh ngoại giao, dựa vào ASEAN cũng như là hợp tác với các nước có chung lợi ích như Mỹ, Nhật đưa các vấn đề ra các diễn đàn quốc tế, đấu tranh trên mặt trận thông tin. Đấy là những biện pháp mà Việt Nam từ trước tới nay đã triển khai. Theo tôi hình dung thì sẽ vẫn tiếp tục các thành tố như thế. Nhưng còn tùy liều lượng, tùy tình hình thì có thể giảm các thành tố trong diễn biến thực tế. Đấu tranh để bảo vệ hai mục tiêu như tôi vừa nói thì nó là quá trình từ trước tới nay vẫn tiếp diễn. Vừa rồi Trung Quốc rút giàn khoan thì vẫn không loại trừ các hành động khác của Trung Quốc. Mục tiêu của Việt Nam là làm thế nào tác động lên các tính toán để Trung Quốc thấy cái giá phải trả đắt hơn trong ngắn hạn và trong dài hạn.”
Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam cả về bằng chứng lịch sử lẫn pháp lý. Hoàng Sa đã bị Trung Quốc tấn công và cưỡng chiếm bộ vào ngày 17/1/1974 sau trận hải chiến không cân sức với Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Trung Quốc đã để cả một khoảng thời gian 40 năm trôi qua trước khi thực hiện chiến thuật giàn khoan trên vùng biển Hoàng Sa. Hải Dương 981 nay đã được rút về, nhưng người Việt Nam vẫn đang canh chừng những động tĩnh khác từ phía Trung Quốc. Câu chuyện “sẵn sàng xem xét những khả năng khác đối với vấn đề Hoàng Sa” có thể là thêm một bước đi rất hòa hoãn của Hà Nội.