Việt Nam và Mỹ có thể nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện.
Nhận xét :
- Việt Nam đứng trước nhiều tiềm năng cùng thử thách khi nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất là “Đối tác chiến lược toàn diện” thay vì chỉ là quan hệ thấp hơn là “Đối tác toàn diện” với Hoa kỳ,
- Việt Nam một mặt muốn trở thành “cứ điểm” sản xuất thế giới nhưng mặt khác lại thiếu cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển tương xứng với bờ biển trải dài 3.200km từ bắc xuống nam
- Việt Nam đang có ưu thế nhân lực dồi dào, nhưng địa thế lại đa dạng, nhưng tỉ lệ dân số vùng miền lại không đồng đều, tài nguyên trải rộng, khắp nơi, nhưng qui hoạch khu vực sản xuất chưa cân đối trên phạm vi toàn quốc với tỉ lệ dân số đang sinh sống và thu nhập đầu người ở từng địa phương
- Nhu cầu phát triển đầu tư sản xuất vào VN ngày càng nhiều, đa dạng nhưng các cơ chế tiếp nhận khai triển còn nhiều bất cập, một mặt từ các cơ quan chức năng thiếu khả năng chuyên môn cao công thêm hệ thống hành chính rườm rà kém thông thoáng nhứt là hệ thống chính trị, luật pháp thiếu rõ ràng, tư pháp thiếu độc lập, tự do thông tin còn thấp, tiêu chuẩn lao động kém tiến bộ … nhằm đáp ứng với các đòi hỏi của các dự án đầu tư lớn, đa dạng lâu dài
- “Yếu tố Trung Quốc” trong quan hệ Mỹ – Việt chứa đựng nhiều bất định, không thống nhứt, thiếu phương hướng, tùy lúc và bất thường
- VN một mặt muốn được Hoa Kỳ khẳng định hậu thuẫn để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông nhưng mặt khác VN lại thiếu sự nhất quán trong phương thức xây dựng sự hợp tác và không liên tục, tích cực trong việc tổ chức thực hiện mang tính chất lâu dài
- Phía Mỹ mong thấy VN “thăng tiến Nhân quyền” trong sự hợp tác Việt – Mỹ khi muốn nâng quan hệ với VN lên hàng “Đối tác chiến lược toàn diện” nhằm thúc đẩy sự phát triển cho VN thì đáp ứng của VN thực chất sẽ như thế nào, đến mức nào, sâu sắc và lâu dài như thế nào khi thể hiện sự mong muốn ông Biden đến VN.
- Người Anh hay ví von “tung cú đấm theo trọng lượng của mình” hay dân gian ta thường nói “liệu cơm – gắp mắm” … là những điều đáng suy ngẫm . [Ban Biên Tập]
2023.09.03
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và Thủ tướng VN Phạm Minh Chính tại Hà Hội hôm 25/8/2021 (minh họa)
Mỹ và Việt Nam có thể sẽ bỏ qua mức quan hệ Đối tác chiến lược để nâng cấp quan hệ hai nước thành Đối tác chiến lược toàn diện, mức cao nhất trong quan hệ ngoại giao mà Việt Nam hiện mới chỉ thiết lập chính thức với bốn nước là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc. Các nguồn tin từ Reuters và chuyên gia quốc tế cho biết như vậy.
Chuyên gia Alexander L. Vuving – giáo sư thuộc Trung tâm Daniel K.Inouye Châu Á – Thái Bình Dương về An ninh viết trên X (trang Twitter cũ) hôm 2/9: “Chỉ trong giờ thứ 11 và 12, Việt Nam đã chuyển từ việc đồng ý nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược thành Đối tác chiến lược toàn diện đầy đủ với Mỹ và sẽ được công bố vào cuối tuần sau bởi Tổng thống Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội”.
Reuters hôm 3/9 có bài viết của tác giả Francesco Guarascio nhận định rằng những nỗ lực thúc giục từ phía Mỹ đối với Việt Nam thời gian qua đã khiến Hà Nội đồng ý nâng quan hệ hai nước lên mức cao nhất.
Trước đó, Hà Nội đã rất chần chờ trong việc đồng ý nâng cấp quan hệ hai nước từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược bất chấp những thúc giục từ Washington vì lo ngại những phản ứng tức giận từ người láng giềng Trung Quốc.
Hồi tháng 7 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói công khai việc quan chức hai nước chính thức bày tỏ sự lạc quan về việc nâng cấp quan hệ hệ hai nước dù chưa có một tuyên bố chính thức nào.
Theo Reuters, có lẽ để Bắc Kinh bớt giận, Việt Nam hiện đang thảo luận về các chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đến Hà Nội ngay trước chuyến thăm hoặc sớm sau chuyến thăm tới Việt Nam vào cuối tuần sau của Tổng thống Joe Biden.
Hiện Việt Nam và Trung Quốc vẫn có những bất đồng liên quan đến các tuyên bố về chủ quyền tại khu vực Biển Đông cũng như các hành động lấn lướt của tàu chấp pháp Trung Quốc đối với tàu của Việt Nam tại khu vực này.
Hôm 31/8, Việt Nam đã lên tiếng phản đối bản đồ tiêu chuẩn mà Bắc Kinh mới phát hành bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam đòi chủ quyền.
Cũng trong tuần qua, một tàu cá của ngư dân Việt Nam khi đang đánh bắt cá tại ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công khiến hai ngư dân bị thương. Thông tin tàu cá ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc tấn công thường không được truyền thông Nhà nước đăng tin thường xuyên nhưng lần này vụ việc đã được các trang báo đồng loạt loan tin và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức lên tiếng phản đối hành động này.