Việt Nam và đối đầu Mỹ-Trung (P1)
Lời mở đầu
Đại hội Đảng XII (28/1/2016) nhận định: “tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, khó lường”. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao 30, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng nhấn mạnh: “Chúng ta cần thường xuyên theo dõi sát các diễn biến và dự báo đúng chiều hướng phát triển của tình hình bên ngoài và nhất là đánh giá thật kỹ các tác động đến Việt Nam, để không bị động, bất ngờ và có đối sách đúng”.
Khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra (6/7/2018), có người cảnh báo: “trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”, trong khi người khác ví von: “Nhật, Pháp đánh nhau và hành động của chúng ta”. Khi cuộc chiến bước sang giai đoạn hai (từ 24/9/2018), người ta giật mình nhận ra chiến tranh thương mại chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Những góc khuất của một cuộc đối đầu Mỹ-Trung bắt đầu lộ diện: chiến tranh tiền tệ, trừng phạt tài chính, chiến tranh mạng, cấm vận công nghệ, cô lập ngoại giao, chạy đua vũ trang, đối đầu quân sự. Đó là các mảnh ghép của một chiến lược tổng thể Mỹ đang nhắm vào Trung Quốc, từ “đối tác chiến lược” (theo constructive engagement) nay trở thành “đối thủ chiến lược số một”.
Nhiều người sốt ruột muốn biết liệu đối đầu Mỹ-Trung sẽ kéo dài bao lâu, và tác động đến Việt Nam thế nào. Đây là một câu hỏi khó giải đáp (dù là giả định) vì câu chuyện còn đang diễn biến. Nếu đối đầu Mỹ-Trung là một xu hướng, thì chắc nó sẽ kéo dài khá lâu, cũng như xu hướng hợp tác Mỹ-Trung trước đây đã kéo dài hơn bốn thập niên. Jack Ma (ông chủ Alibaba) cảnh báo nó “có thể kéo dài tới 25 năm”. Việt Nam chắc sẽ bị tác động, tuy chưa biết tới mức nào. “Tác hại ngoài dự kiến” (colateral damage) là khó lường nếu Việt Nam không nhân cơ hội này điều chỉnh chiến lược theo hướng thoát Trung, điều tiết thế cân bằng thụ động (hedging) thành chủ động tái cân bằng (active rebalance), để tạo không gian sinh tồn an toàn hơn.
Để hiểu rõ hơn các đặc điểm của đối đầu Mỹ-Trung, cần nhìn lại bối cảnh lịch sử và những diễn biến gần đây như những mảnh ghép của một bức tranh địa chiến lược đầy biến số. Bài này (gồm 9 phần được đăng qua nhiều kỳ) cố gắng tổng hợp các tư liệu như một bức tranh toàn cảnh để làm tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu. Đây là quá trình nghiên cứu còn để ngỏ, cần tiếp tục cập nhật thông tin, đối chiếu và phân tích làm cơ sở lựa chọn chính sách, nhưng chưa vội đề xuất đối sách cụ thể, để tránh ngộ nhận và kết luận vội vàng.
Bối cảnh lịch sử: Trung Quốc trở về tương lai
Về địa lý, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng phải ăn đời ở kiếp, dù muốn hay không, và cũng không thể dọn đi nơi khác. Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng, án ngữ lối ra Biển Đông của Trung Quốc, không chỉ liên quan tới tranh chấp chủ quyền giữa các nước ven biển mà còn tác động tới bàn cờ chiến lược giữa các nước lớn (như Mỹ-Trung). Có thể nói ai kiểm soát được Việt Nam sẽ kiểm soát được Biển Đông; ai kiểm soát được Biển Đông sẽ kiểm soát được Châu Á; ai kiểm soát được Châu Á sẽ kiểm soát được thế giới.
Về dân tộc, trong lịch sử người Hán đã từng thống trị Trung Quốc và đồng hóa các dân tộc khác, nhưng không Hán hóa được dân tộc Việt. Đến nay chủ nghĩa bành trướng và tham vọng “Hán hóa” (cinicization) vẫn là một vấn nạn lớn. Họ không chỉ bắt nạt các nước láng giềng nhỏ yếu bằng quan hệ kinh tế thực dân như “cá lớn nuốt cá bé” với chính sách “bẫy nợ” thông qua sáng kiến “Nhất đới Nhất Lộ” (BRI), mà còn đe dọa thế giới bằng tham vọng Hán hóa qua xuất khẩu Viện Khổng Tử và “Mô hình Trung Quốc”, được hỗ trợ bởi “chủ nghĩa chuyên chế kỹ thuật số”.
Về lịch sử, trong hàng ngàn năm “Bắc thuộc”, tuy người Viêt đã bị đô hộ tối thiểu 3 lần (tùy cách tính giai đoạn khác nhau), nhưng người Việt luôn tìm cách nổi dậy để giành độc lập. Đến sau sự kiện “Thành Đô” (9/1990), cố ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã cảnh báo: “một thời kỳ Bắc thuộc mới bắt đầu”. Tuy chưa biết lời cảnh báo đó có thành hiện thực hay không, nhưng đó là một câu hỏi lớn còn để ngỏ cho các nhà nghiên cứu. Lịch sử lâu dài và phức tạp giữa hai quốc gia này thường bị tác động bởi một số yếu tố.
Thứ nhất, theo thế giới quan của người Hán, Trung Quốc là “thiên triều” (trung tâm), các nước hay vùng lãnh thổ lân bang là “phiên quốc” (phụ thuộc), được chia thành mấy vòng tròn đồng tâm. Vòng tròn trong cùng (như Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông) nay thuộc lãnh thổ Trung Quốc (là “khu tự trị”). Vòng tròn thứ hai (như Hong Kong, Ma Cao) nay thuộc chủ quyền Trung Quốc (là “đặc khu hành chính”). Vòng tròn thứ ba (như Đài Loan, Biển Hoa Đông và Biển Đông) nay Bắc Kinh coi là “lợi ích cốt lõi” (tuy vẫn tranh chấp) nhưng họ muốn thâu tóm bằng mọi cách (như dùng “đường lưỡi bò”). Vòng ngoài cùng là các nước láng giềng nhỏ yếu hơn (như Triều Tiên, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Việt Nam, Lào, Campuchia) nay Bắc Kinh coi là “vùng ảnh hưởng” của họ.
Thứ hai, Trung Quốc coi “vùng ảnh hưởng” của họ như “sân sau”, nên muốn kiểm soát Biển Hoa Đông và Biển Đông như cái ao của mình, trong khi tìm cách gạt ảnh hưởng của các cường quốc khác (như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật) ra khỏi khu vực. Mỹ cũng đã từng coi vịnh Mexico và biển Caribbean như “sân sau” của họ (theo “học thuyết Monroe”). Nay Trung Quốc cho rằng họ cũng có quyền chính đáng khi coi Biển Đông như “sân sau”. Người Trung Quốc thường tự hào về lịch sử văn hóa của họ là “trung tâm” hay “Trung Nguyên”, nên coi các dân tộc khác là “man di”, kể cả Phương Tây. Khi người Trung Quốc bị thực dân Phương Tây đến bắt nạt, họ cảm thấy bị hạ nhục, nên luôn “nuôi chí phục thù” và tìm cơ hội vùng lên (hay “trỗi dậy”) để lấy lại “những gì đã mất”.
Thứ ba, Trung quốc đã trỗi dậy và vượt Nhật về kinh tế (2010), trở thành siêu cường kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nay họ muốn vượt Mỹ bằng sáng kiến “Nhất đới nhất lộ” và “Made in China 2025” đầy tham vọng vì “Giấc mộng Trung Hoa”. Với tham vọng đó, Trung Quốc bắt nạt các nước láng giềng, áp đặt “đường lưỡi bò”, bất chấp luật quốc tế (UNCLOS và phán quyết PCA). Trong khi đó, họ thay đổi thực địa và quân sự hóa các đảo ở Biển Đông mà họ đã chiếm tại Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988). Trước kia, Đặng Tiểu Bình chủ trương “lãnh đạo tập thể” (về đối nội), và “giấu mình chờ thời” (về đối ngoại), nhưng nay Tập Cận Bình đã bỏ qua lời răn của Đặng, chọn mô hình độc tài cá nhân, đi ngược dòng lịch sử (như hoàng đế Trung Hoa), thách thức Mỹ với tham vọng đứng đầu thế giới.
Theo giáo sư David Shambaugh (George Washington University), Tập Cận Bình đã đề cập đến “tầm nhìn cốt lõi” (core vision) của mình về Trung Quốc trong cuốn “Quản trị Trung Quốc” (The Governance of China). Giống tất cả lãnh đạo Trung Quốc muốn tự cường từ đời nhà Thanh từ thập niên 1870, mục tiêu của Tập là “khôi phục lại đất nước Trung Quốc, mà ông gọi là “Giấc mộng Trung Hoa”. Trung Quốc phải có thực lực đủ mạnh như một siêu cường trên thế giới xứng đáng được các nước khác kính nể. Sự hèn kém và nỗi nhục của người Trung Quốc trong lịch sử luôn ám ảnh tâm trí của cả một thế hệ như Tập Cận Bình.
Nhưng Tập Cận Bình đã quay lại với chủ nghĩa Mao và chủ nghĩa “sùng bái cá nhân”, với những danh xưng kiểu Maoist như “chủ tịch”, “lãnh đạo”, “nòng cốt”, “người cầm lái vĩ đại”. Câu văn bia mới là “Tư tưởng Tập Cận Bình về CNXH với đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” đã được chính thức ghi vào cương lĩnh Đảng và Hiến pháp Nhà nước. Đường lối lãnh đạo tập quyền cá nhân và tập trung quyền lực vào hệ thống Đảng-Nhà nước đã tạo ra một hệ quy chiếu (paradigm) mà Shambaugh gọi là “Chủ nghĩa Lê-nin Phụ hệ” (Patriarchal-Leninism). Như vậy, Tập Cận Bình đã trở thành một lãnh đạo kiểu Leninist của thế kỷ 20 (biệt lập) cầm đầu một đất nước khổng lồ trong thế kỷ kỷ 21 (toàn cầu hóa). Nói cách khác, Tập đang cai trị đất nước chẳng khác gì một “bố già kiểu Ý”. Từ khi lên cầm quyền (năm 2012), Tập đã từng bước đóng cửa Trung Quốc chứ không phải mở cửa rộng hơn (trong khi ông vẫn rao rảng về chính sách “mở cửa”).
Trung Quốc đã siết lại đầu tư nước ngoài và môi trường kinh doanh, đàn áp mạnh xã hội công dân và các tổ chức phi chính phủ, tăng cường học tập chủ nghĩa Marx và kiểm soát hệ tư tưởng đối với toàn bộ hệ thống giáo dục, nhất là các trường đại học, đẩy mạnh chiến dịch bài ngoại để chống lại các “thế lực thù địch nước ngoài”, kiểm soát chặt chẽ báo chí, ứng dụng công nghệ mới vào hệ thống theo dõi chặt chẽ của an ninh, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ Tân Cương và Tây Tạng, trấn áp những người theo đạo thiên chúa và các tôn giáo khác. Chủ trương trấn áp và thụt lùi giống chủ nghĩa Mao hơn là chủ nghĩa Đặng. Đó là cách ứng xử của một lãnh đạo đầy “bất an” chứ không phải của một lãnh đạo tự tin.
Sau thời Mao trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đã xây dựng lại thể chế Đảng, nhưng Đặng tin rằng về cơ bản cần giảm bớt kiểm soát để tăng cường sự chính danh và bền vững của Đảng. Trong khi đó, Tập lại tin chắc rằng phải kiểm soát chặt chẽ bằng thể chế và luật lệ. Đây chính là cốt lõi của chủ nghĩa Lenin: Đảng phải thâm nhập tất cả ngóc ngách của nhà nước và xã hội bằng các chi bộ, như hệ thống vi sinh lan tỏa khắp cơ thể. Tập từng bước xóa bỏ các thành quả cải cách cốt lõi mà Đặng và các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đã thực hiện trong bốn thập niên qua. Nay Tập đang dẫn dắt Trung Quốc tiến lên bằng cách đi giật lùi. Trong nhiều lĩnh vực (đặc biệt là về tổ chức Đảng), Tập đã đi thụt lùi kiểu “trở về tương lai” (hay hướng tới một tương lai giống với quá khứ trước cải cách).
Về đối ngoại, Tập cũng “bài Đặng”, bỏ ngoài tai những lời răn chiến lược như “giấu mình chờ thời, không được đi đầu” đã từng dẫn dắt chính sách đối ngoại Trung Quốc từ năm 1989. Tập lập luận rằng đã đến lúc Trung Quốc phải hành xử như một nước lớn. Dưới thời Tập, khắp nơi trên thế giới đã chứng kiến các hoạt động đối ngoại (song phương và đa phương) như một phong trào. Sáng kiến BRI và các đại dự án phát triển hạ tầng mang đậm dấu ấn của Tập như một hiện tượng ít thấy trong lịch sử. Nhưng trong khi hơn 80 nước tham gia sang kiến này thì Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ lại đứng ngoài.
Theo cách diễn ngôn của Bắc Kinh, “Tập không thể sai”. Chính điều này có thể trở thành “gót chân Asin” của Tập. Không có lãnh đạo nào là “không thể sai”. Những lời đồn đại ngấm ngầm ngày càng nhiều về phong cách lãnh đạo kiểu hoàng đế của Tập có thể là điềm báo hiệu những khó khăn sắp tới. Một khi đã dựng lên một hình tượng để tuyên truyền về Tập Cận Bình “không thể sai”, chế độ không thể dễ dàng rỡ bỏ được một hình tượng vô lý về “người cầm lái vĩ đại” của Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc đã chịu đựng các chính sách của Tập, bao gồm hàng triệu cán bộ đảng viên và sỹ quan quân đội đã mất chức và quyền lợi do kết cục các đợt thanh trừng chống tham nhũng. Tất cả đang đợi Tập Cận Bình vấp ngã.
Theo các chuyên gia về Trung Quốc, tài liệu quan trọng nhất về chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình là Báo cáo Chính trị tại Đại hội 19 (18/10/2017). Trong tài liệu đó, người ta thấy chủ trương đối ngoại của Tập tuy nhất quán với mục tiêu cơ bản của những người tiền nhiệm (về bành trướng bá quyền), nhưng ngược với quan điểm của Đặng Tiểu Bình (giấu mình chờ thời). Sự kết hợp giữa hiện tại (Xi Jinpingism) và quá khứ (Maoism) được gói gọn trong báo cáo của Tập về đối ngoại, với tham vọng “phấn đấu xây dựng một cộng đồng thế giới cùng chung vận mệnh”.
Sau đại hội Đảng 19 (10/2017) Quốc Hội Trung Quốc đã sửa đổi Hiến pháp (3/2018), chính thức bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chủ tịch nước, để Tập cận Bình có thể làm “hoàng đế” Trung Hoa suốt đời. Nhiều nước lo ngại nếu Trung Quốc vượt Mỹ, sẽ thống trị thế giới, biến thế kỷ 21 thành “Kỷ nguyên Trung Hoa” (China Century). Nhưng gần đây dư luận cho rằng hệ quả của chiến tranh thương mại và đối đầu Mỹ-Trung có thể đảo ngược xu hướng này. Trung Quốc tuy mạnh nhưng có những yếu điểm. Một số nước khu vực (như Nhật, Nam Hàn, Úc, Ấn Độ) đang liên kết với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc ngày càng hung hăng, can thiệp vào chính trị nội bộ các nước khác, gây phản ứng, làm cho các sáng kiến (như BRI và RCEP) bị nhiều nước nghi ngại. Trung Quốc ngày càng bị cô lập và mất lòng tin tại châu Á.
Theo một báo cáo của CSIS, sau 5 năm triển khai sáng kiến BRI, nó vẫn chưa thực sự thành hình trên thực địa. BRI gồm 6 hành lang kinh tế để lưu chuyển hàng hóa, con người và dữ liệu qua siêu lục địa Á-Âu. Qua phân tích 173 dự án hạ tầng BRI, các chuyên gia của CSIS nhận thấy đầu tư của Trung Quốc trên thực tế không được kiểm soát và phối hợp như Bắc Kinh mong muốn. Có lẽ vì vậy mà làn sóng phản ứng ngược lại đang tăng lên tại nhiều nước, làm lãnh đạo Trung Quốc lo ngại, muốn cải thiện hình ảnh BRI tại các nước đối tác. Nhưng đến nay CSIS vẫn chưa thấy có dấu hiệu chứng tỏ Bắc Kinh đã thực sự hiểu bức tranh chính trị và tài chính đã dẫn đến các phản ứng ngược lại đó.
Điều chỉnh chiến lược: Mỹ đang tỉnh ngộ
Khi Trump ký lệnh rút khỏi TPP (23/1/2017), nhiều người lo ngại ông có thể “đi đêm” với Tập Cận Bình, bỏ rơi lợi ích của đồng minh và đối tác tại Biển Đông, để đánh đổi lấy sự hợp tác của Bắc Kinh tại bán đảo Triều Tiên, nhằm gây sức ép mạnh hơn với Bình Nhưỡng. Nay người ta có thể thở phào như được giải tỏa khỏi ám ảnh về khả năng thỏa thuận ngầm giữa các nước lớn theo khuôn khổ “G-2”. Thực tế gần đây chứng tỏ lập trường của Chính quyền Trump đối với Trung Quốc tỏ ra cứng rắn hơn người ta tưởng. Đánh thuế hàng nhập khẩu Trung Quốc chỉ là một phần nhỏ trong các mục tiêu lớn hơn của Washington, như “phần nổi của tảng băng chìm”. Mỹ không chỉ dùng chiến tranh thương mại, mà còn đang triển khai một cuộc chiến tổng lực để đối phó với Trung Quốc.
Sau khi Donald Trump thắng cử và trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ, thế giới đã bước sang một giai đoạn mới đầy biến động khó lường. Trật tự thế giới đang bị đảo lộn và quan hệ Mỹ-Trung đang bị khủng hoảng, từ hợp tác nay trở thành đối đầu, Trung Quốc nay là “đối thủ chiến lược số một”. Quan hệ Mỹ-Trung dường như trượt theo quy luật “bẫy Thucydides”.
Tổng thống Trump đã chọn dịp họp Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng (10/11/2018) để tuyên bố tầm nhìn “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Mở và Tự do”, thay thế chiến lược “xoay trục” hay “tái cân bằng” của Tổng thống Obama. Đó là thời điểm và địa điểm thích hợp, vì Việt Nam có vị trí chiến lược quan trọng đối với tầm nhìn mới. Tổng thống Trump đã nhắc lại sự tích lịch sử về Hai Bà Trưng chống nhà Hán trước mặt chủ tịch Tập Cận Bình. Sau đó một hoặc hai tháng, Mỹ đã công bố Chiến lược An ninh (NSS) và Chiến lược Quốc phòng (NDS) trong đó vạch rõ Trung Quốc là “đối thủ chiến lược số một”. Tuy tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương còn chưa rõ, nhưng các mảnh ghép của bàn cờ chiến lược mới đang định hình. Chiến tranh thương mại là một nước cờ lớn để Mỹ cô lập Trung Quốc thay vai trò TPP mà người ta vẫn nuôi hy vọng sớm muộn Trump sẽ quay lại như ông đã đề cập tại Davos (với một số điều kiện).
Ngày 25/9/2018, tổng thống Donald Trump đã đọc diễn văn tại Đại hội Đồng LHQ, lên án Chủ nghĩa Xã hội và tố cáo Trung Quốc can thiệp vào bầu cử giữa kỳ của Mỹ. Ông dẫn chứng chính phủ Trung Quốc đã thuê tờ báo Des Moines Register (bang Iowa) đăng một bài công kích ông. Tuy việc chính phủ các nước thuê báo Mỹ đăng bài để làm PR là chuyện bình thường, nhưng Trump muốn làm to chuyện này vì những lý do khác. Ngày 30/9/2018, đại sứ Mỹ tại Trung Quốc là Terry Branstad cũng đăng một bài trên báo Des Moines Register với lời lẽ mạnh mẽ hiếm có, lên án Trung Quốc đã lợi dụng tự do ngôn luận và truyền thống tự do báo chí của Mỹđể tấn công tổng thống Mỹ. Đại sứ Branstad là một người ôn hòa, có quan hệ tốt với lãnh đạo Trung Quốc trên ba thập niên qua. Lập trường cứng rắn của Chính quyền Trump đối với Trung Quốc đang được nhiều người Mỹ đồng thuận (như một xu hướng).
Ngày 4/10/2018, phó tổng thống Mike Pence đã đọc một bài diễn văn quan trọng (dài 40 phút) về chính sách Trung Quốc tại Hudson Institute. Bài diễn văn của Mike Pence như “một lời tuyên chiến”, đặt Bắc Kinh vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Đó là tuyên bố “có thầm quyền và toàn diện nhất” của chính quyền Trump. Nó làm rõ sự khác biệt về thế giới quan của Mỹ và Trung Quốc, báo hiệu sự khởi đầu của một chương mới trong quan hệ Mỹ-Trung, khi Washington “chuyển hướng chiến lược vĩnh viễn”. Nói cách khác, người Mỹ đã tỉnh ngộ và đang tính sổ với Trung Quốc, như một “đồng thuận mới của Washington”. Vì vậy, hãy còn quá sớm để Washington thỏa thuận với Bắc Kinh, mặc dù Bắc Kinh rất muốn, tuy vẫn có đàm phán ở cấp bộ trưởng (như tại Washington) hoặc ở cấp cao nhất (tại Argentina, bên lề Thượng đỉnh G-20).
Nếu đọc kỹ, người ta thấy bài diễn văn về chính sách Trung Quốc của Mike Pence phản ánh nhiều vấn đề mà giáo sư Michael Pillsbury (Hudson Institute) đã đề cập trong cuốn sách “The hundred year Marathon” (xuất bản năm 2015). Trump đánh giá Pillsbury là một chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc. Pillsbury là một chuyên gia có quan điểm cứng rắn, đã từng phục vụ mấy đời tổng thống Mỹ, làm Trợ lý Thứ trưởng Quốc phòng thời tổng thống Reagan, và làm việc sát cánh với CIA và FBI trên bốn thập niên qua. Ông đã tiếp xúc trực tiếp với các lãnh đạo chính trị và quân sự hàng đầu của Trung Quốc, nên cuốn sách nói trên của Pillsbury có nhiều thông tin mà ít người biết, hoặc trước đây chưa được tiết lộ. Phần lớn các quan điểm và bằng chứng mà Pence trình bày trong diễn văn là dựa vào tư liệu được giới tình báo Mỹ đúc kết hơn bốn thập niên, trong đó có sự đóng góp của ông Pillsbury.
Theo số liệu đã công bố, sau sự kiện Thiên An Môn Trung Quốc đã đóng cửa 12% tổng số báo chí, 76% nhà xuất bản, 13 tạp chí khoa học định kỳ, tịch thu 32 triệu cuốn sách, cấm 150 bộ phim, và trừng phạt hơn 80.000 người…Pillsbury thừa nhận vào thời kỳ đó, ông cũng cả tin và ảo tưởng rằng lãnh đạo Trung Quốc đã phản ứng quá đà, chứ trước sau họ cũng sẽ đi theo con đường dân chủ. Không chỉ có Pillsbury mà hầu hết giới tinh hoa và tình báo Mỹ lúc đó đều suy nghĩ như vậy, nên họ không chịu lắng nghe và đã bỏ ngoài tai những thông tin và bằng chứng khác với suy nghĩ (ngộ nhận) của họ. Pillsbury thừa nhận đó là một trong những thất bại lớn nhất của giới tình báo Mỹ.
Pillsbury là người đã nghiên cứu kỹ và hiểu rõ binh pháp của Trung Quốc (như “cờ vây”) mà giới lãnh đạo chính trị và quân sự của Trung Quốc đã từng áp dụng từ thời Chiến Quốc cũng như hơn bốn thập niên qua để giúp Trung Quốc trỗi dậy. Pillsbury tin rằng Mỹ có thể áp dụng linh hoạt “cờ vây” trong binh pháp từ thời Chiến Quốc để đánh bại Trung Quốc trong trò chơi của chính họ. Có lẽ chính quyền Trump đang từng bước áp dụng một số đề xuất chiến lược đó. Mike Pence đã nổ phát súng cảnh báo Bắc Kinh và công bố chính sách chiến lược của Mỹ đối phó với Trung Quốc. Ông cho biết rằng, một quan chức tình báo cấp cao vừa nói với ông là “những gì người Nga đang làm khá mờ nhạt so với những gì mà người Trung Quốc đang làm tại Mỹ”.
Trong cuốn sách đó, Pillsbury đã đề xuất 12 biện pháp chiến lược:
- Nhận diện vấn đề (để không nhầm lẫn thực chất với bề ngoài);
- Lưu trữ hồ sơ (Mỹ đã giúp Trung quốc những gì 40 năm qua);
- Đo lường tính cạnh tranh (đánh giá thực lực hai bên mạnh yếu chỗ nào);
- Hoạch định chiến lược cạnh tranh (cần sáng kiến để có chiến lược, chiến thuật ưu việt);
- Mỹ cần nền tảng chung (để tìm đồng thuận giữa các xu hướng khác nhau);
- Xây dựng liên minh theo hàng dọc (để vây Trung Quốc như đã vây Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh);
- Bảo vệ các nhà bất đồng chính kiến (bị TQ kiểm duyệt và trấn áp);
- Cứng rắn trước các hành xử chống lại Mỹ (như gián điệp mạng và ăn cắp công nghệ);
- Nhận diện và điểm mặt những kẻ phá hủy môi trường (vì TQ xuất khẩu hàng hóa, công nghệ gây ô nhiễm);
- Vạch mặt tham nhũng và kiểm duyệt (để hỗ trợ truyền thông như Wikipedia, Facebook, Yahoo!);
- Ủng hộ các nhà cải cách dân chủ (vì TQ rất sợ dân chủ và đa nguyên đa đảng);
- Theo dõi và hỗ trợ các cuộc tranh luận (vì Mỹ đã không hành động gì trước biến cố Thiên An Môn).
Tiếp theo bài diễn văn quan trọng về chính sách Trung Quốc tại Viện Hudson (4/10/2018), phó tổng thống Mike Pence vừa đăng một bài quan trọng trên Washing Post (9/11/2018), để cụ thể hóa hơn chiến lược FOIP, và tăng cường phân hóa các nước khu vực, nhằm cô lập Trung Quốc, trước khi ông thay mặt tổng thống đi Châu Á để dự họp cấp cao ASEAN, EAS và APEC (tại Singapore và Port Moresby). Theo Mike Pence, chiến lược Indo-Pacific của Mỹ dựa trên “ba trụ cột chính” (three broad pillars).
Trụ cột thứ nhất là “thịnh vượng” (prosperity). Mỹ đã ký các hiệp định thương mại song phương mới với nguyên tắc “tự do, công bằng, và có đi có lại” với Hàn Quốc, Mexico & Canada (sắp tới với Nhật Bản). Mỹ sẽ đầu tư lớn hơn vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ông Pence nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp chứ không phải quan chức chính phủ sẽ dẫn đầu các nỗ lực này vì các chính phủ và doanh nghiệp nhà nước không có năng lực xây dựng sự thịnh vượng lâu dài. Tổng thống Trump vừa ký luật “Build Act” để lập ra quỹ viện trợ phát triển IDFC (International Development Finance Corporation) với ngân sách $60 tỷ. Mỹ cam kết giúp xây dựng hải cảng, sân bay, đường bộ và đường sắt, hệ thống ống dẫn dầu và đường truyền dữ liệu hiện đại cho khu vực. Nhưng Mỹ chỉ giúp các dự án nào mang lại lợi ích cụ thể cho nước chủ nhà cũng như cho Mỹ.
Trụ cột thứ hai là an ninh (làm nền tảng cho thịnh vượng). Theo chiến lược FOIP, Mỹ sẽ hợp tác với “các nước cùng chí hướng” để đối phó với “các mối đe dọa cấp bách nhất hiện nay đối với khu vực”. Mỹ sẽ viện trợ mới để giúp các nước khu vực bảo vệ biên giới của họ (trên bộ, trên biển, và không gian mạng). Mỹ sẽ tiếp tục cộng tác với các đồng minh và đối tác để bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không. Các cuộc tập trận chung vừa qua với Nhật Bản và Ấn Độ đã khẳng định sự cam kết tiếp tục của Mỹ.
Trụ cột thứ ba là ủng hộ các “chính phủ minh bạch và có trách nhiệm, pháp quyền và bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền tự do tin ngưỡng”. Các nước nào trao quyền cho công dân, hỗ trợ xã hội công dân, chống tham nhũng và bảo vệ chủ quyền là “những ngôi nhà vững chắc cho nhân dân nước họ và là đối tác tốt của Mỹ”.
Ngược lại, các nước nào “đàn áp nhân dân, vi phạm chủ quyền các nước láng giềng”, với chế độ chuyên chế và xâm lược sẽ không có chỗ đứng trong khu vực… Mỹ sẽ công bố các thỏa thuận và sáng kiến mới với sự hỗ trợ tài chính quan trọng của chính phủ và cộng đồng kinh doanh Mỹ. “Chúng tôi sẽ nhắc lại cam kết của Tổng thống Mỹ với các đối tác. Mỹ sẽ cộng tác với các nước cùng chí hướng, từ Ấn Độ đến các đảo trên Thái Bình Dương, để phát huy lợi ích chung, cùng đứng lên chống lại bất cứ ai đe dọa lợi ích và giá trị của chúng ta”.
(Còn tiếp)
Tác giả: Nguyễn Quang Dy