Việt Nam: Tự do Internet dậm chân tại chỗ?
BBC
16/11/2017
Sau đúng 20 năm mở cửa cho Internet, cánh cửa tự do thông tin mạng vẫn đóng chặt ở Việt Nam, theo báo cáo của Freedom House.
Freedom House, tổ chức đánh giá dân chủ do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, xếp hạng Việt Nam 76/100 trên mức thang tự do Internet.
Trên thang 0-100, với 0 tự do nhất, và 100 ít tự do nhất, Việt Nam vẫn nằm trong những nước “Không có tự do Internet” cùng với Trung Quốc và Nga, theo báo cáo công bố hôm 14/11 của tổ chức này.
Ngày 19/11 tới đây sẽ đánh dấu 20 năm Việt Nam bắt đầu hòa nhập mạng Internet toàn cầu, theo Thông tấn xã Việt Nam.
Đến nay đã có hơn 50 triệu người dùng mạng Internet, chiếm 53% tổng dân số. Số người dùng mạng tăng nhiều trong nhiều năm qua, nhưng theo báo cáo của các tổ chức phi chính phủ quốc tế, thì sự tự do truyền tải thông tin trên mạng tại Việt Nam lại ngày càng thu hẹp.
Theo báo cáo của Freedom House, tự do Internet ở Việt Nam vào năm 2017 được phản ánh qua tình trạng gia tăng bắt giữ và đàn áp các nhà blogger và nhà hoạt động dân chủ.
Việt Nam đã thả tự do cho 14 blogger và nhà hoạt động khi chịu áp lực từ chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Obama trong năm 2014 và 2015 lúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2016 xảy ra thêm nhiều cuộc bắt giữ và năm 2017 chứng kiến một cuộc trấn áp mạnh mẽ lên các nhà bất đồng chính kiến.
‘Chặn mạng, kiểm soát và thao túng thông tin’
Phúc trình của Freedom House đưa ra những dẫn chứng cụ thể về việc giới chức Việt Nam ngăn chặn luồng thông tin bất lợi cho chính quyền hay giới tài phiệt bằng cách chặn mạng, kiểm soát nội dung và thao túng thông tin bằng ‘dư luận viên’.
Bản phúc trình của Freedom House nhắc tới vụ đụng độ giữa người dân Đồng Tâm và chính quyền Hà Nội diễn ra căng thẳng, với việc hôm 19/4 sóng điện thoại và 3G hoàn toàn không hoạt động trong vài giờ đồng hồ ở thôn Hoành, nơi hơn 30 cán bộ công an bị tạm giữ.
Bản phúc trình cũng dẫn chứng vụ ngược đãi động vật và người lao động ở Safari Phú Quốc của Vingroup. Trang Facebook đăng các thông tin liên quan bị đóng tài khoản tạm thời và người quản trị trang sau đó nói ‘phải dừng việc đăng thông tin vì lý do an toàn’.
Freedom House cũng nhấn mạnh vào sự tồn tại của một lực lượng được gọi là ‘dư luận viên’ giúp chính quyền ‘thao túng thông tin trên mạng xã hội’.
Cụ thể là từ 2013, ông Hồ Quang Lợi, Trưởng an Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tuyên bố thành phố có một đội ngũ ‘dư luận viên’ 900 người, được ‘giao nhiệm vụ làm công tác tuyên truyền tư tưởng cho Đảng’.
Đội ngũ này đã thành lập 18 trang web và hơn 400 tài khoản để giám sát và định hướng thảo luận trên mạng về mọi chủ đề từ chính sách đối ngoại đến tranh chấp đất đai.
Chưa kể Việt Nam vẫn không ngừng gây áp lực lên hai mạng xã hội phổ biến nhất thế giới là Facebook và Youtube. Theo Freedom House, chính quyền yêu cầu các công ty đa quốc gia và doanh nghiệp Việt Nam ngừng quảng cáo trên hai trang mạng xã hội trên.
Theo truyền thông Việt Nam, giới chức cũng yêu cầu Youtube tháo gỡ hàng ngàn clip nhưng Google, công ty mẹ của Youtube nói họ chỉ mới nhận được khoảng 50 yêu cầu gỡ bỏ, và từ 2009 đến tháng 12/2016 chỉ có 5 yêu cầu từ chính quyền Việt Nam.
Freedom House cũng đề cập đến phần mềm FinFisher hoạt động trên 25 quốc gia, bao gồm Việt Nam, như một cách để thâm nhập và theo dõi hợp pháp. FinFisher có thể giám sát các cuộc trao đổi, thu thập danh bạ, tin nhắn và email mà không cần sự cho phép của chủ tài khoản.
VN ‘thúc đẩy mạng xã hội của doanh nghiệp Việt’
Trong báo cáo trả lời với với 4 nội dung chính trước phiên chất vấn gửi đại biểu Quốc hội Việt Nam, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn nói Bộ Thông tin và Truyền thông muốn “thúc đẩy mạng xã hội do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp”.
Theo Vietnamnet, Bộ trưởng TT&TT nói “các thông tin tiêu cực như xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, kêu gọi kích động biểu tình, chống phá nhà nước… chủ yếu tồn tại trên các mạng xã hội nước ngoài.”
Ông Trương Minh Tuấn đề nghị ra các giải pháp, hầu hết là cải thiện hệ thống pháp lý và công cụ quản lý để giám sát lượng thông tin trên mạng.
Ngoài ra, ông nói muốn thúc đẩy mạng xã hội do doanh nghiệp tại VN cung cấp dịch vụ.
Hiện tại Việt Nam có mạng xã hội Zalo, thuộc sở hữu của tập đoàn VNG. Theo trang báo Zing.vn, cũng thuộc VNG, đến tháng 8/2017, đã có khoảng 80 triệu người dùng Zalo trên toàn thế giới.
Trước đó, có một điều khoản trong Dự luật An ninh mạng trên gây tranh cãi trên mạng xã hội, với lo ngại Facebook và Youtube ‘có thể bị đóng cửa ở Việt Nam’.
Khoản 4, Điều 34 trong Dự thảo Luật An ninh mạng có ra quy định các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông, internet… phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu ở Việt Nam.
Tuy nhiên trong phiên thảo luận Quốc Hội hôm 13/10, có đại biểu cho rằng việc bắt buộc Facebook đặt máy chủ ở Việt Nam ‘là không khả thi’.
Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Tô Lâm nói “nếu vì đảm bảo an ninh, không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ mạng thì rất lạc hậu, không thể ‘chơi được với ai’ hay hội nhập với thế giới.”
Tuy nhiên, hầu hết các đại biểu đều thống nhất trong việc gia tăng quản lý, giám sát thông tin trên mạng vì ‘an ninh quốc gia’.