Việt Nam trước Hiệp Định Mậu Dịch Tự Do TPP và RCEP – Bs. Mã Xái

Cac Bai Khac

No sub-categories

Việt Nam trước Hiệp Định Mậu Dịch Tự Do TPP và RCEP – Bs. Mã Xái

Việt Nam trước Hiệp Định Mậu Dịch Tự Do TPP và RCEP (Hiệp Định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và Đối Tác Toàn Diện Khu Vực)

Tổng Thống Obama  sắp lên đường công du  vào tháng Tư (2014)  tại  bốn quốc gia Á-Châu, gồm Nhựt Bổn, Nam Triều Tiên, Mã Lai, Phi Luật Tân và theo các nhà am tường thời cuộc, chắc không ngoài mục đích  mang theo một thông điệp về cam kết chiến lược “tái cân bằng“, “đổi trục”. Ngoài ra việc can dự kinh tế Mỹ vào Á Châu được xem như trọng tâm chiến lược  Á-Châu Thái Bình Dương của Tổng Thống Obama. Ông và Bà cựu Ngoại Trưởng Hilary Clinton cũng đã tuyên bố rằng thế kỷ 21 là thế kỷ Thái Bình Dương của Hoa kỳ.

Nhiều nhà phân tích cho rằng sự thành công của “Đổi Trục“ tùy thuộc vào khả năng hoàn thành sách lược kinh tế trong vùng này, đặc biệt vào sự hoàn thành thương ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). TPP chẳng những quan trọng đối với Hoa Kỳ trong chánh sách Á Châu, trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh và thạnh vượng cho các quốc gia thành viên trong khu vực. Đặc biệt Việt Nam cũng mong muốn việc tham gia đàm phán TPP kết thúc sớm sủa vào cuối năm 2013, như Chủ Tịch nhà nước CSVN Trương Tấn Sang mong muốn, nhơn buổi hội kiến với TT Obama  trong năm qua. Gần đây, Đại Sứ CSVN Nguyễn Quốc Cường trong buổi hội luận tại Trung Tâm CSIS (Center for Strategic and International Studies) ở Washinton DC cũng bày tỏ Việt Nam mong thấy “thông báo quan trọng về TPP” khi ông Obama tới Á-Châu, rằng “phía chúng tôi muốn làm việc với Mỹ và các đối tác TPP khác để có thể hoàn tất TPP sớm nhất”.

TPP bắt đầu gây nên sự chú ý của thế giới khi ông Obama tuyên bố nhập cuộc để tham gia đàm phán. TPP là một tổ chức đã có trước đây, được manh nha từ bên lề Hội Nghị APEC Honolulu tháng 11/2011. Cuộc đàm phán kéo dài đến hôm nay. Với sự thúc đẩy liên tục của Hoa kỳ trong vai trò lãnh đạo, cuộc đàm phán 12 quốc gia vừa kết thúc cuộc họp bốn ngày kể từ 22/02/14 tại Singapore với sự có mặt của các Bộ trưởng thương mãi Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru, Chi-Lê, Việt Nam, Mã Lai, Singapore, Brunei, Nhật Bổn, Úc, New Zeland. Chỉ nội 12 quốc gia này đã chiếm tỉ trọng 40% kinh tế thế giới. Đây là một hiệp định mà chánh quyền của TT Obama đặc biệt lưu tâm và khi hiệp định hoàn thành sẽ là một mạng lưới kinh tế, nếu không muốn nói là một liên minh kinh tế, có bề thế nối liền Hoa Kỳ với các quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, đóng vai hậu thuẫn cho vòng đai liên minh quân sự và các đối tác an ninh của Hoa Kỳ, tiền đề cho sự ổn định và phát triển bền vững cho khu vực. Cũng nên biết TPP không bao gồm hết mười quốc gia ASEAN, nên năm 2012 chánh quyền Obama phát động sáng kiến E3 (Enhancement Economic Engagement) nhơn Hội nghị Thượng đỉnh các Lãnh đạo HOA KỲ-ASEAN tại Nam Vang với mục tiêu thúc đẩy sự quan tâm của HK trong lãnh vực thương mãi, đầu tư nhằm nâng cao tiêu chuẩn mậu dịch cho các thành viên ASEAN trong đó có bốn quốc gia đang tham dự vào vòng đàm phán TPP. Vòng đàm phán mới nhất (02/2014) vẫn chưa đạt được kết quả vì vẫn còn nhiều dị biệt giữa các thành viên, trong đó có vấn đề mức thuế đánh trên hàng nhập khẩu, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, vai trò của các công ty quốc doanh, môi trường, vấn đề nhân quyền.

Không biết rõ chừng nào các quốc gia tái nhóm, do đó TT Obama sẽ khó lòng kịp mang món hành trang này trên đường công du bốn nước Á Châu sắp tới, dự kiến vào tháng Tư năm 2014. Trong khi đó Thủ Tướng Lý Hiển Long tại hội nghị Singapore (2/2014) hy vọng hoàn tất cuộc đàm phán vào cuối năm 2014. Trong bài diễn văn “Tình Trạng Liên Bang“ năm 2014, ông Obama cũng đã hy vọng các thương ước mới của HK với Á Châu Thái Bình Dương và Âu Châu sẽ góp phần tăng cường Sáng Kiến Xuất Khẩu và mang thêm công ăn việc làm cho người Mỹ. Ông đang ráo riết vận động để quốc hội thông qua dự luât “Trade Promotion Authority” (TPA), nhưng trớ trêu thay, lãnh đạo khối đa số Đảng Dân Chủ tại Thượng Nghị Viện HK, TNS Harry Reid cho biết ông phản đối dự luật đó. Dự luật này nếu được thông qua, khi TTP hoàn tất và được Tổng Thống ký và chuyển sang Quốc Hội chỉ để phê chuẩn, thì Quốc Hội hoặc thông qua, hoặc bác bỏ chớ không tu chính. Tu Chính một hiệp định đã ký kết thì cuộc thương thảo lại với 12 quốc gia sẽ kéo dài lê thê. Tuy nhiên, TPP là một chánh sách mậu dịch có tầm quan trọng chiến lược Á Châu Thái Bình Dương trong ba mũi dùi: an ninh, ngoai giao kinh tế dính liền với quyền lợi quốc gia HK, cho nên các vị dân cử của hai viện Quốc Hội HK rất quan tâm nội dung của TPP trong việc cứu xét và quyết định về số phận của dự luật TPA. Cuối năm 2013, ngày 18 tháng 12,Tiểu Ban đặc trách Á Đông và Thái Bình Dương Thượng Viện Hoa Kỳ đã nghe buổi điều trần của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở Washington DC. Bản tường trình do ông Matthew P. Goodman nói về “U.S. ECONOMIC ENGAGEMENT IN ASIA AND PACIFIC” và ông kết luận chánh quyền Obama đã quyết tâm đặt ưu tiên kinh tế trong chiến lược Á Châu Thái Bình Dương, sự thành công của chánh sách “tái cân bằng”, hay “đổi trục” chủ yếu tùy thuộc vào khả năng thực hiện một chánh sách kinh tế hữu hiệu cho khu vực này và đặc biệt là việc hoàn thành thương ước TPP. Sự thành công này chứng tỏ tư thế lãnh đạo và quyết tâm của Hoa Kỳ là bám trụ vào Á Châu-Thái Bình Dương, thiếu vắng TPP thì chánh sách “Tái Cân Bằng” chỉ còn mục tiêu quân sự, thiếu phần mục tiêu phát triển bền vững và thịnh vượng cho vùng. Thực tế là TT Obama hết sức lưu tâm đến TPP và cho rằng hiệp định TPP là chiếc cầu nối liền HK và khu vực châu Á Thái Bình Dương đầy năng động để đối trọng ảnh hưởng bành trướng mang tánh chất xâm lược của cường quốc Trung Cộng trong khu vực. Nhưng rõ ràng ông đang gặp khó khăn trong việc xin Quốc Hội cho toàn quyền TPA (Trade Promotion Authority).

Các nhà hoạt động dân chủ và nhơn quyền Việt Nam, đăc biệt là tổ chức BPSOS đang mở cuộc vận động hành lang quốc hội Hoa Kỳ dùng TPP để gây áp lực yêu cầu CSVN chấm dứt các vi phạm nhơn quyền, và cài đặt những điều khoảng áp lực Hà Nội thực thi các điều khoảng của thương ước TPP. Đặc biệt các điều khoảng về việc tôn trọng quyền lao động, quyền thành lập công đoàn độc lập, sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, cải thiện tính minh bạch, thực hiện các tiêu chuẩn cao về quyền sở hữu trí tuệ, môi trường. Chúng ta và ngay cả dân chúng Hoa Kỳ cũng không nắm vững những gì mà chánh quyền Obama đàm phán và châm chước những điều kiện gì để CSVN có thể lọt vào TPP, âu đó cũng là lý do các nhà lãnh đạo dân cử Quốc Hội Hoa Kỳ và các nhà hoạt động dân chủ Việt Nam đang chống đối dự luât TPA. Nhiều nhà trí thức tiến bộ CS hy vọng coi TPP như là công cụ tạo ra áp lực đẩy manh cải cách thể chế, nhưng liệu các nhà lãnh đạo CS có đủ tầm nhìn và biết đặt quyền lợi đất nước và dân tộc lên trên hay không?

Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn khi được vào TPP và CT Trương Tấn Sang đã bày tỏ ước muốn cho cuộc đàm phán sớm hoàn thành, nhưng nhà nước CSVN phải tuân thủ luật khi vào sân chơi cho phù họp với nguyên tắc thương mãi tự do với tiêu chuẩn cao trong xu thế thời đại. Trung cộng ngay từ đầu đã không được HK mời vào TPP và Trung Cộng từng tuyên bố các mục tiêu của TPP do HK đưa ra hàm chứa nhiều tham vọng và vượt quá khả năng của các nước đang phát triển, vì ngoài các thỏa thuận về thương mãi lại còn có liên quan đến các vấn đề khác hơn (như môi trường, bảo vệ quyền sản phẩm trí tuệ, quyền lao động…).

Một Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Khu Vực (Regional Comprehensive Economic Partnership, RCEP) đã chính thức khởi động đàm phán hôm 20-11-2012 tại Pnom Penh nhơn Thượng Đỉnh ASEAN 2012 tại Cambodia, gồm 16 quốc gia mà CSVN là một thành viên và bao trùm một vùng rộng lớn trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và Trung Cộng, một cường quốc kinh tế mà một số cơ quan truyền thông nói số hai thế giới, là đối tác đàm phán chánh trong RCEP với nòng cốt gồm 10 quốc gia ASEAN cộng với Trung Cộng, Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Triều Tiên, New Zeland và Úc . RCEP dự định hoàn tất đàm phán vào năm 2015 và 16 quốc gia này chiếm khoản 1/3 tổng sản lượng thương mại và GDP toàn cầu. Giới phân tích kinh tế cho rằng RCEP sẽ là đối trọng với TPP. RCEP tập trung vào Châu Á vì Trung Cộng đã và đang gây ảnh hưởng sâu rộng và đầu tư qui mô trong khu vực này trong khi trước đây Hoa Kỳ sa lầy ở Trung Đông vì chiến tranh Afganistan, Iraq. Bảy quốc gia Á Châu cùng tham gia đàm phán với cả hai bên, trong đó Việt Nam cũng là  thành viên tham gia đàm phán cho cả hai Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP và Hiệp Đinh Đối Tác Toàn Diện Khu Vực RCEP.

Sự chọn lựa cả hai hiệp định thể hiện chánh sách đu dây của CSVN vừa làm đẹp lòng Bắc Kinh để giữ tình ”mười sáu chữ vàng, bốn tốt”, vừa làm Washington cũng mát dạ vì từ lâu Hoa Kỳ vẫn nâng niu, muốn lôi kéo Việt Nam như một đối tác an ninh vào mạng lưới liên minh quân sư phòng ngự phía nam trước bản chất bành trướng Trung Cộng. VNCS có nhiều cơ hội để tham gia vào các thương ước mậu dịch tự do sau thập niên 90. Sau khi ký kết Hiệp Định Thương Mại với Hoa Kỳ vào năm 2001, rồi gia nhập WTO năm 2007, VNCS đã ký kết trên sáu thương ước tự do khác. Lẽ ra Cộng sản Viêt Nam đã mở mắt để thấy sự sai lầm trong ảo tưởng xã hội chủ nghĩa, và mạnh dạn cải tổ cấu trúc kinh tế, nhận định rõ xu thế thời đại toàn cầu hóa để thấy TPP thể hiện “thế hệ mới” tiên tiến với tiêu chuẩn cao sẽ làm mẫu cho các mô hình mậu dich tự do khác trong tương lai. Những điều kiện nhạy cảm cho CSVN để được vào TPP đã được Hoa Kỳ thông tri, trong đó có vấn đề nhơn quyền mà các tổ chức  đấu tranh cho nhân quyền trong công đồng tỵ nạn Việt Nam. Vào cuối tháng ba 2014 này sẽ có cuộc vận động hành lang tại quốc hội Hoa Kỳ để cài đặt điều kiện nhơn quyền vào TPP. Đối với Hoa Kỳ, một TPP không được hoàn tất sớm là một thất bại chiến lược kinh tế  trong khu vực Á Châu mà TT Obama từng quan tâm và có thể Á Châu sẽ chuyển hướng về ngõ mậu dich tự do khu vực khác trong đó có RCEP, dù rằng nền kinh tế Trung Cộng đang trên đà sa sút.

Sự phát triển kinh tế Việt Nam không thể bền vững nếu không có chuyển đổi chánh trị. Cho nên công cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước vẫn là vấn đề ưu tiên trong mục tiêu tối hậu là giải thể chế độ CSVN và xây dựng nền dân chủ pháp trị.

Bác Sĩ Mã Xái