Việt Nam trong chiến lược của Hoa Kỳ

Cac Bai Khac

No sub-categories

Việt Nam trong chiến lược của Hoa Kỳ

 

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vừa qua đến Hà Nội trong hai ngày 8-9/7/2018. Chuyến thăm được đánh giá không chỉ có tác động đến quan hệ song phương, mà còn thể hiện sự nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy kiến tạo cấu trúc an ninh khu vực tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mà trong đó Việt Nam có vị trí quan trọng.

 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội hôm 9/7/2018
Chúng tôi ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia trong nước về chuyến thăm đó.
Quan hệ song phương nhiều tiến triển
Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất mà ông Mike Pompeo chọn đến thăm trong chuỗi công du châu Á vừa qua và cũng là lần đầu ông đến Hà Nội trên cương vị đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ.
Chuyến thăm này là sự nối tiếp của hai chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Donald Trump hồi tháng 11/2017 và của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis hôm 24/1 năm nay. Trong chuyến thăm lần này, ông Mike Pompeo đã tiếp xúc với Tổng bí thư Đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và hội đàm với người đồng cấp – Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ tuyên bố ủng hộ việc giải quyết bằng biện pháp hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế mà Việt Nam luôn đưa ra. Còn Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thúc đẩy việc triển khai quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ với ba tiêu chí: ổn định – sâu rộng – hiệu quả.
Bài phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo trước các doanh nhân hai nước, theo đánh giá của Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng – Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, là “đậm đà cảm xúc cá nhân” về quan hệ Việt – Mỹ phong phú và sâu sắc, bao gồm cả cuộc chiến tranh Việt Nam mà hai bên đang quyết tâm “bất chấp những khó khăn to lớn để gác lại quá khứ và hướng tới tương lai”.
“Mỹ ghi nhận sự thành công về các mặt của Việt Nam, từ xóa đói giảm nghèo, đến tiến độ thúc đẩy quan hệ Mỹ – Việt, cho đến những cam kết chung giữa hai nước đối với tương lai bang giao, tương lai khu vực. Ngoại trưởng Pompeo thậm chí còn nói, những năm 60-70 thế kỷ trước, chẳng ai dám nghĩ sẽ có lúc ngoại trưởng Mỹ có thể gặp tổng bí thư Việt Nam ở ngay giữa Hà Nội để đàm đạo với nhau về tầm nhìn chung cho công việc hợp tác giữa hai nước.”
Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh ở cuối bài phát biểu: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nỗ lực vì một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập, một quốc gia tham gia thương mại công bằng và đối ứng, đóng góp vào tình hình an ninh quốc tế và tôn trọng nhân quyền, pháp trị”.
Mượn Việt Nam để nhắn nhủ Bắc Hàn
Trong chuyến công du châu Á lần này của Ngoại trưởng Mike Pompeo, vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên ở vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự.
Bài phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo trước cộng đồng doanh nghiệp Việt – Mỹ tối 8/7 tại Hà Nội có đoạn: “Trước sự thịnh vượng và mối quan hệ đối tác tưởng chừng như không tưởng mà chúng tôi có với Việt Nam ngày hôm nay, tôi có một thông điệp với Chủ tịch Kim Jong Un: Tổng thống Trump tin rằng nước ngài có thể tái tạo lại con đường này. Nó sẽ là của ngài nếu ngài nắm lấy cơ hội này. Phép màu này có thể là của ngài; nó cũng có thể là phép màu của ngài ở Bắc Hàn”.
Ông Pompeo muốn nêu Việt Nam như một minh chứng sống động cho việc chuyển từ đối địch sang đối thoại và hợp tác với Hoa Kỳ – “một chìa khóa dẫn tới sự trỗi dậy lớn của Việt Nam trong vòng vài thập kỷ qua” để hướng đến sự thịnh vượng và phát triển. Việt Nam cũng có thể là hình mẫu cho Bắc Hàn nghiên cứu để cải cách kinh tế, mở rộng quan hệ bang giao – thương mại với các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ.
“Mỹ đã chọn Việt Nam trong chuyến công du Châu Á lần này làm địa điểm trung chuyển để chuyển các thông điệp kép của chính quyền Trump. Điều này có ý nghĩa ở chỗ, Mỹ ghi nhận vai trò của Việt Nam trong khu vực nói chung và cũng có ý nghĩa gửi gắm, ít nhất ở sự đồng cảm, cao hơn nữa là đón đợi việc Việt Nam hỗ trợ Mỹ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.”
Tới trung tâm “Indo-Pacific” để củng cố chiến lược an ninh khu vực
Một vấn đề trọng tâm khác trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mike Pompeo là việc thúc đẩy, củng cố cho chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mà Tổng thống Donald Trump công khai tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 tại Đà Nẵng hồi tháng 11/2017.
Trong các cuộc tiếp xúc, hội đàm tại Hà Nội, ông Mike Pompeo ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và nhất trí thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – Hoa Kỳ phát triển thực chất, hiệu quả hơn.
Theo Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, Hoa Kỳ có ý muốn vận động sự ủng hộ và tham gia của Việt Nam và ASEAN vào việc xây dựng “một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” – điều mà Trung Quốc từng cảnh báo, đe dọa một cách bóng gió trên báo chí.
Ông Nguyễn Khắc Mai – Giám đốc Trung tâm Minh Triết cho rằng, Hoa Kỳ đang triển khai một kế hoạch tổng thể nhằm đối phó với các nguy cơ từ Trung Quốc trên nhiều mặt trận và nhiều con đường, trong đó có chiến lược “Ấn Độ- Thái Bình Dương” – nhằm tạo thế cân bằng động mới trong khu vực.
“Ông ngoại trưởng Mỹ đến đây và đưa một thông điệp sự hình thành một tình hình mới ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Họ báo gì cho Việt Nam? Theo tôi nghĩ, họ nói rằng, đây là cơ hội cho các anh đấy. Đứng dậy đi! Tổ chức lại đi! Nâng năng lực của mình đi, tham gia vào các mối quan hệ ấy.”
Ông Nguyễn Khắc Mai nhận định, Việt Nam có vị thế ngày càng cao trong mắt Hoa Kỳ bởi vị trí địa chính trị chiến lược, mối quan hệ song phương ngày càng sâu sắc, và quan trọng nhất là đối với chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương”. Theo ông, một số lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã nhận thức được điều này và sự cần thiết của việc tham gia vào chiến lược này của Mỹ để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.
Tuy nhiên, từ nhận thức đến hành động còn là hành trình dài, phụ thuộc vào ý chí của giới lãnh đạo, cũng như vai trò tác động của Trung Quốc trong nền chính trị Việt Nam. Nhưng hơn hết, Việt Nam cần tận dụng vị thế của mình trong quan hệ với Mỹ và vị trí địa chính trị chiến lược trong cấu trúc an ninh khu vực mới đang hình thành.
“Tôi đánh giá thông điệp của Ngoại trưởng Mỹ giao cho Việt Nam là rất hay, rất quan trọng. Vấn đề là Việt Nam tiếp nhận thông điệp ấy và tổ chức cái năng lực của mình như thế nào để tham gia. Rút cái lợi ích từ đó cho bản thân dân tộc mình.”
Trong thời gian tới, theo sự bàn thảo của Ngoại trưởng Mike Pompeo và người đồng cấp Phạm Bình Minh vừa qua, Việt Nam và Hoa Kỳ nhất trí ưu tiên thúc đẩy trao đổi đoàn, đặc biệt là trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao. Điều đó có nghĩa rằng, các chuyến thăm của quan chức cấp cao hai bên sẽ còn “tăng dày”, bởi những vấn đề song phương và đa phương đan xen ngày càng nhiều trong quan hệ hai nước.
(RFA)