Việt Nam trở thành thiên đường của sự giả dối
Có thể nói Việt Nam là một thiên đường của những điều, những thứ giả tạo. Trong thiên đường xã nghĩa của đảng cộng sản, người ta có thể nhìn thấy con người đối xử với nhau bằng đạo đức giả, trao đổi với nhau bằng tiền giả, chữa trị cho nhau bằng thuốc giả… Những điều, những thứ giả dối ấy rồi cũng có ngày được phơi bày trước ánh sáng của sự thật và công lý. Nhưng trớ trêu thay, trong thiên đường của sự dối trá được đảng cộng sản định hướng xã hội chủ nghĩa thì ánh sáng của sự thật cũng bị che phủ bởi cái bằng giả của những kẻ cầm cán cân công lý.
Với một người có chức vụ thẩm phán nhưng lại sử dụng bằng giả thì quả thật là điều tồi tệ cho ngành toà án nói riêng và nền tư pháp Việt Nam nói chung. Đó cũng chính là điều khủng khiếp cho những người không may được phán xử bởi những kẻ sử dụng bằng giả như Nguyễn Thị Nga-Thẩm phán sơ cấp TAND Tp Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Nguyễn Thị Nga (SN 19/7/1976 tại Thái Nguyên), tốt nghiệp năm 1998 chuyên ngành Tư pháp, hạng Trung bình, số hiệu bằng B36704. Thẩm phán TAND thành phố Thái Nguyên bị tố cáo là sử dụng bằng tốt nghiệp cấp ba giả. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên khẳng định: “Kỳ thi tốt nghiệp PTTH diễn ra ngày 3/6/1994, thí sinh Nguyễn Thị Nga (học sinh Trường PTTH Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái cũ) đạt 6 điểm môn Văn, 2 điểm môn Hoá học, 4 điểm môn Toán học và 5,5 điểm môn Nga văn. Tổng điểm thi của thí sinh Nguyễn Thị Nga là 17,5 điểm. “Với kết quả thi như vậy, thí sinh Nga không thể được cấp Bằng tốt nghiệp PTTH”.
“Việt Nam có cả rừng luật nhưng những kẻ cầm quyền chỉ xài luật rừng”. Một nhận định vừa mang tính châm biếm, vừa nói lên thực trạng của nền tư pháp dưới sự cai trị của đảng cộng sản. Không biết bao nhiêu công dân trở thành nạn nhân của những vụ án oan do những kẻ đại diện pháp luật gây ra. Cuộc sống của những tù nhân oan sai là sự chia cách tình thân, gia đình tan nát, làng xóm nguyền rủa, xã hội khinh bỉ cùng với những điều tồi tệ nơi chốn lao tù. Đó là tất cả những gì họ nhận được sau lời tuyên án được thẩm phán xướng lên trước khi kết thúc phiên toà.
Nguyễn Thanh Trấn, Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Minh Hùng, Hàn Đức Long, Trần Văn Chiến, Bùi Minh Hải… là những cái tên trong vô số những vụ án oan gây trấn động dư luận Việt Nam. Dù rằng họ đã may mắn được minh oan sau hàng năm trời chịu cảnh tù tội với những tội danh khủng khiếp: giết người, cướp của, hiếp dâm. Nhưng với những gì họ phải chịu đựng trong suốt quá trình tù tội oan thì không gì có thể bù đắp nổi.
Những kẻ nhân danh pháp luật với chức vụ thẩm phán đã vội vàng kết án khi tình tiết vụ việc còn uẩn khúc. Nhiều vụ án cho thấy có sự thông đồng giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát nhằm sớm kết thúc vụ án. Bên cạnh đó khả năng, trình độ cũng như tư cách đạo đức của thẩm phán cũng là một vấn nạn trong nền tư pháp tại Việt Nam.
Vụ việc Thẩm phán TAND thành phố Thái Nguyên sử dụng bằng cấp ba giả chỉ là một trong vô số điều bất cập của nền tư pháp. Ngành toà án đã để lại quá nhiều vết nhơ khi những kẻ cầm cán cân công lý nhưng lại bất chấp sự thật, sử dụng bằng giả để thực thi pháp luật. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ án oan. Chắc chắn nhân dân Việt Nam sẽ còn phải chứng kiến những vụ án oan khi nền tư pháp vốn dĩ chỉ là công cụ của một chế độ được hình thành từ sự dối trá. Để rồi những cái tên tử từ oan như Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng vẫn đang để lại dấu chấm hỏi lớn cho nền công lý bị điều khiển dưới ách của đảng cộng sản.
12/9/2017
Hải Âu
(Dân Làm Báo)