Việt Nam – Tính tự trọng đang bị mai một!

Cac Bai Khac

No sub-categories

Việt  Nam – Tính tự trọng đang bị mai một!

Cái loại Tòa án nằm trong túi quần lót đàn bà làm gì có chút danh dự để biết tự trọng. HNĐB

Thiện Tùng

Năm 1950, khi còn ngồi ghế nhà trường, môn Công Dân Giáo dục, thầy Thuận giảng dạy chúng tôi: Tự trọng không phải tự tôn mình mà trước tiên phải biết tôn trọng người khác. Nếu khinh người sẽ bị người  khinh, và ngược lại – gieo nhân nào gặt quả ấy…
Tự trọng phải được xem là nếp sống văn hóa. Tính tự trọng ngày bị mai một, nhất là trong giới chức lãnh đạo. Dường như tự cao, tự đại, tự kiêu, tự mãn là căn bịnh mãn tính theo tỷ lệ thuận cấp chức cao thấp trong Đảng và Chính quyền. Và, không phải dường như mà đích thực, quan chức Đảng và Nhà nước thích khen, dị ứng chê. Vì thiếu tính tự trọng nên ngày một khan hiếm sự tôn trọng lẫn nhau.
Ông Bí thư và Chủ tịch tỉnh tôi, khi còn đương nhiệm hai ông “kênh kiệu” hết chỗ nói, xem những người dưới quyền là thuộc hạ, dân chúng là thảo dân, khạt ra lửa, ai cũng “nễ sợ” trước uy vũ của hai ông. Khi hai ông về hưu, người ta xem thường, xa lánh, bỏ “ruồi bu kiến đậu”. Một hôm dự giỗ, bàn hai ông ngồi không ai chịu vào, bàn chúng tôi ngồi người ta cứ xen ghế vào đông nghẹt. Chủ đám rỉ nhỏ vào tai tôi: “Phiền anh chịu khó qua bàn 2 ông ấy cho ấm cúng một chút…”. Vị lòng chủ đám, tôi sang xởi lởi với hai ông vài câu, ăn “miếng mồi”, cầm ly rượu “cưa” ba với hai ông ấy rồi cáo lui vì sức khỏe.
*
Mở video vụ cưỡng chế nhà đất ở huyện Thạnh Hóa (Long An), em Nguyễn Mai Trung Tuấn (Tuấn) 15 tuổi trả lời phỏng vấn nhiều câu hỏi, có các câu đáng chú ý:
–   Cháu có biết rõ số người bị cưỡng chế và số người tham gia cưỡng chế là bao nhiêu người không?
–  Thưa các cô các chú, hai bên hổn loạn cháu không biết chắc, số người bị cưỡng chế khoảng hơn 10 người, số người đến tham gia cưỡng chế khoảng hơn 500, có cả cảnh sát cơ động.
–   Có phải cháu tạt axit vào Công an không?
–  Thưa phải, bữa đó nó đè đánh mẹ cháu. Nóng lòng quá, cháu chộp cái ca có nước trong đó tạt vào người nó, nó bỏ chạy, sau nầy mới biết đó là ca axit. Cha cháu sửa xe Honda, đổ axit ra ca để chế vào bình…”.
–   Cùng cha mẹ tự vệ giữ nhà giữ đất là chính đáng, có tội gì mà cháu phải chạy trốn?
–  Thưa, cha mẹ cháu bị bắt, ông ngoại bị đánh ngất xỉu phải đi nằm bịnh viện, nhà bị đập phá giải tỏa, em gái cháu còn nhỏ dại, không còn nhà ở, không nơi nương tựa, cháu chạy để khỏi bị bắt, với ý định tìm việc gì đó làm lấy tiền nuôi em.
Em Nguyễn Mai Trung Tuấn. Nguồn: internet
Dầu đang trong thảm cảnh, Tuấn trả lời vẫn thưa gởi tử tế với những người phỏng vấn, nhưng gọi Công an bằng , chứng tỏ Tuấn chỉ lịch sự bới những người biết lịch sự?
 
Cháu Nguyễn Mai Trung Tuấn trong phiên xử ngày 24/11/2015.   Nguồn ảnh: báo Thanh Niên.
Thử hỏi, ai không chạnh lòng thương khi nhìn cháu Tuấn mới 15 tuổi mà phải đứng trước vành móng ngựa. Có lẽ cháu đang nghĩ về gia cảnh của mình: nhà đất bị giải tỏa trắng; cha mẹ bị đánh dập bầm, mỗi người bị kết án 3 năm 6 tháng tù giam về tội “Chống người thi hành công vụ”; ông ngoại bị đánh dập phổi phải vào nhà thương và bị án treo; đứa em gái không còn nhà ở, không nơi nương tựa; bản thân mình giờ đây bị kết án 4 năm 6 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”, phải bồi thường 42 triệu 600 ngàn đồng cho viên công an bị mình tạt axit phỏng da! Phải ngồi tù, làm sao có số tiền lớn nầy để nộp phat?!
Bên phá nhà, lấy đất, đánh nhiều người bầm dập mà không bắt bồi thường, tạt axit phỏng da một chút bắt bồi thường hơn 40 triệu?! Xử một chiều như thế còn đâu là công lý, còn gọi Tòa án Nhân dân được nữa sao?!
*
  
Vương Bình Thạnh, Chủ tịch “kênh kiệu”. Ảnh: báo NĐT
Ta đường đường là Chủ tịch tỉnh An Giang, dáng vóc đầy đặn, mặt mày sáng lán thế nầy mà gã Huỳnh Nguyễn Huy Phúc với vợ Phạm thị Kim Nga và cô giáo Lê thị Thùy Trang dám nói ta luôn “kênh kiệu”?! Ta sẽ ra lịnh cho các cơ quan hữu quan vào cuộc cho mấy người biết tay!
Theo thông tin chưa được kiểm chứng, có 16 cơ quan có liên quan vào cuộc xử lý 3 cán bộ nầy. Ngoài các hình thức kỷ luật khác nhau cho mỗi người, còn phạt mỗi người 5 triệu đồng về cái tội “vu cáo kênh kiệu”.
“Kênh kiệu” là một nhận xét nhẹ nhàng, việc quá bình thường và nhỏ nhặt. Thế mà ông Vương nhà ta cho thuộc hạ xử quá nặng đối với “can phạm”. Vì buộc tội và xử phạt vô duyên, vô lý, từ tia lửa sinh ra đám cháy lớn.
Cũng may, ở An Giang còn người tử tế, biết điều, đứng ra “dập lửa”. Chiều ngày 24/11/2015 – cùng ngày tòa án Long An xử tội Tuấn, Thường vụ Tỉnh ủy An Giang họp khẩn cấp, giải quyết dứt điểm vụ án “kênh kiệu” nầy. Theo tin vừa nhận được, bà Võ thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang cho biết: “Đã yêu cầu các Sở, Ngành, Đơn vị liên quan xem xét giải quyết lại các quyết định kỷ luật đảm bảo đúng luật đối với 3 cán bộ nầy (3 người nói Chủ tịch Vương “kênh kiệu”), phải làm dứt điểm trong ngày 25/11/2015. Và sau đó phải cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí trong ngày 26/11/2015…”.
Lịnh của Bí thư Tỉnh ủy không thể không thi hành, các cơ quan có liên quan thu hồi các quyết định mà họ vừa ban ra đối với 3 “can phạm”, chỉ xử lý nhẹ nhàng như phê bình, nhắc nhở theo gợi ý của Thường vụ Tỉnh ủy. Chỉ có ông Trần Thanh Tâm, phó Giám đốc Sở (Tài chính?) hơi ngoan cố, ông nói:  Xử lý như thế là “đúng luật, đúng quy trình” nên không thu hồi quyết định xử phạt mà chỉ chiếu cố hoàn cảnh của bà Trang, có thể bà không phải nộp phạt tiền”. Bà Trang nổi giận nói: “Không xin xỏ ai hết, tôi có thể khiếu nại hoặc khởi kiện”.
*
 
Từ trái sang phải: Bé Thảo Ly – em gái Tuấn, 14 tuổi; Bà Mai Thị Kim Hương – mẹ của Tuấn bị kết án 3 năm 6 tháng tù giam; Ông Nguyễn Trung Can – bố của Tuấn bị kết án 3 năm 6 tháng tù giam; Nguyễn Mai Trung Tuấn bị đem ra xét xử vào sáng ngày 24.11.2015 với án 4 năm 6 tháng tù giam  Nguồn ảnh: TMCNN.
Với 15 tuổi đời, mong được tại ngoại làm mướn nuôi em mà cũng không thành! Không còn sự bất hạnh nào hơn đối với gia đình ông Can nói chung, cháu Tuấn nói riêng?!. “Lá lành đùm lá rách”, “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”- đây là trường hợp cần được áp dụng. Nên chăng có người hoặc tổ chức đứng ra thu nhận “hảo tâm”. 
Từ những thực tế phủ phàng, gây thắc mắc trong công luận:
– Thời Pháp thuộc, vụ án “Đồng Nọc Nạn”, gia đình ông Chín Chức tự vệ giữ lúa, giết chết một số người, trong đó một quan Tây. Khi nghị án, Tòa án Pháp ở Cần Thơ xem đây hành động dùng bạo lực ăn cướp của dân nên xử trắng án cho gia đình ông Chức. Giờ đây, chính quyền của ta luôn miệng nói “của dân, do dân, vì dân” mà cho người đi cưỡng chế cướp đất sai trái như vụ Đoàn văn Vươn trước đây hay vụ Thạnh Hóa mới đây chẳng hạn, những kẻ ỷ thế cậy quyền đi đánh người, cướp đất không bị trừng trị, Tòa án Nhân dân nhân danh “công lý” lại đứng về phía kẻ cướp, “xử lý” đối với những người chỉ hành động tự vệ giữ nhà, giữ đất, giữ mạng sống, không gây chết người, với những mức án quá nặng, nếu không nói là tàn nhẫn, vậy nghĩa là sao?!
– Chẳng lẽ quan chức của Đảng được quyền đè đầu cỡi cổ dân, họ có làm sai cũng không ai được đụng đến, dầu chỉ là một nhận xét nhẹ nhàng “kênh kiệu” như trường hợp ông Chủ tịch An Giang Vương Bình Thạnh?!
– Tại sao “Đảng ta” để cho Công an, rồi Công an để cho bọn Côn đồ và đám Dư luận viên yêu quái gì đó luôn gây khó dân, đánh dân, giết dân… xảy ra như cơm bữa. Cái quyền tự vệ chính đáng của người dân cũng bị tước đi ?!
v.v. và v.v.
Ở Việt Nam ta ngày nay, sự lộng quyền, lộng hành… không còn là cá biệt, nó diễn ra ở khắp mỗi cấp, mỗi ngành, thậm chí ở mỗi quan. Lộng quyền, lộng hành tỷ lệ thuận với cấp chức. Người dân đang quá khát khao mong trong giới lãnh xuất hiện những người ít nhiều có nghĩa khí như bà Ánh Xuân, Bí thư An Giang để giảm khổ cho dân trong thời hổn quân hổn quan nầy.
Hành động tự vệ là bản năng sinh tồn của muôn loài động vật nói chung. Khi đến bước đường cùng, loài động vật hạ đẳng còn biết tự vệ hà huống là con người? Pháp Luật không cấm hành động tự vệ – không cấm có nghĩa là cho phép. Người dân họ sẽ hành động tự vệ nếu dồn họ vào bước đường cùng.
Tính tự trọng có vai trò đáng kể trong việc xác lập nhân cách con người. Con người để mất nhân cách là con người không xứng đáng… Giá trị con người phụ thuộc vào tính tự trọng, giống như giá trị dân tộc phụ thuộc vào lịch sử?
27/11/2015
T.T.
Tác giả gửi BVN