CSVN tiến tới báo chí tư nhân trong giới hạn?

Cac Bai Khac

No sub-categories

CSVN tiến tới báo chí tư nhân trong giới hạn?

Nam Nguyên, phóng viên RFA, 2014-10-25

000_Hkg7508717-305.jpg

Báo chí tư nhân và tự do báo chí là những vấn đề gây dị ứng với Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Tuy rằng Hiến pháp 2013 và các Hiến pháp trước đó đều xác định người dân có quyền tự do báo chí. Trước xu thế hội nhập thế giới, CSVN có thể nới lỏng ở chừng mực nào đó đối với vấn đề cho phép tư nhân hoạt động báo chí hay không?

Một hướng đi mới?

Ít người tin là CSVN sẽ có thể sớm có báo chí tư nhân, chưa nói đến tự do báo chí. Nhưng báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về báo chí của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho thấy đang hé mở một hướng đi mới.

Thời báo Kinh tế Việt Nam bản tin trên mạng ngày 10/10/2014 trích nội dung báo cáo theo đó, Điều 25 Hiến pháp 2013 qui định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”. Tuy vậy, cho đến nay báo chí tự nhân không được thừa nhận ở Việt Nam và một Chỉ thị của Thủ tướng ban hành vào năm 2006 khẳng định: “Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức.”

Tôi nghĩ sẽ phải thay đổi bởi vì xu hướng thế giới không thể chấp nhận mập mờ về chuyện tự do báo chí được. – Nhà báo Thanh Thảo

Sự tréo cẳng ngỗng này giữa qui định của Hiến pháp và thực tế đời sống pháp luật ở Việt Nam được Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Hà Nội giải thích:

“Bây giờ Việt Nam có một qui trình không bình thường, Hiến pháp thì bị luật treo, luật thì bị nghị định thông tư treo, cứ treo, kéo dài. Vấn đề đặt ra ở đây, những Luật gọi là nhân quyền ở Chương II của Hiến pháp phải triển khai mà bây giờ triển khai rất chậm, kể cả Luật Biểu tình cũng nói đi nói lại mãi cũng không có; Luật Lập hội cũng treo ở đó, rồi quyền được cung cấp thông tin rồi tự do báo chí… Tất cả những thứ đó nếu được triển khai trong một thể chế như thế này mà người dân có được những quyền đó thì dĩ nhiên cũng có được những phương tiện rất tốt để góp phần bóc tách những người tham nhũng, tham ô, thiếu năng lực ra khỏi bộ máy công quyền…”

CSVN hiện có 900 cơ quan truyền thông, báo chí với 40.000 nhân viên và 30% các nhà báo ở Việt Nam là đảng viên. Về nguyên tắc tất cả báo, đài đều thuộc quyền quản lý nhà nước. Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: “Hiện nay mới có 277 trong số 838 cơ quan báo in tự cân đối thu chi tài chính. Còn lại đại bộ phận cơ quan báo chí được Nhà nước bao cấp toàn bộ hoặc một phần về nhân sự, trụ sở, trang thiết bị, in ấn và được phát hành tới các đơn vị hành chính, các tổ chức chính trị, xã hội cũng bằng ngân sách nhà nước.”

baochi-305.jpg
Một sạp báo ở Sài Gòn

Đối với vấn đề mở rộng làng báo nhà nước để có thêm thành phần tư nhân, Nhà báo Thanh Thảo báo Thanh Niên từ miền Trung Việt Nam phát biểu:

“Tôi nghĩ sẽ phải thay đổi bởi vì xu hướng thế giới không thể chấp nhận mập mờ về chuyện tự do báo chí được. Việt Nam muốn hội nhập sâu hơn với thế giới thì bắt buộc cũng phải thế thôi, có điều nó thay đổi chậm hay nhanh. Trong thực tế lại là một chuyện khác, họ vẫn để hình thức tư nhân núp bóng mù mờ, những ai trong cuộc mới hiểu chứ bên ngoài chẳng ai để ý cứ tưởng báo nhà nước nhưng không phải. Nhất là báo trên mạng thì nhà nước ít thôi còn là tư nhân núp bóng, nhà nước cũng biết thừa nhưng vẫn để cho hoạt động bình thường. Thế thì tại sao lại không có qui chế để cho chính danh, nếu họ làm sai thì phạt xử nó chuẩn hơn, có luật đàng hoàng chứ không phải ra ngoài.”

Tạp chí của tổ chức tư nhân?

Bên cạnh tình trạng núp bóng để hoạt động báo chí như nhà báo Thanh Thảo vừa nêu, ở Việt Nam đang có một thực tế là đã có một dạng báo chí in ấn và trang mạng điện tử không mang tính núp bóng nhưng lại sai về hình thức chủ quản và cũng có những tạp chí được xem là của tổ chức tư nhân.

Trong thực tế lại là một chuyện khác, họ vẫn để hình thức tư nhân núp bóng mù mờ, những ai trong cuộc mới hiểu chứ bên ngoài chẳng ai để ý cứ tưởng báo nhà nước nhưng không phải.
– Nhà báo Thanh Thảo

Báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết, do sự thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước một số cơ quan cấp tổng cục đã chuyển thành tập đoàn kinh tế hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, nhưng những đơn vị này vẫn tiếp tục xuất bản những ấn phẩm báo chí chuyên ngành của các tổng cục nhà nước trước đây. Thí du như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam.

Thời báo Kinh tế Việt Nam trích nội dung báo cáo giám sát còn ghi nhận một thực tế là đã có khoảng 10 trường đại học dân lập đã xuất bản tạp chí. Việt Nam hiện có hơn 80 trường đại học tư thục, trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài và hàng chục viện, trung tâm nghiên cứu do tư nhân thành lập. Các tổ chức như thế có nhu cầu xuất bản tạp chí để thông tin, công bố và trao đổi về kết quả nghiên cứu.

Trong tương lai Luật Báo chí sẽ phải sửa đổi để thực thi Hiến pháp 2013, Ủy ban Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khuyến nghị mở rộng đối tượng được thành lập cơ quan báo chí, bên ngoài các đối tượng theo qui định của luật hiện hành. Vẫn theo thông tin này, quan điểm của Ủy ban là khá thoáng, theo đó ngay cả những tổ chức xã hội nghề nghiệp của Việt Nam hoạt động hợp pháp tại Việt Nam cũng được thành lập cơ quan báo chí hoạt động rộng rãi trong mọi lĩnh vực thông tin, kể cả thông tin chính trị-xã hội.

Theo một số nhà phân tích, có báo chí tư nhân chưa chắc sẽ có tự do báo chí, đặc biệt dưới các chính thể độc tài. Nhưng báo chí tư nhân lại là điều kiện cần để thực hiện tự do báo chí và trong trường hợp Việt Nam cởi một gút thắt nhỏ mở rộng số đối tượng được phép ra báo cũng sẽ là một tín hiệu vui.