Việt Nam sôi sục trước sự thay đổi lãnh đạo cộng sản
Photo: Hoang Dinh Nam/ AFP
Tác giả: Cat Barton
Dịch giả: Trần Văn Minh
19-1-2016
Từ những thư tố cáo kiểu Xô Viết tới những tin đồn phóng đại về một cuộc đảo chính, Hà Nội xôn xao với những lời đồn đoán chính trị trước sự thay đổi lãnh đạo quan trọng trong tuần này, đã cuốn tầng lớp cầm quyền cộng sản vào tình trạng hỗn loạn.
Chính trị ở nước Việt Nam độc tài hiếm khi thu hút sự chú ý của công chúng. Những người cộng sản đã điều hành đất nước thống nhất bằng một nhà nước độc đảng kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975 cách đây hàng thập niên.
Nhưng trong thời đại internet, đấu đá phe phái nội bộ đã biến Đại hội Đảng Cộng sản thường mang vẻ nghiêm trang, khai mạc vào thứ Năm tại Hà Nội, thành một sân khấu chính trị.
Rò rỉ và phản rò rỉ các bản ghi nhớ nội bộ, thư tố cáo và câu trả lời chi tiết được lưu hành trên mạng. Truyền thông nhà nước đã kêu gọi dân chúng không nên đọc những thứ “độc hại” đó, nhưng nhiều người tự quyết định cho riêng mình.
“Tôi không tin tưởng hệ thống. Tất cả chỉ là quan liêu, tham nhũng, tranh giành quyền lực”, Nguyễn Minh, 45 tuổi, đảng viên và nhân viên cao cấp nhà nước, nói với AFP.
Minh, người mà AFP không xác định đầy đủ danh tánh, cho biết, cô đã trở nên giàu có nhờ vào chức vụ của mình nhưng bây giờ cô cảm thấy bị mắc kẹt. Cô nói rằng cô mệt mỏi với cuộc tranh luận kéo dài bất tận về đại hội tại nơi làm việc.
Cô thừa nhận cô đã gửi con gái ra nước ngoài du học – và sẽ chấp nhận cho con cô chọn không trở về [Việt Nam].
“Chủ nghĩa tư bản tốt hơn so với chủ nghĩa xã hội… Ở đây chúng tôi đang sống trong một cái lồng, thật khó để hít không khí trong lành”, cô nói.
Tại cuộc họp kéo dài một tuần bắt đầu từ thứ Năm, ba chức vụ hàng đầu của đất nước – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ – sẽ được trám chỗ, với tất cả những người đương nhiệm, trên nguyên tắc, sẽ phải nghỉ hưu.
Thông thường, một thỏa thuận được đồng ý từ nhiều tháng trước. Các nhà phân tích cho rằng sự trì hoãn [đại hội] trong năm nay chứng tỏ cuộc tranh giành giữa các chính trị gia của giới bảo thủ truyền thống của đảng và giới hiện đại hơn, thể hiện qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
‘Có trời mới biết’
Ông Dũng, một nhà cải cách thân Tây phương, người chủ tọa việc Việt Nam gia nhập WTO và Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu, và đã từng lên tiếng về sự tranh chấp trên biển của Việt Nam với Trung Quốc, được các nhà phân tích tiết lộ sẽ lên nắm chức lãnh đạo đảng đầy quyền lực.
Nhân vật đương nhiệm, ông Nguyễn Phú Trọng, được coi là một nhà quản lý cộng sản bảo thủ hơn và gần gũi hơn với Bắc Kinh, đã vận động để ở lại và cài đặt đồng minh vào các vị trí hàng đầu.
Là một người sống sót chính trị, ông Dũng đã vượt qua các cáo buộc tham nhũng, những cố gắng để loại trừ ông, và sự thất bại của hệ thống doanh nghiệp nhà nước mà ông chủ xướng sau khi trở thành thủ tướng vào năm 2006.
Với một mạng lưới các đồng minh hùng mạnh, ông có thể sẽ trở thành Tổng Bí thư đảng, ông Jonathan London, một chuyên gia về Việt Nam tại Đại học Thành thị Hồng Kông, nói.
“Chắc chắn sự ứng cử của ông Dũng như đi trên dây nhưng có trời mới biết. Ông ta có thể khởi động một sự trở lại … không giống như Trung Quốc, đại hội đảng ở Việt Nam không hoàn toàn theo kịch bản”, ông nói.
Chẳng bên nào sẽ thay đổi hoàn toàn đường hướng về các vấn đề quan trọng như tranh chấp với Bắc Kinh trên Biển Đông khi Việt Nam là một đất nước rộng lớn được cai trị “bằng ủy ban,” ông London cho biết.
Nhưng một nhà ngoại giao tại Hà Nội đã cảnh báo rằng, chiến thắng của phe ông Trọng có thể làm hại các cải cách kinh tế rất cần thiết bằng cách đẩy các chính trị gia có khả năng và ít giáo điều qua bên lề.
Với dân số trẻ trung khoảng 90 triệu người đang cần việc làm – và một nền kinh tế đang phát triển 7% một năm – điều này có thể là sự khác biệt giữa thu hoạch trên các tiềm năng to lớn hoặc “gây rối” thêm 5 năm nữa, họ nói.
‘Thật là một trò cười’
Trong khi đảng bận rộn tranh cãi về sự thay đổi lãnh đạo, nhà bất đồng chính kiến Lê Công Định cho biết, đối với giới trẻ của đất nước, họ cũng có thể đang lo sắp xếp ghế trên tàu Titanic.
“Chỉ có trí giới thức quan tâm đến những vấn đề này. Đa số thì không”, ông Định, một luật sư hiện đang bị quản thúc tại gia, cho biết.
Hầu hết những người trẻ tuổi “muốn sự thay đổi chính trị tích cực hơn để họ có thể có cuộc sống tốt hơn”, ông Nguyễn Trọng Vĩnh, một đảng viên lâu năm và tướng quân đội, cho biết.
Hiện nay đảng sẽ rất đoàn kết trong nỗ lực “để gìn giữ ‘ngôi nhà’ Cộng sản bất kể các cuộc đấu tranh phe phái”, ông nói thêm.
Nhiều người đã chán ngấy sự tham nhũng tràn lan, quản lý kinh tế sai lầm, và đàn áp tàn bạo các nhà phê bình chế độ, đại hội đảng là một sự lãng phí thời giờ và tiền bạc.
“Đó là một trò cười. Bất cứ ai trở thành lãnh đạo đảng, thủ tướng, chủ tịch – Sẽ không có gì thay đổi cho đất nước, họ đều giống nhau”, cựu chiến binh Trần Tự Lực, người theo dõi chặt chẽ các diễn biến, cho biết.
72 tuổi đời, 40 tuổi đảng, nhưng ông cho biết đã mất niềm tin vào hệ thống cộng sản mà ông cảm thấy đang “tàn phá” đất nước của mình.
“Tôi rất thất vọng”, ông nói, và nói thêm rằng ông đã ngưng, không tới dự các buổi họp đảng trong khu phố vì ông đã chán ngấy các “sáo ngữ và lý luận nhảm nhí”.