Việt Nam sẽ xoay trục sang Mỹ?
Bài trích đăng chỉ nhằm mục đích thông tin. Nội dung bài viết không nhứt thiết phản ảnh quan điểm của Website. BBT
Trong cuộc phô trương sức mạnh mềm của Mỹ, dân chúng xếp hàng trên đường phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để chào đón ông Obama hồi tháng trước. Nguồn: European Pressphoto Agency
David Koh | Trà Mi dịch June 7, 2016
Không có khả năng Trung Quốc tấn công vào Việt Nam trên đất liền và cũng không ai đoán như vậy, nhưng những xung đột hay đụng độ ở Biển Đông không thể bị loại bỏ hoàn toàn.
Chuyến viếng thăm thành công của Obama tăng khả năng Việt Nam xoay trục sang Mỹ; mất thêm đảo của Việt Nam ở Biển Đông có thể dẫn đến một liên minh như vậy.
Đến nay âm vang trong chuyến viếng thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến Việt Nam vào tháng trước đã lắng xuống, và đến lúc người ta xem chuyến đi của ông đã góp những gì cho tình hình chiến lược trong khu vực.
Đầu tiên, chuyến viếng thăm của ông Obama là một tín hiệu rõ ràng cho thấy cả hai bên muốn là bạn thân với nhau hơn, sự thân mật đó có thể gây lo lắng cho Trung Quốc. Obama tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận vận vũ khí đối với Việt Nam không nhắm vào Trung Quốc nhưng là để Việt Nam tự vệ. Để chống ai? Người ta có thể hỏi, và câu trả lời vang dội trong óc của tất cả mọi người. Khán giả nhiệt liệt hoan nghênh ông khi Obama nói trong một bài đọc ở Mỹ Đình “không một quốc gia nào có thể áp đặt ý của họ hoặc quyết định số phận của các bạn.” Dĩ nhiên, ngay sau đó là lời quả quyết của Obama là Mỹ không muốn áp đặt hình thức của chính phủ ở Washington với Việt Nam.
Cuộc ve vãn Việt Nam của Mỹ đi vào lĩnh vực kinh tế-xã hội. Có nhiều thoả thuận kinh doanh và viện trợ trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng sạch, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và giáo dục. Thỏa thuận mậu dịch lớn nhất là VietJet Air đã ký kết mua 100 máy bay của Boeing. Đoàn Chí nguyện Mỹ sẽ đến dạy tiếng Anh, và đại học của Mỹ sẽ mở thêm chi nhánh và cơ sở tại Việt Nam.
Nhưng không có thỏa thuận nào lớn hơn so với các cam kết của Mỹ để giữ Việt Nam trong quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong khi TPP có thể được xem như là một lực đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc, động lực của Việt Nam là sử dụng khung cửa lớn hơn đến với thị trường Hoa Kỳ giới đầu tư để đẩy mạnh nền kinh tế của mình. Có sự đồng thuận rộng rãi tại Việt Nam là sự thành công về kinh tế sẽ tạo ra khả năng lớn hơn trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia ở Biển Đông, nơi đang diễn ra một loạt các tuyên bố chủ quyền chồng tréo với các nước láng giềng, đặc biệt là với Trung Quốc. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, và các công ty Mỹ sẽ được khuyến khích đầu tư nhiều hơn nữa vì sự thành công của chuyến viếng thăm vừa qua.
Ông Obama là tổng thống thứ ba của Mỹ liên tiếp đến thăm Việt Nam sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nó có nghĩa là chính sách đối ngoại của Mỹ coi Việt Nam như một điểm đến ưu tiên và Tổng thống Mỹ nên có Việt Nam trong lịch trình công tác ở nước ngoài. Tuy nhiên, cả ba tổng thống Mỹ đều đến thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ thứ hai của họ, điều đó cũng ngụ ý Việt Nam không phải là ưu tiên cao nhất của Mỹ.
Chúng ta chưa thấy hoặc nghe nói trong chuyến viếng thăm của Tổng thống Mỹ vừa qua bất kỳ lời nói hoặc ngay cả một gợi ý nào về một cam kết sâu hơn hoặc lớn hơn của Mỹ vào việc bảo vệ Việt Nam. Mỹ đã nói họ sẽ không đứng ở bất kỳ bên nào trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, và chính sách đó vẫn không thay đổi.
Lệnh cấm vận vũ khí sát thương đã dỡ bỏ trên nguyên tắc nhưng việc bán vũ khí giết người sẽ vẫn phải hội đủ những yêu cầu về quyền con người, mặc dầu đã không được quy định trước. Và nhân quyền và giới hoạt động dân chủ ở Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn, điều này cũng sẽ không thay đổi trong giai đoạn ngắn hạn.
Mối quan hệ Mỹ-Việt Nam sẽ phát triển mạnh hơn, ngay cả sẽ có thể vượt ra ngoài lĩnh vực kinh tế-xã hội, phụ thuộc vào hành động của Trung Quốc, Chiến lược của Trung Quốc đối tới Việt Nam tiếp tục theo hai hướng – cứng rắn trên Biển Đông, và thuyết phục chiến lược để phòng ngừa Việt Nam xoay trục [sang Mỹ].
Việt Nam vẫn là một thách thức lớn đối với mục tiêu chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông, vì số lượng lớn quần đảo Việt Nam đang giữ, cũng như việc Việt Nam có thể hợp tác mạnh hơn với Mỹ, Nhật Bản và Philippines trong lĩnh vực bảo vệ hàng hải.
Về mặt chiến lược, Trung Quốc ve vãn Việt Nam bằng cách nhấn mạnh về sự giống nhau ở mặt chính trị và lịch sử tình đồng chí của họ, đặc biệt nêu lên sự sống còn của chế độ cộng sản ở hai nước phần lớn phụ thuộc vào việc tiếp tục mối quan hệ tốt của hai nước để đoàn kết chống lại những nỗ lực của khối tư bản nhằm lật đổ những chế độ cộng sản.
Tiềm ẩn trong tất cả mồi chài của TQ là một thực tế phũ phàng là nước hàng xóm lớn này bây giờ đã quá mạnh về quân sự và có thể trở mặt và hung hãn thêm một lần nữa – như đã xẩy ra qua cuộc chiến tranh ngắn ở vùng biên giới Việt-Trung năm 1979. Chiến tranh với Trung Quốc trên đất liền là sự chọn lựa cuối cùng của Việt Nam.
Sức mạnh mềm của Trung Quốc đối với Việt Nam chưa đi đên đâu cả nếu so với Mỹ. Mậu dịch giữa Việt Nam và Mỹ tăng 150% trong mười năm qua, trong khi Việt Nam tiếp tục bị thâm hụt thương mại khổng lồ đối với Trung Quốc. Mỹ là điểm đến về mặt giáo dục và di cư hàng đầu của người Việt Nam, trong khi có ít người muốn qua TQ sinh sống hoặc du học. Trong một cuộc biểu dương sức mạnh mềm của Mỹ, hàng ngàn người dân Việt Nam đã xếp hàng dài trên đường phố ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để đón chào Tổng thống Mỹ. Những chuyến viếng thăm của Chủ tịch Trung Quốc không bao giờ nhận được sự chào đón tự phát như vậy.
Để kết luận, chuyến viếng thăm của Obama tập trung vào trọng tâm là Việt Nam có thể xoay trục về phía Mỹ. Lợi ích kinh tế mạnh và sâu có thể khiến hai nước có những cam kết quốc phòng bảo vệ lẫn nhau.
Trong thực tế, một trục liên minh như vậy chỉ có lợi cho Việt Nam nếu họ thay đổi giả định chiến lược một cách đáng kể và cơ bản. Những giả định có thể gồm một sự thay đổi lớn trong mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam, và Việt Nam tiếp tục bị mất đảo ở Biển Đông. Không có khả năng Trung Quốc tấn công vào Việt Nam trên đất liền và cũng không ai đoán như vậy, nhưng những xung đột hay đụng độ ở Biển Đông không thể bị loại bỏ hoàn toàn.
Đến nay, chỉ khi Việt Nam tiếp tục mất biển đảo thì một liên minh Việt-Mỹ sẽ thành hình. Nếu hành động để đẩy Việt Nam đến gần hơn với Mỹ, Trung Quốc đuơng nhiên tạo ra một liên minh quân sự Mỹ ngay trước cổng, ngoài các đồng minh Mỹ đã có là Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Đến lúc đó, cuộc bao vây chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc ở Đông Á coi như đã hoàn tất.
Trong lúc này, nó vẫn là ván cờ mở cho cả Mỹ và Việt Nam về khả năng của một cuộc xoay trục.
Tác giả là người sáng lập và là giám đốc của công ty tư vấn David Koh & Associates và là một nhà phân tích lâu năm về Việt Nam và Đông Nam Á.