Việt Nam sẽ vĩnh viễn mất Hoàng Sa?
Posted by adminbasam on 17/01/2017
17-1-2017
Ảnh chụp các bài báo Chính Luận về trận Hải chiến Hoàng Sa. Nguồn: internet
Hải chiến Hoàng Sa, mới đó mà đã 43 năm, và đây cũng là khoảng thời gian chúng ta mất Hoàng Sa vào tay Trung Quốc.
Ông Vũ Đức Đam từng nói, nếu đời này chúng ta không đòi được Hoàng Sa và một phần Trường Sa thì đời con cháu chúng ta sẽ đòi. Nhưng, con cháu chúng ta có cơ hội để đòi lại hay không khi mà hiện nay chúng ta vẫn cứ im lặng, vẫn nhẫn nhục nhìn Trung Quốc dùng chiến dịch “tằm ăn dâu” trên biển Đông khi họ khẳng định chủ quyền với những vùng đảo đã chiếm bất hợp pháp và biến các vùng không tranh chấp thành tranh chấp.
Theo luật quốc tế, nếu quốc gia nào chiếm đóng 1 đảo mà không quốc gia nào lên tiếng thì sau 50 năm LHQ sẽ thừa nhận đảo đó thuộc sở hữu của quốc gia chiếm đóng.
Hoàng Sa mất vào tay Trung Cộng đã 43 năm, và theo phát ngôn của Wang Hanling (Vương Hàn Lĩnh), học giả Trung Quốc, quan điểm của Trung Quốc là:
“Không có gì để đàm phán cả… Chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc chưa bao giờ là đề tài tranh chấp và Việt Nam đã thừa nhận điều này trong quá khứ. Thảo luận về nỗ lực hợp tác bảo vệ tài nguyên, tìm kiếm cứu nạn và các việc khác là một chuyện, chủ quyền của Trung Quốc là một chuyện khác”.
Lập trường của Trung Quốc về Hoàng Sa không thể nào dứt khoát hay rõ ràng hơn: Hoàng Sa là của Trung Quốc. Họ còn ngang ngược đề nghị Việt Nam “gác tranh chấp, cùng khai thác” ở Trường Sa, ở khu vực biển đảo của Việt Nam.
Vậy chúng ta không lên tiếng đòi biển đảo, không kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế thì con cháu chúng ta có cơ hội để đòi lại không khi mà cột mốc 50 năm chỉ còn có 7 năm nữa?
Trung Quốc từ nghìn đời nay đã thèm muốn Việt Nam ta, cái họ cần chính là sự khuất phục của chúng ta để họ tự tung tự tác trên biển đông và mặc sức khai thác chúng.
Đáng lý nên có hành động cứng rắn với Trung Quốc thì chúng ta lại mềm mỏng một cách khác thường, đáng ra việc phải làm là đòi lại một phần lãnh thổ cho con cháu thì chúng ta lại thoái thác để sau này chúng tự đòi lại. Trong khi thứ đáng để lại nhất cho chúng là tài nguyên thì chúng ta khai thác đến cạn kiệt, con cháu chúng ta sẽ nhận được gì ngoài một đống bùi nhùi và sự đớn hèn mà cha ông chúng để lại đây.
Suy cho cùng, chúng ta chẳng phải là nạn nhân mà chúng ta chính là đồng phạm, sự im lặng của tất cả chúng ta chính là tội ác lớn nhất và, hậu quả là con cháu chúng ta sẽ thấy hổ thẹn hay thậm chí là nhục nhã khi nói về cha ông chúng sau này.