Việt Nam sắp có ‘bộ trưởng ngoại giao’ mới’?
3/11/2017
Đặc phái viên “cấp dưới”
Ông Hoàng Bình Quân – Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng CSVN Việt Nam – là một nhân vật chưa bao giờ có chút nổi bật trong con mắt của giới quan sát chính trị trong và ngoài nước, đã một lần nữa trở thành đặc phái viên chính thức của Tổng bí thư “chưa kiêm” Nguyễn Phú Trọng khi được ông Trọng cử đến Bắc Kinh để “chúc mừng thành công đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc” và “Việt Nam muốn tìm hiểu sâu hơn về tinh thần của Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc và tư tưởng Tập Cận Bình về vấn đề Chủ nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”. Tại đây, vào ngày 30/10/2017 ông Hoàng Bình Quân đã được người có cả hai chức vụ chủ tịch nước kiêm tổng bí thư là Tập Cận Bình tiếp.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tiếp ông Hoàng Bình Quân, đặc phái viên của TBT Nguyễn Phú Trọng. |
Trong lúc đó, ông Phạm Bình Minh – Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam – lại… ở nhà.
Vào đầu năm 2016, ông Hoàng Bình Quân cũng đã từng là đặc phái viên của Tổng bí thư Trọng đi gặp ông Tập Cận Bình. Khi đó, đã có một số dư luận thắc mắc là tại sao ông Trọng lại không cử ông Phạm Bình Minh đi Trung Quốc gặp Tập. Hay có phải ông Phạm Bình Minh không thích và không muốn đi?
Về “đẳng cấp” trong đảng, ông Phạm Bình Minh là ủy viên bộ chính trị, còn ông Hoàng Bình Quân chỉ là ủy viên trung ương đảng, tức một cách nào đó ông Quân là “cấp dưới” của ông Minh.
Nhưng vào tháng 9/2017 và trong quá trình “Việt Nam đang chuẩn bị tích cực cho chuyến đi của Tổng thống Trump đến Đà Nẵng dự Hội nghị thượng đỉnh APEC”, “cấp dưới” đã đi Washington, thay vì Phạm Bình Minh theo truyền thống bộ trưởng ngoại giao đi tiền trạm và theo tính chất quan trọng của chuyến đi này. Tại Mỹ, “cấp dưới” đã gặp “bạn bè cánh tả, đảng Cộng sản Mỹ” và một số trong chính giới Mỹ. Tuy nhiên, không có tin tức nào từ báo chí Mỹ hay từ Nhà Trắng về kết quả của chuyến đi của ông Hoàng Bình Quân tại Mỹ, cho dù ông Quân đã lặp lại một đề nghị mà các đời thủ tướng như Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc đã lặp đi lặp lại không biết chán với Hoa Kỳ về “đề nghị Mỹ linh hoạt để Việt Nam sớm được công nhận quy chế thị trường”.
Sau đó ít ngày, một thông báo của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết phía Mỹ đã nêu vấn đề cải thiện nhân quyền và yêu cầu thả một số tù nhân lương tâm, trong đó có blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – người được Bộ Ngoại giao Mỹ vinh tặng danh hiệu “Phụ nữ can đảm quốc tế” vào đầu năm 2017… với ông Hoàng Bình Quân. Nhưng có vẻ ông Quân đã hoàn toàn phớt lờ lời yêu cầu này. Ngược lại, đã chẳng có xác nhận nào từ phía Mỹ về việc Mỹ sẽ khơi mào cho Hiệp định thương mại tự do Việt – Mỹ hay tháo khoán hàng rào bảo hộ thương mại đối với hàng hóa Việt nhập khẩu vào Mỹ, hoặc mở van cho vay tín dụng…
“Bộ trưởng dân số”
Liệu có một mối dây liên hệ sau chuyến đi Mỹ vào tháng Chín của ông Hoàng Bình Quân, đến đầu tháng 10/2017 đã xảy ra một hiện tượng lạ tại Hội nghị trung ương 6 của đảng CSVN: Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh được phân công báo cáo chuyên đề về dân số trước Ban chấp hành trung ương, thay vì báo cáo tình hình ngoại giao như thường lệ?
Càng không thấy Hội nghị trung ương 6 đả động chút nào đến “thành quả” vừa mới xảy ra vào thời gian đó là Nhà nước Cộng hòa liên bang Đức đã chính thức tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược đối với Việt Nam, xuất phát từ cáo buộc có cơ sở của Đức về “mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào tháng Bảy năm 2017”.
Vụ ông Phạm Bình Minh phải đọc chuyên đề dân số đã khiến dư luận lập tức nhớ lại câu chuyện bi thiết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp ba chục năm về trước. Khi đó, ông Giáp từ cương vị phó thủ tướng đã bị phân công phụ trách Ủy ban dân số và kế hoạch hóa gia đình, để sau đó… biến mất trên chính trường.
Rất nhiều dư luận cũng đang đặt dấu hỏi liệu Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh có “biến mất” hay không trong thời gian tới?
Ngoài chuyên đề dân số chẳng ăn nhập gì với nghề nghiệp ngoại giao của ông Phạm Bình Minh, còn có một tác động đáng kể khác mà có thể ông Minh chưa chắc “trụ” được tại vị trí bộ trưởng trong thời gian tới. Đó là “nhất thể hóa các chức danh của đảng và nhà nước” – một chủ trương của Tổng bí thư Trọng đang được triển khai rầm rộ và rộng khắp trong hai bộ máy đảng và chính quyền ở Việt Nam.
Theo chủ trương trên, một số cơ quan đảng và chính phủ có thể hợp nhất, chẳng hạn Ban Tổ chức trung ương với Bộ Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra trung ương với Thanh tra chính phủ, Ban Dân vận trung ương với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc…
Tuy chưa có tin tức chính thức nào về vai trò của Ban đối ngoại trung ương, nhưng cũng đã có ý kiến nêu ra cần hợp nhất, hoặc sáp nhập bộ máy giữa cơ quan này với Bộ Ngoại giao.
Nếu xảy ra kịch bản hợp nhất hoặc sáp nhập trên, số phận của ông Phạm Bình Minh sẽ ra sao?
“Luân chuyển cán bộ”
Sau Hội nghị trung ương 6, vẫn chưa có ủy viên bộ chính trị mới để thay thế cho người trước đó đã bị loại ra là ông Đinh La Thăng. Vậy có cơ hội nào cho ông Hoàng Bình Quân vào Bộ Chính trị?
Nếu “đặc phái viên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng” có cơ hội đó, có thể xem như số phận Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh đương nhiên bị an bài. Ông Minh sẽ có thể không còn được phụ trách ngành ngoại giao mà sẽ bị “luân chuyển cán bộ” đến một vị trí tương đương nhưng không có nhiều thực quyền, cho dù ông vẫn được cho ở lại Bộ Chính trị.
“Luân chuyển cán bộ” được xem là một vũ khí sắc bén của Tổng bí thư Trọng mà đã dẫn đến thắng lợi âm thầm nhưng mang hiệu ứng “knock-out” đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay trước đại hội 12.
Tại Hội nghị trung ương 6 vào tháng 10//2017, Tổng bí thư Trọng cũng đã ký một quyết định thực thi “luân chuyển cán bộ” mà sẽ nhắm vào toàn thể giới lãnh đạo từ đầu não tỉnh thành lên cấp trung ương và Bộ Chính trị. Hiểu một cách đơn giản, những ai không phù hợp, không “ngoan” hay không chịu “nhất thể hóa” sẽ bị luân chuyển.
Trong lịch sử tồn tại của mình, ông Phạm Bình Minh được xem là một thuộc cấp thuộc loại “ngoan hiền dễ bảo”, tương đối sạch sẽ và có ngoại ngữ. Tuy nhiên, từ sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc ở Biển Đông vào năm 2014, sở trường của ông Minh có vẻ nghiêng về ngoại ngữ chính là tiếng Anh chứ không phải tiếng Trung. Còn sau vụ khủng hoảng ngại giao với Đức từ tháng 7/2017, dường như Bộ Ngoại giao của ông Phạm Bình Minh đã tìm cách tránh né đến mức tối đa trách nhiệm liên quan theo quan niệm “ai làm người đó chịu”. Do vậy, có thể ông Minh bị ông Nguyễn Phú Trọng cho là không “quyết liệt bảo vệ đảng” trước những hậu quả ghê gớm về chính trị và kinh tế từ sau vụ khủng hoảng này.
Trong thời gian trước Hội nghị thượng đỉnh APEC, người ta cũng không nhận ra vai trò nổi bật của ông Phạm Bình Minh.
Trong một tình huống an ủi hơn nếu hợp nhất Ban đối ngoại trung ương với Bộ Ngoại giao, ông Phạm Bình Minh có thể vẫn được cho giữ chức bộ trưởng, nhưng ông Hoàng Bình Quân sẽ đóng vai trò “chính ủy”, tức người của đảng thực hiện nhiệm vụ “giám sát thời chiến” đối với quan điểm đối ngoại, hoạt động và cả hành vi xã hội của bộ trưởng ngoại giao.
Phạm Chí Dũng
(Blog VOA)