Việt Nam phải làm gì với hành động của Trung Cộng?
Vị trí Trung Cộng hạ đặt giàn khoan nổi HD-981 trên vùng biển Việt Nam (tháng 5, 2014) – Source UNCLOS
Mặc Lâm: -Thưa ông là người nghiên cứu Biển Đông trong hàng chục năm qua theo ông Trung Quốc đang công nhiên xây dựng trên các bãi đá ngầm tại Trường Sa thì hành động này có đi ngược lại với DOC năm 2002 yêu cầu phải giữ nguyên trạng các vùng đang tranh chấp hay không?
Trương Nhân Tuấn: Trung Quốc đã lợi dụng việc Phi đi kiện, tháng giêng năm 2013, cho rằng Phi đã vi phạm Tuyên bố chung giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 gọi là DOC, từ đó lấy cớ tiến hành việc xây dựng các đảo nhân tạo tại các cấu trúc địa lý tại Trường Sa.
Vụ giàn khoan 981 đặt trên thềm lục địa VN vào tháng 5 năm ngoái thật ra chỉ là kế “giương đông kích tây”. Cùng thời điểm đó Trung Quốc đưa tàu bè hút cát, nạo vét đại dương đến Trường Sa để thực hiện các công trình một cách rầm rộ như thế mà phía Việt Nam, cả năm sau, hoàn toàn không có một phản ứng nào. Biến cố giàn khoan 981 có thể đã che mắt mọi người, nhưng không thể che mắt nhà cầm quyền.
Vụ giàn khoan 981 đặt trên thềm lục địa VN vào tháng 5 năm ngoái thật ra chỉ là kế “giương đông kích tây”. Cùng thời điểm đó TQ đưa tàu bè hút cát, nạo vét đại dương đến Trường Sa để thực hiện các công trình một cách rầm rộ – Trương Nhân Tuấn
Trung Quốc đã chiếm các bãi đá của Việt Nam từ năm 1988, sau đó cho xây dựng một số công trình có tầm vóc nhỏ vài trăm mét vuông. Tình trạng đó kéo dài cho đến đầu năm 2014, tức là tuyên bố DOC có hiệu lực được 12 năm. Việc xây dựng hiện nay đã làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng, như công trình trên đá Chữ Thập khi hoàn tất có thể lên đến vài chục cây số vuông. Nếu các đảo đó được quân sự hóa, tương quan lực lượng giữa các bên sẽ thay đổi lớn lao. Trung Quốc, dựa vào các đảo vừa xây dựng, có thể tuyên bố vùng “nhận diện phòng không”, đồng thời phong tỏa để chiếm các đảo khác hiện đang trong tay của Việt Nam và Phi, và có thể cả Đài Loan.
Hành động này của Trung Quốc dĩ nhiên đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố DOC 2002. Nhưng văn bản này vốn không có giá trị ràng buộc. Do đó cũng không nước nào làm gì được Trung Quốc.
Mặc Lâm: Theo ông thì sự im lặng của Việt Nam có thể được xem là từ bỏ chủ quyền theo luật quốc tế. Có cách nào để sửa sai hay ít ra điều chỉnh lại hay không?
Trương Nhân Tuấn: Theo một số phán lệ của Tòa án quốc tế, thái độ im lặng trong một số trường hợp có thể được xem là sự “đồng thuận”. Sự đồng thuận có thể “mặc thị” hay “ám thị”. Đây là một nguyên tắc quan trọng trong luật học, gọi là “acquiescement “, có hiệu lực tương tự như nguyên tắc “Estoppel “.
Những hành vi của Việt Nam, có thể xem là các dấu hiệu “acquiescement-đồng thuận”, công nhiên hay mặc nhiên nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại các đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thứ nhứt là công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng. Thứ hai là thái độ im lặng của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong biến cố 17-1-1974 khi Trung Quốc đưa quân xâm lăng quần đảo Hoàng Sa. Thứ ba, thái độ của Việt Nam vào tháng 3 năm 1988 khi Trung Quốc chiếm một số bãi đá ở Trường Sa.
Về công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, Việt Nam hiện nay có khuynh hướng diễn giải nội dung chỉ công nhận 12 hải lý về hải phận chứ không có ý nghĩa về nhìn nhận chủ quyền. Tuy nhiên, nội dung tuyên bố của Trung Quốc năm 1958 không phải chỉ nói về hải phận 12 hải lý mà còn nói về chủ quyền của Trung Quốc tại các đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ta có thể xem là Việt Nam đã “im lặng” trước tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc.
Theo luật quốc tế, trong những trường hợp đòi hỏi quốc gia liên hệ phải có một thái độ dứt khoát, thì sự im lặng đó có thể được hiểu như là sự đồng thuận. Tức là, theo nguyên tắc “acquiescement”, Việt Nam đã mặc nhiên đồng thuận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo luật quốc tế…thì sự im lặng đó có thể được hiểu như là sự đồng thuận. Tức là, theo nguyên tắc “acquiescement”, Việt Nam đã mặc nhiên đồng thuận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa – Trương Nhân Tuấn
Trường hợp tháng giêng năm 1974, trước hành vi Trung Quốc xâm lăng lãnh thổ của VN, hai chính phủ Nam và Bắc Việt Nam đều có trách nhiệm như nhau trong vấn đề bảo vệ lãnh thổ chung. Rốt cục miền Bắc, đã không tìm cách can thiệp vào cuộc xâm chiếm đó mà còn từ chối đứng chung với miền Nam để ra một tuyên bố chung chống lại Trung Quốc. Hành vi Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ bắt buộc chính phủ các bên phải có thái độ. Việc giữ im lặng ở đây cũng được xem là dấu hiệu của “acquiescemnt”, mặc nhiên nhìn nhận lý lẽ và hành vi xâm chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc là chính đáng.
Trường hợp ngày 14 tháng 3 năm 1988, Trung Quốc đem quân xâm lăng một số đá, bãi của Việt Nam tại Trường Sa. Dĩ nhiên Trung Quốc đã sử dụng bạo lực. Vấn đề là phía Việt Nam đã không sử dụng quyền “tự vệ chính đáng” được Hiến chương LHQ qui định để chống trả lại. Phía Việt Nam được lệnh là không được nổ súng bất kỳ giá nào. Nhà nước Việt Nam cũng từ chối mọi thủ tục pháp lý có sẵn để tranh đấu chống lại Trung Quốc ở thời điểm đó. Mặc dầu nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam lúc đó có đầy đủ tư cách pháp nhân để thực hiện. Các công hàm phản đối dĩ nhiên không có hiệu lực bằng các phương tiện pháp lý.
Nếu đưa ra một trọng tài quốc tế, chắc chắn thái độ của các chính phủ VNDCCH hay CHXHCNVN trong quá khứ chắc chắn sẽ gây bất lợi cho Việt Nam. Việt Nam có thể thua kiện.
Theo tôi, để Việt Nam hiện nay có nhiều xác suất thắng kiện, nhà nước Việt Nam cần phải thực thi những thủ tục để “kế thừa” di sản của VNCH trước kia. Chỉ khi nào đứng dưới tư cách người thừa kế chính đáng của VNCH thì danh nghĩa chủ quyền của VN mới được củng cố.
“Liên minh” với Mỹ để trở thành một nước giàu và mạnh, ít ra như Đại Hàn. Vì một Việt Nam nghèo đói sẽ không ngăn cản được TQ mà còn là một gánh nặng cho Mỹ. Chỉ có liên minh với Mỹ về quốc phòng thì VN mới có thể bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ – Trương Nhân Tuấn
Riêng về hiệu lực của công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng, theo tôi là không thể giải thích theo lối hiện nay. Vì giải thích thế nào thì cũng nhìn nhận nó có hiệu lực, chỉ nhiều hay ít. Mà cách tốt nhứt phải phủ nhận hoàn toàn hiệu lực của nó, bằng cách dựa vào hai Hiệp định Genève 1954 và Hiệp định Paris 1973. Theo nội dung hai hiệp định này thì các nước nhìn nhận Việt Nam là một quốc gia duy nhứt và lãnh thổ toàn vẹn. Vịn vào đó, các tuyên bố, các hành vi nào của một bên nếu xâm phạm đến sự “toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam” thì nó vô giá trị.
Mặc Lâm: Ông nghĩ thế nào nếu Việt Nam liên minh với Mỹ? ngoài chỗ dựa vào quân sự thì nước Mỹ sẽ giúp cho Việt Nam các phương tiện như luật sư, kinh nghiệm, luật quốc tế để đối phó với Trung Quốc trên mặt trận pháp lý mà điều này thì Việt Nam cần không kém khả năng quân sự?
Trương Nhân Tuấn: Theo tôi, mình thấy Việt Nam hiện nay đã đi vào quĩ đạo của Trung Quốc mà việc này dài lâu sẽ giam hãm Việt Nam vĩnh viễn trong nghèo đói và chậm tiến.
Trên quan điểm địa chiến lược của Trung Quốc, nước này chỉ có thể trở thành “đại quốc” khi các nước chung quanh “yếu”, không thể đe dọa được an ninh cũng như sự phát triển của họ.
GDP của Trung Quốc hiện nay lên hàng thứ nhì và ngân sách quốc phòng cũng hàng thứ nhì. Ngân sách này chính thức vào khoảng 150 tỉ đô. Số thật sự có thể lên gấp đôi.
Một cái nhìn khác, Mỹ lại không muốn thấy một “đại cường” Trung Quốc đối trọng với Mỹ trong khu vực. Mỹ không thể tái dựng lại “chiến tranh lạnh” nhằm cô lập Trung Quốc mà chỉ có thể giúp các nước đồng minh như Nhật, Đại Hàn, Phi, Thái Lan… giàu mạnh để thiết lập một hàng rào các nước đồng minh để bao vây Trung Quốc. Việt Nam như thế có hai lựa chọn:
Một là không liên minh với ai hết như hiện nay. Kết quả là nghèo đói và chậm tiến, lãnh thổ mất lần hồi, vì đó là mục tiêu chiến lược của Trung Quốc.
Hai là “liên minh” với Mỹ để trở thành một nước giàu và mạnh, ít ra như Đại Hàn. Vì một Việt Nam nghèo đói sẽ không ngăn cản được Trung Quốc mà còn là một gánh nặng cho Mỹ. Chỉ có liên minh với Mỹ về quốc phòng thì Việt Nam mới có thể bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, vùng trời của quốc gia mình.
Ngoài ra, về pháp lý, Hoa Kỳ, với một lực lượng luật gia hùng hậu, cũng là nước duy nhất có thể giúp Việt Nam thắng được mặt trận pháp lý đối với Trung Quốc.
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà nghiên cứu Biển Đông Trương Nhân Tuấn.