Việt Nam nên noi gương Miến Điện như đã song hành trong dĩ vãng
Nguyễn Cao Quyền (Danlambao) – …Tuy kinh tế có tiến triển đôi chút nhưng chính trị vẫn không thay đổi. Vì thế mà nội bộ Đảng không có đoàn kết và những người lãnh đạo cao nhất, tối mắt vì tham nhũng, vẫn ngụy biện cho rằng cái gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” là định hướng đúng phải đi theo. Mặc dầu ai cũng biết là không thể nào cưỡng lại được xu thế dân chủ của thời đại nhưng những kẻ bán nước hại dân, vẫn mặc cho người dân sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Lúc này là cơ hội rất tốt cho những người cộng sản nếu họ muốn làm được một việc gì hữu ích cho dân tộc…
*
Miến Điện (Cộng Hoà Liên Bang Myanmar) là một quốc gia chủ quyền tại Đông Nam Á có đường biển giáp với vịnh Bengal. Miến Điên hiện có 51 triệu dân và một diện tích là 676.578 km2. Thủ đô là Naypidaw và thành phố lớn nhất là Yangon.
Việt Nam và Miến Điện: đôi dòng lịch sử song hành
Nhìn vào những giai đoạn và biến cố lịch sử giữa Việt Nam và Miến Điên ta thấy có nhiều điểm song hành.
Năm 1277 vó ngựa Nguyên Mông từ Vân Nam do tướng Hốt Đột kéo sang tấn công Miến Điện thì quân xâm lược đã bị đánh cho tan tác ngay từ biên giới nước này. Sáu năm sau (1283) Hốt Tất Liệt mang quân sang Miến Điện trả thù. Dù thành công, quân Nguyên cũng chỉ ở lại cai trị được gần 10 năm rồi lại bị người Miến Điện nổi lên đánh đuổi ra khỏi nước lần thứ hai. Năm 1301 Miến Điện một lần nữa bị quân giặc phương Bắc tấn công lần thứ ba nhưng chúng cũng bị thất bại nặng nề và phải rút đi sau những trận chiến ác liệt.
Những trang sử hào hùng của Miến Điện nhắc nhở chúng ta về những thành tích cũng không kém phần oanh liệt của dân tộc Việt. Cũng ba lần dân tộc Việt đã đại thắng quân Nguyên ở cùng một thời kỳ lịch sử: quân sĩ Nguyên Mông đã bị danh tướng Trần Hưng Đạo đánh cho tan tác, thua chạy không còn mảnh giáp.
Nhìn vào lịch sử cận đại, ta thấy Miến Điện cũng bị người Anh đô hộ trong cùng một thời gian mà người Pháp đô hộ Việt Nam. Tinh thần của dân tộc Miến Điện nổi lên chống lại thực dân Anh cũng sôi động và liên tục không kém gì tinh thần chống Pháp của dân tộc Việt. Cả hai dân tộc đều viết lên những trang sử chống thực dân hùng tráng từ đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20.
Đến giữa thế kỷ 20 thì tiếc thay con đường mà hai dân tộc đi theo đã hướng về những ngõ rẽ khác nhau. Chính vì vậy mà ngày nay, nhìn vào lộ trình dân chủ sáng sủa của Miến Điện người Việt chúng ta phải nhanh chóng thay đối tư duy trong hành động để có một tương lai không thua kém.
Lịch sử cận đại của Miến Điện
Người Anh chiếm Miến Điện sau ba cuộc chiến tranh trong thế kỷ 19 và Miến Điện chỉ giành lại được độc lập vào năm 1948. Sau khi giành lại độc lập, ban đầu Miến Điện là một quốc gia dân chủ nhưng không bao lâu lại trở thanh một quốc gia có chế độ quân phiệt (1962).
Năm 2011 chính quyền quân sự giải tán và trao quyền cho một chính phủ dân chủ trên danh nghĩa. Cuộc trao quyền xảy ra trong một bầu không khí hoà binh. Quân đội tiến hành từng bước trả lại quyền hành cho phía người dân.
Những bước trao quyền diễn tiến như sau: áp dụng chính sách “mở cửa” Tổng Thống Thein Sein bắt đầu bằng việc trả tự do cho nhà đối lập Aung San Suu Kyi và các tù nhân chính trị. Sau đó là việc nới rộng nhân quyền trong nước và mở rộng ngoại giao với các nước bên ngoài. Rồi sau nữa là việc nới lỏng mậu dịch và tiến hành áp dụng kinh tế thị trường. Trong cuộc bầu cử tự do năm 2015 đảng của bà Aung San Suu Kyi thắng đa số tại lưỡng viện quốc hội.
Thắng lớn trong ngày 8/11/2015, Đảng đối lập Liên Minh Dân Chủ Toàn Quốc (National League For Democracy-NLD) đã giành đa số 80% so với Đảng Liên Minh Đoàn Kết và Phát Triển (Union Solidarity And Development – USD) đang cầm quyền. Tổng thống và Chủ Tịch Quốc Hội Miến Điện đã chấp nhận ngay kết quả bầu cử và đã có lời chúc mừng rất sớm gửi đến bà Aung San Suu Kyi.
Như vậy là sau 53 năm (1962-2015) mất quyền dân chủ dưới chế độ độc tài quân phiệt lần đầu tiên cuộc bầu cử tự do đã diễn ra và đã đạt kết quả tốt đẹp. Người Việt Nam chúng ta, trong và ngoài nước, đều ước mơ như vậy và cùng sẽ có một ngày như thế.
Điều gì đã khiến có một sự chuyển đổi ôn hoà như mô tả ở trên?
Miến Điện đã khôn khéo chuyển đổi từng bước êm thắm theo cách thức sau đây.
Về đối ngoại Miến Điện đã tìm cách “thoát Trung” bằng phương pháp đa phương hóa quan hệ kinh tế, chính trị với nhiều nước để không lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc và không bị quốc tế cô lập.
Hiện nay Việt Nam đang có cơ hội thuận lợi để hành động giống như Miến Điện ngõ hầu thoát khỏi sự kìm kẹp của Bắc Kinh và thực hiện chuyển đổi hòa bình
Về đối nội, Miến Điện đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành các nhân tố của một xã hội dân sự, tiền đề cho một xã hội đa đảng. Đó là sự cho phép các xã hội dân sự có tư cách pháp nhân hình thành và hoạt động, chẳng hạn như các chính đảng, các tổ chức nghề nghiệp, các giáo hội, các hiệp hội văn hoá v.v…
Trong dĩ vãng, vào các năm 1990, 2010, 2011 các tướng lãnh Miến Điện đã tổ chức ba cuộc bầu cử tự do thử nghiệm nhưng đã bị NLD tẩy chay vì không tin tưởng. Chỉ sau khi Tổng Thống Thien Sein tỏ rõ thực tâm muốn thay đổi chính trị bằng những quyết định cụ thể như đã nói ở trên, bà Aung San Suu Kyi mới cho đảng NLD tham gia bầu cử và NLD đã đạt số phiếu thắng lợi là 43/44 ghế đại biểu. Aung San Suu Kyi trở thành đại biểu quốc hội từ đó.
Aung Sa Suu Kyi trở thành nhân vật lãnh đạo có uy tín quốc tế và Miến Điện thoát dần tình trạng cô lập. Ngày 8/11/2015 vừa qua kết thúc lộ trình chuyển hóa Miến Điện sang chế độ dân chủ một cách êm thắm và thành công.
Kết luận
Ở Việt Nam, một tiến trình dân chủ đã được khởi động từ hơn 40 năm qua (1975-2017). Sau 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội thất bại (1975-1985) là 10 năm “Đổi Mới” để cứu nguy chế độ cũng không thành công (1985-1995). Tiếp theo, Đảng CSVN bắt buộc phải “Mở Cửa” để đón nhận kẻ cựu thù là “đế quốc Mỹ” và một số lớn các nước dân chủ khác ngõ hầu tiếp nhận đầu tư. Tình hình kinh tế, từ đó, mới chuyển đổi theo hướng tương đối tích cực.
Tuy kinh tế có tiến triển đôi chút nhưng chính trị vẫn không thay đổi. Vì thế mà nội bộ Đảng không có đoàn kết và những người lãnh đạo cao nhất, tối mắt vì tham nhũng, vẫn ngụy biện cho rằng cái gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” là định hướng đúng phải đi theo.
Mặc dầu ai cũng biết là không thể nào cưỡng lại được xu thế dân chủ của thời đại nhưng những kẻ bán nước hại dân, vẫn mặc cho người dân sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Lúc này là cơ hội rất tốt cho những người cộng sản nếu họ muốn làm được một việc gì hữu ích cho dân tộc. Tấm gương sáng chói của Miến Điện đã hiện ra trước mắt thì mọi nguy biện để đánh lừa nhân dân chỉ là điểu giả dối.
Bài này viết không phải để kêu gọi bọn “Ba Đình” thức tỉnh, mà chỉ là để tiếp sức cho nhân dân đủ sức mạnh làm cách mạng đường phố hầu nhanh chóng lật đổ cái chính quyền phản quốc mà mọi người đều ghét bỏ.
“Trước nguy cơ mất nước xin mọi người dân Việt Nam
hãy anh dũng đứng lên để cứu nguy dân tộc”.
Bài viết xong ngày 20/ 10 / 2017