Việt Nam lên tiếng về Luật an toàn hàng hải của Trung Quốc
Hiểu Minh – Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc chính thức thi hành Luật an toàn giao thông hàng hải sửa đổi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết.
“Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 – khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển”.
Người phát ngôn nhấn mạnh: “Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS”.
Cuối tuần trước, Trung Quốc đã thông báo việc triển khai các quy định bổ sung trong Luật an toàn giao thông hàng hải, trong đó có những yêu cầu nhằm kiểm soát hoạt động của tàu nước ngoài đi vào cái mà Bắc Kinh gọi là “vũng lãnh hải của Trung Quốc”.
Theo Tuổi Trẻ, Quy định bổ sung này chính thức có hiệu lực vào hôm qua 1/9.
Cụ thể, theo luật mới của Trung Quốc, tàu nước ngoài vào “vùng lãnh hải” mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phải báo cáo thông tin về tàu, thời gian đến và đi dự kiến, vị trí hiện tại và hàng hóa. Yêu cầu này áp dụng với các loại tàu ngầm/lặn, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, hóa chất, dầu, khí đốt hóa lỏng và các chất độc hại khác, cũng như các tàu khác được coi là mối đe dọa đối với an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc.
Nhận định về động thái của Bắc Kinh, Tống Thừa Ân, một học giả nghiên cứu về luật quốc tế và là giám đốc của Diễn đàn Dân chủ ở Đài Loan, trong cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do cho biết cho biết Biển Đông có lượng hàng hóa rất lớn và là đầu mối vận chuyển quốc tế quan trọng, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có hàng loạt hành động can thiệp vào tự do hàng hải của tàu nước ngoài, Trung Quốc đã chiếm nhiều “đảo” ở Biển Đông. Bây giờ một luật mới yêu cầu các tàu nước ngoài phải thông báo qua lãnh hải của họ.
Học giả này lưu ý: “Những yếu tố toàn diện này cộng lại khiến tất cả các nước trên thế giới rất bất an, đặc biệt là các nước ở Biển Đông và các nước có lợi ích quan trọng ở Biển Đông, trong đó có Pháp và Mỹ, những nước chủ trương tự do hàng hải. Do đó, luật mới này của Trung Quốc có thể làm gia tăng xung đột ở Biển Đông.”
Cùng nhận định trên, trả lời báo Thanh Niên sáng 31 tháng 8, Tiến Sĩ Timothy R.Heath (chuyên gia nghiên cứu cấp cao – Tổ chức RAND, Mỹ) có nhận định tương tự.
“Quy định mới có thể được Trung Quốc áp dụng cho yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh đưa ra ở Biển Đông”, TS Heath nói và lo ngại: “Diễn biến này rất có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng. Nguyên nhân là từ quy định vừa nêu, Trung Quốc có thể dùng để biện minh cho việc nước này quấy rối, uy hiếp tàu thuyền nước ngoài đi qua Biển Đông. Quy định mới cũng có thể tạo điều kiện để Trung Quốc hành động mạnh hơn đối với các tàu nước ngoài bằng cách tuyên bố thực thi luật pháp”.
Còn ông Greg Poling (Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á – AMTI, chuyên gia về châu Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế – CSIS, Mỹ) thì cho rằng cần chờ thêm thời gian để xác định Bắc Kinh áp dụng quy định mới như thế nào.
Theo ông, Bắc Kinh có thể dẫn trích một số quy định của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 nhằm hợp thức hóa quy định mới. “Nếu Trung Quốc áp dụng quy định mới ở tất cả vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền, đặc biệt là áp dụng theo các đường cơ sở mà Bắc Kinh đặt ra cho một số thực thể ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thì chắc chắn dẫn đến leo thang căng thẳng”, ông Poling đặt vấn đề.
https://www.dkn.tv/thoi-su/viet-nam-len-tieng-ve-luat-an-toan-hang-hai-cua-trung-quoc.html