Việt Nam không hoàn toàn cô độc ở biển Đông

Cac Bai Khac

No sub-categories

Việt Nam không hoàn toàn cô độc ở biển Đông

Kính Hòa RFA

2017-08-07

Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh (trái) và Ngoại trưởng Philippines Cayetano, tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 50.

Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh (trái) và Ngoại trưởng Philippines Cayetano, tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 50.

 AFP
Việt Nam không hoàn toàn cô độc ở biển Đông

00:00/00:00

Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

 Hội nghị ngoại trưởng lần thứ 50 của các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đưa ra được một thông cáo chung, trong đó có lời lẽ khá mạnh mẽ của Việt Nam kêu gọi không quân sự hóa biển Đông
ASEAN và Trung Quốc cũng đạt được một thỏa thuận khung về soạn thảo qui tắc ứng xử (COC) trên biển Đông, tuy nhiên không có nói đến tính ràng buộc pháp lý của COC trong tương lai, như Việt Nam mong muốn.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia quan hệ quốc tế, hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore có những nhận định về kết quả của Hội nghị ngoại trưởng ASEAN 50 lần này. Đầu tiên ông đưa ra lý do tại sau một năm trước đây tại Lào, trong cuộc họp ngoại trưởng ASEAN 49 lại không có những lời lẽ khá mạnh mẽ như trong ASEAN 50 lần này.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Sau phán quyết của tòa trọng tài vào năm 2016, Trung Quốc có những hành động ngoại giao có thể gọi là lôi kéo các nước ASEAN về phía họ. Trong bối cảnh đấy thì không khí chung của ASEAN cũng không muốn tạo ra căng thẳng đối đầu với Trung Quốc. Những yếu tố ấy tạo ra cái môi trường bất lợi cho Việt Nam, và có lợi cho Trung Quốc.

Trung Quốc muốn có một COC không bị ràng buộc pháp lý để có nhiều tự do hành động.
-Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.

Trong Hội nghị lần này thì theo tôi có những yếu tố thay đổi, ví dụ như là chính sách của chính quyền Trump của Hoa Kỳ dường như rõ ràng hơn, thể hiện nhiều sự tiếp nối hơn là thay đổi so với chính quyền tiền nhiệm của ông Obama, việc Trung Quốc đe doạ Việt Nam ở lô 136-3,… cho thấy nếu Việt nam cứ tiếp tục mềm mỏng thì khó có thể lật ngược được tình thế trong thời gian tới. Và Việt Nam cần có tiếng nói cương quyết hơn. Nếu Việt Nam muốn đạt một hay hai điểm thì Việt Nam phải cương quyết trên 3, 4 điểm, để từ đó có thể có thế mặc cả với các nước ASEAN khác để đạt được một cái ngưỡng thỏa hiệp.
Việt Nam là một thành viên ASEAN và có quyền phủ quyết. Trong khi các nước như Cam Pu Chia hay Lào muốn có một ngôn ngữ mềm mỏng hơn với Trung Quốc, thì Việt Nam cũng có quyền yêu cầu có một ngôn ngữ mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc về vấn đề biển Đông, nếu không thì Việt Nam có quyền phủ quyết, sẽ dẫn đến đổ vỡ về mặt ngoại giao, những bế tắc trong các cuộc họp ASEAN, một điều mà không ai mong muốn. Nếu Việt Nam cứng rắn, mạnh mẽ hơn, thì nếu không đạt được toàn bộ ý nguyện của mình, thì ít nhất cũng bảo vệ được một phần. Còn nếu như Việt Nam không lên tiếng, không đưa ra các lập trường cứng rắn thì chắc chắn Việt Nam sẽ bị thiệt thòi.
Kính Hòa RFA: Theo một số nhà quan sát thì Việt Nam và một số quốc gia ASEAN mong muốn COC mang tính ràng buộc pháp lý, nhưng Trung Quốc sẽ không để chuyện đó xảy ra. Theo ông tại sao Trung Quốc không muốn điều này?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Rất dễ hiểu vì Trung Quốc là quốc gia chiếm ưu thế trên biển Đông, và họ muốn mở rộng sức mạnh hải quân, sức mạnh trên biển Đông, chính vì vậy họ không muốn ràng buộc hành động, bởi các văn kiện pháp lý. Họ muốn có quyền tự do hành động lớn hơn. Chính vì vậy Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để làm cho COC, nếu như được thông qua, sẽ ít có giá trị, ràng buộc pháp lý, để họ có thể có quyền tự do hành động một cách tự do trên biển Đông.
Kính Hòa RFA: Gần đây có một số nhà quan sát cho rằng việc đấu tranh của Việt Nam, cũng như một số quốc gia phương Tây có quyền lợi ở biển Đông, là làm sao ở biển Đông có những ràng buộc về pháp lý, chứ không phải là yêu cầu giữ nguyên trạng như trước đây. Nhận xét đó có đúng không, và có vẻ như là Trung Quốc thích sự thỏa thuận nguyên trạng?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Có lẽ là do Trung Quốc, trong thời gian vừa rồi đã có những hành động thay đổi nguyên trạng trên biển Đông như việc họ xây các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Điều đấy có nghĩa là các nước đấu tranh để duy trì nguyên trạng làm điều vô ích vì không ai có thể ngăn cản được Trung Quốc tiến hành thay đổi nguyên trạng trên biển Đông, nếu như họ không sẳn sàng đối đầu quân sự, vũ trang với Trung Quốc trên biển Đông.
Chính điều đó chỉ ra một lổ hổng là mặt dù các nước này muốn duy trì nguyên trạng nhưng họ lại không có các cơ chế, các công cụ để duy trì nguyên trạng đấy. Đố là lổ hổng về mặt pháp lý, không có các ràng buộc, không có các hiệp định để mà ngăn cản hành động thay đổi nguyên trạng của Trung Quốc, từ đó có các cơ sở để lên án hay đưa ra các biện pháp trừng phạt Trung Quốc chẳng hạn.
Xuất phát từ thực tiễn đấy, không có các công cụ để ngăn cản Trung Quốc thay đổi nguyên trạng, thì bước đầu tiên để thay đổi tình trạng đó là tạo ra các công cụ pháp lý, mang tính chất ràng buộc cao để có thể ngăn cản Trung Quốc thay đổi nguyên trạng.
Có lẽ đây là lý do tại sao Việt Nam nhấn mạnh tính chất pháp lý ràng buộc, trong bản COC mà hai bên sẽ tiến hành đàm phán trong tương lai.

Những quan điểm lập trường như chúng ta vừa nêu vẫn có thể thay đổi trong tương lai, tùy thuộc vào tính toán lợi ích của các bên, nhưng tôi tin rằng Việt Nam không hoàn toàn đơn độc trong cuộc chiến về COC.
-Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp.

Kính Hòa RFA: Trong bản tin mới của Reuters, có nói một vài quốc gia ASEAN, không nêu tên, ủng hộ Việt Nam đưa COC trở thành một ràng buộc pháp lý. Theo ông quốc gia nào có khả năng ủng hộ Việt Nam trong chuyện đó?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp: Theo tôi thì hiện tại có một số quốc gia ASEAN, trong bảng tuyên bố chung, họ không muốn đưa vào ngay cái cụm từ là phấn đấu đưa COC thành ràng buộc pháp lý, tại vì nó có mang tính ràng buộc pháp lý hay không thì nó vẫn còn là một câu hỏi mở để thảo luận, đàm phán giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, sau khi mà hai bên tiến hành đàm phán về thực chất của nội dung COC này. Cho nên bây giờ nếu nói phấn đấu đưa COC có tính ràng buộc pháp lý hay không thì nó vẫn chưa có ý nghĩa thực sự bằng việc tiến hành đàm phán trên thực tế.
Vì vậy có những bất ngờ, chẳng hạn có thông tin nói Singapore chẳng hạn, không ủng hộ việc đưa vào tuyên bố chung rằng COC mang tính ràng buộc pháp lý, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là Singapore và những nước liên quan không ủng hộ một bản COC mang tính ràng buộc pháp lý.
Còn trả lời câu hỏi của ông, dựa trên suy luận và quan sát của tôi thì có thể có các nước như Singapore, Indonesia, ủng hộ quan điểm của Việt Nam là có một COC mang tính ràng buộc pháp lý. Một số nước khác thì không có quan điểm rõ ràng, còn Cam Pu Chia thì chúng ta biết rằng họ nghiêng về quan điểm của Trung Quốc là COC không mang tính ràng buộc pháp lý.
Những quan điểm lập trường như chúng ta vừa nêu vẫn có thể thay đổi trong tương lai, tùy thuộc vào tính toán lợi ích của các bên, nhưng tôi tin rằng Việt Nam không hoàn toàn đơn độc trong cuộc chiến về COC, vì có những quốc gia trong khu vực chia sẻ lợi ích của Việt Nam, trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực biển Đông.