Việt Nam ‘hoan nghênh’ Phó Tổng thống Mỹ nhưng ‘không đi với nước này để chống nước khác’

Cac Bai Khac

No sub-categories

Việt Nam ‘hoan nghênh’ Phó Tổng thống Mỹ nhưng ‘không đi với nước này để chống nước khác’

05/08/2021 – VOA Tiếng Việt – Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 5/8 cho biết Hà Nội và Washington đang phối hợp để chuẩn bị cho chuyến thăm của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đến Việt Nam “trên tình thần quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Mỹ tiếp tục phát triển tốt đẹp”, nhưng tiếp tục khẳng định “không đi với nước này để chống nước khác”, giữa lúc Washington đang muốn sử dụng chuyến công du như một phần trong nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới.

“Việt Nam hoan nghênh lãnh đạo các nước, trong đó có lãnh đạo Mỹ đến thăm Việt Nam”, tờ Vietnam Finance dẫn lời người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo ngày 5/8.

Tuy nhiên, khi được hỏi về nhận định cho rằng mục đích chuyến thăm của các quan chức cấp cao Mỹ tới Việt Nam là nhằm tìm kiếm đối tác trong cạnh tranh với Trung Quốc, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: “Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đẩy mạnh việc đưa quan hệ với các đối tác, đặc biệt là với các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, không đi với nước này để chống nước khác”.

Theo lời bà Hằng, “Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ, là hai đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực vì lợi ích của người dân, vì hòa bình và phát triển của khu vực cũng như trên toàn thế giới”, theo VOV.

Theo thông báo của Nhà Trắng, Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ có chuyến công du đến Việt Nam và Singapore từ ngày 20/8 – 26/8. Bà Harris sẽ đến Singapore vào ngày 22/8, sau đó ghé thăm Việt Nam từ ngày 24/8 – 26/8.

“Chuyến đi của bà được thực hiện dựa trên thông điệp của chính quyền Biden-Harris với thế giới: Nước Mỹ đã trở lại”, CNN dẫn một thông báo của văn phòng Phó tổng thống Mỹ nói.

“Chính quyền của chúng tôi coi châu Á là một khu vực cực kỳ quan trọng trên thế giới. Chuyến thăm của Phó Tổng thống sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của cam kết toàn diện và quan hệ đối tác chiến lược – những yếu tố quan trọng trong cách tiếp cận chính sách đối ngoại của chính quyền chúng tôi”, thông báo nói thêm.

Trong các cuộc gặp với các quan chức chính phủ, khu vực tư nhân và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự, Phó tổng thống Harris sẽ chia sẻ tầm nhìn của chính quyền Biden về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nêu ra các vấn đề thương mại và an ninh, bao gồm Biển Đông, và thúc đẩy hợp tác kinh tế, vẫn theo thông báo của văn phòng bà Harris.

Trong khi đó, Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Symone Sanders trong thông báo về chuyến đi hôm 30/7 nói Phó tổng thống Hoa Kỳ “sẽ trao đổi với các lãnh đạo của cả hai chính phủ về các vấn đề cùng quan tâm, bao gồm an ninh khu vực, ứng phó toàn cầu với đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

“Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Harris đặt ưu tiên hàng đầu là tái thiết quan hệ đối tác toàn cầu và duy trì an ninh cho quốc gia, chuyến thăm sắp tới sẽ tiếp tục thực hiện ưu tiên đó, làm sâu sắc hơn sự can dự của chúng tôi tại Đông Nam Á”, bà Sander nói trong thông báo.

Hôm 4/8, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết thêm rằng chuyến đi của bà Harris chú trọng đến việc bảo vệ luật pháp quốc tế tại Biển Đông, tăng cường sự lãnh đạo của Mỹ trong khu vực và mở rộng hợp tác an ninh.

“Chúng tôi không muốn thấy bất cứ nước nào chế ngự khu vực hay lợi dụng sức mạnh để làm thiệt hại chủ quyền của nước khác”, quan chức giấu tên được Reuters dẫn lời nói.

Với chuyến công du này, bà Kamala Harris sẽ là phó tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Việt Nam. Đây cũng sẽ là chuyến công du đầu tiên ngoài châu Mỹ kể từ khi bà trở thành nữ phó tổng thống đầu tiên của Mỹ.

Chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris sẽ diễn chưa đầy một tháng sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đếm thăm Việt Nam từ ngày 28/7 – 29/7.

Biển Đông: Trung Quốc bắt đầu hàng loạt cuộc tập trận, Việt Nam lên tiếng phản đối.

Đăng ngày: 06/08/2021

(Ảnh minh họa ngày chụp ngày 20/08/2013) - Các thủy thủ Trung Quốc trên tàu khu trục tên lửa dẫn đường Thanh Đảo (P) tại cảng quân sự ở Thanh Đảo (Qingdao), Sơn Đông, Trung Quốc.
(Ảnh minh họa ngày chụp ngày 20/08/2013) – Các thủy thủ Trung Quốc trên tàu khu trục tên lửa dẫn đường Thanh Đảo (P) tại cảng quân sự ở Thanh Đảo (Qingdao), Sơn Đông, Trung Quốc. AP

Trọng Nghĩa

Đúng vào lúc diễn ra Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 54 với vấn đề Biển Đông và những yêu sách chủ quyền “phi pháp” của Trung Quốc được đề cập đến trong nhiều cuộc họp có Mỹ tham gia, Trung Quốc đã loan báo một loạt cuộc tập trận trong khu vực, trong đó có hai cuộc tập trận mở ra vào hôm nay 06/08/2021. Một số hoạt động tập trận của Bắc Kinh trong vùng biển có tranh chấp với Việt Nam đã lập tức bị Hà Nội phản đối.

Như thông lệ, Trung Quốc tiết lộ thông tin về các cuộc tập trận thông qua các kênh báo chí và các thông báo cấm tàu thuyền qua lại đăng trên trang web của Cục Hải Sự.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc vào hôm qua cho biết là một cuộc tập trận trên Biển Đông sẽ được tiến hành kể từ ngày 06/08, và kéo dài cho đến ngày 10/08. Theo tờ báo, “một số nhà quan sát” cho rằng cuộc tập trận lần này cũng giống như một cuộc tập trận được tiến hành vào năm ngoái, trong đó Quân Đội Trung Quốc được cho là đã tiến hành bắn thật loại tên lửa đạn đạo chống hạm gọi là “sát thủ tàu sân bay”.

Trích dẫn thông báo của Cục Hải Sự Trung Quốc ngày 04/08 và một số nguồn tin báo chí khác, Hoàn Cầu Thời Báo cho biết là khu vực tập trận trải rộng từ vùng biển ngoài khơi phía đông nam đảo Hải Nam đến phần lớn vùng biển xung quanh quần đảo Tây Sa, tức là quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã chiếm trọn từ Việt Nam năm 1974.

Bên cạnh cuộc tập trận dài ngày đó là một loạt cuộc diễn tập quân sự quy mô nhỏ và ngắn ngày hơn tại Vịnh Bắc Bộ, phía gần Trung Quốc, hay tại khu vực phía bắc Biển Đông.

Việt Nam phản đối

Sự kiện Trung Quốc cho tập trận tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa đã bị Việt Nam phản đối. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, ngày 05/08, đã tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, và cuộc tập trận “đi ngược lại lại tinh thần tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy Tắc Ứng Xử giữa các bên ở Biển Đông…”

Và “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; chấm dứt, và không tái diễn hoạt động vi phạm tương tự làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.

Thách thức Mỹ và đồng minh

Đối với các nhà phân tích, các cuộc tập trận mà Bắc Kinh khởi động trên vùng Biển Đông là những động thái thách thức, không chỉ đối với các láng giềng Đông Nam Á đang bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, mà cả đối với Mỹ và nhiều nước khác đã chỉ trích các đòi hỏi chủ quyền bị cho là “phi pháp” của Bắc Kinh về vùng biển này.

Gần đây nhất là các tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong khuôn khổ các cuộc họp tại Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 54, nhắc lại việc Washington bác bỏ những yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, theo phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye.

Ngoài Hoa Kỳ, ngày 03/08, New Zealand là nước mới nhất gởi công hàm lên Liên Hiệp Quốc để bác bỏ yêu sách lịch sử (của Trung Quốc) ở Biển Đông và khẳng định giá trị chung cuộc và ràng buộc của phán quyết của Tòa Trọng Tài về Biển Đông năm 2016.