Việt Nam, Hoa Kỳ và TPP

Cac Bai Khac

No sub-categories

Việt Nam, Hoa Kỳ và TPP

Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA

2017-05-23

Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh phát biểu trong một cuộc họp báo sau cuộc họp TPP tổ chức bên lề Hội nghị APEC tại Hà Nội ngày 21 tháng 5 năm 2017.

Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh phát biểu trong một cuộc họp báo sau cuộc họp TPP tổ chức bên lề Hội nghị APEC tại Hà Nội ngày 21 tháng 5 năm 2017.

 AFP photo
Việt Nam, Hoa Kỳ và TPP

00:00/00:00

Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Việt Nam đang ở giữa nhiều chọn lựa quan trọng về chiến lược kinh tế đối ngoại, khi tình hình thế giới lại có những thay đổi lớn. Điển hình là Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP không có Hoa Kỳ và việc thương thuyết một hiệp định thương mại song phương với nước Mỹ.
Nguyên Lam: Việt Nam là thành viên của Hiệp hội ASEAN gồm 10 quốc gia Đông Nam Á và năm nay còn đăng cai tổ chức các hội nghị của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu Thái Bình Dương gọi là APEC, với Thượng đỉnh sẽ được triệu tập tại Hà Nội vào tháng 11 này. Tuần qua, hội nghị các Bộ trưởng Thương mại của Diễn đàn APEC tại Hà Nội khiến dư luận chú ý đến quan điểm của 11 nước về Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP sau khi Hoa Kỳ triệt thoái. Rồi tuần này, Thủ tướng Việt Nam sẽ là người đầu tiên trong Hiệp hội ASEAN thăm viếng Hoa Kỳ và có thể đàm phán một Hiệp định Tự do Thương mại Song phương với nước Mỹ. Thưa ông, trong bối cảnh đó, người ta có thể nêu câu hỏi về những lợi hại của Việt Nam trong chiến lược kinh tế đối ngoại khi Chính quyền Donald Trump đã có những chủ trương khác về ngoại thương nên đã rút khỏi Hiệp ước TPP?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nói về bối cảnh tôi xin được nhắc lại một số chuyển động thì ta mới cân nhắc được những lợi hại trong điều kiện mới. Trước hết, Hiệp ước TPP mất bảy năm và 20 lần hội họp giữa 12 nước mới hoàn thành vào cuối năm 2015. Nhưng, dư luận Mỹ đã đổi ý về sự lợi hại nên hết ủng hộ các thỏa thuận trong Hiệp ước. Vì vậy đa số dân biểu nghị sĩ bên đảng Dân Chủ trong Quốc hội đã chống TPP và nhiều đảng viên Cộng Hòa cũng tỏ vẻ hoài nghi nên dù Tổng thống Barack Obama đích thân vận động vẫn không dám đưa Hiệp ước cho Quốc hội khóa 114 biểu quyết vì thể nào cũng bị bác. Trong cuộc tranh cử tổng thống, hai ứng cử viên dẫn đầu là bà Hillary Clinton bên Dân Chủ và ông Donald Trump bên Cộng Hòa đều phản bác nhiều quy định của TPP. Khi đắc cử và nhậm chức, Tổng thống Trump chỉ hợp thức hóa một thực tế mới của chính trường Hoa Kỳ là rút khỏi Hiệp ước TPP. Từ đấy, bài toán còn lại là 11 nước kia có nên tiếp tục xúc tiến Hiệp ước hay không? Bài toán ấy đặc biệt quan trọng cho Việt Nam vì cùng với Malaysia là hai nước được hưởng lợi nhiều nhất nhờ Hiệp ước này.
Nguyên Lam: Thưa ông, cũng nói về bối cảnh thì sau khi Hoa Kỳ triệt thoái thì Trung Quốc lại thúc đẩy một sáng kiến của họ từ năm 2012 là kêu gọi 16 quốc gia gồm 10 nước Hội viên ASEAN cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ, Úc và New Zealand hoàn thành một hiệp định tự do thương mại gọi là “Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực” hay RCEP. Là một thành viên của Hiệp hội ASEAN, Việt Nam nên cân nhắc thế nào về giải pháp đó?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Khi đưa ra sáng kiến này, Bắc Kinh tưởng sẽ hoàn tất vào năm 2015 mà nay vẫn chưa xong sau kỳ họp thứ 18 khá gay go vào tuần qua tại Philippines. Người ta cứ cho là Hiệp định RCEP này không đòi hỏi nhiều cam kết phức tạp như Hiệp ước TPP nên hy vọng thành hình sớm hơn để tiến tới chế độ tự do thương mại cho cả khu vực Á Châu Thái Bình Dương bao gồm 21 thành viên của Diễn đàn APEC. Sự thể lại chẳng lạc quan như vậy không chỉ vì phản ứng bảo hộ mậu dịch của Ấn Độ hay hồ sơ rắc rối về quyền sở hữu trí tuệ.
Sự thật là nhiều quốc gia ngày nay lại hoài nghi mọi cam kết quốc tế về tự do mậu dịch và trở về xu hướng đàm phán song phương. Người ta quá chú ý tới quan điểm của Mỹ trong Hiệp ước TPP với các nước Thái Bình Dương mà quên rằng một hiệp ước tương tự của Hoa Kỳ với các nước Âu Châu là Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương hay TTIP cũng bị khựng và lần này là do sự chống đối của nhiều nước trong Liên Hiệp Âu Châu. Trường hợp đó cũng xảy ra với hiệp ước tự do thương mại CETA giữa Canada và Âu Châu. Thậm chí cơ chế Liên Âu còn mặc nhiên trả lại quyền quyết định về tự do thương mại cho từng nước hội viên. Trong khung cảnh đó, Việt Nam cũng nên suy nghĩ lại về quyền quyết định của mình.
Nguyên Lam: Theo ông thì Việt Nam nên suy nghĩ lại ra sao, căn cứ trên những yếu tố nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nói chung thì chế độ tự do thương mại và đầu tư giữa các nước là điều có lợi về kinh tế như ta đã thấy tại Việt Nam sau khi chấm dứt chính sách ngăn sông cấm chợ thời bao cấp và mở ra thế giới bên ngoài qua hai đợt đổi mới. Nhưng về dài thì lợi ích kinh tế nhờ tự do trao đổi lại phân phối không đều và gây thiệt hại cho nhiều thành phần dân chúng. Trong các nước dân chủ thì phản ứng của các thành phần bị thiệt hại này mới dẫn tới làn sóng chống đối như ta đang chứng kiến tại Mỹ và Âu Châu. Khi ấy, lãnh đạo các nước nên nghĩ sao về sự lợi hại của tự do thương mại?
Tôi cho là ta nên nhìn từ dưới lên, từ các thành phần nghèo khốn lên giới trung lưu khá giả ở thành thị để khỏi gây ra những dị biệt ngày một lớn giữa thành phần khá giả và hướng ngoại ở trên với những người ở dưới không theo kịp nhịp độ của cạnh tranh. Vì vậy, vấn đề không thuần túy là kinh tế mà còn có kích thước xã hội. Thứ hai, khi mở cửa ra ngoài thì lãnh đạo phải ưu tiên lo cho đa số ở dưới và tạo điều kiện cải tiến khả năng lao động với năng suất cao hơn trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng và môi sinh trong lành hơn. Theo tinh thần đó thì Hiệp ước TPP có yêu cầu về chế độ lao động và bảo vệ môi sinh thật ra có lợi mà Việt Nam nên áp dụng. Thứ ba, ở bậc cao hơn thì lãnh đạo cũng phải cân nhắc hai vế tư doanh và quốc doanh trong ý hướng phát triển khả năng kinh tế của tư doanh thay vì chỉ bảo vệ ưu thế của quốc doanh. Khả năng cạnh tranh của tư doanh mới là sức mạnh bền vững và đi theo con đường của Bắc Kinh với vai trò quá lớn của các tập đoàn kinh tế nhà nước là điều bất lợi về dài.
Nếu Việt Nam thiên về Mỹ …
000_APW2001121024945-400.jpg
Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan (trái) và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Zoellick ký Hiệp định Thương mại Song phương ngày 10 tháng 12 năm 2001 tại Nhà Trắng ở Washington, DC. AFP photo
Nguyên Lam: Thế còn với Hoa Kỳ thì sao, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ta không quên rằng qua năm đời Tổng thống, từ ông Ronald Reagan tới Barack Obma, Hoa Kỳ có hiệp ước tự do thương mại song phương với hơn một chục quốc gia và nay sẽ thương thuyết lại với từng nước đã ký hiệp ước đa phương, như Hiệp ước NAFTA với hai nước Bắc Mỹ. Nếu Việt Nam thông qua Hiệp ước TPP với 11 quốc gia còn lại thì chẳng những có lợi qua việc buôn bán với nhóm đó mà lại có thế mạnh khi sẽ đàm phán với Hoa Kỳ là điều Thủ tướng của Hà Nội có thể nêu ra khi đến Hoa Kỳ vào tuần tới.
Khi đó, kinh nghiệm thương thuyết Hiệp ước TPP và cả Hiệp định Thương mại Song phương với Mỹ từ năm 2000 là những bài học quý giá vì cho thấy nhiều vấn đề tồn đọng giữa đôi bên, như quyền lợi giới lao động hay luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, là những điều vẫn là thời sự. Chúng ta cũng không quên vai trò quan trọng của Quốc hội Hoa Kỳ, nơi mà tình trạng chà đạp nhân quyền và đàn áp dân chủ tại Việt Nam khiến Hà Nội không chỉ gặp trở ngại từ Hành pháp mà còn bị nhiều dân biểu nghị sĩ Mỹ chống đối. Ngược lại, việc muốn tham gia “Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực” RCEP do Bắc Kinh đề xướng chỉ chứng tỏ kinh tế Việt Nam vẫn là vệ tinh của Trung Quốc để xâm nhập thị trường Hoa Kỳ nên sẽ gặp khó ở cả hai đầu.
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin đề nghị ông giải thích cho thế nào là gặp khó ở cả hai đầu? 
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Không nói về hồ sơ an ninh và tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc trên vùng biển Đông Nam Á, là điều Chính quyền Donald Trump rất quan tâm mà nếu chỉ nhìn vào hồ sơ kinh tế thì Việt Nam đạt xuất siêu bao nhiêu với Hoa Kỳ lại bị nhập siêu bấy nhiêu với Trung Quốc. Thực tế thì Việt Nam mua nguyên nhiên vật liệu và thiết bị của Trung Quốc để làm gia công cho họ và bán hàng Tầu dưới thương hiệu Việt Nam vào thị trường Âu-Mỹ. Hiệp ước TPP là cơ hội thoát Tầu và tìm đầu ra ở các thị trường lớn khác. Nay dù hết có Mỹ thì cơ hội đó vẫn còn với các nước kia. Nhưng nếu lại thiên về giải pháp của Bắc Kinh thì Việt Nam khó đạt hiệp ước song phương với Mỹ. Người dân Mỹ, và Quốc hội Hoa Kỳ không hiểu vì sao lãnh đạo Hà Nội kiếm lợi nhờ làm ăn với Trung Quốc mà lại mong Hoa Kỳ bảo vệ an ninh của Việt Nam ngoài vùng biển Đông Nam Á trước sức ép của Trung Quốc. Trong hiện tại, Quốc hội Mỹ đang quan tâm đến sự bành trướng của Bắc Kinh và muốn biết là Việt Nam đứng ở đâu.
Nhìn vào dài hạn, từ nhiều năm nay khi Trung Quốc tiến lên trình độ sản xuất cao hơn với các mặt hàng tinh vi thì Việt Nam trở thành nơi có tiềm năng thay thế vai trò gọi là “công xưởng toàn cầu” của Trung Quốc nên đã tiếp nhận đầu tư của các tập đoàn tiên tiến, như Samsung của Nam Hàn hay Intel của Mỹ. Ưu tiên của Việt Nam là nâng cấp giáo dục và đào tạo để thêm lực lượng lao động có tay nghề khả dĩ khai thác được cơ hội mới và cải thiện được cuộc sống cho nhiều người. Một hiệp ước song phương với Hoa Kỳ sẽ đáp ứng yêu cầu đó.
Nguyên Lam: Câu hỏi cuối, thưa ông, Việt Nam gặp rủi ro gì khi thiên về quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ và tách dần khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Bài học từ 1.9.7.5 cho thấy Việt Nam không gặp rủi ro là bị Hoa Kỳ xâm lăng và chiếm đóng. Bài học từ 1.9.9.5 cho thấy Việt Nam có lợi về kinh tế sau khi tái lập bang giao với nước Mỹ. Ngược lại, Việt Nam đã gặp rủi ro lớn với Trung Quốc từ mấy chục năm nay và càng ngày càng mất quyền chủ động vì sức ép muôn mặt từ Bắc Kinh. Nếu tiếp tục chiều hướng này thì chủ quyền quốc gia cũng chẳng còn và lãnh thổ bên trong lại bị tàn phá vì hiệu ứng tai hại của Trung Quốc. Nhưng chính là chiến lược bành trướng của Bắc Kinh lại khiến cả thế giới lo ngại và Việt Nam hết còn đơn độc đứng trên tuyến đầu.
Vào cảnh ngộ đó, Việt Nam không nên là vùng hỏa tuyến của các nước chống Tầu tại Đông Á nhưng vẫn nên mở rộng khả năng chọn lựa để ra khỏi thế kẹt thành hình từ mấy chục năm qua. Lĩnh vực kinh tế hay thương mại là sự chọn lựa tương đối an toàn hơn cả mà lại có lợi cho người dân. Là thành viên của Hiệp ước TPP với 11 nước và có hiệp định song phương với Hoa Kỳ, Việt Nam sẽ thoát dần khỏi bóng rợp của Trung Quốc. Quan trọng hơn cả là lãnh đạo Hà Nội nên hiểu ra điều ấy mà thay đổi cách suy nghĩ khi nhiều quốc gia khác cũng đang đòi lại quyền đàm phán và quyết định về quyền lợi của quốc gia. Thế giới đang có một đổi thay lớn khi nước nào cũng coi quyền lợi của quốc gia là tối thượng thì chúng ta cũng phải thay đổi cách suy nghĩ và hành xử vì quyền lợi của mình chứ đừng lụy vào một ý thức hệ viển vông lạc hậu. Nói vắn tắt lại thì Việt Nam nên tham gia Hiệp ước TPP, tự chuẩn bị cho thế hợp tác cao hơn và phức tạp hơn bằng những cải cách sâu rộng ở bên trong cho cả xã hội.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn kỳ này.