Việt Nam: Hai thanh niên bị tù vì ‘chống phá’ trên Facebook?
Hai thanh niên bị kết án đến ba năm tù vì điều 88 tội “’tuyên truyền chống phá Nhà nước’ trên mạng xã hội tại Việt Nam.
Phiên tòa xử Nguyễn Hữu Quốc Duy (sinh năm 1985) và Nguyễn Hữu Thiên An diễn ra tại Tòa án tỉnh Khánh Hòa.
Nguyễn Hữu Quốc Duy, thường trú ở phường Cam Phú, TP Cam Ranh, làm nghề buôn bán. Quốc Duy bị đưa ra xét xử theo điều 88, Bộ luật Hình sự Việt Nam, với “Tội tuyên truyền chống nhà nước” và bị ba năm tù. Quốc Duy đã bị tạm gia trong tám tháng kể từ sau khi bị bắt. Thiên An bị án hai năm tù.
Vào tháng 11/2015, Quốc Duy bị công an tỉnh Khánh Hòa bắt vì lý do mà gia đình được nói là ‘tuyên truyền chống phá Nhà nước’ trên mạng xã hội.
Nhiều nhà hoạt động nói họ không thể đến tham dự phiên tòa vì “bị chặn lại” và “bắt đi”.
Bà Nguyễn Thị Nay, mẹ của bị can Nguyễn Hữu Quốc Duy được cho là “bị bắt” và không thể tham dự phiên tòa.
BBC liên lạc với người thân của gia đình và được cho biết bà Nay “bị thu giữ điện thoại” và “vừa được thả”.
Hình ảnh từ các thành viên nhóm hoạt động nhân quyền Con đường Việt Nam cho thấy nhiều người bị đưa về trụ sở công an phường trước thời gian diễn ra phiên xử.
Trước thời gian diễn ra phiên xử, hai luật sư Võ An Đôn và Nguyễn Khả Thành, được mẹ của Quốc Duy, bà Nguyễn Thị Nay mời bào chữa miễn phí.
Tuy nhiên đơn xin bào chữa bị từ chối.
‘Từ chối bào chữa’
Trao đổi với BBC Tiếng Việt, luật sư Nguyễn Khả Thành, một trong hai người tình nguyện bào chữa kể lại: “Chúng tôi nộp đơn bào chữa vào cách đây khoảng ba tuần. Theo quy định của pháp luật thì trong vòng ba ngày, cơ quan tiến hành tố tụng, ở đây là tòa án, phải cấp giấy cho luật sư.”
“Nhưng sau đó chúng tôi đợi một tuần sau khi nhận được văn bản từ chối luật sư với lý do em Duy ở trong trại giam đã viết đơn nhờ một luật sư là luật sư Bạch Mai của Đoàn luật sư Khánh Hòa và trong đơn đó Duy cũng viết không nhận một luật sư nào khác bào chữa cho em.”
“Đó là theo thông báo của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa trả lời cho chúng tôi, chứ chúng tôi cũng chưa bao giờ thực sự thấy bức thư đó là thế nào. Với lý do đó, tòa án tỉnh Khánh Hòa đã từ chối cho chúng tôi bào chữa.”
Tuy bị từ chối, luật sư Khả Thành cũng cho biết ông đã làm đơn kiến nghị gửi chánh án tòa án Khánh Hòa vì cho rằng sự việc “khá lạ”.
“Cái đơn đó hoàn toàn đó không thể hiện được ý chí thật sự của em Duy vì theo chị Nay là mẹ em Duy thì Duy ở nhà không có quen biết bất cứ một luật sư nào khác. Và người nhà cũng thế.
“Nên bây giờ đường đột vậy. Nếu mà Duy biết thì ngay từ lúc mới bắt và khởi tố Duy, thì em đã nhờ người luật sư đó ngay nhưng cho đến bây giờ trước khi xử vài tuần có một cái đơn như vậy.
“Theo chúng tôi nghĩ như vậy hoàn toàn không phù hợp với nguyện vọng của Duy. Do vậy, trong cái đơn kiến nghị của chúng tôi, chúng tôi mong muốn được gặp luật sư hoặc người nhà trực tiếp gặp Duy để hỏi cái đơn đó có phải thực sự là nguyện vọng của Duy hay không. Hoặc là cho đến thời điểm này Duy có giữ yêu cầu là từ chối hay không.”
Luật sư này nói ông và gia đình Quốc Duy “không được tòa án tỉnh Khánh Hòa trả lời theo quy định của pháp luật”.
Sau phiên xử sáng 23/8, Nguyễn Hữu Quốc Duy bị phạt ba năm tù giam, Nguyễn Hữu Thiên An bị phạt hai năm tù giam.
Theo luật sư Nguyễn Khả Thành, việc tạm giam tám tháng “dứt khoát là vi phạm pháp luật về tạm giam, tạm giữ rồi.”
Điều 88
Vào năm 2013, luật sư Hà Huy Sơn từng có bình luận về điều 88 Bộ luật Hình sự với BBC. Ông nói:
“Đối với các phiên tòa xét xử tội 79 và 88 nói xét xử là công khai nhưng thực tế là xét xử kín và người thân trong nhiều trường hợp không được dự phiên tòa.
“Nội dung hai điều 79 và 88 qui định không cụ thể và rõ ràng và công dân Việt Nam rất khó xác định ranh giới đâu là quyền của công dân và đâu là hành vi bị nhà nước cấm.
“Vì thực tế như thế nên các cơ quan tiến hành tố tụng dễ áp dụng hai điều này chủ quan và tùy tiện. Hai điều này hạn chế quyền công dân do chính Hiến Pháp Việt Nam qui định.”
Nhiều nhà hoạt động tại Việt Nam từng bị bắt và kết án dựa trên điều 88 này. – BBC