Việt Nam dư thừa lao động nhưng thất nghiệp lớn, kỹ năng yếu kém

Cac Bai Khac

No sub-categories

Việt Nam dư thừa lao động nhưng thất nghiệp lớn, kỹ năng yếu kém

Sơn Nguyên •Thứ Ba, 27/04/2021

Kỹ năng lao động của lao động Việt Nam chỉ đạt 46/100 điểm, xếp thứ 103 thế giới và kém rất xa so với nhóm ASEAN-4 (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines). Lực lượng lao động không chỉ đang già hóa mà trình độ còn thấp khi lao động đã qua đào tạo cũng chỉ đạt 24,5% năm 2020. 

Kỹ năng lao động của Việt Nam chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103 trên thế giới), dẫn tới tình trạng dư thừa lao động nhưng vẫn thiếu người làm. (Ảnh minh họa: Huy Thoai/Shutterstock/2020)

Sức cạnh tranh kém xa nhóm ASEAN-4, chỉ cao hơn Indonesia và Lào
Nhiều đánh giá về thực tế thị trường lao động của Việt Nam vừa được đưa ra trong báo cáo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện, Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) hỗ trợ, truyền thông trong nước đưa tin ngày 26/4.

Bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Phó Trưởng ban Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (CIEM), cho biết mặc dù thị trường lao động của Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực (dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ; từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức; tăng nhận thức về bảo hiểm…) nhưng nhìn chung thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động; chất lượng việc làm chưa cao; phát triển không đồng đều, mất cân đối nghiêm trọng về cung-cầu lao động giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế.

Lao động phi chính thức, lao động phổ thông vẫn chiếm chủ yếu; lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp chỉ ở mức 24,5% năm 2020. Điều này có nghĩa mục tiêu 25% lao động có chứng chỉ vào năm 2020 đã “phá sản”.

Việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp chủ yếu vẫn là sơ cấp và các hình thức đào tạo dưới 3 tháng, chiếm 75,3% năm 2019; ở cấp cao đẳng và trung cấp chỉ 24,7%.

Dù bậc đào tạo thấp, trong đào tạo còn thiếu gắn kết giữa đào tạo và thực hành. Vì thế, kỹ năng lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103 trên thế giới), kém rất xa so với nhóm ASEAN-4 (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines), chỉ cao hơn Indonesia và Lào.

Tình trạng thất nghiệp của lao động 15 – 45 tuổi thường xuyên ở mức cao, năm 2019 chiếm 38,7% tổng số người thất nghiệp. Trong khi đó, lao động Việt Nam đang già hóa, lao động cao tuổi tăng mạnh, lao động trẻ giảm và không đủ thay thế. Năm 2019, tuổi bình quân của lao động là 41 tuổi, tuổi trung vị là 40 tuổi.

Chức năng dịch chuyển lao động theo tín hiệu thị trường chưa rõ ràng. Lao động phân bổ không đều, còn bất hợp lý giữa các vùng khi các vùng đất rộng có tỷ trọng lao động thấp (vùng Trung du miền núi phía Bắc chỉ chiếm 13,87%, Tây Nguyên chiếm 6,25% lực lượng lao động).

Bà Quỳnh cho hay nguyên nhân dẫn tới hạn chế thị trường lao động Việt Nam là sự thiếu đồng bộ, triển khai chậm: sắp xếp mạng lưới trường lớp chưa đi cùng với hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển trường lớp; xác định các ngành nghề trọng điểm nhưng chưa có chính sách gắn kết giữa cơ sở giáo dục với doanh nghiệp; Cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục chưa đi cùng với tự chủ về con người, về chương trình đào tạo; thiếu nguồn lực để thực hiện; mức tiền lương tối thiểu vùng đối với khu vực tư nhân được xác định trên quan hệ 3 bên: Nhà nước, người sử dụng lao động (giới chủ) và người lao động (công đoàn), nhưng chưa đảm bảo được cuộc sống; cơ chế phân phối tiền lương đổi mới chậm, thực chất mới điều chỉnh tăng lương cơ sở.

Cùng với đó, các trung tâm dịch vụ việc làm công lập thiếu năng động, vẫn mang tính hành chính, phục vụ chủ yếu đối tượng bảo hiểm thất nghiệp trong khu vực chính thức, mà chưa có sự kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm tư nhân. Theo báo cáo, hơn một nửa hoạt động tìm kiếm việc làm thực hiện qua những con đường phi chính thức, như bạn bè, người thân; 2 – 3% tìm qua trang web.

Cần đưa tăng trưởng dựa vào tăng năng suất, bao gồm vấn đề về nguồn nhân lực
Nhóm nghiên cứu CIEM nhận định một trong những nội dung quan trọng nhất của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam là chuyển dần từ tăng trưởng dựa trên tăng số lượng các yếu tố đầu vào sản xuất sang tăng trưởng dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Để làm được như vậy, Việt Nam cần thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực theo hướng thúc đẩy chuyển dịch tích cực các nguồn lực sản xuất sang các ngành, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh hơn, năng suất lao động cao hơn và đóng góp tốt hơn vào quá trình phát triển kinh tế Việt Nam, trong đó có nguồn lực lao động.

Các chuyên gia của CIEM đề xuất cần sửa đổi Luật Việc làm phù hợp với các hình thái việc làm mới, quan hệ lao động mới, cần sửa đổi chính sách tiền lương gắn với năng lực, hiệu quả lao động. Đánh giá hiệu quả công việc bằng cách xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá thực hiện công việc (KPI) cho từng vị trí việc làm; tinh gọn bộ máy quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức chính trị – xã hội. Ngoài ra, cần đổi mới các trung tâm dịch vụ việc làm công lập; khuyến khích phát triển các doanh nghiệp dịch vụ việc làm tư nhân…

Chỉ ra nghịch lý tại một số địa phương là khu vực chính thức (làm công ăn lương, doanh nghiệp) rất lớn nhưng trình độ lao động qua đào tạo lại thấp hơn so với bình quân cả nước, ông Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội thừa nhận không đầu tư cho giáo dục thì sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn: lao động có kỹ năng thấp kéo theo thu nhập thấp. Do vậy, vai trò chủ động ký kết với các cơ sở đào tạo của doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng. Ông Hiến cho rằng cần có quy định yêu cầu doanh nghiệp đóng quỹ này, chẳng hạn rà soát tỷ lệ lao động phổ thông trong doanh nghiệp ở mức nào thì phải đóng quỹ.

Ngoài ra, các chuyên gia góp ý quy hoạch phát triển các tỉnh/vùng phải quan tâm đến phát triển khu vực kinh tế trọng điểm, các khu/cụm công nghiệp theo mô hình cụm liên kết ngành gắn với chuỗi giá trị để vừa khai thác và phát huy lao động tại chỗ, lao động giản đơn, vừa thu hút được lao động chất lượng cao và dần tạo tác động lan tỏa cải thiện mặt bằng chất lượng lao động. Khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động lớn tuổi; hỗ trợ tạo việc làm cho các đối tượng yếu thế, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do tác động của tái cấu trúc kinh tế, hội nhập, ứng dụng/chuyển giao công nghệ mới và tác động của dịch bệnh…

Sơn Nguyên – https://trithucvn.org/kinh-te/viet-nam-du-thua-lao-dong-nhung-that-nghiep-lon-ky-nang-yeu-kem.html