Việt Nam có thể sẽ đối mặt với những căng thẳng lớn hơn nếu Trung Quốc xây Sân bay Tri Tôn.
RFA
2023.08.22
Vị trí đảo Tri Tôn ở cực tây quần đảo Hoàng Sa và đảo Lý Sơn ngoài khơi Quảng Ngãi (Ảnh minh họa, chụp từ Google Map, RFA chú thích.)
Google map/ RFA
Tin tức Trung Quốc có thể đang xây dựng một đường băng mới trên đảo Tri Tôn, nằm ở cực tây của quần đảo Hoàng Sa và cách đảo Lý Sơn ở Quảng Ngãi khoảng 100 hải lý, chính quyền các bên liên quan chưa đưa ra nhận xét cụ thể.
Phản hồi
Tuy nhiên, hôm 17/8, truyền thông Việt Nam đưa tin rằng bà Phạm Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã lưu ý rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác minh các báo cáo về nỗ lực bồi đắp công sự của Trung Quốc trên đảo Tri Tôn.
Về phía Mỹ, hôm 17 tháng 8 ông Vedant Patel, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, khi một nhà báo hỏi “Ông có ý kiến gì về báo cáo của Associated Press rằng Trung Quốc dường như đang xây dựng một đường băng trên một hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông mà Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền, đảo Tri Tôn, theo ảnh vệ tinh? Điều đó có mâu thuẫn với việc theo đuổi một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở không?” Ông Patel không trả lời trực tiếp câu hỏi hay đề cập cụ thể đến đảo Tri Tôn mà trả lời như sau:
“Tự do hàng hải và tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông là những lợi ích sống còn đối với thế giới – toàn bộ cộng đồng quốc tế. Quan điểm của chúng tôi là việc Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Đông, việc nước này sẵn sàng sử dụng vũ lực và đe dọa, cùng với các hành động khiêu khích khác được thực hiện để thực thi sự bành trướng của nước này một cách bất hợp pháp – ở Biển Đông, là những loại hoạt động làm suy yếu hòa bình và an ninh của khu vực. Và Bắc Kinh đã không đưa ra cơ sở pháp lý chặt chẽ nào cho các yêu sách hàng hải mở rộng của mình ở Biển Đông. Và nhân danh thực thi các yêu sách hàng hải mở rộng và phi pháp của mình ở Biển Đông, CHND Trung Hoa đang can thiệp vào các quyền và tự do hàng hải vốn có của tất cả các quốc gia.”
Về đường băng sân bay mới mà Trung Quốc dường như đang xây dựng trên đảo Tri Tôn, GS Carl Thayer lưu ý rằng vị trí địa lý của nó dường như ngụ ý rằng Trung Quốc có thể đang tăng cường năng lực hoạt động trong khu vực, ví dụ như khả năng giám sát hàng hải và tìm kiếm cứu nạn. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cũng có cùng quan điểm với ông Carl Thayer. Ông cho rằng căn cứ Tri Tôn sẽ tăng sức ép lớn hơn lên Việt Nam trong tương lai gần.
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt còn cho rằngmột đường băng khoảng 600 m thì có lẽ thích hợp với trực thăng và các máy bay không người lái, máy bay cỡ nhỏ, máy bay vận tải. Còn các máy bay chiến đấu cỡ lớn thì cần đường băng dài khoảng 3000 mét. Đây có lẽ chỉ là bước đầu. Hiện nay đang ở giai đoạn thăm dò nên họ (TQ-PV) làm một đường băng vừa phải, khoảng 600 m. Mặt khác, đường băng này cũng phù hợp để phục vụ cho giai đoạn đầu là giai đoạn xây dựng cơ sở hậu cần để có thể mở rộng hơn nữa đường băng này trong tương lai. Do đó, ông Hoàng Việt cho rằng trong tương lai gần, Trung Quốc chắc chắn sẽ phát triển nó thành một sân bay kiên cố hơn.
Vẫn theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, sân bay Tri Tôn ở quy mô hiện nay tuy nhỏ nhưng vẫn có thể sử dụng cho máy bay không người lái. Máy bay không người lái dùng cho chiến đấu, tuần tra và do thám đã chứng minh tính quan trọng của nó trong chiến tranh như được thể hiện trong cuộc chiến Ukraine hơn một năm qua. Trung Quốc đã cung cấp cho Nga các linh kiện để Nga lắp ráp các máy bay không người lái quân sự.
Xung đột Việt Nam- Trung Quốc: Có thể có!
Đối với Việt Nam, hiện toàn bộ quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc kiểm soát. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng hiện nay không có lý do để lo lắng Trung Quốc tấn công Việt Nam trên đất liền, nhưng khả năng xảy ra xung đột ở Trường Sa là có. Tuy nhiên, khoảng cách từ Hoàng Sa tới Trường Sa cũng khá xa. Cho nên sân bay ở Tri Tôn chưa phải là một mối đe dọa ngay lập tức.
Mặc dù vậy, nhà nghiên cứu Hoàng Việt lưu ý, trong tương lai, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những căng thẳng ngày càng lớn hơn ở khu vực biển Hoàng Sa và vùng biển phụ cận. Ông nói năm 2022, một tàu cá Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Hành động của Trung Quốc ở Hoàng Sa rất khó hiểu. Có những lúc Trung Quốc ngăn chặn rất gắt gao tàu cá Việt Nam vào ngư trường này, nhưng cũng có lúc mở cho ngư dân Việt Nam đánh cá gần sát khu vực họ đã hiện diện. Trung Quốc có thể có những tính toán nào đó của họ. Theo ông, đây là điều Việt Nam nên theo dõi để có đối sách thích hợp.
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt nhận xét rằng điều quan trọng khi xem xét các căn cứ quân sự trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là các mối nguy hiểm tiềm ẩn mà nó đem lại cho Việt Nam trong tương lai. Bởi vì nếu như trước đây người ta cho là Trung Quốc khó có thể tấn công khu vực Trường Sa do máy bay chiến đấu phải bay một khoảng cách khá xa. Nếu bay từ đảo Hải Nam ra Trường Sa để tấn công thì có khả năng không còn nhiên liệu bay về. Nhưng tình hình đã thay đổi khi Trung Quốc cải tạo đảo và quân sự hóa nhiều thực thể địa lý tại Hoàng Sa và Trường Sa, biến nó thành những căn cứ hậu cần, tiếp liệu và tác chiến lớn.
“Khi Trung Quốc quân sự hóa hoàn toàn được Hoàng Sa và Trường Sa, họ có thể biến một số thực thể địa lý tại đây thành những tàu sân bay không chìm trên biển”, do đó, theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, để phán đoán về các động thái tiếp theo của Trung Quốc ở đảo Tri Tôn, cần xét cả hai mặt quân sự và dân sự. Ông đưa ra phân tích:
“Đối với hải quân và kinh tế biển, Trung Quốc có thể phát triển các cơ sở thành thành những trung tâm tiếp liệu. Điều đó giúp các đội tàu của họ, gồm cả quân sự và dân sự, có thể vươn ra xa hơn ngoài khơi.
Gần đây, chúng ta thấy trong các sự kiện Trung Quốc gây hấn với Philippines ở bãi Cỏ Mây và đảo Thị Tứ thì các đội tàu dân quân biển và hải cảnh của Trung Quốc rất đông. Họ có thể hiện diện dài ngày tại khu vực rất xa đất liền vì có cơ sở tiếp liệu tại chỗ”.
Xét từ trường hợp Trường Sa như vậy, ông Hoàng Việt cho rằng Việt Nam cần nhìn trở lại Hoàng Sa, khi Trung Quốc có khả năng nâng cấp đảo Tri Tôn thành một căn cứ quân sự và hậu cần lớn trong tương lai. Cho dù Trung Quốc nâng cấp Tri Tôn thành cơ sở dân sự thuần túy hay biến nó thành căn cứ quân sự thì cũng sẽ đe dọa tới Việt Nam. Vì họ có thể dùng Tri Tôn làm cơ sở tiếp liệu để duy trì đội tàu uy hiếp, xâm phạm vùng biển, cản trở các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí một cách hợp pháp của các quốc gia khác trong khu vực.
RFAViet