Việt Nam: Chiến hạm Pháp Tonnerre thăm cảng Cam Ranh – TC lập đội dân quân trên biển
Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam loan báo: Chiến hạm chở trực thăng Tonnerre thuộc lớp Mistral của Hải quân Pháp ghé thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam trong bốn ngày 02-06/05/2016. Thông cáo cho biết đây là dấu hiệu của «ý hướng tăng cường hợp tác giữa quân đội và chính phủ hai nước».
Trong chuyến thăm hữu nghị bốn ngày này, thủy thủ đoàn chiến hạm Tonnerre (Sấm sét) tham gia các hoạt động giao lưu, và tiếp xúc với lãnh đạo chính quyền, quân đội tỉnh Khánh Hòa, vùng 4 Hải Quân và Học Viện Hải Quân.
Các thủy thủ Pháp-Việt sẽ cùng luyện tập tìm kiếm, cứu hộ, thực hành Bộ quy tắc ứng xử cho các cuộc gặp bất ngờ trên biển. Đây là lần thứ hai chiếc Tonnerre thăm Việt Nam, trong khuôn khổ chiến dịch Jeanne d’Arc.
Chiếc BPC Tonnerre (L9014) là một trong ba tàu chỉ huy và đổ bộ của Pháp, thuộc loại tàu có trọng tải lớn chỉ đứng sau hàng không mẫu hạm nguyên tử Charles De Gaulle. Chiến hạm dài 199 mét, rộng 32 mét, trọng tải 21.300 tấn, đã từng tham gia can thiệp quân sự Harmattan tại Libya năm 2011.
Như vậy là sau khi được khánh thành ngày 8/3, đã có ba chuyến thăm của chiến hạm ngoại quốc đến cảng quốc tế Cam Ranh. Đầu tiên là tàu RSS Endurance của Hải quân Singapore vào ngày 17/3, sau đó là hai chiến hạm Nhật Ariake và Setogiri ngày 12/4.
Cam Ranh là cảng có vị trí chiến lược ở Biển Đông, nằm trong vịnh kín gió, có thể tiếp nhận 18 tàu cùng lúc và tàu bè có thể neo đậu trong điều kiện giông bão đến cấp 8. – RFI
***
Đoàn tàu đánh cá TC ở đảo Hải Nam được tổ chức thành đội ngũ, học tập quân sự, trang bị vũ khí, được cấp xăng và nước đá miễn phí để vừa đánh bắt hải sản vừa “bảo vệ chủ quyền” ở Biển Đông. Tin này do chính quyền Hải Nam xác nhận với Reuters.
Theo tuyên bố của phát ngôn viên bộ ngoại giao TC Lục Khảng thì “không báo giờ có chuyện Trung Quốc huy động ngư dân để khẳng định chủ quyền biển đảo”.
Trên thực tế, theo Reuters, hàng chục ngàn tàu cá được trang bị vũ khí, hệ thống truyền tin, ngư phủ học tập quân sự trở thành dân quân phục vụ trên vùng Biển Đông.
Khóa huấn luyện đầu tiên gồm cứu hộ, chiến đấu và thu thập thông tin tình báo được tổ chức trên bộ và sẽ thực tập trên biển từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay. Chính quyền Hải Nam cho biết trả tiền cho các ngư dân đi học quân sự. Khoảng 50.000 tàu đánh cá được trang bị hệ thống liên lạc với lực lượng tuần duyên, báo cáo tình hình, sự hiện diện của hải thuyền nước ngoài.
Ngư dân TC được tài trợ thay thế thuyền gỗ bằng thuyền vỏ thép và có trang bị súng. Họ tin rằng quân đội TC đã “đủ mạnh” để bảo vệ họ nếu gặp kháng cự .
Trả lời phỏng vấn của Reuters, một chủ công ty họ Trần cho biết hãng của ông được nhà nước tài trợ để mua tàu đánh cá loại lớn bằng thép, trọng tải hàng trăm tấn, để đánh cá tận Trường Sa và “bảo vệ chủ quyền tổ quốc” chống tàu cá nước ngoài xâm phạm.
Tàu cá của công ty của ông Trần dừng chân ở đảo Phú Lâm, đảo Hoàng Sa, nơi có các giàn tên lửa phòng không, để lấy thêm nhiên liệu và báo cáo với tuần duyên. Ông này cho biết rất mong sử dụng các trạm tiếp liệu mà quân đội TC đang xây dựng ở Trường Sa.
Một cố vấn chính quyền Hải Nam giải thích là lực lượng dân quân trên biển đang phát triển mạnh, vì “ngư dân có quyết tâm bảo vệ lãnh hải và quyền lợi quốc gia”.
Một chuyên gia quốc tế cho biết là lực lượng dân quân ngư phủ của TC có nguy cơ gây xung đột với hải quân quốc tế . Cho đến nay chỉ có chiến hạm mới có nguyên tắc ứng xử và liên lạc với nhau để tránh đụng độ vì hiểu lầm.
Vấn đề là một khi dân quân TC với đội tàu cá đông đảo và tối tân thực hiện ý đồ thống trị biển Đông của TC, thì tương lai ngư dân các nước láng giềng ra sao? Các nước liên can có đối sách bảo vệ ngư dân hay thụ động? – Theo RFI