Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa tại Lào và Cam Bốt?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa tại Lào và Cam Bốt?

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (T) và Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (P) chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác song phương tại Phnom Penh ngày 31/03/2012 – Reuters

Theo RFI – Trọng Nghĩa

Vào lúc Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng đặt toàn bộ Biển Đông dưới quyền khống chế của Bắc Kinh, phớt lờ chủ quyền được tuyên bố của Việt Nam đối với hai vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trên đất liền cũng diễn ra một tình hình đáng ngại khác cho Việt Nam : Trung Quốc càng lúc càng tăng cường thế lực tại Lào và Cam Bốt, hai nước láng giềng cho đến nay là đồng minh truyền thống, nằm trong vòng ảnh hưởng của Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra là uy thế ngày càng lớn của Trung Quốc tại Lào và Cam Bốt phải chăng đang trở thành một mối đe dọa cho Việt Nam, đặc biệt trong lãnh vực an ninh, vì nếu Lào và Cam Bốt thực sự rơi vào quỹ đạo của Bắc Kinh, thì rõ ràng là Việt Nam đã lọt vào trong gọng kềm của Trung Quốc.

Phải nói là trong thời gian qua, Trung Quốc không ngừng gia tăng các khoản viện trợ và đầu tư vào Lào và Cam Bốt. Các khoản trợ giúp của Bắc Kinh cho Phnom Penh đã từng được nêu bật cách nay hai năm sau khi Cam Bốt không ngần ngại chiều theo quan điểm của Trung Quốc và đối kháng với Việt Nam và Philippines trong hồ sơ Biển Đông. Riêng những khoản đầu tư của Trung Quốc vào Lào ít được nói tới dù rất đáng kể.

Cuối 2013, Trung Quốc vượt qua Việt Nam để thành nhà đầu tư số một ở Lào

Tuy nhiên, ngày 30/01/2014, Đại sứ Trung Quốc tại Lào Quan Hòa Bình (Guan Huaping) cho biết là tổng trị giá đầu tư của Trung Quốc tại Lào vào cuối năm 2013 đã đạt mức 5,1 tỷ đô la, qua mặt Việt Nam trong tư cách là nhà đầu tư lớn nhất tại Lào.

Cho đến giữa năm 2013, Việt Nam còn là nhà đầu tư số một tại Lào với khoảng 5 tỷ đô la, theo sau là Thái Lan với 4,8 tỷ, còn Trung Quốc chỉ đứng thứ ba với 4 tỷ.

Việc Trung Quốc vượt qua Việt Nam trong vai trò nhà đầu tư lớn nhất tại Lào không phải là điều đáng ngạc nhiên trong bối cảnh từ hơn một chục năm nay Bắc Kinh không ngừng nỗ lực dùng lá bài kinh tế để chiêu dụ các nước Đông Nam Á nói chung, và hai nước Lào và Cam Bốt nói riêng.

Trong một công trinh nghiên cứu về quan hệ giữa Trung Quốc với Lào và Cam Bốt vừa được Viện Thống nhất Quốc gia của Hàn Quốc tại Seoul công bố (Carlyle A. Thayer, “China’s Relations with Laos and Cambodia”, in Jung Ho Bae and Jae H. Ku, eds., China’s Internal and External Relations and Lessons for Korea and Asia), Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về châu Á tại Học viện Quốc phòng Úc đã nêu bật một số lý do chính thúc đẩy Bắc Kinh tăng cường đầu tư vào hai nước Đông Nam Á này cả kinh tế lẫn chính trị:

« Trung Quốc đã làm như vậy chủ yếu vì lý do kinh tế : Họ tìm cách tiếp cận vào các sản phẩm nông nghiệp và nguồn tài nguyên thiên nhiên rất cần cho nền kinh tế đang phát triển nhanh của họ, đồng thời tìm cách phát triển một thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc. Đa phần viện trợ phát triển và đầu tư của Trung Quốc được hướng vào lãnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng và công nghiệp khai khoáng ở cả Lào lẫn Cam Bốt ».

Mặt khác, theo giáo sư Thayer, Trung Quốc cũng muốn tỉnh Vân Nam của họ hội nhập được vào khu vực Đông Nam Á lục địa, do đó, đầu tư và viện trợ của Bắc Kinh cũng tập trung vào việc thành lập một mạng lưới giao thông từ miền Nam Trung Quốc tỏa xuống vùng Đông Nam Á.

Động cơ chính trị: Thông qua Lào và Cam Bốt để tác động lên ASEAN

Bên cạnh quyền lợi kinh tế, theo giáo sư Thayer, Bắc Kinh cũng có động cơ chính trị. Ông giải thích:

« Trung Quốc tìm cách phát triển mối quan hệ thân thiện với Lào và Campuchia để thu hút sự ủng hộ cho một loạt chính sách quan trọng của Bắc Kinh. Ví dụ, tất cả các thỏa thuận hợp tác song phương dài hạn mà Trung Quốc đã ký kết với các thành viên ASEAN trong những năm 1999-2000 đều có điều khoản liên quan đến chính sách Một nước Trung Quốc duy nhất.

ASEAN đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Yếu tố đó đã nâng cao tầm quan trọng của Lào và Cam Bốt trong một khuôn khổ đa phương. Lợi ích của Trung Quốc là làm sao có được quan hệ tốt với Lào và Cam Bốt (và với tất cả các thành viên ASEAN khác) để họ làm cầu nối cho ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Trung Quốc.

Trong năm 2012 chẳng hạn, khi Cam Bốt làm chủ tịch ASEAN, Trung Quốc đã sử dụng ảnh hưởng của mình trên chính quyền Phnom Penh để tác động đến cuộc thảo luận về Biển Đông trong khối ASEAN. Cam Bốt đã được khen thưởng vì đã hợp tác. Sắp tới đây, vào năm 2016, đến lượt Lào lên làm chủ tịch ASEAN ».

Đối với Giáo sư Thayer, dù rất hữu hảo với Trung Quốc để tranh thủ các quyền lợi về kinh tế, nhưng Lào và Cam Bốt vẫn cố gắng duy trì quyền độc lập tự chủ của mình. Trong lãnh vực này, Lào có vẻ thành công hơn Cam Bốt. Giáo sư Thayer phân tích :

« Lào dường như đã thành công hơn Cam Bốt trong việc duy trì quyền tự chủ của mình nhờ sự hiện diện mạnh mẽ về kinh tế của Thái Lan và Việt Nam… Cam Bốt thì gặp khó khăn nhiều hơn vì quan hệ với Thái Lan thì bị các tranh chấp biên giới khuấy động, trong lúc bang giao với Việt Nam thì lại là một vấn đề chính trị gây tranh cãi trong nước. Chính quyền của đảng Nhân dân Cam Bốt của ông Hun Sen đã không theo đuổi được một chính sách cân bằng mà đã trở thành phụ thuộc vào Trung Quốc. »

Ảnh hưởng không ngừng gia tăng của Trung Quốc tại hai láng giềng phía Tây và Tây Nam Việt Nam phải chăng là một mối đe dọa cho nền an ninh của Việt Nam ? Trả lời phỏng vấn của RFI bằng thư điện tử, Giáo sư Thayer cho rằng trong lãnh vực an ninh thuần túy, xu thế đó không phải là điều đáng ngại đối với Việt Nam.

Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn:

RFI : Giáo sư có nghĩ rằng việc quan hệ được tăng cường giữa Trung Quốc với Cam Bốt và Lào đang là (hoặc sẽ là) một mối đe dọa đến an ninh của Việt Nam hay không?

Thayer : Quan hệ song phương của Trung Quốc với Cam Bốt và Lào không tạo nên một mối đe dọa an ninh trực tiếp nào đối với Việt Nam hiện nay, và trong tương lai, tình hình hoàn toàn có thể sẽ cũng như vậy.

Cả Cam Bốt lẫn Lào đều tìm cách bảo đảm cho mình một quyền tự do hành động nhất định. Quan hệ giữa Cam Bốt và Lào với Trung Quốc, trong một chừng mực nào đó, cũng sẽ được điều hòa thông qua khối ASEAN mà cả hai nước này đều là thành viên.

Hai mục tiêu của Bắc Kinh tại Cam Bốt và Lào

Trung Quốc tìm kiếm lợi ích kinh tế tại Cam Bốt và Lào. Riêng tại Lào, Trung Quốc phải cạnh tranh với Thái Lan và Việt Nam.

Bắc Kinh cũng hy vọng là không nước nào đề ra một chính sách đối ngoại thiếu thân thiện và chống lại lợi ích của Trung Quốc. Cho đến giờ không có bằng chứng nào cho thấy là Bắc Kinh đã gây áp lực để buộc Phnom Penh hay Vientiane phải chọn lựa giữa Bắc Kinh và Hà Nội.

Quan hệ quân sự của Trung Quốc với Cam Bốt và Lào rất hạn chế, do đó không tạo thành một mối đe dọa cho Việt Nam. Sĩ quan quân đội Trung Quốc có mặt trên cả lãnh thổ Cam Bốt lẫn Lào để quản lý các chương trình hợp tác quốc phòng. Số lượng của của họ không đông lắm, nên không có gì là đáng ngại cho Việt Nam.

Trong thực tế, Việt Nam có mối quan hệ hợp tác quốc phòng tương đối mạnh mẽ với cả hai nước Lào và Cam Bốt trong lãnh vực đào tạo sĩ quan.

Lào giữ một vị trí đặc biệt trong mối quan hệ an ninh với Trung Quốc bỏi vì hai bên chia sẻ một đường biên giới chung và đều phải đối phó với các mối đe dọa xuyên quốc gia. Tuy nhiên, đấy cũng là tình hình giữa Lào và Việt Nam.

Cam Bốt đang hướng trở lại Việt Nam

Ngoại trừ thời kỳ cách nay hai năm, khi Cam Bốt – trong tư cách là Chủ tịch ASEAN – đã tìm cách ngăn không cho nhắc đến vấn đề Biển Đông trong Thông cáo chung của các Ngoại trưởng ASEAN, Cam Bốt không còn bị Trung Quốc sử dụng như một con tốt chính trị nhằm gây thiệt hại cho Việt Nam.

Có những dấu hiệu cho thấy là Trung Quốc bắt đầu giữ khoảng cách với Thủ tướng Hun Sen do kết quả kém cỏi của Đảng Nhân dân Cam Bốt trong cuộc bầu cử Quốc hội mới đây. Bắc Kinh không muốn là tình trạng bất ổn định tại Cam Bốt lan rộng và đe dọa các lợi ích kinh tế của Trung Quốc.

Bắc Kinh như đang kín đáo điều chỉnh sách lược để giảm thiểu rủi ro trong trường hợp đảng Nhân dân Cam Bốt bỏ rơi ông Hun Sen, hay trong trường hợp lãnh tụ đối lập Sam Rainsy lật đổ chế độ của đảng Nhân dân Cam Bốt.

Thủ tướng Hun Sen dường như đã nhận thấy sự thay đổi đó, và đã chuyển hướng quay sang tìm kiếm một quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản và tăng cường trở lại quan hệ với Việt Nam.

RFI : Nhiều người cho rằng Trung Quốc hiện đang áp dụng một chính sách ép Việt Nam từ hai phía, trên biển là từ Biển Đông, còn trên bộ là củng cố thế lực tại hai nước sát cạnh Việt Nam là Lào và Cam Bốt. Ý kiến của giáo sư ra sao ?

Thayer : Vấn đề thực sự nghiêm trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc là tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên tại vùng Biển Đông. Không thấy có dấu hiệu là Trung Quốc đang tìm cách kềm chế Việt Nam, trái lại, Bắc Kinh còn đẩy mạnh thêm quan hệ với Hà Nội. Trung Quốc thường tìm cách làm dịu các chính sách hay hành động nào của Việt Nam mà có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của họ.

Mục tiêu lớn của Bắc Kinh là làm sao kết nối các tỉnh miền Nam Trung Quốc với vùng lục địa Đông Nam Á. Trung Quốc lợi dụng sức mạnh kinh tế của mình và mong muốn phát triển của cả ba nước Lào, Cam Bốt và Việt Nam để thực hiện mục tiêu trên.

Tuy nhiên, trong phương trình đó, lại có sự tồn tại của Mỹ trong tư cách là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho Việt Nam và Cam Bốt.

Phản ứng bất bình của người dân trước cung cách làm ăn của Trung Quốc

RFI : Giáo sư đánh giá thế nào về phản ứng của Việt Nam trước đà vươn lên của Trung Quốc tại Lào và Cam Bốt ? Bởi vì Hà Nội tất nhiên là đã thấy rõ sự gia tăng nhanh chóng của ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Lào và Cam Bốt ?

Thayer : Việt Nam nhận thức rất rõ về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Cam Bốt và Lào. Thế nhưng, ảnh hưởng của Trung Quốc cũng gia tăng khắp nơi, và Việt Nam hiểu rõ xu thế đó.

Đối với Lào, Việt Nam có duy trì các mối quan hệ hữu hảo giữa hai đảng cầm quyền. Các tầng lớp chính trị Lào cũng tìm cách duy trì mối quan hệ lịch sử với Việt Nam. Cho dù trong Đảng Nhân dân Cách mạng Lào có một số quan điểm cho rằng đất nước này sẽ có lợi nhiều hơn nếu đứng hẳn về phía Trung Quốc, nhưng các thành phần này đã không thắng được phía chủ trương tìm kiếm một sự cân bằng trong mối quan hệ với Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

Cũng cần phải lưu ý rằng hiện đang có một làn sóng ngầm – hoặc một phản ứng ngược – của một bộ phận quan trọng trong dân chúng ở cả Lào lẫn Cam Bốt, chống lại công việc kinh doanh của người Trung Quốc tại hai quốc gia này.

Nguyên nhân bắt nguồn từ cung cách làm ăn thô bạo của các doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có việc lấy đất của người dân, và đưa lao động Trung Quốc đến làm việc ở các nước đó.

Việt Nam có vai trò đối trọng với thế lực Trung Quốc tại Lào và Cam Bốt

RFI : Tầm mức quan trọng hiện nay của Việt Nam tại hai nước láng giềng Lào và Cam Bốt là như thế nào ?

Thayer : Việt Nam rất quan trọng đối với Lào và Cam Bốt về phương diện kinh tế, vì lẽ Việt Nam là một tác nhân kinh tế lớn trong khu vực. Gần đây, lượng hàng hóa Việt Nam đổ vào Cam Bốt đã tăng vọt nhờ vào khủng hoảng biên giới giữa Cam Bốt và Thái Lan.

Việt Nam cũng rất quan trọng đối với hai láng giềng trên bình diện an ninh do các hoạt động tội phạm xuyên quốc gia dọc theo đường biên giới chung giữa hai bên.

Sau cùng, Việt Nam quan trọng đối với Lào và Cam Bốt trong vai trò một đối trọng tiềm tàng cho hai nước này trước Trung Quốc.

Suy cho cùng, cả ba nước đều là thành viên của ASEAN và đã xây dựng một kiểu liên minh đặc biệt (bao gồm cả Miến Điện) để vận động toàn khối dành cho họ một cách đối xử đặc biệt trong tư các là các nước kém phát triển của ASEAN.

Cả ba nước đều chia sẻ một quan tâm chung đến tình trạng tốt của vùng hạ nguồn sông Mêkông và sự phát triển của khu vực được gọi là Đại Tiểu vùng sông Mêkông.