Việt Nam bắt Đường Văn Thái: Đấu đá phe nhóm hay đàn áp nhân quyền?
0/04/2023
Vụ bắt YouTuber Đường Văn Thái, người chuyên đưa tin chính trị nội bộ
Việt Nam và đã tị nạn ở Thái Lan từ năm 2019 đã được Cao uỷ Liên Hiệp
quốc về người tị nạn (UNHCR) cấp quy chế tị nạn vào tháng 7/2020, đang
tạo ra nhiều suy đoán về động lực đằng sau vụ bắt giữ, mà nhiều người tị
nạn cho là “bắt cóc” này, khi nó xảy ra vào thời điểm vô cùng nhạy cảm
là chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Blinken tới Việt Nam.
Thông tin chính thức về vụ bắt giữ ông Đường Văn Thái cho tới nay chỉ
dừng lại ở bản tin duy nhất được đăng hàng loạt trên báo chí chính
thống rằng công an Hà Tĩnh vào ngày 14/4 phát hiện một đối tượng “không
có giấy tờ tuỳ thân, xâm nhập trái phép vào Việt Nam qua đường mòn, lối
mở ở khu vực biên giới thuộc xã Sơn Kim 1” và “đối tượng khai nhận tên
Đường Văn Thái”.
Đấu đá nội bộ
Blogger Người Buôn Gió (Bùi Thanh Hiếu), một trong những blogger có
nhiều thông tin nội bộ chính trị Việt Nam hiện đang sống ở Đức, cho rằng
vụ bắt ông Đường Văn Thái là một động thái nhắm đến nhiều mục tiêu.
Trong đó, lý do lớn nhất dẫn đến vụ bắt giữ là ông Thái đã đưa nhiều
thông tin được xem là “mật”, kể cả thông tin cá nhân liên quan đến các
quan chức Việt Nam.
“Đấy chính là nguyên nhân bắt ông Đường, nhưng họ kết hợp với việc
ông Ngoại trưởng Mỹ sang vào ngày 14/4”, ông Bùi Thanh Hiếu nói với VOA.
Ông Hiếu cho biết theo những thông tin ông nhận được thì ông Đường
Văn Thái “bị đánh thuốc mê” nên chưa thể tỉnh lại. Bởi vậy, phía nhà
chức trách Việt Nam không thể cung cấp cho báo chính Việt Nam một tấm
ảnh nào khi thông tin về vụ bắt giữ.
Trên trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam, đăng kèm bản tin về
việc bắt ông Đường Văn Thái là ảnh ba người đàn ông Trung Quốc vượt
biên sang Lào hồi tháng 2/2023.
“Cái tội danh mà báo đưa tin thì ông Đường chỉ bị tạm giữ trong vòng
12 tiếng và bị phạt từ 3 – 5 triệu đồng thôi chứ không được quyền giam
giữ ông ấy. Tội của ông ấy là không qua lại biên giới theo đúng quy
định, chứ không phải tội xuất nhập cảnh trái phép vì ông ấy là người
Việt Nam. Người nước ngoài mà vào Việt Nam đi theo đường đó mới gọi là
xuất nhập cảnh trái phép”, ông Bùi Thanh Hiếu lý giải thêm.
Một nguồn tin am tường từ Hà Nội cho VOA biết ông Đường Văn Thái đã
bị công an Việt Nam bắt đưa qua đường Lào, không phải là nhập cảnh trái
phép như báo chí đăng. Nguyên nhân ông bị bắt là do những thông tin mà
ông có được từ bè nhóm cấp cao “mớm” cho để phục vụ cho việc đấu đá nội
bộ. Tuy nhiên, theo nguồn tin không muốn tiết lộ danh tính này, rất
nhiều trong số tin được mớm là tin giả.
VOA không thể kiểm chứng tính xác thực của thông tin này.
“Chuyện này là do bọn ở trong kia (nội bộ Việt Nam) nó ghét nhau,
muốn hại lẫn nhau nên nó tuồn tin ra cho ông Đường. Ông này cứ thế đưa
lên thôi”, blogger Người Buôn Gió, người thường xuyên nhận được nhiều
tin “mật” từ Việt Nam nói với VOA.
Nhận định về mức độ chính xác của những tin “mật” mà ông Đường Văn
Thái tung ra trong thời gian qua, ông Bùi Thanh Hiếu cho rằng “Có những
tin chính xác, có những tin không chính xác. Đợt trước tin của ông ấy
sai khoảng 50/50. Nhưng mấy tháng gần đây, tin của ông ấy 10 phần thì 8
phần đúng, 2 phần thì không biết”.
Trong khi chưa có thông tin chính thức tiếp theo về tình trạng của
ông Đường Văn Thái, LS. Nguyễn Văn Đài hôm 19/4 kêu gọi “Quý vị nào ở
Việt Nam đã từng cung cấp thông tin, tài liệu cho Đường Văn Thái thì hãy
nhanh chóng rời khỏi Việt Nam” và ông sẽ tư vấn, hỗ trợ nếu cần vì
“Đường Văn Thái chắc chắn sẽ khai ra quý vị”.
“Tất nhiên sẽ có điều tra ra là ai cấp tin này, tin kia cho mày.
Nhưng nó điều tra ra rồi nó để đấy, xử lý ngầm với nhau thôi, chứ nó sẽ
không công bố là ông A, ông B cấp tin cho thằng Đường. Tôi bắt ông A,
ông B và cả thằng Đường này. Chúng nó sẽ không làm thế đâu, vì làm như
thế thì càng dơ mặt, lòi ra là nội bộ chúng nó đấu đá nhau”, ông Bùi
Thanh Hiếu dự đoán.
Có thông qua Thái Lan?
Bình luận về khả năng Việt Nam nhờ phía Thái Lan trợ giúp trong vụ
bắt ông Thái, nguồn tin của VOA và một số nhà hoạt động đều tin rằng khả
năng này rất cao.
“Chắc chắn là có”, ông Bùi Thanh Hiếu khẳng định. “Tại vì trong vụ
Trương Duy Nhất, phía Việt Nam mất tiền nhờ bên Thái bắt, bắt xong thì
họ đưa ra ngoại ô giao cho Việt Nam và Việt Nam đưa về”, ông Hiếu dẫn
chứng về trường hợp của blogger từng cộng tác với Đài Á Châu Tự Do (RFA)
và cũng là người từng đưa nhiều tin mật về nội bộ chính trị Việt Nam.
Trong vụ bắt ông Đường Văn Thái, ông Hiếu suy luận “Có thể họ bảo bên
Thái là tôi mất cho anh ít tiền để làm ngơ đi. Họ phải đề phòng chặt
chẽ, chứ không thôi đang đưa ông Đường đi mà bị hỏi giữa đường thì có
phải dở hơi không?!”
Tương tự, Luật sư Nguyễn Văn Đài, một luật sư nhân quyền tị nạn chính
trị tại Đức, cũng cho rằng “Chắc chắn phải có sự hợp tác giúp đỡ từ
cảnh sát hoặc là an ninh Thái Lan”. Vì theo LS. Đài, “phía Việt Nam họ
phải đề phòng trường hợp nếu như họ ra tay không thành công, Đường Văn
Thái có thể chống cự. Lúc đó nó sẽ bung bét ra và người dân Thái Lan cho
rằng đây là vụ bắt cóc, họ có thể bảo vệ ông Thái và dẫn đến chuyện
những an ninh Việt Nam có thể bị bắt”.
Phân tích về khía cạnh pháp lý, LS. Nguyễn Văn Đài cho biết Việt Nam
và Thái Lan có thỏa thuận về việc trao đổi những người bị cáo buộc là
tội phạm.
“Họ có thể đưa ra một cái lệnh truy nã hay là một cái gì đó của một
cơ quan chức năng của Việt Nam. Từ đó, cơ quan cảnh sát hoặc an ninh
Thái Lan dựa trên cái đó để thực hiện việc bắt giữ công khai rồi sau đó
bàn giao cho Việt Nam”.
Tuy nhiên, theo đánh giá của LS. Đài, việc thực hiện bắt giữ ông Đường Văn Thái theo con đường chính thức này là “rất khó”.
Ông lý giải thêm: “Mặc dù Thái Lan không ký vào hiệp ước về tị nạn
năm 1951 nhưng mà ông Đường Văn Thái đã được Cao uỷ LHQ tại Bangkok Thái
Lan cấp cho quy chế tị nạn. Thế nên để bắt giữ hợp pháp thì ít nhất nhà
chức trách Thái Lan cần phải thông báo cho Cao ủy LHQ rằng là họ thực
hiện thỏa thuận giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Thái Lan trong vụ
của ông Đường Văn Thái”.
Trước đó, vào ngày 13/4, ông Đường Văn Thái đã được UNHCR phỏng vấn và đồng ý cho đi tị nạn ở một quốc gia phương Tây.
Nguồn tin của VOA nói quan hệ về an ninh giữa các nước trong ASEAN
rất “chặt chẽ”. Riêng giữa Việt Nam và Thái Lan, mối quan hệ giữa hai
bên đã tốt lên sau khi Việt Nam rút toàn bộ quân đội ra khỏi Campuchia
vào năm 1989.
“Tốt lên nhanh nhất là quan hệ giữa hai quân đội và hai lực lượng an
ninh. Quan hệ với cảnh sát Thái Lan không tốt nhưng lại dễ là vì cảnh
sát Thái Lan tham nhũng lắm nên bỏ tiền ra mua dễ”, nguồn tin ẩn danh
nói với VOA.
VOA đã liên lạc cơ quan di trú và cảnh sát Thái Lan để yêu cầu bình luận nhưng chưa nhận được phản hồi.
An toàn cho người tị nạn
Dựa vào những thông tin có được, cả LS. Nguyễn Văn Đài và blogger
Người Buôn Gió đều cho rằng việc chuẩn bị bắt ông Đường Văn Thái đã diễn
ra một thời gian, ít nhất là hơn 10 ngày trước.
“Trước khi bị bắt một tuần, Thái có gặp một số người ở Việt Nam và cả
đặc tình của mật vụ Việt Nam ở Thái. Để cho Thái không đề phòng, những
lần gặp gỡ đều diễn ra ở những nơi rất an toàn, dần dần Thái mất cảnh
giác”, ông Bùi Thanh Hiếu đưa tin.
Theo ông, ngày ông Thái “mất tích”, mật vụ Việt Nam đã hẹn Thái để
đưa chút quà. Điểm hẹn được cho biết là khu trung tâm mua sắm ngoài trời
Asiatique The Riverfront ở Bangkok, Thái Lan.
“Thái không nghi ngờ, anh ta chỉ mặc quần áo ở nhà, đi xe máy, không
cầm theo ví. Chỉ nghĩ ra đến chỗ gặp, nhận qùa rồi về, thế nên khi đi
tâm trạng rất vui vẻ như trong clip cắt ra ở camera”, vẫn theo bài đăng
của blogger Người Buôn Gió.
Trong lúc nhiều người tị nạn Việt Nam đang bày tỏ lo ngại về tình
trạng an toàn, LS. Nguyễn Văn Đài nói với VOA rằng “Cho tới thời điểm
hiện nay thì không có một chút an toàn nào cho tất cả những người bất
đồng chính kiến hay những người đối lập với nhà nước Việt Nam khi mà họ
đang cư trú tạng chính trị tại Cambodia, tại Thái Lan hay tại những nước
có đường bộ”.
Ông cho biết ngay bản thân ông khi đang cư trú ở Đức, kể từ khi vụ
bắt cóc ông Đường Văn Thái xảy ra, ông đã nhận được hàng trăm tin nhắn
đe dọa từ Việt Nam rằng “hết Đường Văn Thái rồi sẽ tới Nguyễn Văn Đài,
Lê Trung Khoa, Bùi Thanh Hiếu…”.
Tại Đức, nơi từng xảy ra vụ “bắt cóc” Trịnh Xuân Thanh đầy tai tiếng,
LS. Nguyễn Văn Đài cho biết ông “luôn được các cơ quan cảnh sát cũng
như an ninh của Đức bảo vệ”. Ông có thể thông báo cho họ bất cứ khi nào
thấy có dấu hiệu nguy hiểm hoặc ngược lại.
“Ví dụ vào tháng 11 năm 2021 rồi, tôi được an ninh Đức cho biết là
tôi phải ở nhà trong 1 tuần để họ cử cảnh sát đến để bảo vệ. Nhưng mình
không biết đó là lý do gì. Mình chỉ biết là mình cần phải ở tại nhà và
có cảnh sát bảo vệ từ xa”LS. Nguyễn Văn Đài nói.
Theo ông, những người tị nạn Việt Nam đang ở Thái Lan hay các quốc
gia khác, đi ra đường luôn phải chú ý xem có người theo dõi mình hay
không. Nếu phát hiện bị theo dõi thì cần phải tìm cách báo cho càng
nhiều đơn vị cảnh sát của nước sở tại càng tốt vì “phía Việt Nam không
thể nào mua toàn bộ tất cả những lượng cảnh sát được”.
Trong vụ bắt giữ ông Đường Văn Thái, LS. Nguyễn Văn Đài cho biết ông
đã nhận được tin nhắn cảnh báo ẩn danh từ Việt Nam về việc này từ tháng
2.
“Họ nhờ tôi thông báo với anh Đường Văn Thái này là anh ấy có nguy cơ
bị thủ tiêu hoặc bị bắt cóc về Việt Nam. Họ nhờ tôi nhắn tin anh Thái
là phải hết sức cẩn thận trong mọi trường hợp. Lúc đó, bản thân tôi
không tin. Tôi không tin được chuyện đó. Tôi không nghĩ có thể sau những
vụ Trịnh Văn Thanh, rồi Trương Duy Nhất, Cộng sản Việt Nam có thể tiếp
tục ra tay trong mối quan hệ quốc tế đang rất là nhạy cảm hiện nay. Tôi
cũng không có giao tiếp trực tiếp với Thái nên tôi quên đi mà không đưa
tin cho ông ấy. Khi vụ bắt cóc xảy ra tôi mới xem lại cái tin nhắn thì
nó đã nhắn tới từ ngày 16/2/2023 rồi”.
Câu trả lời về nhân quyền?
Thời điểm bắt ông Thái cũng được nhiều người quan sát chú ý vì nó xảy
ra vào ngày 14/4, ngay ngày Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken tới
Việt Nam trong một chuyến công du có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực
nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ.
Trong chuyến đi này, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Ngoại trưởng
Blinken đã “nhấn mạnh đến việc tôn trọng nhân quyền” khi ông gặp người
đồng cấp Việt Nam Bùi Thanh Sơn.
“Họ bắt cũng là để trả lời cho ông Ngoại trưởng Mỹ. Ông nói về vấn đề
nhân quyền nên họ nói luôn kiểu như ‘Đây là vấn đề nội bộ, đừng có mà
can thiệp vào, tao bắt luôn cho mày xem, bắt luôn thằng sắp sửa được đi
cho mày xem”, blogger Người Buôn Gió nhận xét.
Ngoài vụ bắt ông Đường Văn Thái, ngay trước chuyến thăm của ông
Blinken, hôm 12/4, Việt Nam tiến hành xử kín và tuyên án 6 năm tù giam
đối với nhà hoạt động, blogger Nguyễn Lân Thắng với cáo buộc tội về
“Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm
nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Chỉ vài giờ trước khi ông Blinken tới Hà Nội, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra
thông cáo lên án Việt Nam về vụ bỏ tù nhà hoạt động chính trị nổi tiếng
và nói rằng quan hệ giữa hai nước chỉ có thể phát huy hết tiềm năng nếu
Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền.
Hôm 18/4, Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) có trụ sở tại Mỹ cũng kêu gọi
Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho nhà báo độc lập Đường Văn Thái cũng
như ngừng quấy nhiễu và bắt bớ những người làm báo sống lưu vong.
VOAViet