Việt Dzũng Chống Nạng Ði Vào Lịch Sử – Giáo Già
10 giờ 35 phút sáng Thứ Sáu 20-12-2013, Việt Dzũng thở hơi cuối cùng trên đường đến bệnh viện, hưởng dương 55 tuổi. Mọi người được tin bàng hoàng xúc động, điện thoại cho nhau hay tin, email cho nhau biết chuyện không ngừng, với niềm thương tiếc sâu xa về những đóng góp không mệt mỏi của Việt Dzũng cho cuộc cứu giúp người tỵ nạn cộng sản, cuộc đấu tranh chống cộng sản độc đảng độc tài trong 38 năm qua.
Ðến tối thừ Sáu 27-12, một buổi tưởng niệm Việt Dzũng được tổ chức tại đài SBTN suốt từ 8 giờ tối đến quá nửa khuya. Vào dịp này, mọi người được nghe những ca khúc quen thuộc của Việt Dzũng, một ca nhạc sĩ tài ba thấm đậm tình quê hương dân tộc, đau niềm đau của những thuyền nhân trên biển cả… trên đường tìm tự do… và dũng cảm đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền cho dân tộc Việt Nam…
Sau đó, trong hai ngày Thứ Bảy và Chúa Nhật [28 và 29/12/2013], từng đoàn người lũ lượt đổ về nhà quàn Peek Family Funeral Home ở nam California để thắp một nén hương cầu nguyện, bày tỏ lòng tiếc thương, mến mộ người nghệ sĩ lỗi lạc, không chỉ cho cao trào đấu tranh trong âm nhạc Việt, mà còn cho cả lịch sử đấu tranh không khoan nhượng đối với Cộng sản Việt Nam.
Ðến sáng Thứ Hai, ngay từ sáng sớm đến hơn 10 giờ, đồng bào tiếp tục đổ về nhà quàn dâng lời cầu nguyện và những chia buồn trước khi di quan tới Giáo đường Thánh Linh để cử hành Thánh Lễ cầu cho Linh hồn GioaKim Nguyễn Ngọc Hùng Dzũng (8/9/1958 – 20/12/2013).
Ðiều rất đáng tiếc xảy ra trong tang lễ Việt Dzũng là chuyện không có nghi thức phủ cờ Quốc gia Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ như sự chờ đợi của một số người; vì gia đình, đặc biệt là mẹ của Việt Dzũng là quả phụ Nguyễn Ngọc Bảy, đã khéo léo từ chối, do những giới hạn hợp lý trong điều lệ phủ cờ, theo những quy định của cơ quan có thẩm quyền, lý do là vì Việt Dzũng không phải là quân nhơn của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Ðiều này đã gây thành cuộc tranh cãi rất đáng tiếc, khiến một số người trong thành phần “chống phá” có cơ hội khai thác, bất lợi cho sự đoàn kết, vốn rất cần cho cuộc đấu tranh chống cộng, đang từng bước dồn Cộng sản Việt Nam lùi dần đến chỗ suy bại.
Nhiều người muốn phủ cờ cho Việt Dzũng quan niệm rằng: “Tuy Việt Dzũng không phải là một quân nhơn trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, nhưng Việt Dzũng là một chiến sĩ kiên cường đấu tranh xuất sắc, đâu có thua các quân nhơn trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, nên rất xứng đáng được phủ cờ; mà đã là chiến sĩ đấu tranh cho đất nước và dân tộc thì đâu có gì để phân biệt là quân nhơn hay dân sự.”
Có lẽ vì vậy mà Cộng đồng người Việt Quốc Gia Bắc California và 31 hội đoàn địa phương tổ chức buổi lễ tưởng niệm và phủ cờ vinh danh Việt Dzũng vào lúc 2 giờ 30 chiều ngày 4 tháng 1 năm 2014 tại hội trường Yerba Buena High School, San Jose, California, USA; với khoảng 300 quan khách tham dự ngồi kín hội trường [Xem Youtube http://youtu.be/TeakDmX2uj8 để nghe và thấy buổi lễ được phóng viên Mỹ Lợi tường thuật đầy đủ trên Diễn đàn Việt Vùng Vịnh http://vietvungvinh.com].
Nghi thức phủ cờ đã vượt lên trên mọi tranh cãi và được thực hiện rất trang nghiêm và long trọng, với lá đại kỳ Quốc gia Việt Nam nền vàng ba sọc đỏ được 8 thanh niên nam nữ kính cẩn nâng dâng, trước bàn thờ có di ảnh của Việt Dzũng [xem hình], chuẩn bị phủ lên sự nghiệp đấu tranh vượt trội cho tự do dân chủ cho đất nước và dân tộc Việt Nam của người chiến sĩ Việt Dzũng. Sau đó, đại kỳ được trân trọng xếp theo đúng nghi cách trước khi đặt lên bàn thờ.
Ðược mời phát biểu trong buổi lễ, với thời lượng ngắn ngủi 4 phút được ban tổ chức ấn định, trong tư cách người của Ðại Gia Ðình Nguyễn Ngọc Huy, Giáo sư Trần Minh Xuân cho biết ngày đầu năm dương lịch, 1/1/2014, lúc chuẩn bị khai bút ông nhận được một email cho biết Việt Dzũng đã về tới Sài Gòn kèm theo một Youtube tường thuật cuộc biểu tình đầu năm của dân oan ở Sài Gòn, nơi công viên cạnh nhà thờ Ðức Bà. Mở Youtube, ông nghe tiếng dân oan hô to những lời “đả đảo cộng sản”; đặc biệt ông thấy rõ nét tấm biểu ngữ lớn nền trắng chữ đỏ viết rõ 2 hàng “Vô cùng thương tiếc cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng”. Như vậy là “Việt Dzũng đã về tới Sài Gòn”.
Hôm sau, 2/1/2014, phóng viên Trà Mi của đài VOA cũng tường thuật cuộc biểu tình tại Sài Gòn trong ngày đầu năm 2014. Bản tin này viết:
“…Thông tin trên các trang mạng xã hội nói cuộc biểu tình từ 8 giờ đến 11 giờ sáng ngày 1/1 quy tụ hàng trăm dân oan bị mất đất từ nhiều tỉnh phía Nam bao gồm Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Ðồng Tháp, Bình Dương và cả TPHCM. Những nguồn tin này cho biết đoàn biểu tình đã tuần hành từ trụ sở tiếp dân ở số 210 Võ Thị Sáu đi qua các con đường chính ở trung tâm thành phố kể cả khu vực Nhà thờ Ðức Bà, trước khi bị lực lượng an ninh trấn dẹp… Một video phổ biến trên Youtube cho thấy đoàn người biểu tình cầm biểu ngữ tố cáo các quan chức nhà nước tham nhũng, cướp đất của dân nghèo. Trong số các băng rôn tại cuộc biểu tình có dòng chữ ‘Vô cùng thương tiếc cố nhạc sĩ Việt Dzũng’, một nhà tranh đấu trong phong trào Hưng Ca nổi tiếng ở hải ngoại, cổ súy dân chủ-nhân quyền cho Việt Nam… Tin cho hay trong số những người bị công an hành hung gây thương tích trầm trọng có bà Trần Ngọc Anh từ Bà Rịa Vũng Tàu phải nhập viện cấp cứu…”
Câu hỏi được đặt ra là những dân oan bị cướp đất đi biểu tình có bao giờ được gặp Việt Dzũng đâu mà “vô cùng thương tiếc”. Câu trả lời được mau lẹ cất lên là qua mạng lưới toàn cầu nhiều người trong nước đã nghe Việt Dzũng hát, đã thấy hình ảnh Việt Dzũng trên sân khấu, đã nghe nói tới Việt Dzũng, đã biết tới Việt Dzũng… tuy chưa một lần gặp mặt, đặc biệt là đã thấy Việt Dzũng qua các băng nhạc của Trung tâm ASIA được chiếu trên các khung ảnh truyền hình, đã nghe tim mình đập chung nhịp đập đấu tranh với Việt Dzũng, nên bước chân của Việt Dzũng trong cuộc hành trình hy vọng một ngày quang phục quê hương khỏi thảm nạn độc đảng độc tài hẳn nhiên là những bước chân đồng nhịp cùng nhau; và chuyện “vô cùng thương tiếc” cũng là chuyện hiển nhiên.
Diễn giả cũng cho biết thêm là sau đó ông đọc lại bài viết của Người Buôn Gió, bút danh của blogger Bùi Thanh Hiếu, một người trẻ luôn có mặt trong các cuộc biểu tình chống Trung quốc, cuộc đấu tranh của dân oan, cuộc đấu tranh của thành phần trẻ đấu tranh cho tự do dân chủ, nhân quyền cho dân tộc Việt Nam. Bài viết của Người Buôn Gió rất chân tình và nỗi tiếc thương dành cho Việt Dzũng cũng rất thiết tha. Xin trích một phần nguyên văn:
“…những ca từ Chút Quà Cho Quê Hương, Lời Kinh Ðêm hay Mời Em Về của anh đọng sâu sắc trong tôi lúc tôi chỉ mười mấy tuổi. Lúc tôi không ý thức nhiều về chính trị, nhưng thân phận con người trong lời ca của những nhạc phẩm mà anh sáng tác thật khủng khiếp. Có lẽ tôi chưa thấy một nhạc sĩ nào vẽ những nét vẽ về thân phận con người mà sự ám ảnh ghê gớm như Lời Kinh Ðêm. Nhất là câu hỏi da diết với trời xanh, biển cả đang làm giông tố quăng quật những con thuyền mong manh giữa trùng khơi… mặc dù anh chưa ra Hà Nội lần nào nhưng nét vẽ của anh về Hà Nội, về một bà mẹ Hà Nội tóc bạc ngồi đâu đó đang tụng lời kinh Phật, tiếng Nam Mô buồn.. làm tôi nhớ người mẹ già của tôi vô vàn. Người mẹ già của tôi đã bao lần ngồi đâu đó ở ngôi chùa nào của Hà Nội tụng kinh khấn Phật mong cho tôi thoát được cảnh ngục tù…”
Người Buôn Gió cũng viết “…trong thâm tâm tôi nếu có dịp sang Mỹ, kiểu gì tôi cũng tìm gặp để chào anh một cái bắt tay”. Ðể rồi, khi được biết Việt Dzũng đã qua đời anh viết tiếp:
“…nếu có dịp mà tôi sang bên đó. Chắc chắn sẽ đến nấm mồ xanh của anh để thắp nén hương cho một trong những người nhạc sĩ Việt Nam, đã viết những nhạc phẩm về thân phận con người sâu sắc nhất”. [Xem toàn văn bài viết của Người Buôn Gió ở phần phụ đính].
Dịp này, qua hình ảnh của cuộc biểu tình đầu năm, và qua Người Buôn Gió, diễn giả cũng nhấn mạnh đến sự hiện diện của tuổi trẻ vượt qua sự sợ hãi trong cuộc đấu tranh ở quốc nội, sự cảm thông của quốc nội với hải ngoại đồng nhịp với sự tích cực yểm trợ của hải ngoại dành cho quốc nội, diễn giả đã thẳng thắn nói:
“Với quá trình đấu tranh của Việt Dzũng được mọi người vinh danh, với những thành quả Việt Dzũng đạt được trong hơn 30 năm qua; trong buổi tưởng niệm và phủ cờ cho Việt Dzũng hôm nay, Ðại Gia Ðình Nguyễn Ngọc Huy xin được bày tỏ lòng thương tiếc sâu xa và sự ngưỡng mộ đặc biệt người chiến sĩ dũng cảm đã hiên ngang chống nạng tận tụy đi vào nền âm nhạc đấu tranh, từ hải ngoại về quốc nội, và cũng hiên ngang chống nạng tận tụy đi vào lòng lịch sử đấu tranh cho đất nước và dân tộc Việt miên viễn sinh tồn”.
Ðúng như nội dung email Giáo Già nhận được ngày đầu năm, và cũng đúng như cuộc biểu tình của dân oan ỡ Sài Gòn ngày đầu năm, Việt Dzũng đã lừng lững hiên ngang đi về Sài Gòn. hiên ngang đi vào lòng tiếc thương của đồng bào quốc nội, hiên ngang mang âm nhạc sát cánh cùng tuổi trẻ và đồng bào cả nước chiến đấu cho tự do dân chủ nhân quyền, cho sự sinh tồn miên viễn của dân tộc. Nó làm lộ rõ sự khốn nạn của những kẻ phản bội hùa nhau từng bước nhuộm đỏ Thúy Nga PBN với những nhà giáo Tô Văn Lai, Nguyễn Ngọc Ngạn, với Nguyễn Cao Kỳ Duyên và những ca nhi ham tiền háo danh, đồng hành với các “đại gia”, lộ rõ hình ảnh của những “thương nữ bất tri vong quốc hận” đú đởn trên sân khấu được đánh giá theo ngôn từ của Việt cộng là “hoành tráng” để vừa vô tình vừa cố ý làm công cụ thi hành Nghị quyết 36 của Việt cộng.
Nhưng, tiếng “lộp cộp” của đôi nạng gỗ đưa chân Việt Dzũng bước lên sân khấu của Trung tâm Asia ngày nào, cũng như sự tiếc thương của tuổi trẻ và đồng bào hiễn hiện trong cuộc biểu tình đầu năm 2014 vừa qua, ở công viên cạnh nhà thờ Ðức Bà Sài Gòn, cho thấy phần thắng của trận chiến âm nhạc trong cuộc chiến Quốc Cộng. Nó đã hiên ngang đẩy lùi những Tô Văn Lai, Nguyễn Ngọc Ngạn, Nguyễn Cao Kỳ Duyên… những ca nhi “bất tri vong quốc hận” vào sự nguyền rủa của dư luận đấu tranh cho tự do dân chủ nhân quyền, cho sự sinh tồn miên viễn của dân tộc; đẩy chúng đến sát chân tường được chúng tô bằng bùn đen pha đỏ ca nhạc, … đẩy chúng vào vào bóng tối nhơ nhuốc của lịch sử vốn dành cho những kẻ phản bội lại chính những điều chúng đã làm khi khởi đầu Thúy Nga PBN chinh phục được lòng mến mộ của nhiều người, bây giờ đã không còn “mềm lòng” vì sự du dương ru ngủ của ca nhạc bị nhuộm đỏ, và chóa mắt vì sự “hoành tráng” của ánh đèn sân khấu hồng hồng đỏ đỏ của Nghị quyết 36…; mà người tinh ý có thể dễ dàng thấy qua cuốn LỤA 106 cùng Vip Party và mới nhứt là cuốn 109 kỷ niệm 30 năm và Vip Party đầy dẫy các khuôn mặt “hoa hậu”, người mẫu… các ca nhi… các đại gia hớn hở ngồi ở hàng ghế đầu; rồi được nịnh bợ giới thiệu là “khách mời danh dự” trong Vip Party sau đó… Nó còn nham nhở hơn khi cuộc “đố vui” làm nổi bật sự tham dự của những kẻ được “chọn sẵn” cõng trên lưng Nghị quyết 36 lên sân khấu Thúy Nga PBN…
Trong mấy ngày đầu năm tiếng “lộp cộp” nghe như lớn hơn từ đôi nạng gỗ của Việt Dzũng đã đi vào lòng tiếc thương của đồng bào, từ hải ngoại về tới Sài Gòn, tới khắp mọi nơi có băng nhạc Asia, vang vọng lời ca của Việt Dzũng, vang vọng âm điệu của những nhạc phẩm để đời của Việt Dzũng, âm điệu của “Chút Quà Cho Quê Hương”, của “Lời Kinh Ðêm”, của “Mời Em Về”… đã thật sự làm ấm lòng người con dân đang đối đầu với những kẻ hời hợt, nhẹ dạ, mềm lòng, ham vui; đối đầu với Việt cộng, ít nhứt cũng trên mặt trận ca nhạc và nhân quyền.
Giáo Già
Phụ đính:
Bài viết của Người Buôn Gió
Nhưng chim đã gãy cánh.
Thứ hai, ngày 30 tháng mười hai năm 2013
Blog Nguoibuongio
Tôi định không viết gì về anh, mặc dù những ca từ Chút Quà Cho Quê Hương, Lời Kinh Đêm hay Mời Em Về của anh đọng sâu sắc trong tôi lúc tôi chỉ mười mấy tuổi. Lúc tôi không ý thức nhiều về chính trị, nhưng thân phận con người trong lời ca của những nhạc phẩm mà anh sáng tác thật khủng khiếp. Có lẽ tôi chưa thấy một nhạc sĩ nào vẽ những nét vẽ về thân phận con người mà sự ám ảnh ghê gớm như Lời Kinh Đêm. Nhất là câu hỏi da diết với trời xanh, biển cả đang làm giống tố quăng quật những con thuyền mong manh giữa trùng khơi.
Biển ngây ngô hay biển man rợ
Biển có buồn hay biển chỉ làm ngơ.
Sở dĩ tôi định không viết bởi tôi hèn. Tuy rằng trong thâm tâm tôi nếu có dịp sang Mỹ, kiểu gì tôi cũng tìm gặp để chào anh một cái bắt tay. Tôi hèn chẳng phải tôi sợ những người cộng sản đối nghịch với anh, họ làm gì tôi. Tôi hèn vì tôi sợ “một số người” những người đấu tranh dân chủ.
Họ sẽ chửi tôi tư cách gì viết về anh hả thằng oắt con Bắc Kỳ. Mày định lăng xê cho bản thân mày à.?
Họ chửi bạn tôi hay thằng em Nguyễn Lân Thắng của tôi như vậy. Chỉ hành động ghé thăm nghĩa trang Biên Hòa, thắp nén hương cho người đã khuất. Nguyễn Lân Thắng bị một số kẻ tự nhận là hậu duệ của quân lực VNCH chửi bới. Họ cho rằng Nguyễn Lân Thắng không đủ tư cách để thắp hương, để bén mảng đến nghĩa trang Biên Hòa nơi những chiến sĩ QLVNCH an nghỉ…. Cho nên tôi cũng sợ khi nhắc đến những người như các anh.
Tôi kể sơ qua lý do vậy, chứ tôi có cách thủ rồi. Giờ viết gì tôi nhận tôi hèn, ngu, lưu manh, cơ hội… nhận một lô xích xông sẵn thế, cho một số nhà “đấu tranh dân chủ” khỏi lo tôi tư cách có hay không. Có chửi tôi thì chả ăn thua vì tôi tự chửi mình trước rồi.
Không biết trình tự của ba nhạc phẩm trên, nhạc phẩm nào có trước. Những cảm nhận của mình tôi sắp xếp trình tự như ở phần đầu. Nhạc phẩm Chút Quà Cho Quê Hương đắng chát, trần trụi về một sự thật tăm tối thời bấy giờ trong nước, trong nhạc phẩm ấy tình trạng đói kém và thiếu thốn về vật chất được phác họa không chút che đậy màu mè, dăm ba thước vải, chiếc nhẫn yêu thương, cây bút máy, hộp diêm nhóm lửa… thú thực khi nghe bài đó. Tôi cũng ước có thân nhân ở nước ngoài để có quà là cây bút máy hay vài chiếc kẹo để ngậm cho ngọt giữa cuộc đời đầy cay đắng vì đói khát, thèm thuồng.
Rồi đến bài Lời Kinh Đêm thật sự tôi không nghĩ đó là cùng một tác giả. Bởi sự trần trụi cay đắng của Chút Quà Cho Hương lớn quá, khiến tôi không nghĩ nổi một nhạc phẩm đầy chất triết lý về sinh tử, chia ly được ẩn sâu trong ca từ như.
Thuyền bấp bênh cuộc sống mơ hồ
Người buông xuôi về nơi đáy nước
Người có mộng một nấm mồ xanh.
Thật khủng khiếp cho những người vượt biển, người vượt biển khi buông xuôi về nơi đáy nước với ước mơ thân xác mình có một nấm mồ xanh cỏ. Như bao nhiêu người chết bình thường khác trên bờ. Người ta có vô vàn ước mơ, nhưng ước mơ chết có được nấm mồ thì mấy nhà văn, nhà thơ nào tưởng tượng nổi. Phải chăng chính sự trải nghiệm của mình qua cuộc vượt biển đã khiến cho anh thấu được ước mơ của những người chết đuối trên biển Đông như vậy.
Thế rồi đột ngột nhạc phẩm Mời Em Về tuy có dấu ấn chung về nỗi buồn thân phận lưu vong như hai bài trước, nhưng nhạc phầm này ca từ lãng mạn một cách êm đềm đến dịu ngọt. Tôi cám ơn anh, mặc dù anh chưa ra Hà Nội lần nào nhưng nét vẽ của anh về Hà Nội, về một bà mẹ Hà Nội tóc bạc ngồi đâu đó đang tụng lời kinh Phật, tiếng Nam Mô buồn… làm tôi nhớ người mẹ già của tôi vô vàn. Người mẹ già của tôi đã bao lần ngồi đâu đó ở ngôi chùa nào của Hà Nội tụng kinh khấn Phật mong cho tôi thoát được cảnh ngục tù.
Bài hát dịu dàng lắm, này Cổ Ngư chiều đổ lá, trong mưa buồn lưa thưa, này phố phường xưa những chiều mưa phủ.
Bài hát mà lời như định mệnh. Mà cả lời của ba bài hát, có bài nào lời không như định mệnh đâu.? Một định mệnh buồn của thân phận tha hương.
Nhưng chim đã gãy cánh
Nhưng mây đã ngừng trôi
Để cho tôi còn lại nơi này.
Mong anh nằm yên bình nơi ấy, nếu có dịp mà tôi sang bên đó. Chắc chắn sẽ đến nấm mồ xanh của anh để thắp nép hương cho một trong những người nhạc sĩ Việt Nam, đã viết những nhạc phẩm về thân phận con người sâu sắc nhất.
Mong lời ca của anh sẽ khiến những con chim xa xứ không bao giờ mỏi cánh ước mơ tìm về với quê cha, đất mẹ. Để chao cánh lượn trên bầu trời Hà Nội, Sài Gòn trong một chiều say nắng.
Chia buồn với trung tâm Asia đã mất đi một người MC ưu tú, người MC quan tâm sâu sát đến từng diễn biến của những người đấu tranh trong nước, nhắc tên những người đấu tranh trên sân khấu giữa hàng nghìn khán giả. Để cho những người yêu nước bên ngoài và những người yêu nước bên trong thấy gần gũi với nhau hơn, gắn bó và hiểu biết nhau hơn. Khoảng trống của anh để lại thật lớn trên sân khấu Asia. Hy vọng những MC như Nam Lộc, Thùy Dương cập nhật tình hình trong nước nhiều hơn và cặn kẽ hơn để lấp khoảng trống mà Việt Dzũng bỏ lại, thiết nghĩ đó cũng là cách tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa và đầy lòng trắc ẩn, bao dung đó.