Việt Á vẫn chưa thể ‘knock out’ được tính chính danh của chế độ
Chỉ mặt đặt tên: “Lũng đoạn Nhà nước”
Ngày 4/1/2022, Chính phủ Việt Nam thừa nhận vi phạm của Công ty cổ
phần công nghệ Việt Á (trong bài viết tắt là “Việt Á”) là vụ việc vi
phạm pháp luật nghiêm trọng, lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để trục lợi. Cụ
thể, truyền thông Nhà nước loan tin, nội dung báo cáo Chính phủ gửi
Quốc hội, nhấn mạnh vụ việc xảy ra tại “Việt Á”, đã được Chính phủ, Thủ
tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra và khởi tố các cá nhân vi phạm. Việt Á
lợi dụng tình trạng dịch bệnh để trục lợi, đồng thời một số cá nhân đã
vi phạm các quy định trong tổ chức thực hiện mua sắm, đấu thầu và lợi
dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Vụ án đã được Ban
Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện Ban
Chỉ đạo theo dõi. Thủ
tướng đã có các văn bản chỉ đạo khẩn trương điều tra và xử lý nghiêm
các trường hợp vi phạm pháp luật, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi bất
chính.
Với bức ảnh được truyền thông trong nước đăng tải sáng 4/1/2022, “Bộ
Tứ” dắt tay nhau trước ông kính các nhà báo như muốn tuyên bố trước quốc
dân đồng bào rằng, “Việt Á” vẫn chưa thể đánh “knock out” được tính
chính danh của chế độ. Chiều 4/1, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ
họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội, Chủ tịch Phúc chỉ đề nghị bổ
sung nhóm giải pháp làm tăng hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, bảo
đảm thu ngân sách nhà nước bền vững hơn; tăng tính minh bạch, công bằng,
tăng vai trò điều tiết công cụ thuế. “Cần có một hệ thống giải pháp chứ
không phải chỉ ‘tung’ tiền ra mà không có biện pháp quản lý sẽ gây ra
hậu quả nghiêm trọng trong thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ”, Chủ
tịch nước nhấn mạnh. Như vậy, trong ngày đầu tiên, chưa thấy ai trong “Bộ Tứ” nói bất cứ điều gì tới “Việt Á” cả.
Trước đó, ngày 3/1/2022, theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung
tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), toàn bộ chi tiết
liên quan đến vụ đại án Việt Á đang sục sôi trong dân chúng từ Bắc vô
Nam, đã diễn ra qua các bước cụ thể sau đây:
1. Việc hình thành các chính sách hạn chế nhập khẩu các bộ kit từ
nước ngoài, nhằm chuẩn bị thị trường độc quyền cho sản phẩm. 2. Việc
hình thành đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, với nguồn vốn lớn từ ngân
sách, do các cơ quan chính thống trong ngành y đồng tham dự, để tăng
tính chính danh cho sản phẩm. 3. Việc các bộ và cơ quan chuyên môn cùng
đồng loạt công bố thông tin về chất lượng sản phẩm (mà hiện nay đã bị
phanh phui là sai) để xây dựng tính chính danh cho sản phẩm. 4. Đồng
thời tạo dự luận và nâng cao tinh thần dân tộc, sử dụng sản phẩm tự chế
của người Việt, thậm chí trao Huân chương Lao động cho đơn vị tạo ra sản
phẩm. 5. Việc ban hành các quy định yêu cầu xét nghiệm trên quy mô
rộng, trong thời hạn ngắn, để việc bắt buộc phải sử dụng sản phẩm trên quy mô và thời gian tương ứng.
Theo dõi các đại án tham nhũng trong 20 năm qua, gây thiệt hại nhiều
chục ngàn tỷ, ta thấy chúng “ăn không chừa thứ gì” và vẫn qua mặt hệ
thống luật pháp đã có sẵn. Kẻ tham nhũng đã trục lợi thông qua quá trình
thực thi hệ thống pháp luật đó, nhưng trên thực tế chúng đã từng bước
“chuyển hoá” hệ thống theo ý mình. Tất nhiên, “Việt Á” là điểm ngoặt, là
“bước nhảy vọt về chất” của quá trình trục lợi từ tài sản của nhà nước
và dân chúng. Theo Giám đốc VESS, đây là sự lũng đoạn công khai đối với
toàn bộ hệ thống Đảng, Nhà nước và Chính quyền (Chủ tịch nước kiêm Tổng
Bí thứ tặng Huân chương “rởm”). Điều khác biệt lớn nhất so với các đại
án trước đây là “mối chúa” đã liều lĩnh đứng ra kết nối các khâu trong
quá trình hoạch định chính sách và hình thành nên các quy định pháp
luật. Trên cơ sở đó, hệ thống quy định ấy được thực thi dưới lớp vỏ
“chính danh” và “hợp pháp”, đem lại lợi nhuận kếch xù cho những kẻ lũng đoạn từ trung ương đến 63 tỉnh thành.
Tất nhiên, nhận định này chỉ là có công “chỉ mặt đặt tên” thôi, còn cái
Đảng/Chính phủ/Nhà nước nầy đã bị lũng đoạn từ rất lâu rồi.
Các bài học rút mãi không hết, nếu…
Trong một động thái chưa từng có tiền lệ như đã nói ở đầu bài, Thường
trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã
thống nhất yêu cầu Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm
sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, chỉ
đạo các cơ quan chức năng tập trung lực lượng, khẩn trương, quyết liệt,
mở rộng điều tra làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm các sai phạm
theo quy định của pháp luật; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Tuy nhiên, có điều kỳ lạ là mặc dù trước đây, Chủ tịch Quốc hội Vương
Đình Huệ đã có tuyên bố mạnh mẽ về đại án “Việt Á”, nhưng tại bài phát
biểu khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất sáng 4/1, ông cũng chỉ đề
cập đến việc xử lý Việt Á như một trong những sai phạm, tiêu cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nói chung.
Để xử lý nghiêm đại án “Việt Á” đã lừa toàn xã hội phải hành động
nhanh và quyết liệt. Tuy quá trình điều tra vụ “Việt Á” còn đang tiếp
diễn và mở rộng, nhưng ngay từ bây giờ đã có thể rút ra được các bài
học: Thứ nhất là, Việt Á không thể một mình dắt voi qua rào nếu không có
hậu thuẫn của các Bộ liên quan. Thứ hai là, nhóm lợi ích về y – dược dù
mạnh đến đâu cũng không dễ thao túng được chính sách, nếu không có lỗ
hổng do thể chế lỗi thời. Thứ ba là, “Việt Á” và các quan chức suy thoái
không dễ gì lừa toàn xã hội nếu Quốc Hội và báo chí làm tốt vai trò
giám sát quyền lực. Thứ tư là, sự móc nối giữa các nhóm mafia không dễ
qua mặt được nhân dân nếu dân trí cao và có xã hội dân sự mạnh. Cả bốn
bài học này cho thấy, điểm tắc nghẽn lớn nhất là ý thức hệ và thể chế
lỗi thời đang ngăn cản quá trình đổi mới vòng hai, làm cho đổi mới nửa
vời và thiếu đột phá, chỉ nặng về hình thức mà thiếu thực chất. Nói cách
khác, quá trình đổi mới bị các nhóm lợi ích thân hữu thao túng và vô
hiệu hóa trong thời kỳ quá độ kéo dài vô hạn. Kết cục là mục tiêu công
nghiệp hóa đã bị đẩy lùi, nền pháp trị và xã hội dân sự bị thui chột,
làm cơ chế kiểm soát và giám sát quyền lực không có hiệu quả.
Trong bối cảnh đó, không tránh được tham nhũng và độc quyền, đặc biệt
là tham nhũng chính sách, lợi dụng thể chế để trục lợi. Việt Á chỉ là
phần nổi của tảng băng chìm, với các nhóm lợi ích như con bạch tuộc ba
đầu sáu tay. Muốn dẹp được các sân sau như “VN Pharma” hay “Việt Á”,
phải đổi mới thể chế toàn diện và triệt để. “Việt Á” và các quan chức
suy thoái đã lừa toàn xã hội, theo cựu đại biểu Quốc hội Dương Trung
Quốc, vì vai trò giám sát quyền lực của Quốc hội và báo chí bị vô hiệu hóa bởi các nhóm lợi ích độc quyền đang thao túng thể chế.
Thách thức lớn nhất của cải cách thể chế là gì? Tính chính danh của ĐCS phụ thuộc vào thành tích kinh tế, nhưng tăng trưởng phải dựa vào các doanh nghiệp. Trong giai đoạn khủng hoảng trước Đại hội toàn quốc ĐCS lần thứ 12 năm 2016 hệ thống các doanh nghiệp nhà nước đã sụp đổ, nền kinh tế nay nhờ vào doanh nghiệp FDI và tư nhân trong nước. Mặc dù Đảng muộn mằn nhận ra “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng”, “Chính phủ kiến tạo” đã thúc đẩy khởi nghiệp và môi trường kinh doanh, nhưng vụ “Việt Á” cho thấy cải cách chính trị đã không đáp ứng tình hình thực tế. Tiếp tục cải cách phải thay đổi mục tiêu và nhiệm vụ. Nếu trong nhiệm kỳ Đại hội 12 (2016-2021) Chính phủ đã tập trung “cải cách thể chế là dư địa tăng trưởng”, thì trong nhiệm kỳ Đại hội 13 (2021-2026) cải cách thể chế phải “vì dân”, phục hồi sức dân và tăng quyền tự do, dân chủ của người dân để kiểm soát quyền lực đảng. Các bài học sẽ rút mãi không hết, nếu… “đảng quyền” không được thay thế bằng “pháp quyền”.
Hoàng Thành – 5/1/22
https://www.voatiengviet.com/a/viet-a-chua-knock-out-duoc-tinh-chinh-danh-che-do/6382643.html