Viện trợ vũ khí cho Ukraina: Hoa Kỳ đã đi đến mức giới hạn

Cac Bai Khac

No sub-categories

Viện trợ vũ khí cho Ukraina: Hoa Kỳ đã đi đến mức giới hạn

10/10/2022 – Thanh Phương – Quân đội Mỹ sắp tới đây sẽ không thể tiếp tục cung cấp các vũ khí hiện đại cho Ukraina, vì kho dự trữ của Hoa Kỳ nay đã xuống đến mức giới hạn, nhất là về đạn dược. Đó là cảnh báo của các quan chức và các chuyên gia Mỹ vào cuối tuần trước. 

Kể từ khi Nga xua quân xâm lăng Ukraina, Hoa Kỳ là quốc gia cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Kiev, vượt xa các nước khác, với tổng cộng gần 17 tỷ đôla viện trợ quân sự.

Nhưng theo lời chuyên gia Mark Cancian, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nguyên là quan chức đặc trách mua sắm vũ khí của Lầu Năm Góc từ năm 2008 đến năm 2015, được hãng tin AFP trích dẫn ngày 08/10/2022, kho dự trữ một số thiết bị quân sự của quân đội Mỹ “nay đã xuống đến mức tối thiểu cần thiết cho việc lập kế hoạch tác chiến và cho việc huấn luyện”. Việc phục hồi kho dự trữ cho bằng với mức trước chiến tranh Ukraina có thể sẽ kéo dài “nhiều năm”. 

Ngành công nghiệp quốc phòng của Hoa Kỳ đã buộc phải cắt giảm rất mạnh sản xuất vũ khí trong thập niên 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ, chiến tranh lạnh chấm dứt. Số tập đoàn quốc phòng và chế tạo máy bay chỉ trong vài năm đã giảm từ 51 xuống còn 5.

Bây giờ, chính phủ Mỹ đang cố thuyết phục ngành công nghiệp khởi động lại các dây chuyền sản xuất đã bị bỏ rơi, chẳng hạn như sản xuất tên lửa đối không Stinger, vốn đã bị ngưng hoàn toàn kể từ năm 2000.

Một số vũ khí đó nay đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh Ukraina, chẳng hạn như súng chống tăng Javelin, mà lực lượng Kiev đã sử dụng rất nhiều vào đầu cuộc chiến để đẩy lùi các đoàn xe tăng của Nga. Lợi hại hơn cả là hệ thống pháo phản lực Himars, trợ thủ đắc lực cho quân Ukraina trong các cuộc phản công ở miền nam và miền đông trong những tuần qua.

Vấn đề là, theo chuyên gia Mark Cancian, kho dự trữ tên lửa dẫn đường chính xác có tầm bắn hơn 80 km dành cho hệ thống Himars lại có số lượng hạn chế. Hiện giờ, tập đoàn Lockheed Martin mỗi năm chỉ sản xuất 5.000 tên lửa đó. Cho dù chính phủ Mỹ tháo khoán các ngân sách để đẩy nhanh việc sản xuất, cũng phải mất nhiều năm mới có thể khôi phục kho dự trữ.

Cũng như vậy, tính cho tới nay, Washington đã cấp cho Kiev tổng cộng 8.500 tên lửa cho súng chống tăng Javelin, nhưng sản lượng hàng năm của loại tên lửa này chỉ là 1.000. Theo hãng tin AFP, tháng 5 vừa qua, chính phủ Hoa Kỳ đã đặt mua 350 triệu đô la vũ khí từ một công ty liên doanh giữa Raytheon và Lockheed Martin. Cho dù vậy, cũng phải mất nhiều năm kho dự trữ mới trở lại mức như trước.

Các số liệu của Lầu Năm Góc cho thấy là quân đội Mỹ đã cấp tổng cộng 880.000 đạn súng cối 155 ly cho Ukraina, tức là chiếm đến 3/4 tổng số đạn theo tiêu chuẩn NATO mà phương Tây viện trợ cho Kiev. Như vậy là về loại đạn này, Hoa Kỳ đã tiến gần đến mức cho phép để bảo tồn khả năng phòng thủ của chính nước này. Tuy vậy, theo lời chuyên gia Cancian, nhiều nước khác trên thế giới cũng sản xuất đạn súng cối 155 ly và ít có khả năng việc cung cấp loại đạn cho quân đội Ukraina sẽ bị ngưng.

Theo hãng tin AFP, hôm thứ Ba tuần trước, bà Laura Cooper, quan chức đặc trách về nước Nga của Lầu Năm Góc, đã bảo đảm là sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng đang được đẩy nhanh và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraina “chừng nào còn cần thiết”. 

Tình hình của Hoa Kỳ cũng là tình hình chung của các nước phương Tây. Trong những tháng qua, phương Tây đã hào phóng lấy từ kho dự trữ vũ khí của mình để giúp chính quyền Kiev đẩy lùi quân xâm lược Nga. Nay các nước này buộc phải huy động ngành công nghiệp quốc phòng để có thể vừa bảo toàn khả năng phòng thủ, vừa có thể tiếp tục hỗ trợ cho Ukraina.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20221010-vi%E1%BB%87n-tr%E1%BB%A3-v%C5%A9-kh%C3%AD-cho-ukraina-hoa-k%E1%BB%B3-%C4%91%C3%A3-%C4%91i-%C4%91%E1%BA%BFn-m%E1%BB%A9c-gi%E1%BB%9Bi-h%E1%BA%A1n