Viễn ảnh đời sống của nông dân miền Tây

Cac Bai Khac

No sub-categories

Viễn ảnh đời sống của nông dân miền Tây

Nạn hạn hán và xâm nhập mặn được cho là nặng nhất trong vòng 100 năm qua, ảnh chụp ngày 8 tháng 3 năm 2016.

 AFP PHOTO
Hòa Ái, phát thanh viên RFA
2016-03-21
Nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách trước nạn hạn hán và xâm nhập mặn được cho là nặng nhất trong vòng 100 năm qua. Viễn ảnh đời sống của bà con miền Tây, những người chuyên trồng trọt, chăn nuôi sẽ ra sao trong thời gian tới? Hòa Ái tìm hiểu và được nghe chia sẻ, tâm tình của những người nông dân ở nơi đây. 

Lớp mặn, lớp thời tiết lạnh thành ra hột lúa không có hột gạo. Lúa sắp sửa trổ, xanh mướt hết trơn. Năm nay trúng mà không được ăn.

Có lẽ chưa bao giờ những người con dân đất Việt từng mảy may nghĩ đến có một ngày vùng đồng bằng trù phú ở miền Tây Nam Bộ đối diện thảm cảnh đến mức Chính phủ Việt Nam phải kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ, cứu trợ nhân đạo khẩn cấp để đối phó với nạn hạn hán và xâm nhập mặn như hiện nay. Mặc dù những tổn thất của vùng đất được thiên nhiên ưu đãi này bị tác động không ít bởi tình trạng ấm lên toàn cầu, do các nước láng giềng trên dòng thượng nguồn sông Mekong xây đập thủy điện hay tình trạng khai thác rừng đầu nguồn tràn lan, thậm chí gia tăng vụ mùa trồng lúa sử dụng nhiều nước ngọt trong mùa nắng khô nhưng dư luận thật bàng hoàng xót xa trước các thông tin và hình ảnh những con mương cạn nước, nền ruộng nứt nẻ, cây lúa chết khô, nhiều diện tích vụ lúa Xuân – Hè bị bỏ không, cá chết phơi bụng trong ao hồ… thuộc phạm vi 8 trên 13 tỉnh thành tại khu vực vựa lúa quốc gia phải công bố tình hình thiên tai mức độ nguy hiểm cấp 1. Đặc biệt đối với những người được sinh ra và lớn lên ở ĐBSCL lòng đau quặn thắt khi nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, ông Cao Đức Phát nhận định đây là thiên tai lịch sử trong vòng một thế kỷ và những lời trần tình của nông dân dù lúa trúng mùa nhưng toàn lúa lép.
“Lớp mặn, lớp thời tiết lạnh thành ra hột lúa không có hột gạo. Lúa sắp sửa trổ, xanh mướt hết trơn. Năm nay trúng mà không được ăn.”
Theo dòng lịch sử, vùng đất khẩn hoang “chim trời cá nước” miền Tây Nam Bộ luôn ưu ái với những con người gắn bó cùng ruộng đồng nơi mảnh đất hào sảng này. Họ trồng trọt quanh năm. Bên cạnh những cánh đồng lúa mênh mông cò bay thẳng cách còn có những mảnh vườn cây cối xum xuê. Mùa nước lụt, cá theo dòng Mekong tràn về bắt ăn không hết thì người dân phơi khô, làm mắm để dành cho mùa khô ráo. Những gia đình không được khá giả thì bữa cơm hằng ngày cũng đắp đổi với cá sông và rau đồng mọc xung quanh nhà. Dù thiên tai, dù chiến tranh hay trong thời kỳ bao cấp, người dân ở đây cũng được cho là sống dễ dàng hơn so với các vùng miền khác.
000_Hkg10192640
Một cánh đồng khô hạn vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Thời kỳ Việt Nam đổi mới và trở thành quốc gia xuất khẩu mạnh các mặt hàng gạo và các loại nông sản cũng như hải sản, nhiều nông dân ở miền Tây được thiên hạ đặt cho biệt danh mỹ miều “Đại gia Hai Lúa” khi họ bỗng nhiên trở thành những người giàu có nhờ vào việc nuôi trồng của mình. Tuy câu chuyện về một nông dân ở miền Tây được đổi đời, lên Sài Gòn mua xe gắn máy cho cả gia đình, hỏi người bán rằng “loại xe Dream này bao nhiêu một chục” vẫn còn là câu chuyện cười giải khuây cho nhiều người thì quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa gây tác động tiêu cực ít nhiều lên đời sống của nông dân ở vùng đất này. Hòa Ái liên lạc với một người bạn học cũ ở Đồng Tháp và được nghe chia sẻ:
“Người ta làm đường cao lên, làm giống như cái cống để cho nước vô nhưng nước đâu vô tới nổi. Không giống như dòng sông hồi xưa nên đâu có đường nước nào vô mà trồng lúa được nữa. Mấy năm trước chuyển sang trồng mè vì mè không cần tưới, giờ khô quá mà không mưa kịp nên cũng không trồng mè được nữa. Rồi lên liếp (luống) trồng cỏ mà cỏ cũng không sống nổi. Mới trồng cỏ năm ngoái, năm nay mới mua bò đẻ về nuôi. Nuôi được 2 con, đang có bầu 1 con. Lúc này mới có hơi khô khô mà muốn quéo cỏ rồi mà không biết chừng nào mới có mưa nữa.”
Liên quan đến tình trạng nông dân miền Tây đang đối diện hạn hán và xâm nhập mặn có tính chất kỷ lục, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng không chỉ vì “thiên tai” mà do cả yếu tố “nhân tai”. Các chuyên gia này phân tích việc xây dựng những bờ kè kiên cố ven sông làm mất khả năng trao đổi nước trong đất và dòng sông khiến cho dễ dàng ngập lụt hơn và lún sụt nhanh hơn. Đồng thời, việc xây dựng những cống đập, đê biển kiên cố làm gián đoạn sự trao đổi của dòng nước ngọt – mặn giữa đất liền và biển gây xáo trộn cho cả phần bên trong đê tích lũy nước ô nhiễm nhiều hơn và phần ngoài đê rừng ngập mặn bị chết lần mòn.

Tại vì hoàn cảnh đẩy đưa thì ráng về đây chứ tôi thích ở trong đồng. Tại vì sáng mình vác cuốc hay vác phản ra mình phác, mình chế gì đó cũng được hưởng mùi không khí trong lành còn ở thành phố nghẹt thở quá, xe cộ, tiếng ồn tùm lum hết trơn. – Ông Hai Lúa

Trong khi giới chức chính quyền từ Trung ương đến địa phương cùng các nhà khoa học tìm biện pháp giải cứu tình hình cũng như hỗ trợ cho nông dân ở vùng bị ảnh hưởng nặng nề và ngay cả GS Võ Tòng Xuân lên tiếng “mặn, hạn là cơ hội tái cơ cấu nông nghiệp” nhưng đài Á Châu Tự Do ghi nhận có nhiều hộ nông dân muốn bán hết ruộng vườn, chuyển ra thành thị sinh sống. Trao đổi qua điện thoại, một nông dân ở Cần Thơ xưng danh Hai Lúa nhấn mạnh “không phải đại gia”, cho biết ông quyết định rời bỏ đất cù lao nơi cả đời ông gắn bó vì nghề nông không được như xưa nữa; gặp nạn hạn hán, xâm nhập mặn như bây giờ cũng khổ mà dù có được mùa cũng không khá gì vì bị thương lái chèn ép giá cả nên quyết định ra thành thị càng sớm càng tốt để con cái có điều kiện thuận tiện học hành, kiếm nghề nuôi thân chứ không theo nghề nông cha truyền con nối được nữa:
“Tại vì hoàn cảnh đẩy đưa thì ráng về đây chứ tôi thích ở trong đồng. Tại vì sáng mình vác cuốc hay vác phản ra mình phác, mình chế gì đó cũng được hưởng mùi không khí trong lành còn ở thành phố nghẹt thở quá, xe cộ, tiếng ồn tùm lum hết trơn. Vì cuộc sống thì mình ráng theo vậy thôi chứ thực chất mình không thích ở đây làm gì.”
Ông Hai Lúa cũng cho biết thêm hiện chòm xóm cũ đang lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan vì muốn giống như gia đình ông mà không đi được.
“Họ cũng bán mà bán không được. Kinh tế bây giờ cũng khó khăn. Nhờ mấy công ty mua mới có bán được nhưng công ty không cần mua nữa thì bây giờ nằm chịu chứ biết làm sao.”
Là một người con của xứ sở miền Tây, Hòa Ái trao đổi với rất nhiều nông dân ở ĐBSCL và được cho biết họ không lạc quan gì lắm trong thời gian tới dù nghe tin tức hàng ngày được cập nhật là hàng chục ngàn héc-ta lúa ở những vùng bị ảnh hưởng do hạn hán và xâm nhập mặn được cứu hay những nông dân ở những vùng không bị ảnh hưởng bán được lúa với giá cao… Họ tâm tình nghề nông nhờ vào thiên nhiên “mưa thuận gió hòa” nhưng dường như những năm gần đây ông Trời không còn đãi ngộ người nông dân nữa, sớm muộn gì họ cũng phải bỏ nghề mà thôi. Không hẹn nhưng rất giống nhau, chấm dứt buổi nói chuyện cùng Hòa Ái, mỗi một người nông dân đều kết thúc bằng câu nói “Không biết sao nữa cô ơi! Rồi mai này cũng không biết giải thích cho con cháu thế nào là ‘chiều chiều quạ nói với diều/cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm’.”